Banner trang chủ

Bảo vệ những giá trị đa dạng sinh học trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pá Khoang - Mường Phăng

02/05/2019

     Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Pá Khoang - Mường Phăng thuộc tỉnh Điện Biên có diện tích 12.643,77 ha, với 8 kiểu hệ sinh thái (HST) trong đó có HST đất ngập nước hồ Pá Khoang diện tích 681 ha, chứa 37,2 triệu m3 nước. Do đó, đa dạng cảnh quan sinh thái cùng với khí hậu thuận lợi tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển đa dạng sinh học (ĐDSH).

    Pá Khoang - Mường Phăng là một KBTTN ở vùng địa lý sinh học Tây Bắc, có tầm quan trọng không chỉ góp phần đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên, mà còn có giá trị trong việc nâng cao vị thế khu di tích lịch sử quốc gia, đặc biệt Mường Phăng - Điện Biên Phủ - Một địa danh cách đây 65 năm (1954 - 2019) đã làm nên thắng lợi lịch sử chấn động địa cầu. Chiến dịch vĩ đại Điện Biên Phủ đã đi sâu vào tâm khảm của hàng triệu con người trên toàn thế giới nói chung và của dân tộc Việt Nam nói riêng. Do vậy, cần được trân trọng, phát huy tiềm năng lợi thế của nguồn vốn tự nhiên và trí tuệ kiên cường, dũng cảm của đồng bào các dân tộc bản địa trong phát triển kinh tế, đặc biệt kinh tế du lịch khám phá - lịch sử, giáo dục truyền thống trong phát triển bền vững.

     Những giá trị lịch sử và ĐDSH của KBTTN Mường Phăng - Pá Khoang

     KBTTN Pá Khoang - Mường Phăng nằm trên địa bàn 6 xã: Mường Phăng - Pá Khoang, Nà Nhạn huyện Điện Biên; Pú Nhi huyện Điện Biên Đông và các xã Tà Lèng, Thanh Minh thuộc TP. Điện Biên Phủ. Đây là địa bàn có nhiều dãy núi cao trên 1.000 m so với mực nước biển (đỉnh Pu Huốc cao 1.725 m); địa hình dốc, nhiều sông, suối lớn có nước quanh năm (hồ Pá Khoang với diện tích mặt nước 681 ha, có sức chứa 37,2 triệu m3 nước).

     Đặc biệt, nơi đây đã đi vào lịch sử của cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc, là trung tâm đầu não chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 đã toàn thắng. Trong cuộc chiến thắng vĩ đại đó có sức mạnh tổng hợp của toàn dân toàn quân Việt Nam nói chung và vùng Tây Bắc nói riêng với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Bác Hồ kính yêu, của vị Đại tướng của nhân dân - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng với sự ủng hộ chân tình của bạn bè quốc tế. Ngoài ra, phải kể đến tầm quan trọng và vai trò to lớn của thiên nhiên, các cánh rừng ĐDSH, của từng thửa đất, từng con suối, con sông của xứ sở Mường Phăng - Điện Biên Phủ đã ngày đêm che chở cho quân dân ta làm nên chiến thắng để đến hôm nay trong nội - ngoại đô của TP. Điện Biên Phủ có được một kho tàng thiên nhiên đa dạng về HST; về loài, về vật liệu di truyền (nguồn gen) cùng với các bản sắc văn hóa của cư dân Tây Bắc. Đây chính là tài sản vô giá trong phát triển bền vững của tỉnh Biên Biên, Tây Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung.

     Bên cạnh những giá trị về lịch sử, KBTTN Pá Khoang - Mường Phăng còn có những giá trị về ĐDSH. KBTTN nằm trong vùng địa lý sinh học Tây Bắc đã có tên trong hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam từ năm 1986 theo Quyết định số 194/HDBT do có tính ĐDSH cao, thể hiện cả 3 mức độ: Đa dạng HST (8 HST); đa dạng loài (1.655 loài thuộc 1.112 giống, 376 họ); đa dạng nguồn gen (70 loài thuộc diện quý hiếm).

 

Khu rừng nguyên sinh trong KNTTN Pá Khoang - Mường Phăng có nhiều loài cây quý nổi tiếng

 

     Đa dạng HST: KBTTN Pá Khoang - Mường Phăng có 8 HST bao gồm:Rừng kín thường xanh cây lá rộng á nhiệt đới, độ cao trên 700 m (diện tích 12.643,77 ha); rừng kín thường xanh cây lá rộng nhiệt đới, độ cao dưới 700 m (305,3 ha); rừng trồng (188,79 ha); trảng cỏ, cây bụi (1.237,66 ha); nông nghiệp (14.579,48 ha); đất ngập nước (1.003,75 ha); khu dân cư (1.598,72 ha); HST mới (đảo Hoa – Mường Phăng có diện tích 9,2 ha).

     Đa dạng loài: Gồm 1.005 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 614 chi, 198 họ trong đó có 436 loài thực vật có giá trị dược liệu, 47 loài thuộc diện quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam (2007), Nghị định số 32/2006/NĐ-CP; Nghị định số 160/2013/NĐ-CP. Đặc biệt, cần ưu tiên bảo tồn caovề động vật có xương sống 228 loài thuộc 174 giống, 84 họ, 31 bộ (gồm 42 loài thú, 109 loài chim, 18 loài bò sát, 12 loài lưỡng cư, 47 loài cá) và 385 loài côn trùng thuộc 295 giống, 58 họ cùng với 22 loài động vật nổi, 20 giống, 8 họ và 15 loài động vật đáy thuộc 12 giống, 8 họ trong đó có 23 loài thuộc diện quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam (2007); Nghị định số 32/2006/NĐ-CP; Nghị định số 160/2013/NĐ-CP…

     Trong tổng số 23 loài động vật có xương sống quý hiếm thuộc KBTTN Pá Khoang - Mường Phăng thì có 4 loài nằm trong danh lục các loài quý hiếm được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP, 15 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), 1 loài ở thứ hạng Rất nguy cấp - CR; 5 loài Nguy cấp - EN; 9 loài Sẽ nguy cấp - VU. Theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP có 5 loài thuộc nhóm IB - Nghiêm cấm khai thác sử dụng, 12 loài thuộc nhóm IIB - hạn chế khai thác sử dụng.

