02/01/2018
Từng là nơi sinh sống của rùa biển với 9 bãi đẻ nhưng Khu bảo tồn biển (KBTB) Cù Lao Chàm đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm rùa biển. Nhận thức được tầm quan trọng của rùa biển đối với hệ sinh thái, UBND tỉnh Quảng Nam đã có chủ trương phục hồi và bảo tồn rùa biển. Theo đó, 450 trứng rùa biển lần đầu tiên được vận chuyển từ Vườn quốc gia (VQG) Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) về đảo Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) và cho ấp nở thành công. Đây là dấu hiệu cho thấy, biển Cù Lao Chàm vẫn còn những điều kiện thuận lợi để phục hồi quần thể rùa biển sau hơn 10 năm vắng bóng.
Chiều ngày 10/9/2017, đại diện các cơ quan ban, ngành cùng người dân và du khách thả rùa con về với biển |
Ngày 8/6/2016, UBND TP. Hội An đã ban hành Kế hoạch hành động phục hồi và bảo tồn rùa biển giai đoạn 2016 - 2025 tầm nhìn đến năm 2040, với mục tiêu chủ yếu là bảo tồn “chuyển vị” (vận chuyển trứng rùa từ nơi khác về ấp nở tại Cù Lao Chàm) và lâu dài sẽ là bảo tồn nguyên vị (tạo sinh cảnh, không gian thuận lợi để rùa biển lên bãi đẻ trứng tại Cù Lao Chàm). Theo Kế hoạch, Hội An chọn phía Đông Bắc Cù Lao Chàm gồm khu vực Bãi Bấc, đảo Hòn Lao và các đảo hòn Dài, hòn Lá... nằm trong KBTB Cù Lao Chàm với 30% diện tích là phân vùng nghiêm ngặt biển để thiết lập, quản lý, bảo vệ khu vực sinh sản và sinh cư của rùa biển.
Trên cơ sở đó, Ban Quản lý (BQL) KBTB Cù Lao Chàm đã xây dựng và triển khai Đề tài “Phục hồi quần thể rùa biển tại KBTB Cù Lao Chàm”. Được sự thống nhất của UBND tỉnh Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, sự cho phép của Bộ NN&PTNT, ngày 29/8/2017, BQL KBTB Cù Lao Chàm đã thực hiện tiếp nhận và vận chuyển trứng rùa biển. Với chặng đường hơn 1.000 km từ Côn Đảo về Cù Lao Chàm bằng nhiều phương tiện (đường hàng không, đường bộ và đường thủy), các cán bộ đã áp dụng nhiều giải pháp bảo vệ như xếp trứng vào thùng xốp, phủ cát, lót đệm, ủ rơm. Dự kiến, hoạt động này được triển khai 2 lần/năm, liên tục trong vòng 3 năm, mỗi đợt vận chuyển 5 tổ trứng với khoảng 450 trứng rùa biển.
Khi về đến TP. Hội An, số trứng này được vận chuyển bằng ca nô ra đảo Cù Lao Chàm và chia thành 5 tổ ấp. Các tổ ấp được đào sâu khoảng 60 cm, rộng chừng 20 cm, trứng rùa đặt theo vòng tròn. Hàng ngày, các cán bộ kỹ thuật đều túc trực 24/24 giờ bên cạnh tổ trứng để theo dõi và ghi chép cẩn thận thông tin về số lượng, ngày giờ ấp... Sau hơn 10 ngày túc trực vất vả, tối ngày 8/9/2017, tổ trứng đầu tiên đã nở thành công 100% trong niềm hân hoan của những người làm công tác bảo tồn biển và cư dân trên đảo. Đến sáng ngày 9/9/2017, 66 chú rùa con đã được thả về với biển. Thành công tiếp nối khi ngay trong tối hôm đó, tất cả các tổ trứng đều nở. Những chú rùa Côn Lao (tên gọi mà các cán bộ BQL KBTB Cù Lao Chàm đặt tên cho những chú rùa với ý nghĩa là sự gắn kết giữa Côn Đảo-Cù Lao Chàm) đã lần lượt trở về với biển trong tiếng hò reo, cổ vũ của người dân, du khách, các cơ quan, đơn vị đóng quân trên địa bàn xã đảo.
Với kết quả ấn tượng này, Cù Lao Chàm được ghi nhận là nơi đầu tiên trên cả nước thực hiện thành công phương pháp chuyển vị trứng rùa biển. “Quả ngọt đầu mùa” này được xem như món quà đáp trả công sức của các cán bộ BQL KBTB Cù Lao Chàm, cũng như những ủng hộ về tinh thần lẫn vật chất của các cơ quan ban, ngành cùng người dân Cù Lao Chàm trong suốt thời gian qua. Chặng đường để Cù Lao Chàm trở lại thành bãi đẻ của rùa như 20 năm trước đây vẫn còn rất dài với bao thử thách, nhưng chúng ta vẫn hy vọng vào một tương lai tươi sáng khi ít nhất đã có hơn 400 chú rùa con chở ước mơ vượt đại dương bao la sẽ trở về vào một ngày đủ lớn.
Lệ Hà
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2017