Banner trang chủ

Bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh gắn với bảo vệ rừng tại Kon Tum

19/03/2019

     Sâm Ngọc Linh nằm trong top 4 loài sâm tốt nhất thế giới và được xem là “quốc bảo” của ngành dược liệu Việt Nam. Là “thủ phủ” của loài biệt dược đặc hữu này, những năm qua, tỉnh Kon Tum đã triển khai các giải pháp nhằm bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh, nâng tầm kinh tế địa phương và góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo thêm thu nhập cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

     Sâm Ngọc Linh là loài thân thảo, có tên khoa học là Panax vietnamensis (họ nhân sâm), thuộc 250 loài thực vật quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam. Đây là loài cây đặc hữu, chỉ có ở vùng núi Ngọc Linh (nằm giữa 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum), phân bố tự nhiên ở độ cao từ 1.500 m trở lên tại địa bàn xã Trà Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) và 2 xã của các huyện Ðác Glei, Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum). Sâm Ngọc Linh có thể sống đến hàng nghìn năm. Cây sâm có thân thẳng đứng, màu lục, hoặc hơi tím, rễ nhiều đốt, cong ngoằn ngoèo, dài từ 3,5 - 10,5 cm, đường kính 0,5 - 2,0 cm. Mặt ngoài màu nâu, hoặc vàng xám. Rễ củ có dạng hình con quay, dài 2,4 - 4cm, đường kính 1,5 - 2cm, màu nâu nhạt, gồm nhiều vân ngang và các nốt rễ con. Thể chất nạc, chắc, khó bẻ gãy. Trọng lượng trung bình của sâm củ tươi và sâm củ khô tăng dần theo độ tuổi, củ sâm tươi nguyên rễ tơ 4 năm là 14,20 g; 5 năm là 16,78 g; 10 năm là 28,68 g; 15 năm tuổi: 31,60 g… Sâm có chất lượng đặc thù và quá trình sinh trưởng phù hợp với điều kiện tự nhiên độc đáo của khu vực địa lý vùng núi (độ cao từ 1.200 - 2.500 m, mật độ che phủ rừng trên 70%, độ dốc lớn, nhiều thung lũng hẹp và sâu). Khí hậu của khu vực địa lý mang nhiều nét đặc thù riêng biệt, từ nhiệt đới ẩm đến á nhiệt đới vùng núi cao, rất phù hợp với sự phát triển của cây sâm.                  

     Nhân giống loài sâm quý

     Từ xưa, người dân tộc Xê Đăng sống trên núi Ngọc Linh đã sử dụng loài sâm này để chữa nhiều loại bệnh và gọi đây là cây thuốc "Giấu". Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, sâm Ngọc Linh có giá trị rất cao, bởi phần rễ và thân rễ cây sâm có tới 52 hợp chất saponin (hợp chất chủ yếu trong các loại thảo dược quý), trong đó, 26 loại saponin có cấu trúc hóa học như các loại sâm Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Dương và 26 loại saponin khác, chỉ ở sâm Ngọc Linh. Ngoài ra, lá cây sâm gồm 19 hợp chất saponin, trong đó 8 hợp chất saponin khác với saponin ở bộ phận rễ và thân rễ. Với hàm lượng hợp chất saponin cao, nên sâm Ngọc Linh có tác dụng chữa bệnh tiểu đường, bảo vệ tim mạch, hạn chế khối u phát triển và phòng chống các bệnh ung thư… Vì thế, giá thành của sâm Ngọc Linh rất cao (khoảng 80 triệu đồng/kg).

 

Sâm Ngọc Linh thuộc 250 loài thực vật quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam

 

     Nhận thức được tầm quan trọng của sâm Ngọc Linh đối với ngành dược liệu nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, ngay từ những năm 1997, tỉnh Kon Tum đã tổ chức đánh giá về sâm Ngọc Linh và bắt đầu thực hiện công tác bảo tồn cây sâm tại các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei, thuộc dãy núi Ngọc Linh. Năm 2004, tỉnh triển khai Dự án Bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh có sự tham gia của cộng đồng, xây dựng thành công vườn sâm giống với diện tích khoảng 15 ha, sau đó, bàn giao cho Trung tâm Kinh doanh và phát triển sâm Ngọc Linh (nay là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô) để tiếp tục phát triển Dự án.

     Để phát triển sâm Ngọc linh trên cơ sở bảo tồn nguồn gen, nhằm xóa đói giảm nghèo, tiến tới làm giàu và mở ra triển vọng phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo vệ rừng, BVMT sinh thái; xây dựng sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia, tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 269/QĐ-UBND ngày 17/4/2013 về Quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh tỉnh Kon Tum giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Theo đó, vùng quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh có diện tích 31.742 ha, thuộc 3 xã: Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp (huyện Đăk Glei) và 55 xã của huyện Tu Mơ Rông: Đăk Na, Măng Ri, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Văn Xuôi… (đến năm 2020, diện tích trồng sâm Ngọc Linh đạt 1.000 ha, với sản lượng ước tính 190 tấn, đưa cây sâm Ngọc Linh trở thành cây mũi nhọn trong việc phát triển kinh tế của địa phương. 

