07/02/2017
Đến Trường Sa lần này mọi người đều cảm nhận diện mạo của quần đảo Trường Sa nói chung và mỗi điểm đảo nói riêng đã đổi thay đáng kể. Đặc biệt từ đảo nổi, đảo chìm, đến các nhà giàn DK1 đều được bao phủ bởi màu xanh cây lá giữa nắng gió Trường Sa, tất cả mang lại lợi ích thiết thực cho quân, dân đang làm việc và sinh sống trên đảo.
Cán bộ ngành Thông tin truyền thông đưa phương tiện nghe nhìn ra đảo |
Chung tay vì Trường Sa thân yêu
Theo Báo cáo đánh giá từ Dự án Xây dựng và phát triển kinh tế về biển, đảo ở quần đảo Trường Sa, hiện nay, Nhà nước đang tích cực triển khai, đưa vào sử dụng các công trình dân sinh góp phần nâng cao đời sống cho quân dân trên các đảo.
Vào thời điểm chúng tôi đến công tác, đảo Đá Tây B đã được đầu tư lắp đặt và đưa vào sử dụng thành công máy lọc nước biển thành nước ngọt bằng năng lượng mặt trời Carocell do Công ty TNHH Năng lượng xanh Kim Hồng (TP.HCM) thực hiện theo Chương trình Vì Trường Sa thân yêu, công nghệ lọc này sẽ được triển khai rộng rãi trên các đảo để phục vụ đời sống sinh hoạt của quân dân trên đảo, nhất là vào mùa khô.
Những ngày ở Trường Sa, chúng tôi mới thấu hiểu những công lao chăm sóc, vun trồng rau xanh của cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Để có rau xanh trong mỗi bữa ăn của người lính, những chiến sỹ trên đảo phải chăm sóc rất vất vả, không khác gì “nuôi con nhỏ”. Những mầm xanh ở Trường Sa có sức sống thật kỳ diệu, cứ vươn lên không ngừng giữa muôn trùng sóng gió vượt qua mọi thách thức khắc nghiệt của thiên nhiên, tạo nên môi trường ôn hòa thân thiện và xanh ngát giữa trùng khơi.
Theo Trung tá Nguyễn Đăng Vinh, Chính trị viên đảo Trường Sa Đông cho biết, những năm trước đây, chỉ có các đảo nổi như Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, An Bang… mới trồng được rau. Còn bây giờ, được sự hỗ trợ kỹ thuật từ đất liền, những hạt giống rau tốt nhất, phù hợp với thời tiết biển khơi, các thùng composite, khay nhựa được chuyển ra Trường Sa đã giúp các đảo rất nhiều trong khâu ươm giống và chăm sóc. Rau trồng ở các đảo hiện rất phong phú thường là rau cải, rau muống, mồng tơi, bầu, bí, mướp, đặc biệt là các loại rau này hiện đã có mặt trên tất các đảo nổi, đảo chìm và cả trên các nhà giàn DK1.
Đồng thời, việc có máy lọc nước cũng góp phần trồng rau xanh và chăn nuôi, tăng gia sản xuất tốt hơn. Bên cạnh đó, trên đảo đã và đang thực hiện chế phẩm vi sinh với kết quả tốt giúp xử lý rác thải công nghiệp và chăn nuôi, trồng trọt.
Trên đảo Nam Yết, Ngân hàng Thương mại CP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) đã quyên góp 60 tỷ đồng xây dựng Trung tâm văn hóa trên đảo. Hiện Trung tâm là nơi diễn ra hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo. Ngoài ra, trên đảo Nam Yết còn có những con đường thanh niên rợp bóng cây xanh, những thảm cỏ và vườn hoa đầy hương sắc thơm ngát bốn mùa. Thượng tá Trần Như Hải, Chỉ huy trưởng đảo Nam Yết cho biết, hiện nay, các vấn đề môi trường trên các điểm đảo tại Trường Sa như xử lý rác thải sinh hoạt, chăn nuôi, thiếu nước ngọt, thiếu cây xanh đã dần được giải quyết. Đặc biệt, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đoàn thể với các chương trình tuổi trẻ đồng hành vì Trường Sa xanh, đưa cây xanh, đất, đá từ Thủ đô Hà Nội, đến quê hương Đồng Khởi, 18 thôn Vườn Trầu, hay từ đất thép Củ Chi, từ Phú Thọ đất Tổ… trồng tại các đảo Trường Sa góp phần tạo màu xanh và giữ vững chủ quyền quốc gia.
