26/07/2016
Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Đắc Rông có diện tích 40.526 ha nằm trên địa bàn 6 xã (Ba Lòng, Hải Phúc, Triệu Nguyên, Tà Long, Húc Nghì và Hồng Thủy) tỉnh Quảng Trị, với hệ sinh thái rừng, núi đá vôi và các loài động, thực vật phong phú, đa dạng. Khu BTTN được thành lập năm 2001, theo Quyết định số 768/QĐ-UB của UBND tỉnh Quảng Trị, với nhiệm vụ bảo vệ hệ sinh thái rừng nhiệt đới vùng đồi núi thấp và các loài động, thực vật, đặc trưng cho vùng Trung Trường Sơn.
Các cán bộ kiểm lâm Quảng Trị hướng dẫn kỹ thuật trồng mây cho người dân xã Húc Nghì (Đắc Rông)
Tiềm năng đa dạng hệ sinh thái tự nhiên và phát triển du lịch sinh thái
Theo báo cáo kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu TN&MT, Đại học Quốc gia Hà Nội, Khu BTTN Đắc Rông thuộc vùng núi thấp, có độ chia cắt mạnh và độ dốc khá lớn. Đến nay, hệ thực vật ở đây đã ghi nhận được1.053 loài, trong đó có 24 loài trong Sách đỏ Việt Nam. Nơi đây có diện tích rừng kín thường xanh lớn nhất miền Trung, với 3 kiểu rừng chính, trong đó rừng cây lá rộng nhiệt đới vùng núi thấp, rừng thường xanh mưa ẩm và rừng thường xanh thứ sinh. Rừng cây lá rộng nhiệt đới vùng đồi núi thấp, có diện tích 5.000 ha (chiếm 12 % diện tích Khu BTTN) phân bố ở độ cao 800-1.400 m. Đây là loại rừng ít bị tác động, nên còn giữ được tính nguyên sinh, với độ che phủ chiếm 70%. Các loài cây chủ yếu là loài cây lá rộng thuộc họ dẻ (long não, thầu dầu, đậu, sến), một số loài thuộc chi mộc lan (vàng tâm, re, giổi) và một số loài thuộc họ thông (thông nàng, thông tre, hoàng đàn giả)…. Rừng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, chiếm diện tích 4.300 ha (10% diện tích Khu BTTN), phân bố ở độ cao dưới 800 m, nằm ở phía Tây Nam và Đông Nam. Các loài cây chủ yếu thuộc họ hoa hồng, xoan, bàng như săng lẻ, chò xanh…; Rừng thường xanh thứ sinh, có diện tích 13.775 ha (chiếm 34% diện tích Khu BTTN), phân bố ở sườn phía Đông và Tây Nam. Rừng bị tác động mạnh do khai thác gỗ xây dựng nên nhiều loài cây gỗ lớn bị khai thác cạn kiệt như lim xanh, giổi, chẹo, trâm….Ngoài ra, phân bố rải rác khắp vùng là rừng hỗn giao tre, nứa và các trảng cỏ, cây bụi. Loại rừng này bị tác động mạnh do người dân chặt, đốn cây để làm nương rẫy nên đất bị rửa trôi, biến thành những vùng đồi trọc.
Không chỉ đa dạng về các loài thực vật, hệ động vật ở đây có tới 612 loài (89 loài thú, 193 loài chim, 69 loài mối, 210 loài bướm, 71 loài cá, 17 loài bò sát, 32 loài bò sát).Trong đó, có 35 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam (2007), 27 loài thuộc Danh lục đỏ IUCN (2009). Đây là vùng quan trọng đối với việc bảo tồn nhiều loài thú quý, hiếm như: khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ, vượn đen má hung, thỏ vằn, chà vá chân nâu... Đặc biệt, hai loài thú mới là sao la và mang lớn đã được phát hiện trong khu vực.
Ngoài ra, đây là khu vực ghi nhận có các loài chim đặc hữu đang bị đe dọa toàn cầu, có vùng phân bố giới hạn nên Khu BTTN Đắc Rông đã được Tổ chức bảo tồn Chim quốc tế công nhận là một trong số 63 vùng chim quan trọng của Việt Nam.
