Banner trang chủ

Công tác bảo tồn đa dạng sinh học Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An: 10 năm nhìn lại

13/11/2017

   Khu Dự trữ sinh quyển (KDTSQ) miền Tây Nghệ An được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) chính thức công nhận là KDTSQ thế giới vào tháng 9/2007, với diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Á (1.303.285 ha). Đây là hành lang xanh kết nối 3 vùng lõi: Vườn quốc gia (VQG) Pù Mát, Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Pù Huống và Pù Hoạt, thuộc 9 huyện miền núi của tỉnh Nghệ An (Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Thanh Chương, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Tân Kỳ, Anh Sơn).

Thác Khe Kèm nằm trong vùng lõi của VQG Pù Mát

   KDTSQ miền Tây Nghệ An là địa điểm đại diện tiêu biểu cho các kiểu rừng mưa nhiệt đới. Tại đây, có các sinh cảnh sống đa dạng từ núi cao trùng điệp, đất ngập nước, đến sông, suối, thác và nhiều loại sinh cảnh khác. Đồng thời, còn tồn tại một diện tích lớn rừng nguyên sinh, nằm dọc khu vực biên giới Việt - Lào, với hơn 2.500 loài thực vật bậc cao (chiếm tỷ lệ 74%) như sa mu, pơ mu, lim, đinh hương, sến, táu, dổi...; 295 loài chim; 54 loài lưỡng cư và bò sát; 83 loài cá, 39 loài dơi và nhiều loài động vật khác, trong đó có nhiều loài đã được ghi trong Sách đỏ Việt Nam như: Sao la, chà vá chân nâu, mang lớn, thỏ vằn...

   Tại KDTSQ có 6 dân tộc thiểu số đang sinh sống, điều đó đã tạo nên sự đa dạng về văn hóa dân tộc. Đặc biệt, có 2 tộc người chỉ có ở Nghệ An là Đan Lai (còn lại khoảng 2.000 người) và Ơ Đu (khoảng 400 người), với những bản sắc văn hóa riêng biệt. Cùng với đó, KDTSQ miền Tây Nghệ An còn có nhiều di tích lịch sử, nét văn hóa độc đáo như Di tích thành Trà Lân, bia Ma Nhai, cây đa Cồn Chùa, Đền 9 gian… là nơi lưu giữ nhiều phong tục, tập quán, các làn điệu dân ca, nghề thủ công truyền thống, kiến trúc nhà sàn.

   Sau khi được UNESCO công nhận, năm 2013, UBND tỉnh Nghệ An đã thành lập Ban quản lý (BQL) KDTSQ miền Tây Nghệ An, với nhiệm vụ điều phối, tổ chức các hoạt động như: Tập hợp thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên; tổ chức tuyên truyền, quảng bá hình ảnh và thu hút đầu tư vào KDTSQ; xây dựng chiến lược phát triển bền vững dựa trên lợi thế, tiềm năng của KDTSQ… Năm 2015, BQL đã xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên, sinh thái, môi trường, văn hóa, điều kiện tự nhiên kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An; Tập bản đồ KDTSQ thể hiện các quy hoạch hiện có theo các nội dung (sử dụng đất, tài nguyên sinh vật, tài nguyên văn hóa, chỉ dẫn địa lý về các thương hiệu địa phương, tour - điểm du lịch); Danh mục các cơ quan đầu mối lưu giữ thông tin cấp tỉnh, huyện. Bộ dữ liệu được lưu giữ (bản cứng, bản mềm, đĩa CD) tại văn phòng BQL, tạo điều kiện trong việc cập nhật công bố trên các trang thông tin điện tử. Trước đó, BQL KDTSQ miền Tây Nghệ An cũng đã xây dựng trang thông tin điện tử để tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, hình ảnh, công bố các công trình nghiên cứu, kết quả điều tra, khảo sát, thu hút đầu tư KDTSQ.

   Với quan điểm xuyên suốt cộng đồng vừa là chủ nhân, vừa là đối tượng hưởng lợi chính từ các hoạt động bảo tồn và phát triển, BQL đã triển khai nhiều dự án phát triển kinh tế, sinh kế cộng đồng liên kết giữa địa phương với VQG Pù Mát và KBTTN Pù Huống, Pù Hoạt. Các sáng kiến kinh tế, giải pháp thay thế đều hướng tới phát triển xanh, trong đó BQL đang nỗ lực thực hiện gắn nhãn hiệu Chứng nhận sản phẩm KDTSQ miền Tây Nghệ An cho một số sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đồng thời, BQL còn tích cực thu hút đầu tư; tổ chức các cuộc khảo sát, tham vấn cộng đồng; xây dựng Dự án Bảo tồn và phát triển KDTSQ miền Tây Nghệ An thuộc Danh mục dự án trọng điểm quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài đến năm 2020…

   Đến nay, sau 10 năm hoạt động, KDTSQ miền Tây Nghệ An đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong công tác quản lý và điều phối hoạt động, nhằm đảm bảo các mục tiêu và chức năng của KDTSQ. Trong đó, bộ máy BQL được kiện toàn và hoạt động ngày càng hiệu quả; sự đa dạng về loài, nguồn gen và các dịch vụ hệ sinh thái được đảm bảo; độ che phủ rừng tăng từ 54,2% năm 2007 lên 64,7% năm 2016; nhận thức của người dân về bảo tồn đa dạng sinh học của KDTSQ được nâng cao; tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng được hạn chế. Tăng trưởng GDP bình quân tại KDTSQ đạt khoảng 8%/năm, trong đó lĩnh vực du lịch đã có những bước phát triển vượt bậc. Mỗi năm, riêng VQG Pù Mát đón hàng triệu lượt khách du lịch, với trên ¼ lượt khách là người nước ngoài. Đặc biệt, Đề án phát triển du lịch được thực hiện, các tuyến, điểm du lịch được mở rộng, nhiều di tích lịch sử được tôn tạo, các lễ hội được phục hồi, nhiều cây cổ thụ được vinh danh là cây Di sản.

   Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được và bảo tồn các giá trị của KDTSQ, thời gian tới, BQL KDTSQ miền Tây Nghệ An sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách và tăng cường năng lực quản lý, bảo tồn, sử dụng hợp lý tài nguyên, BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao giá trị và thương hiệu các sản phẩm bản địa gắn liền với hình ảnh đặc trưng của KDTSQ; bảo tồn giá trị văn hóa và phát triển du lịch bền vững; phát triển kinh tế sinh thái; đẩy mạnh truyền thông và giáo dục; lồng ghép các hoạt động của KDTSQ vào các quy hoạch, dự án phát triển của tỉnh; tăng cường nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong công tác bảo tồn KDTSQ….

Vũ Thị Hạnh

Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2017

Ý kiến của bạn