11/09/2017
Sá sùng là một loại giun biển, thuộc họ sâu đất, được gọi bằng nhiều tên khác như trùn biển, giun biển, mồi, địa sâm, sâu đất, sâu biển, đồn đột, chặt khoai. Sá sùng được phân bố nhiều nhất tại một số địa phương như Vân Đồn, Đầm Hà, Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh). Thời gian qua, sá sùng bị đánh bắt ngày càng nhiều, cùng với tác động của môi trường, ô nhiễm nguồn nước làm sá sùng dần bị thu hẹp không gian sống và có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Loài sá sùng |
Đặc điểm sinh trưởng và nguy cơ tận duyệt loài sá sùng
Sá sùng là loại thân mềm chỉ sống ở những bãi cát ven biển, nơi thủy triều lên, xuống tạo ra những doi cát. Sá sùng có da trơn, thân tròn màu hồng nhạt, dài khoảng 12 - 22 cm, cá biệt có những cá thể dài tới 35 cm, rộng từ 0,8 - 1,3 cm, ở giữa thân có 30 sợi cơ dọc bao quanh, các cơ trên thân thắt lại đan chéo với cơ vòng trở thành hoa văn hình vuông. Khi bị bắt lên khỏi mặt biển, chúng thu mình lại tròn như quả bóng. Ruột sá sùng có một đường ống từ đầu đến cuối. Theo quan niệm của đông y, sá sùng có vị ngọt, tính mát, trị chứng tâm hàn, bổ dương khí, sinh tân dịch. Thịt sá sùng có vị ngọt, chứa nhiều dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe con người, với 18 loại axít amin tự do (chiếm đến 10,3%) trong đó glycin (3,2%), alanin (2,5%), glutamin (0,25%), succinic (0,35%), taurin (3,2%), chất khoáng (1,2%)… vì thế, sá sùng được xem là địa sâm và xếp vào những loại thực phẩm có tác dụng bổ dưỡng dùng để tiến vua.
Tại Vân Đồn, hiện có hơn 2.000 bãi bồi lớn nhỏ, là nơi tập trung sinh sống của loài sá sùng và cũng là nguồn lợi thủy sản đem lại nguồn thu nhập chính cho những ngư dân vùng biển nơi đây. Nhiều gia đình đã thoát nghèo và trở nên giàu có từ khai thác loại hải sản này, đặc biệt là các hộ thu mua và chế biến sá sùng khô. Giá mỗi cân sá sùng tươi mua tại bãi bồi khoảng 200 - 300 nghìn đồng, tùy theo loại nhỏ, to khác nhau. Nếu sá sùng được phơi, sấy khô mỗi cân có giá trị tương đương với một chỉ vàng (3 - 5 triệu tùy vào chất lượng). Để có được 1 cân sá sùng khô, phải mất từ 10 - 12kg sá sùng tươi. Nổi tiếng với giá trị dinh dưỡng, sá sùng được thu mua ngay tại các bãi bồi, thương lái thu gom sau đó bán lại cho các nhà hàng, quán ăn. Đặc biệt, sá sùng khô được thị trường Trung Quốc ưa chuộng và thu mua với giá thành cao. Hầu hết mọi hoạt động của người dân khai thác sá sùng ở các bãi bồi ven biển là hoàn toàn tự phát, chưa có sự quản lý của chính quyền địa phương.Nhiều ngư dân còn mang cả máy hút, sục ra các bãi bồi đào hút sá sùng và các loại nhuyễn thể khác, dẫn đến nguy cơ tận diệt nguồn lợi thủy sản.
Tăng cường bảo vệ loài sá sùng
Trước nguy cơ loài sá sùng bị tuyệt diệt, ngày 5/11/2011, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư số 01/2011-BNNPTNT, xếp sá sùng vào loài có nguy cơ tuyệt chủng lớn, thứ hạng nguy cấp (VU) cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển. Ngay sau khi có Thông tư số 01/2011-BNNPTNT, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tìm giải pháp để quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản quý hiếm trên. Nhiều ý kiến được đưa ra dựa trên điều kiện tự nhiên của địa phương và các biện pháp để bảo vệ loài sá sùng tại địa bàn.
Tỉnh đã chủ động giao các bãi bồi ven biển cho cộng đồng địa phương tự tổ chức quản lý và khai thác. Khi đó, người dân tự lập ra các tổ, ban quản lý quy định thời điểm, số lượng khai thác cụ thể. Như vậy, người dân sẽ tạo ra được sản lượng khai thác lớn đồng thời cũng bảo vệ loài sá sùng tốt hơn. Một số hộ dân được giao diện tích bãi triều đã có ý thức hơn trong việc khai thác, khoanh nuôi bảo vệ bằng cách thả con giống nhỏ vào bãi nuôi, chỉ thu hoạch những con đủ kích cỡ, hạn chế khai thác trong mùa sinh sản. Việc khoanh nuôi và khai thác trên bước đầu đã mang lại những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, nguồn con giống chủ yếu được khai thác từ tự nhiên với số lượng ngày càng hạn chế.
Nhằm tăng cường bảo vệ loài sá sùng, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số 318/2016/QĐ-UBND về việc quy định danh mục các phương pháp khai thác, loại nghề khai thác, ngư cụ bị cấm và thời gian cấm khai thác đối với sá sùng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, để bảo vệ nguồn lợi sá sùng, phương pháp khai thác, loại nghề khai thác, ngư cụ bị cấm quanh năm là: Tạo hang, đào rãnh, đào theo đường di chuyển của sá sùng; các biện pháp bơm hút cát, sử dụng bơm áp lực lớn để bắt sá sùng; phá hủy môi trường sống tự nhiên của sá sùng; các hành vi cản trở đường di chuyển tự nhiên của các loại thủy sản tại đầm, phá, eo, vịnh, bãi triều và các khu vực có phân bố sá sùng; khai thác sá sùng bằng sử dụng âm thanh, ánh sáng, hóa chất dẫn dụ; sử dụng các loại ngư cụ không phải mai, thuổng để khai thác sá sùng. Đặc biệt, trong thời điểm sá sùng vào mùa sinh sản, cấm tất cả các hình thức, phương pháp khai thác sá sùng tự nhiên. Cụ thể, thời gian cấm khai thác từ ngày 1/6 đến hết ngày 31/7 hàng năm.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở NN&PTNT theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn, tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, phổ biến cho người dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, BVMT tại các vùng biển nói chung và vùng có phân bố sá sùng tự nhiên trên địa bàn tỉnh nói riêng. Các địa phương có sá sùng phân bố tự nhiên phải chỉ đạo lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, tổ chức triển khai phương án bảo vệ nguồn lợi sá sùng và xử lý các vi phạm theo quy định pháp luật...
Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh cũng triển khai một số giải pháp tăng cường bảo vệ loài sá sùng như giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường ven biển; xây dựng các khu bảo tồn loài sá sùng; có biện pháp bảo vệ các bãi đẻ của sá sùng trong mùa sinh sản, nghiên cứu công nghệ sản xuất giống nhân tạo, nuôi thương phẩm sá sùng; nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ nguồn lợi sá sùng; xây dựng các quy hoạch và triển khai chương trình, mô hình khoanh nuôi, bảo vệ, phục hồi, tái tạo nguồn lợi sá sùng.
Cao Văn Khiên
Ban Quản lý Dự án Biển và Hải đảo Việt Nam
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2017