Banner trang chủ

Bảo vệ môi trường trong văn hóa tâm linh mỗi độ Xuân về

22/02/2018

   Tâm linh và văn hóa tâm linh (VHTL) có mối quan hệ chặt chẽ, tác động mạnh mẽ, to lớn đến môi trường tự nhiên như làm ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí mà quan trọng hơn là tác động đến hệ sinh thái, đa dạng sinh học. Do vậy, để góp phần BVMT thì một vấn đề quan trọng cấp thiết là cần BVMT tâm linh.

 

Lễ hội chùa Hương (Hà Nội) sau Tết Nguyên đán luôn thu hút đông đảo du khách

 

   Một năm bắt đầu từ mùa Xuân. Mỗi độ Tết đến, Xuân về là mở đầu của mùa lễ hội ở nước ta, với hơn 8.000 lễ hội trong năm. Tết Nguyên đán là một lễ hội lớn nhất của dân tộc, trong đó phần lễ là một phần không thể thiếu và vô cùng quan trọng. Tết Nguyên đán cũng như những lễ hội đầu Xuân đều mang đậm nét tâm linh, có những biểu hiện phong phú, đa dạng trong đời sống của người Việt, phổ biến nhất là phong tục thờ cúng tổ tiên. Ở phạm vi cộng đồng là tục thờ cúng thành hoàng làng, các vị thần, các vị tổ sư, các vị anh hùng đã có công với nước, với dân và các danh nhân văn hóa. Trong phạm vi mỗi dòng họ, gia đình là truyền thống thờ cúng tổ tiên, ông bà, bố mẹ, những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quê hương...VHTL của người Việt được xây dựng theo quan niệm “dương sao, âm vậy-trần sao, âm vậy”.

   Bên cạnh những mặt tích cực của tâm linh và VHTL, hiện nay có rất nhiều hiện tượng mê tín dị đoan, thần thánh hóa dẫn đến tin một cách mù quáng vào các yếu tố tâm linh mà làm tổn hại đến đời sống tinh thần và do đó cũng ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Với triết lý “trần sao âm vậy”, người chết có “thế giới riêng của họ” cho nên, vì nhiều lý do, nhiều người trong chúng ta, không phân biệt đẳng cấp, thành phần, học vấn, tôn giáo, giàu nghèo, vùng, miền... đều quan niệm và tuân theo. Những ngày cuối năm, đến các khu nghĩa địa, chứng kiến toàn cảnh các ngôi mộ, cảnh cải táng, cảnh lễ lạt mâm cao cỗ đầy, cảnh đốt vàng mã mới thấy yếu tố duy tâm ở đây còn rất nặng nề. Thờ cúng tổ tiên, biết ơn, tưởng nhớ những người đã khuất là đạo lý tốt đẹp của người Việt chúng ta. Thế nhưng, chăm lo phần mộ của tổ tiên, ông bà, cha mẹ và ngay cả “hậu sự” cho người đang sống một cách cực đoan, thái quá đã ảnh hưởng đến vấn đề về đất đai, vệ sinh môi trường.

   Tập quán người Việt từ xưa chủ yếu là địa táng, các ngôi mộ tồn tại từ thế hệ này sang thế hệ khác đã dẫn đến tình trạng đất cho người chết cạnh tranh với đất cho người sống, là vấn đề nan giải ở nhiều nơi. Hiện tượng người chết “nằm cạnh” người sống là khá phổ biến. Những khu nghĩa trang rộng lớn, lâu đời nằm cạnh những khu căn hộ cao cấp, biệt thự sang trọng ngày càng nhiều. Do thiếu quy hoạch, thiết kế mẫu mã, khuôn khổ, kích thước các ngôi mộ đã tạo nên một quang cảnh không đẹp mắt. Ở nhiều nơi, giá đất cho người chết đắt gấp nhiều lần giá đất cho người sống. “Con gà tức nhau tiếng gáy”, kiên quyết không chịu “thua chị kém em” cho nên hiện tượng mộ xây sau phải rộng hơn, cao hơn, hoành tráng hơn mộ xây trước đã nhiều người “đâm lao phải theo lao” thành ra nợ nần, túng quẫn, rơi vào đói nghèo chỉ vì lo cho người chết. Còn đất cho người sống và các thế hệ tương lai ngày càng bị thu hẹp.

   Vì tuân theo triết lý “trần sao âm vậy” nên nhiều người Việt đã “suy bụng ta ra…bụng thần”, áp đặt cách ứng xử nhuốm màu sắc tiêu cực, thị trường của trần tục vào chốn tâm linh. Trong những ngày lễ, Tết nhà nhà, người người đều không quên mua cho được những món hàng mã bằng tiền thật. Nếu như trước đây, người ta chỉ đốt một ít tiền âm phủ, mấy con cá chép đặt lên bàn thờ ngày 23 tháng chạp cho thần linh và những người đã khuất thì ngày nay, không ít người đốt đi một lượng vàng mã khổng lồ, nhiều người còn rải cả những đồng tiền thật xuống mộ, rồi các thứ vàng mã, vàng, ngoại tệ, nhà lầu, xe hơi, điều hòa không khí, vật dụng tiêu dùng... cho người cõi âm.