     Ngoài ra, tỉnh cũng triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân liên kết trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng như cho vay vốn; hỗ trợ một phần chi phí cho nhà đầu tư (có vườn giống gốc được tỉnh công nhận) sản xuất giống sâm Ngọc Linh; ưu tiên hộ gia đình, cá nhân là người dân tộc thiểu số tham gia nhóm hộ, cộng đồng dân cư được giao khoán quản lý, bảo vệ rừng trong vùng quy hoạch theo thứ tự: Vùng có chỉ dẫn địa lý, các vùng còn lại; áp dụng mức giá cho thuê rừng thấp 600.000 đồng/ha/năm... Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành các nghị quyết thông qua Phương án cho thuê rừng để quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, kết hợp phát triển cây sâm với diện tích khoảng 10.000 ha và Phương án giao rừng, cho thuê rừng để bảo vệ, phát triển rừng bền vững, kết hợp kinh doanh cảnh quan du lịch, sản xuất nông lâm nghiệp dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh, với tổng diện tích hơn 92.000 ha. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các tổ chức, cá nhân triển khai các thủ tục đầu tư.

 

                    Vườn sâm Ngọc Linh giống của Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum

 

     Hiện mô hình liên kết bà con đồng bào dân tộc thiểu số trồng sâm đã được các doanh nghiệp triển khai áp dụng và đạt kết quả khả quan, đem lại thu nhập cao cho đồng bào dân tộc. Trong đó, Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum (Công ty Sâm Ngọc Linh) và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô (Công ty Đăk Tô) là 2 đơn vị được tỉnh cấp phép đầu tư, có khả năng kiểm soát chất lượng giống, đảm bảo đầy đủ điều kiện để xây dựng và duy trì thương hiệu sâm Ngọc Linh. Đến nay, tỉnh đã phát triển được khoảng 500 ha sâm Ngọc Linh (Công ty Sâm Ngọc Linh 470 ha; Công ty Đăk Tô 15 ha; Trung tâm Ươm tạo và hỗ trợ doanh nghiệp khoa học, công nghệ 5 ha cùng một số diện tích do người dân trồng). Đặc biệt, đầu năm 2018, Công ty Sâm Ngọc Linh tiếp tục thuê 4.600 ha để trồng sâm dưới tán rừng, dự kiến thu hoạch 500 kg củ tươi mỗi năm. Hiện Công ty đã ký hợp đồng liên kết trồng sâm Ngọc Linh gắn với bảo vệ và phát triển rừng cùng 7 xã: Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây, Đăk Na ( huyệnTu Mơ Rông) và Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp (huyện Đăk Glei), có sự tham gia của gần 400 hộ dân. Việc liên kết với các hộ dân mang lại nhiều lợi ích to lớn. Ngoài việc ổn định an ninh trật tự địa phương, người dân đã có những thay đổi tích cực trong BVMT rừng để trồng dược liệu và sâm Ngọc Linh.

     Thúc đẩy phát triển công nghiệp trồng và chế biến sâm Ngọc Linh

     Mặc dù là loài cây dược liệu quý hiếm, giá trị kinh tế cao, nhưng các sản phẩm chế biến sâu từ cây sâm chưa nhiều, chủ yếu là sản phẩm thô; các vùng quy hoạch chưa đủ cây giống để phát triển mở rộng. Việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất giống, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng giống chưa được quan tâm đúng mức. Chi phí đầu tư cho sản xuất sâm Ngọc Linh lớn (khoảng từ 5 - 6 tỷ đồng/ha), nên người trồng khó đầu tư. Trong khi, tình trạng sản phẩm sâm giả tràn lan trên thị trường chưa được kiểm soát...

     Để loài cây “quốc bảo” sâm Ngọc Linh trở thành thế mạnh kinh tế mũi nhọn của Kon Tum, xứng đáng là “quốc kế dân sinh” như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác ngày 6/9/2018, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tạo cơ chế để doanh nghiệp có điều kiện đầu tư, nghiên cứu trồng và sản xuất các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh; lựa chọn nhà đầu tư có chủ lực để tinh chế sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. Qua đó, xây dựng ngành công nghiệp trồng và chế biến sâm Ngọc Linh theo chuỗi hàng hóa, tạo ra các sản phẩm sâm Ngọc Linh chất lượng cao, đưa sâm Ngọc Linh vươn ra thị trường thế giới. Đồng thời, tập trung thực hiện đầu tư cho công tác bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh, trong đó, chú trọng bảo tồn nguồn gen thuần chủng của sâm, tránh bị lai tạp với các loài sâm, dược liệu khác; tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BVMT rừng cho cộng đồng, nhằm bảo vệ vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh, cũng như các dược liệu khác. Đối với các doanh nghiệp, thực hiện cơ chế liên kết chặt chẽ với người dân, bảo đảm sinh kế của người dân trên địa bàn; áp dụng quy trình chuẩn trong nuôi trồng, sản xuất, chế biến sâm Ngọc Linh…

     Có thể nói, Kon Tum là địa bàn có tiềm năng to lớn về sâm Ngọc Linh, tuy nhiên, để khai thác hiệu quả lợi thế đó, cần tăng cường sự hợp tác giữa các nhà khoa học - nhà quản lý - doanh nghiệp và người dân trong phát triển, bảo tồn cây sâm Ngọc Linh, góp phần tăng trưởng kinh tế, đồng thời BVMT rừng.

 

Nguyễn Thị Thu Hà

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2019)

Ý kiến của bạn