02/11/2018
Giải thưởng Môi trường Goldman công nhận những nhà hoạt động cơ sở vì những thành tựu quan trọng trong công tác BVMT. Giải thưởng được trao tặng hàng năm cho các anh hùng môi trường từ 6 khu vực lục địa (châu Phi; châu Á; châu Âu; các đảo và đảo quốc; Bắc Mỹ; Nam và Trung Mỹ) trên thế giới. Mới đây, Quỹ môi trường Goldman đã công bố 7 người nhận Giải thưởng Môi trường Goldman năm 2018, trong đó bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) vinh dự là người Việt Nam đầu tiên được nhận Giải thưởng cao quý này. Để tìm hiểu rõ hơn về những đóng góp của bà trong lĩnh vực môi trường tại Việt Nam, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với Giám đốc GreenID Ngụy Thị Khanh.
PV: Được biết, bà từng có dự định trở thành một nhà ngoại giao, vậy cơ duyên nào mà bà lại chọn lĩnh vực môi trường?
Bà Ngụy Thị Khanh: Lĩnh vực môi trường hay năng lượng có duyên với tôi từ nhỏ. Đến thời đại học, tôi tiếp tục hứng thú với nó. Học chuyên ngành chính trị và ngoại giao (Học viện Ngoại giao), từng ước mơ trở thành nhà ngoại giao, nhưng sau khi tốt nghiệp, tôi quyết định làm về phát triển cộng đồng, bảo tồn tài nguyên nước và năng lượng bền vững, bước chân rong ruổi trên nhiều nẻo đường đất nước. Khi học về Nghị định thư Kyoto về môi trường, tôi được thầy truyền cảm hứng, càng học càng thích, càng đọc càng ngấm. Sự thích thú này đã dẫn tôi đến con đường phát triển hoạt động BVMT.
Bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc GreenID
Quá trình làm về bảo vệ nguồn nước từ tác động của thủy điện ở Quảng Nam, hình ảnh bà con sống trong căn nhà dột nát, đời sống chông chênh, nước không có để dùng trong sinh hoạt khiến tôi day dứt và tự hỏi: "Liệu có cách nào để giúp người dân thoát khỏi cảnh tượng đó, phát triển năng lượng liệu có con đường nào khác ít gây ra tác động môi trường?". Tuy nhiên, đến nay thủy điện gần như đã được quy hoạch và khai thác tối đa trên các dòng sông. Khi nghiên cứu về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện 7), tôi thấy kế hoạch mở rộng phát triển nhiệt điện mới bắt đầu. Nhận thấy, nếu làm ngay từ đầu thì sẽ giảm tổn hại cho xã hội, vì vậy, tôi cùng các chuyên gia, đồng nghiệp nghiên cứu để tìm kiếm các giải pháp nhằm hạn chế và thay thế dần cho nhiệt than, hướng tới một tương lai năng lượng xanh hơn.
PV: Bà có thể cho biết những tổn thất và tác động môi trường của nhiệt điện than tại Việt Nam?
Bà Ngụy Thị Khanh: Nhiệt điện than được thế giới nhìn nhận là một nguồn năng lượng hóa thạch cần phải giảm bớt vì những hệ lụy lớn đối với khí hậu, môi trường sinh thái và sức khỏe của cộng đồng. Nhiệt điện than được ví như một cỗ máy sử dụng nước khổng lồ và nguồn nước trả lại môi trường có nhiệt độ cao hơn nước đầu vào từ 7-11 0C. Điều này có tác động tiêu cực tới các loài thủy sinh. Để sản xuất ra 1Mwh điện năng thì cần 4.163 lít nước, ví dụ như Nhà máy nhiệt điện Long An 1, nếu được xây dựng thì mức tiêu thụ nước trong 1 ngày gấp 3 lần hệ thống cấp nước sạch của cả TP. Hà Nội. Tro xỉ thải ra của các nhà máy nhiệt điện cũng là một vấn đề nan giải hiện nay, đe dọa ô nhiễm nguồn nước và đất nếu không có giải pháp căn cơ. Năm 2015, các nhà máy nhiệt điện thải ra môi trường khoảng 15,5 triệu tấn tro xỉ và sẽ là 30 triệu tấn vào năm 2020, đến năm 2030 con số này sẽ là 423 triệu tấn và sẽ cần một diện tích chứa xỉ thải của các nhà máy nhiệt điện khoảng 20.000 ha (bằng 28% diện tích của Singapore) và gần bằng diện tích đất để phát triển 20.000 MW điện mặt trời.
Than đá là một loại nhiên liệu phát điện gây ô nhiễm nhất, thải ra 40% lượng khí nhà kính toàn cầu và là một nguồn chủ yếu gây ô nhiễm không khí, nước. Đốt than để phát điện sẽ gây phát thải khí các bon và các chất gây ô nhiễm không khí như SO2, NOx, bụi mịn PM2.5. Đây là một nguồn gây ô nhiễm không khí trầm trọng và ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cộng đồng. Theo kết quả nghiên cứu mô hình khuếch tán ô nhiễm không khí do nhiệt điện than ở châu Á năm 2015 của Đại học Harvard (Mỹ), ô nhiễm không khí do nhiệt điện than ở Việt Nam tính vào năm 2011 có liên quan tới khoảng 4.000 ca tử vong sớm và con số này sẽ tăng lên xấp xỉ 4 lần vào năm 2030 nếu tất cả các nhà máy nhiệt điện than (theo quy hoạch) được xây dựng ở Việt Nam. Theo quy hoạch này, một lượng lớn than sử dụng ở Việt Nam là than nhập khẩu, làm gia tăng sự lệ thuộc của đất nước vào các nguồn nhập khẩu đắt đỏ.
