04/09/2018
Thời gian gần đây, tôi có dịp quay trở lại Côn Đảo, nơi đã từng được gọi là “Địa ngục trần gian”. So với lần ra trước cách đây 20 năm, Côn Đảo đã “thay da đổi thịt” khá nhiều: Cơ sở hạ tầng giao thông được mở rộng và nâng cấp; cơ quan, nhà nghỉ, khách sạn, khu dân cư, cơ sở tham quan, du lịch đã và đang được nâng cấp; dân cư trên hòn đảo này cũng bắt đầu tăng lên; khách du lịch, nhất là du lịch tâm linh ngày càng đông do có nhiều tuyến giao thông khác nhau ra Côn Đảo. Tất cả những sự phát triển đó là tất yếu đáng mừng, nhưng, đằng sau đó là tiềm ẩn những vấn đề về ô nhiễm môi trường và cần có giải pháp bảo vệ kịp thời.
Cách đây 8 năm, vào tháng 6/2010, tôi cũng có dịp ra công tác tại Đảo Ngọc Phú Quốc. Mặc dù Phú Quốc khi đó còn hoang sơ, vắng khách, nhưng tôi có một số nhận định: Ở Phú Quốc hiện nay, việc bổ sung quy hoạch mới, trong khi quy hoạch cũ đã được phê duyệt, sẽ nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến người dân và các doanh nghiệp; Công tác dân vận phải góp phần giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội với bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái ở Phú Quốc. Phú Quốc sẽ không còn là Phú Quốc nữa nếu chúng ta phát triển mà không giữ được diện tích rừng tự nhiên như hiện nay, không giữ được những con sông, hồ nước ngọt trong sạch mà biến chúng thành những sông, hồ “chết” và nếu như các hộ dân, các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ hy sinh vấn đề môi trường sinh thái ở hòn Đảo Ngọc này. Đến nay, tình hình phát triển “nóng” kinh tế ở Phú Quốc đang kéo theo nhiều vấn đề môi trường, nhất là việc sử dụng đất, bảo vệ rừng, bảo vệ cảnh quan Đảo Ngọc.
Từ tình hình phát triển kinh tế - du lịch ở một số hòn đảo ở nước ta hiện nay đặt ra một loạt vấn đề về công tác BVMT. Ngoài bảo vệ rừng, vấn đề xử lý chất thải, nhất là chất thải nhựa mà chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2018 đặt ra, cũng là vấn đề nan giải trong công tác BVMT trên các hòn đảo nước ta. Tuy nhiên, nếu nhìn theo xu hướng tích cực, công tác BVMT trên các hòn đảo cũng có nhiều thuận lợi. Trước hết, các hòn đảo ở nước ta có vị trí quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là về an ninh, quốc phòng, tiền tiêu của Tổ quốc. Do đó, để một hòn đảo hay cụm đảo nào đó bị tàn phá về môi trường, mất đi điều kiện sống là rừng - đất - nước, tức là làm suy yếu thế trận trên biển. Hơn nữa, vấn đề biển đảo trong khu vực ngày càng diễn biến phức tạp. Vì vậy, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về sự phát triển các hòn đảo, giữ gìn chúng cho muôn đời sau chưa bao giờ lớn như lúc này.
Đảo Ngọc (Phú Quốc)
Đặc biệt, phần lớn các hòn đảo của nước ta đều có rừng. Rừng gắn liền với nước ngọt, nhu cầu thiết yếu của sự sống, nếu mất rừng nghĩa là mất sự sống. Do vậy, vấn đề sống còn ở các hòn đảo hiện nay là giữ và trồng rừng để duy trì sự sống. Nếu không làm được điều này thì các hòn đảo sẽ dần dần trở thành “đảo chết”. Do đó, mọi người cả ở đất liền lẫn dân cư trên đảo phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ rừng như chính bảo vệ mạng sống của mình. Nói chung, các hòn đảo hay quần đảo của chúng ta là địa hình khép kín, một yếu tố thuận lợi cho việc BVMT nói chung và giữ rừng nói riêng, ít khi người ở đất liền ra đảo chặt phá rừng, các yếu tố gây ô nhiễm môi trường thì chính quyền, tổ chức trên đảo hoàn toàn có thể kiểm soát được.
