12/03/2018
Với diện tích gần 647 ha, trong đó có trên 502 ha rừng nguyên sinh, Khu Bảo tồn các loài hạt trần quý, hiếm Nam Động (KBT Nam Động), thuộc huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa được thiên nhiên ban tặng một hệ sinh thái rừng phong phú và độc đáo, đặc biệt có 9 loài cây hạt trần quý, hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới là thông pà cò, đỉnh tùng, dẻ tùng sọc hẹp, thông tre lá dài, dẻ tùng sọc rộng, thông đỏ đá vôi, gắm núi, gắm lá rộng và thông tre lá ngắn, cùng với nhiều loài động vật quý hiếm như voọc xám, gấu ngựa, sơn dương, cu li...
Đa dạng về các loài hạt trần
KBT Nam Động được thành lập năm 2014 với mục tiêu bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, phát huy các giá trị đặc biệt về ĐDSH, mà trọng tâm là các loài hạt trần quý hiếm. Khi thành lập, KBT đã phát hiện, ghi nhận có sự hiện diện của 6 loài hạt trần quý hiếm đang trong tình trạng bị đe dọa tuyệt chủng gồm có thông pà cò, đỉnh tùng, dẻ tùng sọc hẹp, thông tre lá dài, dẻ tùng sọc rộng, thông đỏ đá vôi. Sau đó, qua quá trình triển khai thực hiện các giải pháp bảo tồn, KBT đã phát hiện, bổ sung thêm 3 loài hạt trần mới đó là gắm núi, gắm lá rộng và thông tre lá ngắn, nâng tổng số loài hạt trần quý, hiếm trong KBT lên 9 loài.
Đặc biệt, sự đa dạng sinh học (ĐDSH) của các loài hạt trần ở KBT chính là vấn đề tái sinh hạt rất phát triển. Điều này phản ánh tình trạng thành thục và khả năng thích nghi của loài cây đối với hoàn cảnh tiểu khí hậu trong khu vực (điều kiện tương đồng tại Khu BTTN Pù Luông không phát hiện thấy tái sinh hạt của thông pà cò). Ngoài 6 loài hạt trần tạo nên tầng ưu thế sinh thái thì một thành phần khác cũng không kém độc đáo so với quần xã rừng lá kim là các ngành khuyết lá thông, thông đất, dương xỉ, ngọc lan với 373 loài, thuộc 276 chi, 116 họ thực vật.
Thảm thực vật rừng độc đáo
Tài nguyên thực vật rừng ở KBT Nam Động không chỉ đa dạng về thành phần loài và giá trị bảo tồn, mà còn độc đáo về các kiểu thảm thực vật với sự khác biệt về đai cao. Thảm thực vật tại KBT Nam Động có hai kiểu rừng chính là: Kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới đai 700-1.600 m và kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới dưới 700 m.
Kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới đai 700 - 1.600 m
Rừng hỗn giao cây lá rộng và cây lá kim trên núi đá vôi có diện tích 401,84 ha; gồm 4 tầng với 2 tầng cây gỗ, 1 tầng cây bụi, 1 tầng cỏ - khuyết thực vật. Thành phần loài cây gỗ thuộc tầng ưu thế sinh thái là các cá thể của thông pà cò, trẩu núi, bi tát… Trong kiểu thảm này có 3 loài hạt trần quý, hiếm phân bố là thông đỏ bắc, thông tre lá dài và thông pà cò. Các loài cây gỗ lá rộng điển hình mọc hỗn giao với cây lá kim trên đường đỉnh núi đá vôi là cơi đỉnh đá vôi, sồi cau, sồi đá, bít tát lá nhỏ, quéo rừng… Ngoài ra, còn có một số loài cây bụi thường gặp như huyết giác, trúc dây trườn, tầm gửi, nghiến và khoảng 30 loài lan sống bám trên đá hay trên cây gỗ.