PV: Trước những hiểm họa của nhiệt điện than, bà có đề xuất, kiến nghị gì nhằm thúc đẩy kế hoạch phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam?
Bà Ngụy Thị Khanh: Từ năm 2013 - 2015, tôi đã cùng nhiều chuyên gia và đồng nghiệp tiến hành các nghiên cứu, tổ chức nhiều tọa đàm về những bất cập của Quy hoạch điện 7; những tác động tiêu cực của nhiệt điện than đối với môi trường, an ninh năng lượng quốc gia, sinh kế và phát triển bền vững của địa phương; tiềm năng của sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và đánh giá nhu cầu sử dụng điện theo kịch bản phát triển kinh tế tăng trưởng hàng năm ở mức 7%. Tổng hợp các kết quả nghiên cứu trên, năm 2015, chúng tôi đưa ra kiến nghị Quy hoạch điện 7 điều chỉnh nên giảm 33% nhu cầu điện vào năm 2030 so với Quy hoạch điện 7, trong đó giảm nhiệt điện than và không cần thiết phải phát triển điện hạt nhân mà vẫn đảm bảo an ninh năng lượng. Tháng 3/2016, Chính phủ đã ban hành Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, trong đó, cắt khoảng 20.000 MW nhiệt điện than ra khỏi Quy hoạch điện quốc gia, đồng thời tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối lên 21% trong kế hoạch nguồn điện tổng thể đến năm 2030.
Bà Khanh và đồng nghiệp tham quan mô hình đèn LED tại Trường mầm non xã Hải Hà, Hải Hậu, Nam Định
Tiếp nối nỗ lực trên, tháng 6/2018, GreenID đã đưa ra đề xuất kịch bản cho tương lai năng lượng sạch của Việt Nam đáp ứng mục tiêu của Thỏa thuận Pari về biến đổi khí hậu. Theo đó, Bản Thiết kế tương lai cho năng lượng sạch Việt Nam đề xuất đến năm 2030 tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo từ khoảng 21% lên 30%; tăng tỷ trọng nhiệt điện khí từ 14,7% lên 22,8%; và giảm tỷ trọng của nhiệt điện than từ 42,6% xuống còn 24,4% trong tổng cơ cấu nguồn điện. Chúng tôi cũng đưa ra đề xuất thực hiện phát triển điện mặt trời áp mái, với sáng kiến “triệu ngôi nhà Xanh vì Việt Nam thịnh vượng” tại Tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam 2018.
PV: Bà có suy nghĩ gì khi là người Việt Nam đầu tiên được nhận Giải thưởng Môi trường Goldman?
Bà Ngụy Thị Khanh: Giải thưởng Môi trường Goldman được thành lập năm 1989 bởi các nhà lãnh đạo công dân San Francisco (Mỹ), nhà từ thiện Richard và Rhoda Goldman. Những người đạt giải được lựa chọn bởi một Ban giám khảo quốc tế, từ những đề cử bí mật do một mạng lưới các tổ chức và cá nhân môi trường trên toàn thế giới đệ trình. Giải thưởng được công bố vào tháng 4 hàng năm, trùng với thời điểm Ngày Trái đất. Tiêu chí trao giải theo thứ tự ưu tiên gồm: Những thành tựu mới đem lại sự cải thiện cho môi trường và truyền cảm hứng cho người khác; những sáng kiến tại cộng đồng...
Tôi vô cùng vinh dự và cũng bất ngờ khi được nhận Giải thưởng danh giá này. Đó là sự ghi nhận quan trọng của cộng đồng quốc tế đối với những nỗ lực BVMT, phát triển năng lượng sạch, giảm sự phụ thuộc vào nhiệt điện than ở Việt Nam trong thời gian qua.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!
Vũ Nhung (Thực hiện)
Năm 2011, Bà Ngụy Thị Khanh thành lập Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID). GreenID hoạt động để góp phần nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững cho Việt Nam, khu vực Mê Công và hiện đang nỗ lực để trở thành một tổ chức phi chính phủ Việt Nam có uy tín và đi tiên phong trong thúc đẩy ngành năng lượng bền vững.thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam, quản lý tốt hơn tài nguyên nước, không khí và phát triển xanh.. Bà đồng thời là thành viên sáng lập Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam, một mạng lưới gồm 121 thành viên là các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực môi trường cùng hợp tác về các vấn đề năng lượng tại Việt Nam và khu vực. hoạt động tổ chức tại Việt Nam vì sự phát triển bền vững của Việt Nam và khu vực Mekong, quốc tế hoạt động trong lĩnh vực môi trường và xã hội cùng hợp tác về các vấn đề năng lượng khu vực. Bà chủ yếu làm việc với các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách về năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng nhằm giảm sự lệ thuộc vào các dạng nhiên liệu hóa thạch và điện than. |