   Trong mùa lễ hội, người ta chen chúc nhau đến các đền, chùa, miếu mạo mang theo lễ vật hậu hĩnh, mâm cao cỗ đầy để mong được thánh thần phù hộ, giải hạn, trừ tà, cầu tài cầu lộc, làm ăn phát tài. Phải có lễ mới thể hiện được lòng thành, lễ vật càng nhiều, tỷ lệ “phù hộ” càng cao. Từ lâu, đã hình thành nghề thày cúng, hầu đồng, viết sớ, sắm lễ, bưng lễ thuê, “cò mồi” trước các chốn chùa chiền, miếu mạo. Chắc chắn chưa có một cơ quan nào có thể thống kê đúng lượng tiền thật bỏ ra hằng năm đề mua đồ mã đốt tại các gia đình, đền, chùa, miếu mạo, nhưng có lẽ con số này không thế dưới hàng nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường do đốt vàng mã cũng không thể đo đếm được. Điều vô lý đó dường như ai cũng biết, ai cũng hiểu nhưng không thể từ bỏ hay ngăn cấm?

   Trước đây, Lễ khai ấn Đền Trần vốn để tưởng nhớ một tục lệ có tính chất hành chính là các nhân viên nhà nước bắt đầu công việc, bỗng nhiên trở thành một “cơ hội vàng” để cầu mong phù hộ cho cá nhân được thăng quan tiến chức. Người ta chen chúc, giẫm đạp, tranh cướp nhau để có được một chiếc ấn tượng trưng, để yên trí rằng mình đã được phù hộ độ trì chờ đến ngày phát đạt. Ai không chen được, cướp được thì có thể “mua” ấn trước cửa Đền!

   Với tâm lý cầu mong con cái học giỏi, tấn tới, nhiều người hăng hái, chen chúc trong một không gian không lấy gì làm rộng từ nửa đêm, khiến tình hình trở nên vô cùng hỗn loạn. Nếu như có một đấng linh thiêng toàn năng, chắc ngài sẽ hiểu thấu mọi tâm tư, ước vọng của nhân gian và sẽ phù hộ độ trì mọi chúng sinh, khuyến thiện, trừng ác không cần ai phải đến tận nơi cầu cạnh, xin xỏ. Còn nếu phải cầu, phải “chạy chọt” mới được độ trì, thì đấng thần linh ấy đâu xứng được tôn thờ. Đấng thần linh chí thiện, chí nhân sẽ chỉ phù hộ cho những người tốt, những hành vi nhân ái, cao cả, còn những kẻ bất nhân, làm ăn phi pháp thì dù có cầu cúng, lễ vật bao nhiêu cũng sẽ bị từ chối. Nếu có đức thần linh thì cũng có phép thuật vô lượng, biến hóa vô cùng, phân thân khắp chốn nên không cần thiết như người đi “chạy việc”, “chạy chức”, “chạy án”, “tạ ơn” và phải đến tận “dinh”, “phủ” và đem theo lễ vật.

   Những biểu hiện như trên có thể gọi là hiện tượng ô nhiễm môi trường tâm linh đến mức phải báo động. Điều đáng báo động hiện nay là, có không ít cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao, cũng vô tình hay cố nhiễm phải sự ô nhiễm này. Cha ông ta đã từng nhắc nhở: “Dù xây chín bậc phù đồ/ Không bằng làm phúc cứu cho một người”. “Tu đâu lại bằng tu nhà/Thờ cha kính mẹ ấy là chân tu”. Đó là sự khẳng định nguyên lý nhân bản trong VHTL. Theo giáo lý của Phật giáo, trong thế giới hiện tại của chúng ta, không khí của trái đất và ở nhiều thành phố trên thế giới đã và đang bị ô nhiễm. Có người nói là do bom nguyên tử, bom hơi, xe hơi, các nhà máy công nghiệp nhẹ, công nghiệp nặng đã thải khói tạo thành. Đúng là như thế! Nhưng, suy cho cùng và chủ yếu vẫn là cái tâm của con người đã bị ô nhiễm quá nặng! Do vậy, để BVMT tâm linh, mỗi người chúng ta cần vệ sinh “thùng rác” của chính mình khi bước vào năm mới. Triết lý sống của nhà Phật cũng có những nét tương đồng với lối sống xanh hay đức là gốc của người cán bộ, đảng viên cần phấn đấu hướng tới “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Đó là: Không tranh giành; Không tham lam; Không cầu xin; Không ích kỷ; Không tư lợi; Không nói dối.

   Tất cả những yếu tố trên thuộc về môi trường tâm linh, không nhiều thì ít, không trực tiếp thì cũng gián tiếp ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của chúng ta.

Vũ Ngọc Lân

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2018

Ý kiến của bạn