Rừng kín thường xanh cây lá rộng mưa ẩm nhiệt đới trên núi đá vôi có diện tích 52 ha, gồm 4 tầng với 2 tầng cây gỗ, 1 tầng cây bụi, 1 tầng cỏ - khuyết thực vật. Tầng cây gỗ chiếm ưu thế sinh thái là các loài dẻ gai, sồi đá balăngxa và một số loài giổi, loài re… Ba loài hạt trần ghi nhận trong kiểu rừng này là đỉnh tùng, dẻ tùng sọc hẹp và dẻ tùng sọc rộng phân bố rải rác. Tầng cây bụi ưu thế là các loài lài trâu, quỳnh lãm, các loài trong họ đơn nem, cỏ roi ngựa... Tầng cỏ quyết thưa thớt với các loài thường gặp gồm quyển bá yếu, ráng sẹo gà… Nhìn chung, kiểu rừng này rất nhạy cảm về sinh thái, nếu bị tác động sẽ rất khó phục hồi.
Loài thông pà cò trên đỉnh núi Pha Phanh thuộc KBT Nam Động
Rừng kín thường xanh cây lá rộng mưa ẩm nhiệt đới trên núi đất có diện tích 44,54 ha, gồm 4 tầng với 2 tầng cây gỗ, 1 tầng cây bụi, 1 tầng cỏ - khuyết thực vật. Tầng cây gỗ ưu thế sinh thái đại diện các loài sảng, quyếch hoa chùy… Tầng cây gỗ dưới tán là các cây gỗ tái sinh của tầng tán chính đang trong giai đoạn cây chịu bóng, đại diện là các loài cứt ngựa, sảng... Tầng cây bụi ưu thế là các loài mán đỉa, trang, lấu và một số loài thuộc họ mua, đơn nem, cỏ roi ngựa... Tầng cỏ quyết gồm quyển bá yếu, chi Phrynium của họ hoàng tinh, chi Alpinia của họ gừng. Dây leo và bì sinh gồm các loài thuộc họ khoai lang, bầu bí, đậu, khúc khắc.
Kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới dưới 700 m
Rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới trên núi đá vôi có diện tích 49 ha. Đây chính là kiểu rừng đặc trưng và điển hình của khu vực với sự hiện diện của các cây gỗ quý hiếm và cây gỗ lớn có đường kính D 1,3 > 40 cm, chiều cao từ 15 - 25 m. Kiểu rừng này với cây gỗ chiếm ưu thế là nghiến gân ba, trai lý, trai đại bao... Các loài cây bụi có lài trâu, quỳnh lãm... Thảm tươi đại diện là loài quyết thực vật, gai Bắc bộ, han voi…
Rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới trên núi đất có diện tích 43,71 ha. Kiểu rừng này có cấu trúc một tầng cây gỗ, thành phần thực vật chủ yếu là các loài cây ưa sáng, một số cây gỗ còn lại thường thấp. Đại diện là các loài bồ đề, ba bét, thôi chanh… Ngoài ra, ở một số khu vực có phân bố rừng hỗn giao cây lá rộng với các loài tre nứa. Tầng cây bụi và tầng thảm tươi phát triển mạnh với các loài lài trâu, quỳnh lãm, trác ngũ giác, quyết thực vật...
Kiểu phụ trảng cỏ cây bụi nhiệt đới trên núi đất có diện tích 22,24 ha, phân bố chủ yếu ở các thung lũng giữa các dãy núi đá nối tiếp nhau; có một số ít loài hình thành sau nương rẫy từ ngang sườn lên đỉnh dông, phân bố thành từng đám nhỏ hoặc dải hẹp. Thành phần thực vật là các loài cây bụi hỗn giao với cỏ cao, điển hình là cỏ lào thẩu tấu phổ thông, đót, lau… Đây chính là nơi cung cấp thức ăn cho các loài động vật ăn cỏ và là nơi sinh sống của các loài côn trùng, thú nhỏ.
Hệ động vật rừng phong phú
Về thú: Qua điều tra thực địa, tại KBT đã ghi nhận được 60 loài thú thuộc 20 họ, 8 bộ. Xét về mặt phân loại học, bộ ăn thịt có nhiều họ nhất là 5 họ (chiếm 25%), bộ gặm nhấm và bộ dơi có 4 họ (chiếm 20%), bộ linh trưởng và bộ guốc chẵn có 2 họ (chiếm 10%). Các bộ: chuột voi, ăn sâu bọ, nhiều răng đều có 1 họ (chiếm 5%). Xét về đa dạng loài, họ chuột có nhiều loài nhất là 10 loài (chiếm 16,67%); tiếp đến là họ sóc cây có 7 loài (chiếm 11,67%); họ dơi nếp mũi có 6 loài (chiếm 10%); họ khỉ và họ cầy có 5 loài (chiếm 8,33%); các họ: dơi muỗi, chồn, mèo, dơi quả có 3 loài (chiếm 5%); các họ: nhím, cu li và gấu có 2 loài (chiếm 3,33%); các họ: dúi, lợn, cầy lỏn, dơi thò đuôi, trâu bò, đồi, chuột chù, chuột voi chỉ có 1 loài (chiếm 1,67%).
