04/05/2018
Ngày 19/3/2018, Sudan - cá thể đực cuối cùng của loài tê giác trắng phương Bắc trên thế giới đã mất ở tuổi 45 (tương đương với 90 tuổi ở con người), tại Khu bảo tồn Ol Pejeta (Kenya). Sự ra đi vĩnh viễn của Sudan đã dẫn đến thêm một loài nữa bị tuyệt chủng và là những hồi chuông cuối cùng để thức tỉnh nhận thức của cộng đồng phải chung sức bảo vệ quyền sống của động vật hoang dã.
Sự ra đi của Sudan - hồi chuông cảnh tỉnh nhận thức cộng đồng
Trong vài tháng vừa qua, Sudan đã lâm trọng bệnh, cơ và xương bị thoái hóa, còn da phần chân sau bị viêm, loét nghiêm trọng khiến nó không thể đứng dậy và chịu rất nhiều đau đớn. Mặc dù đã được các bác sỹ tận tình cứu chữa nhưng vì vấn đề sức khỏe do tuổi già và nhiễm trùng, nên tình trạng của nó càng trở nên nghiêm trọng. Cuối cùng, nhóm bác sỹ thú y đã quyết định giải thoát cho nó bằng một “cái chết êm ái” vào ngày 19/3.
Cái chết của cá thể tê giác này khiến thế giới chỉ còn lại hai cá thể tê giác trắng khác, đó là con gái của Sudan - Najin và con gái của Najin - Fatu đang sống trong Khu bảo tồn Ol Pejeta. Hy vọng duy nhất cho việc bảo tồn loài động vật này bây giờ phụ thuộc vào sự phát triển của kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), sử dụng trứng của hai cá thể cái còn lại, các mẫu tinh trùng được lưu giữ của cá thể tê giác trắng phương Bắc đực và các cá thể tê giác trắng Nam Phi cái để mang thai hộ.
Trước khi qua đời, Sudan là đại sứ toàn cầu đại diện cho loài tê giác, xuất hiện trong những bộ phim tư liệu và các chiến dịch giáo dục cộng đồng với mục đích giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ sừng tê của WildAid, bên cạnh những nhân vật có tầm ảnh hưởng tại Trung Quốc và Việt Nam, bao gồm Yao Ming, Jiang Yijan và MC Phan Anh. Sự hy sinh của Sudan sẽ trở thành một khoảnh khắc mang tính biểu tượng cho công tác bảo tồn trên toàn thế giới, nhằm thức tỉnh nhận thức của cộng đồng về nguy cơ tuyệt chủng của không chỉ tê giác mà rất nhiều những loài vật khác đang phải đối mặt.
Từ năm 2013, Nam Phi đã mất hơn 1.000 cá thể tê giác mỗi năm do nạn săn trộm. Sừng của chúng được trung chuyển tới Trung Quốc và Việt Nam với mục đích sử dụng như thuốc bổ cho sức khỏe và làm đồ chạm khắc. Loài tê giác trắng Phương Bắc đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, trong 5 loài tê giác, chỉ còn lại khoảng 30.000 cá thể tê giác hoang dã. Trong đó, khoảng 20.000 cá thể tê giác trắng Nam Phi tập trung chủ yếu ở Nam Phi, khoảng 5000 cá thể tê giác đen phân bố ở Nam và Đông Phi, khoảng 3.500 cá thể tê giác một sừng Ấn Độ sinh sống tại Nepal và Ấn Độ, ít hơn 100 cá thể tê giác Sumatran và khoảng 60 cá thể tê giác Java.
Nguyên nhân nào dẫn đến sự tuyệt chủng của tê giác
Cuộc khủng hoảng săn bắt trộm trong những năm 1970 và 1980, bắt nguồn từ nhu cầu về sừng tê giác trong y học cổ truyền Trung Quốc ở Châu Á và dao găm ở Yemen, đã quét sạch cộng đồng tê giác trắng phương Bắc tại Uganda, Cộng hòa Trung Phi, Sudan và Chad. Cộng đồng tê giác hoang dã cuối cùng bao gồm 20-30 con tê giác tại Vườn quốc gia Garamba ở Cộng hòa Dân chủ Congo đã phải đối mặt với các cuộc chiến tại khu vực này trong những năm 1990 và đầu những năm 2000. Đến năm 2008, tê giác trắng phương Bắc được hầu hết các chuyên gia cho là tuyệt chủng trong tự nhiên.
Vào năm 2009, bốn cá thể tê giác trắng phương Bắc cuối cùng - 2 cá thể đực, 2 cá thể cái - đã được chuyển về Ol Pejata từ Vườn thú Dvůr Králové - Cộng hoà Séc, với sự hỗ trợ từ Fauna & Flora International. Với hy vọng khí hậu và đồng cỏ của khu bảo tồn - nơi điều kiện sống tương tự như môi trường sống của loài vật này, sẽ mang đến những điều kiện sinh sản thuận lợi cho chúng. Khi đến với Ol Pejeta, cả bốn cá thể đều được đặt dưới sự bảo vệ vũ trang 24 giờ và chế độ ăn bổ sung giàu dinh dưỡng. Tuy nhiên, mặc dù các cá thể đã giao phối, vẫn không có một trường hợp mang thai thành công.
Vào đầu năm 2014, kế hoạch đưa một cá thể tê giác trắng Nam Phi tới giao phối với hai cá thể tê giác trắng đã được thực hiện với hy vọng nếu thành công, con lai giữa hai loài sẽ ít nhất bảo tồn một số gen của tê giác trắng phương Bắc. Một lần nữa, kế hoạch này lại thất bại. Các cuộc kiểm tra sau đó đã kết luận rằng cả hai cá thể cái đều không có khả năng sinh sản tự nhiên và chỉ có một con là đủ khả năng để tiến hành thụ tinh nhân tạo. Cái chết của một trong hai cá thể tê giác trắng đực - Suni, vì những nguyên do tự nhiên vào tháng 10/2014 càng nhấn mạnh thêm sự cần thiết phải nhanh chóng đưa ra các biện pháp thay thế.
Với sự hạn chế trong các lựa chọn, các nhà khoa học đang cố gắng phát triển “phương pháp thụ tinh nhân tạo” bao gồm cả IVF để cứu lấy loài động vật này. Khu bảo tồn Ol Pejeta và Vườn thú Dvůr Králové đã hợp tác cùng IZW Berlin, Avantea Cremona và Dịch vụ Động vật Hoang dã Kenya thử nghiệm và tiến hành những bước đầu tiên để thu thập tế bào trứng từ những cá thể cái còn lại, thụ tinh trứng với tinh trùng thu thập trước đó từ cá thể tê giác trắng phương Bắc và cấy phôi thai vào cá thể tê giác trắng Nam Phi cái được chọn làm cá thể mang thai hộ. Phương pháp này chưa bao giờ được thử nghiệm trên tê giác và không phải là không có những rủi ro.
Chi phí ước tính cho IVF- từ việc phát triển phương pháp, đến các thử nghiệm, cấy ghép và tạo ra một đàn cá thể trắng phương Bắc có khả năng sinh sản - có thể lên đến 9 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên đây là hy vọng duy trì toàn bộ một loài. Ol Pejeta và Sở thú Dvůr Králové đang yêu cầu những người ủng hộ ủng hộ chiến dịch này để tưởng niệm Sudan và giúp tăng ngân quỹ cần thiết trước khi quá muộn.
Người kiểm lâm phủ phục bên thi thể của Sudan
Đỗ Tiến Đạt
Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2018)