Banner trang chủ

Cần ưu tiên bảo vệ 5 loài gà hoang dã quý hiếm ở Việt Nam

07/02/2017

   Việt Nam được ghi nhận là nơi sinh sống của khoảng 22 loài gà hoang dã khác nhau. Hiện nay có nhiều loài đã hoặc đang có nguy cơ tuyệt chủng nằm trong Danh lục đỏ thế giới IUCN, Sách đỏ Việt Nam. Tuy nhiên, có 5 loài nằm trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Nghị định số 160/NĐ-CP), đó là gà so cổ hung, gà lôi lam mào trắng, gà lôi tía, gà tiền mặt đỏ, gà tiền mặt vàng. Đây là những loài đặc hữu quý hiếm, phân bố hẹp, có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo vệ đa dạng sinh học của Việt Nam và toàn cầu, cần phải tích cực bảo vệ sinh cảnh, môi trường sống và nghiêm cấm săn bắt.

   Gà so cổ hung có đặc điểm phần trên cơ thể hung nâu, điểm các đốm đen, họng trắng, phần họng dưới và ngực hung vàng, viền đen kéo dài từ đuôi mắt qua tai và vòng qua ngực, viền mắt đỏ. Bụng trắng xám, hai bên sườn điểm các vạch đen trắng, chân đỏ. Gà so cổ hung sống tại rừng thường xanh, bán thường xanh, rừng tre nứa, rừng thứ sinh, cây bụi, phân bố từ độ cao 140 - 600 m. Trước đây, gà so cổ hung được tìm thấy ở tỉnh Biên Hòa cũ (Phú Riềng), nay đã tìm thấy tại Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên (Đồng Nai và Lâm Đồng), vùng rừng Bù Gia Mập (Bình Phước). Từ năm 1998, VQG Cát Tiên được thành lập, các tác động của con người như khai thác gỗ, phá rừng làm nương rẫy, săn bắt được hạn chế nên gà so cổ hung được bảo vệ tốt hơn.

Gà so cổ hung

   Gà lôi lam mào trắng là loài đặc hữu chỉ có ở Việt Nam, con đực trưởng thành có toàn thân xanh đen, cánh xanh sáng hơn, mào lông trên đỉnh đầu màu trắng, mặt và chân màu đỏ. Đối với con cái, có đầu, cổ, thân và ngực nâu, phần dưới cơ thể nâu xám nhạt, đuôi đen nhạt với phần giữa đuôi hung nâu. Gà lôi lam mào trắng sống tại rừng lá rộng thường xanh dưới 300 m. Đây được coi là loài hiếm của họ trĩ, số lượng ít, vùng phân bố hẹp. Hiện gà lôi lam mào trắng phân bố ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế (huyện Phong Điền, Hải Lăng và A Sầu - A Lưới) và đang được bảo vệ trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền và Đắc Rông, nhưng hiệu quả chưa cao. Do vậy, cần khẩn trương tiếp tục tiến hành điều tra nghiên cứu khu phân bố, số lượng, hiện trạng của loài này để có biện pháp bảo vệ hữu hiệu.

Gà lôi lam mào trắng

   Gà lôi tía, con đực trưởng thành có bộ lông màu đỏ lửa, đỏ nâu và lẫn đen. Da quanh mắt màu xanh hơi thẫm, yếm xanh, da trần thẫm hơi phớt vàng, có chấm đỏ. Trán, trước mắt, sau mắt, phần trước của mào lông ở gáy, hai bên đầu, quanh yếm cổ màu đen. Lưng có sao tròn nâu nhạt viền đen. Lông cánh đen nhạt, có vằn và vệt màu hung đỏ. Mặt dưới cơ thể nâu sáng. Đuôi nâu hung vàng nhạt có chấm và vạch đen. Con cái trưởng thành tương tự như con đực nhưng bộ lông có vệt đen hung và trắng, nhìn không đẹp, không hấp dẫn bằng con đực. Cả con đực và cái đều có mỏ đen, mắt nâu, chân màu hồng.

   Gà lôi tía sống trong các khu vực rừng lá rộng thường xanh, rừng thứ sinh, phân bố từ độ cao 2.100 - 3.050 m. Hiện gà lôi tía phân bố ở các tỉnh Lào Cai (núi Phan Si Păng, huyện Sa Pa), Yên Bái (Mù Cang Chải) với số lượng ít và rất hiếm gặp, có nguy cơ tuyệt chủng. Do đó, cần tiến hành điều tra nghiên cứu các khu vực có gà lôi tía để thu thập dẫn liệu về các quần thể còn sống sót, đồng thời tăng cường giáo dục cho nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ và triệt để cấm săn bắt.

Gà lôi tía

   Gà tiền mặt vàng có thân màu nâu xám nhạt điểm các viền trắng nhỏ, họng trắng nhạt, thân và đuôi điểm các vòng tròn xanh óng ánh, mào ngắn. Con cái có kích thước nhỏ hơn, màu nâu hơn, các vòng tròn xanh trên thân và đuôi nhạt hơn. Gà tiền mặt vàng sống tại rừng lá rộng thường xanh, phân bố lên đến độ cao 2.350 m. Gà tiền mặt vàng có hai phân loài: Phân loài 1 - Polyplectron bicalcarratum bicalcaratum phân bố ở Tây Bắc Việt Nam; Phân loài 2 - Polyplectron bicalcarratum ghigii phân bố ở vùng Đông Bắc kéo dài đến Quảng Nam, Đà Nẵng (Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà, Núi Chúa) là phân loài đặc hữu của Việt Nam. Hiện số lượng bị giảm nhanh và hiếm dần do bị mất nơi trú ngụ, nguồn dự trữ thức ăn, khu phân bố bị thu hẹp nhanh, nạn săn bắt bừa bãi kéo dài.

Gà tiền mặt vàng

   Gà tiền mặt đỏ có đặc điểm gần giống loài gà tiền mặt vàng nhưng cơ thể nhỏ hơn, phần trên cơ thể xanh vàng, các vòng tròn xanh óng rõ hơn, họng trắng nhạt hơn, không có mào, viền mắt đỏ. Cá thể cái có kích thước nhỏ hơn, thân đậm màu hơn, viền mắt đỏ đậm hơn. Gà tiền mặt đỏ sống tại rừng lá rộng thường xanh, bán thường xanh, rừng tre nứa, phân bố lên đến độ cao 1.400 m. Gà tiền mặt đỏ phân bố từ Bình Định (Quy Nhơn) đến Đồng Nai, đã quan sát thấy ở Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai. Nơi sống bị tác động do con người và chiến tranh kéo dài, vùng sống bị thu hẹp vì mất rừng và săn bắt bừa bãi, vì vậy số lượng bị giảm sút đáng kể so với trước đây. Hiện nay, VQG Cát Tiên là nơi bảo vệ gà tiền mặt đỏ tốt nhất và có số lượng nhiều nhất ở nước ta.

Gà tiền mặt đỏ

Đặng Huy Huỳnh

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2017

Ý kiến của bạn