Bên cạnh đó, dân cư trên các hòn đảo không quá đông nên công tác tuyên truyền thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung, về công tác BVMT nói riêng cũng có nhiều thuận lợi. Nếu chính quyền làm tốt công tác quản lý dân cư trên địa bàn các đảo, phối hợp với công ty du lịch từ đất liền xây dựng, thực hiện được cơ chế, quy định thì có thể kiểm soát được các yếu tố gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường trên các hòn đảo.
Thiết nghĩ, từ những thuận lợi nói trên, công tác BVMT trên các hòn đảo của nước ta hiện nay cần được kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt với những giải pháp trọng tâm, cơ bản sau:
Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) trên các hòn đảo cần được thực hiện dựa trên quan điểm ưu tiên cho việc giữ gìn, BVMT, không vì mục tiêu kinh tế mà coi nhẹ, hy sinh lợi ích môi trường, phát triển bền vững. Tư duy nhiệm kỳ, điều chỉnh quy hoạch là “căn bệnh” ở nhiều tỉnh, TP trong đất liền, do đó cần tránh để diễn ra trên các hòn đảo. Cần công khai quy hoạch sử dụng đất, bảo vệ rừng, tài nguyên thiên nhiên trên đảo và vùng biển lân cận để các cơ quan chức năng, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân kiểm soát kịp thời, hiệu quả.
Trong quá trình phát triển KT-XH, an ninh, quốc phòng trên các hòn đảo, không thể không xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch khu dân cư, cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang... Ngay cả những doanh trại, khu sản xuất, kinh doanh của đơn vị, lực lượng vũ trang làm công tác bảo vệ đảo cũng cần nêu gương và cấp có thẩm quyền phải kiểm soát chặt chẽ tránh hiện tượng “trảm trước, tâu sau” trong việc khai thác đất rừng, lấp sông, lấp hồ làm khu nghỉ dưỡng, trang trại, khu chăn nuôi, biến thành đất thuộc quyền sử dụng của cá nhân hoặc một nhóm người.
Vấn đề nan giải hiện nay là giải quyết chất thải sinh hoạt, chất thải rắn và chất thải độc hại trên các hòn đảo. Hiện nay, các chất thải này chủ yếu được chôn, lấp, đốt hoặc thải ra biển. Hầu như chưa có đảo nào có cơ sở tái chế, phân loại chất thải sinh hoạt cũng như nước thải của nhà hàng, khách sạn, khu dân cư cũng như khu xử lý nước thải tập trung một cách căn cơ, bài bản và triệt để. Nếu cứ đà phát triển của du lịch như hiện nay chẳng bao lâu nữa, không ít hòn đảo của nước ta trở thành bãi thải khổng lồ của du khách. Việc không dùng bao gói bằng túi ni lông cũng như kiểm soát chặt chẽ không để người dân, du khách mang bao gói bằng nhựa từ đất liền ra đảo, như cách làm của Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam, là rất hay, cần được nhân rộng. Cùng với nguồn lực của địa phương, rất cần sự đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương, các tổ chức quốc tế để môi trường ở các hòn đảo mãi Xanh - Sạch - Đẹp.
Việc biến một số hòn đảo thành Đặc khu kinh tế, như đảo Phú Quốc, trong thời gian tới thì vẫn phải có sự nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng thận trọng giữa lợi ích kinh tế với công tác BVMT, an ninh quốc gia, nhất là việc giữ rừng, đất rừng và thời hạn cho thuê đất sao cho phù hợp; có cơ chế kiểm soát công tác BVMT tại Đặc khu.
Để công tác BVMT trên các hòn đảo của Tổ quốc hiệu quả, yếu tố và lực lượng mang tính quyết định là quần chúng nhân dân. Phát huy vai trò tham vấn, phản biện, giám sát xã hội của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng, thực hiện, giám sát các chủ trương, chính sách phát triển KT-XH, nhất là BVMT trên các hòn đảo. Bên cạnh đó, cần xây dựng các tổ chức tình nguyện, có tiếng nói độc lập trong phản biện, giám sát việc BVMT.
Với diện tích không lớn, dân cư không nhiều, tương đối ổn định và không quá phức tạp, chúng ta hoàn toàn có thể làm tốt công tác BVMT ở các hòn đảo. Từ đây chúng ta sẽ có kinh nghiệm hay, bài học quý để nhân rộng mô hình tốt trong công tác BVMT ở nhiều nơi khác, bảo đảm phát triển bền vững trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Vũ Lân
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2018)