04/10/2016
Ngày 2/10/2016, tại TP. Johannesburg (Nam Phi) đã diễn ra Hội nghị các nước tham gia Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật nguy cấp (CITES) lần thứ 17. Hội nghị đã bỏ phiếu thông qua lệnh cấm buôn bán trên thế giới loài tê tê và vẹt xám châu Phi - một trong những loài động vật hoang dã quý hiếm đang bị săn bắt nhiều nhất.
Tê tê hiện là loài động vật có vú bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới. Trong thập kỷ qua, hơn một triệu con tê tê hoang dã đã bị giết để phục vụ nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng ở hai thị trường Trung Quốc, Việt Nam. Nguyên nhân là do người dân hai nước này vẫn coi thịt và vảy tê tê là một loại thuốc quý. Các tê tê đang nhanh chóng tiến đến bờ tuyệt chủng tại châu Á và những kẻ săn bắt trái phép hiện đang chuyển hướng sang châu Phi.
Vẹt xám châu Phi (Ảnh: vietnamplus.vn)
Vẹt xám châu Phi là một trong rất ít loài chim có khả năng "bắt chước" giọng nói con người và tiếng hót của các chim khác. Do vậy, loài vẹt này đang bị săn bắt trộm trên phạm vị rộng, cộng thêm việc bị phá hủy môi trường sống, nên số lượng loài chim quý hiếm này đang sụt giảm mạnh, nhất là tại các quốc gia châu Phi như Benin, Burundi, Guinea, Guinea-Bissau, Kenya, Rwanda, Tanzania và Togo.
Phát biểu tại buổi họp báo sau cuộc bỏ phiếu, TS. Colman O'Criodain, người đứng đầu Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) cho rằng, quyết định của Hội nghị CITES lần này là bước tiến quan trọng trong việc tăng cường bảo vệ các loài động vật hoang dã quý hiếm, góp phần giảm đáng kể nạn săn bắt trộm và thúc đẩy việc bảo vệ có hiệu quả các loài động, thực vật hoang dã quý hiếm có nguy cơ "bị xóa sổ" trong thời gian tới.
Dự kiến, Hội nghị CITES lần thứ 17 sẽ kết thúc vào ngày 5/10 với việc thông qua khoảng 62 văn kiện liên quan đến công tác bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã quý hiếm trên thế giới có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Phương Hạnh