     Đa dạng nguồn gen: Toàn bộ hệ thực vật, động vật hoang dã trên cạn, trong vùng đất ngập nước đều là quỹ gen đa dạng, điển hình có 70 loài thực vật, động vật thuộc diện quý hiếm có giá trị bảo tồn cao như: Pơ mu, bách xanh, giổi, dẻ, chò xanh, táu xanh, lát hoa, giổi xanh, vàng tâm, đặc biệt tô hạp là loài cây gỗ quý chỉ có ở rừng Tây Bắc, với đặc điểm sinh trưởng nhanh, tái sinh tốt, có màu nâu đỏ đẹp, không mốc mọt, dùng để xây dựng đóng tàu thuyền, cất tinh dầu, làm thuốc. Ngoài các cây gỗ quý, KBTTN còn có 463 loài cây có giá trị dược liệu như hoa tiên, đẳng sâm, kim ngân, ngũ gia bì gai, mã hổ, ba gạc lá vàng, thổ hoàng liên…

     Xu hướng diễn biến ĐDSH và đề xuất một số giải pháp bảo tồn

     So với những năm 1980 trở về trước, hiện nay, ĐDSH của KBTTN đang có xu hướng suy giảm cả về số lượng, lẫn chất lượng. Nguyên nhân là do hậu quả của sự xâm chiếm diện tích HST rừng để làm nương rẫy, dẫn đến làm mất, hoặc thu hẹp môi trường sống của các loài động thực vật. Một số loài cây gỗ bị khai thác quá mức dẫn đến cạn kiệt như: Đinh, tô hạp, lát hoa, giổi găng, đu sam, thông tre, lan kim tuyến, táu xanh… Tình trạng săn, bẫy các loài động vật như các loài mèo rừng, các loài sóc, các loài cầy hương, cầy giông, các loài chim (vẹt, yểng, khướu) vẫn xảy ra. Bên cạnh tác động do con người, tình hình biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến ĐDSH, đến khả năng phòng hộ của rừng đầu nguồn, làm mất cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.

     Một nguyên nhân khác quan trọng đó là công tác quản lý chưa khoa học, thiếu đồng bộ, còn chồng chéo giữa các cơ quan có chức năng quản lý, nên chưa phát huy tiềm năng, thế mạnh của một KBTTN. Chính vì vậy, việc tổ chức bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị ĐDSH, cùng với bản sắc văn hóa các dân tộc nơi đây là nhiệm vụ vô cùng cần thiết, quan trọng. Vì vậy, xin đề xuất một số giải pháp bảo tồn, phát triển bền vững KBTTN Pá Khoang – Mường Phăng:

     Bảo vệ, phục hồi, phát triển diện tích rừng, ĐDSH trong KBTTN, kể cả vùng đệm, thực hiện phương thức quản lý rừng bền vững và ĐDSH theo các điều đã ghi trong Luật Lâm nghiệp (2017), Luật ĐDSH (2008), Luật BVMT (2014) và Chỉ thị của Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc “Không đánh đổi môi trường cho phát triển kinh tế”.

     Xác định, đóng mốc đường ranh giới KBTTN Pá Khoang - Mường Phăng nhằm xây dựng dự án quản lý phòng tránh sự xâm lấn của người dân và doanh nghiệp.

     Xây dựng hệ thống theo dõi, giám sát, quản lý rừng, ĐDSH làm cơ sở cho công tác quản lý bảo tồn, phát triển các loại tài nguyên, đánh giá chức năng dịch vụ các HST trong KBTTN. Thiết kế xây dựng vườn ươm nhằm lưu giữ bảo tồn nguồn gen thực vật bản địa, đặc biệt các loài có giá trị kinh tế, giá trị bảo tồn cao.

     Tạo điều kiện cho cộng đồng địa phương tham gia cùng quản lý các hoạt động của KBTTN, nâng cao nhận thức thông qua các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác nông - lâm nghiệp, thủy sản tiến bộ. Cải thiện tinh thần, vật chất cho cộng đồng, thực hiện đồng bộ chính sách, nhận khoán bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng, liên doanh khai thác du lịch bền vững với phương châm cộng đồng được hưởng lợi từ bảo vệ rừng và ĐDSH.

     Phối hợp với ngành văn hóa - du lịch tỉnh, huyện xây dựng các tuyến du lịch trong khu bảo tồn kết hợp giữa tài nguyên rừng, đất ngập nước, ĐDSH với di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Mường Phăng - Điện Biên Phủ. Tạo điều kiện kết nối giao lưu giữa các cộng đồng cũng như nâng cao đời sống văn hóa, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

     Cần có chính sách đầu tư cơ sở vật chất (nơi làm việc, trang thiết bị, lực lượng quản lý,…) nâng cao năng lực cho cán bộ công chức, viên chức của KBTTN Pá Khoang - Mường Phăng để họ yên tâm thực hiện nhiệm vụ.

 

Đặng Huy Huỳnh - Đinh Văn Hùng

Vũ Thị Cúc - Lê Trần Chấn

Trung tâm Địa môi trường và Tổ chức Lãnh thổ

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2019)

 

 

Ý kiến của bạn