Thắt chặt tình đoàn kết quân dân
Đến Trường Sa, chúng tôi được biết việc đẩy mạnh các hoạt động quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần là một trong những nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với quân dân trên đảo. Theo Báo cáo của Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của đảo Trường Sa Đông thường đạt từ 50 - 70 triệu đồng; đơn vị đã quyên góp và thăm hỏi thân nhân cán bộ, chiến sỹ, người dân trong thời gian công tác tại đảo hơn 20 triệu đồng.
Khu trồng rau xanh trên Trường Sa Lớn |
Đối với ngư dân, Ban chỉ huy đảo xác nhận cho phép hơn 200 tàu thuyền đánh bắt cá thuộc khu vực quản lý, thường xuyên tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia đánh bắt hải sản, đồng thời tổ chức tiếp tế lương thực, nước ngọt, cứu nạn, cứu hộ. Năm 2013, thị trấn Trường Sa đã ủng hộ ngư dân bị nạn gần 29 triệu đồng tiền mặt, 45 bộ quần áo và hơn 3,5 triệu đồng nhu yếu phẩm. Bên cạnh đó, còn cứu nạn và chăm sóc ngư dân dài ngày trên đảo gần 77 triệu đồng. Đảo Nam Yết còn giúp đỡ, nhường lương thực, chia nước ngọt cho khoảng 810 tàu thuyền ngư dân tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Khánh Hòa… để lại tình cảm tốt đẹp và mang lại niềm tin bám biển cho nhân dân.
Tiếp xúc với nhiều hộ dân trên đảo, tất cả họ đều cởi mở tâm sự rằng họ và những chiến sĩ trên đảo như những thành viên trong một ngôi nhà lớn. Anh Nguyễn Minh Châu, xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa - một trong những công dân đang sinh sống trên đảo Sinh Tồn - cho biết, gia đình anh cũng được người dân, các thầy giáo của Trường tiểu học Sinh Tồn, đặc biệt là cán bộ chiến sỹ trên đảo tận tình giúp đỡ cả về tinh thần và vật chất, được tham gia vào các hoạt động văn hóa - văn nghệ thể thao cùng các chiến sỹ trên đảo.
Anh Võ Kim Toàn, một trong số những hộ dân sinh sống trên đảo Sinh Tồn cho biết thêm, cuộc sống trên đảo có nhiều thuận lợi lại được sự quan tâm của chính quyền cùng cán bộ, chiến sỹ trên đảo cho nên gia đình anh xác định gắn bó lâu dài với mảnh đất này, cùng bộ đội giữ biển.
Chiến sỹ chăm sóc rau trên Nhà giàn DK1 |
Theo Thượng tá Phạm Văn Hòa, Chỉ huy trưởng kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa, việc xây dựng gia đình văn hóa và khu phố văn hóa là mục tiêu mà quân dân trên đảo luôn hướng tới. Ông cũng cho biết, bên cạnh việc làm tốt công tác chính sách đền ơn đáp nghĩa, tri ân liệt sỹ, tấm lưới ngư dân, trái tim cho em… Ban chỉ huy đảo còn thường xuyên chăm lo, giúp đỡ gia đình cán bộ, công chức, nhân dân an tâm sinh sống trên đảo. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động khám chữa bệnh, khuyến khích các cháu học sinh chăm ngoan học giỏi, động viên chị em phụ nữ thực hiện tốt chính sách kế hoạch hóa gia đình, đặc biệt là khuyến khích các gia đình tham gia trồng, chăm sóc cây, rau xanh cũng như việc BVMT và cảnh quan trên đảo. Với mục tiêu này, quần đảo Trường Sa sẽ phát triển toàn diện như những địa phương khác của cả nước. Đặc biệt là nêu cao tinh thần đoàn kết, tự cường, các chiến sỹ không chỉ nỗ lực giữ vững và bảo vệ biển, đảo Tổ quốc, mà còn góp phần xây dựng mối quan hệ đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ nhân dân trên vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Phạm Công Đảo
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2017