Khu hệ chim: KBT Nam Động ghi nhận 101 loài chim thuộc 38 họ, 10 bộ. Trong đó, bộ sẻ có nhiều họ nhất với 23 họ (chiếm 60,53%); bộ sả có 3 họ (chiếm 7,89%); các bộ: gõ kiến, cắt, cu cu, gà có 2 họ (chiếm 5,26%); các bộ: bồ câu, yến, cú, nuốc có 1 họ (chiếm 2,63%). Xét về đa dạng loài, họ khướu có số lượng loài nhiều nhất với 14 loài (chiếm 13,86%); họ đớp ruồi có 9 loài (chiếm 8,91%); họ chào mào có 6 loài (chiếm 5,94%); các họ: chim chích, bồ câu, gõ kiến có 5 loài (chiếm 4,95%); họ chích chòe, họ chèo bẻo có 4 loài (chiếm 3,96%); các họ: phường chèo, chìa vôi, bói cá, cu cu, ưng có 3 loài (chiếm 2,96%); các họ: trĩ, bìm bịp, sả rừng, mỏ rộng, bách thanh, bạc má, chim sâu, hút mật, sáo đều có 2 loài (chiếm 1,98%) và các họ có 1 loài (chiếm 0,99%) là bạc má đuôi dài, chim di, sẻ, nhạn rừng, rẻ quạt, quạ, chiền chiện, chim xanh, nhạn, cu rốc, trảu, yến, nuốc, cú mèo, gà phi, cắt.
Khu hệ bò sát, ếch nhái: KBT Nam Động đã ghi nhận được tổng số 29 loài bò sát thuộc 14 họ, 2 bộ; 25 loài ếch nhái thuộc 7 họ, 1 bộ. Xét về mặt phân loại học, bộ có vảy có nhiều họ nhất là 10 họ (chiếm 26,32% tổng số họ bò sát, ếch nhái ghi nhận được), tiếp đến là bộ không đuôi có 7 họ (chiếm 18,42%), bộ rùa có 4 họ (chiếm 10,53%). Xét về đa dạng loài cho thấy, họ ếch nhái có số lượng loài nhiều nhất với 9 loài (chiếm 16,67%); họ rắn nước có 8 loài (chiếm 14,81%); họ nhái chính thức, họ ếch cây có 5 loài (chiếm 9,26%); các họ: rùa đầm, nhông, nhái bầu có 3 loài (chiếm 5,56%); các họ: thằn lằn bóng, tắc kè, rắn hổ, rắn lục, cóc, cóc bùn có 2 loài (chiếm 3,70%) và các họ có 1 loài (chiếm 1,85%) bao gồm rùa núi, ba ba, rùa đầu to, rắn ri, rắn mống, nhái bén, trăn, kỳ đà.
Về côn trùng: Có 57 loài, 46 giống, 24 họ, 11 bộ, trong đó bộ cánh vẩy có số lượng lớn nhất với 27 loài, 20 giống, 8 họ. Sở dĩ có sự phong phú đó bởi vì đây là khu vực có điều kiện môi trường thuận lợi về nhiệt độ, độ ẩm. Mặt khác, nơi đây còn là nơi cư trú, nguồn thức ăn phong phú và dồi dào cho các loài côn trùng.
Nhìn chung, những giá trị ĐDSH tại KBT Nam Động vẫn còn khá cao. Việc xác định các loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm là một trong những nội dung quan trọng cho hoạt động quản lý của KBT. Từ khi thành lập KBT đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tích cực phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan, kêu gọi các nguồn đầu tư để phát triển kinh tế vùng đệm với mục tiêu quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng gắn với việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, nguồn gen, cảnh quan và dịch vụ môi trường. Bên cạnh đó, KBT huy động sự tham gia rộng rãi của cộng đồng, các tổ chức trong và ngoài nước vào hoạt động bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng.
Lê Thị Hường
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2018