Bên cạnh đó, nơi đây còn là khu vực có cảnh quan thiên nhiên, điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Tuyến du lịch sinh thái hang dơi thuộc dãy núi đá vôi trong phân khu dịch vụ hành chính của Khu BTTN Đắc Rông có quy mô rộng, chiều dài khoảng 170m, rộng 6 m. Hang có nhiều hình kỳ thú như chuông đá, măng đá, cột đá, hình chim thú... và là nơi trú ngụ của loài dơi. Đến đây, du khách có nhiều cơ hội hiểu biết thêm về tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học và sẽ được cảm nhận một không khí thoáng đãng, mát mẻ, trong lành tự nhiên. Thêm một địa điểm nữa là thác Đỗ Quyên, với nhiều cây đỗ quyên mọc và ra hoa ở vách đá nơi chân thác cũng nơi để du khách tìm hiểu về đặc tính của loài hoa độc đáo này.
Ngoài việc khám phá vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú của Khu BTTN, du khách sẽ được tìm hiểu về cuộc sống của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô với nhiều lễ hội đặc sắc (cầu mưa, đâm trâu) và những ngành nghề, canh tác trên đất dốc…
Đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững
Những năm gần đây, nguồn lợi kinh tế thu được từ hoạt động du lịch sinh thái của Khu BTTN tăng nhanh, đời sống người dân được cải thiện. Tuy nhiên, do khai thác quá mức các nguồn tài nguyên rừng đã làm cho hệ sinh thái và đa dạng sinh học suy giảm.Nhiều loài thú quý, hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng. Đặc biệt, hoạt động khai thác tài nguyên không bền vững và mang tính hủy diệt vẫn còn tồn tại trong Khu BTTN như săn, bẫy, dùng kích điện, thuốc nổ để đánh cá trong các suối làm chết các loài thủy sinh vật… Bên cạnh đó, các hoạt động chặt phá rừng đầu nguồn làm mất sinh cảnh tự nhiên, ảnh hưởng đến nơi cư trú của các loài chim và thú, cạn kiệt nguồn nước…
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ rừng bền vững, Ban quản lý Khu BTTN Đắc Rông đã đề ra một số giải pháp cần thực hiện như: Kiện toàn hệ thống các trạm bảo vệ, tổ tuần tra rừng; Phối hợp với các tổ chức đánh giá tình trạng quần thể của một số loài có giá trị bảo tồn cao, xác định nguy cơ đe dọa và các khu vực ưu tiên bảo tồn nhằm nâng cao hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học.
Xây dựng chương trình điều tra giám sát đối với các loài quý, hiếm vàchương trình đánh giá hiện trạng buôn bán động vật hoang dã để cập nhật số liệu cho công tác quản lý và bảo tồn loài tại Khu BTNN. Hợp tác với các cơ quan ban ngành trong tỉnh, cơ quan và tổ chức chuyên môn trong nước, các tổ chức quốc tế trong công tác nghiên cứu khoa học, quản lý bền vững hệ sinh thái rừng, phát triển cộng đồng vùng đệm.
Nghiêm cấm các hoạt động săn bắn, buôn bán động vật hoang dã¼ của người dân địa phương. Đồng thời, hỗ trợ về nguồn vốn, kỹ thuật, giúp người dân địa phương tham gia chăn nuôi các loài động vật hoang dã, nhằm nâng cao đời sống và giảm tác động tới nguồn tài nguyên.
Tăng cường công tác tuần tra và kiểm tra rừng nhằm ngăn chặn việc khai thác gỗ trái phép, ảnh hưởng đến sinh cảnh sống cũng như hạn chế việc người dân vào rừng bẫy, bắn chim, thú.Các ngành chức năng như Công an, Quân sự, Bộ đội Biên phòng và đặc biệt là chính quyền địa phương các xã tích cực phối hợp đấu tranh, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng, xâm hại đến bảo tồn đa dạng sinh học.
Tổ chức các buổi tập huấn cho cán bộ Ban quản lý và lực lượng kiểm lâm về kỹ năng nhận biết loài, đặc biệt các loài quý, hiếm. Tăng cường lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng cũng như các chính sách hỗ trợ nhằm giúp họ hoàn thành nhiệm vụ.
Đẩy mạnh, tuyên truyền,nâng cao nhận thức của người dân về BVMT, phổ biến kiến thức, kỹ năng quản lý hiệu quả tài nguyên rừng và phát triển các hoạt động sinh kế bền vững, du lịch sinh thái cho các hộ dân xung quanh vùng đệm của Khu BTTN; Hỗ trợ người dân triển khai các chương trình trồng rừng mới như trồng mây và các loại lâm sản ngoài gỗ…nhằm bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái rừng tự nhiên.
Trần Thu Trang
Học viện Nông nghiệp
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2016)