Banner trang chủ

Bảo tồn các loài động, thực vật quý, hiếm ở Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La

04/07/2018

     Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Mường La được tỉnh Sơn La phê duyệt Đề án thành lập ngày 30/6/2015, trên địa bàn 3 xã Ngọc Chiến, Hua Trai, Nậm Păm (huyện Mường La). Đến tháng 3/2016, Ban quản lý (BQL) KBTTN chính thức được thành lập, với diện tích 15.800 ha, bao gồm: 8.000 ha thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; 7.728 ha thuộc phân khu phục hồi sinh thái và 31ha thuộc phân khu dịch vụ hành chính. KBTTN có cảnh quan độc đáo và giá trị đa dạng sinh học (ĐDSH) cao, đặc biệt, có loài vượn đen tuyền, nằm trong Sách Đỏ thế giới, đang bị đe dọa tuyệt chủng, hiện chỉ còn ở Việt Nam và Trung Quốc.

 

Vượn đen tuyền - loài động vật quý hiếm cần bảo vệ tại KBTTN Mường La

 

     Theo kết quả điều tra của BQL KBTTN Mường La, khu vực có hệ sinh thái rừng tự nhiên núi cao và trung bình, mang đặc trưng của vùng Tây Bắc, với hệ thực vật rừng có 622 loài thuộc 130 họ của 5 ngành thực vật bậc cao, trong đó có 27 loài quý hiếm được ghi trong Danh lục đỏ IUCN 2010 và Sách đỏ Việt Nam 2007 như pơ mu, du sam, thông đỏ, lan kim tuyến…; Hệ động vật cũng rất đa dạng, có 323 loài thuộc 97 họ, 28 bộ của 4 lớp thú, chim, bò sát, lưỡng cư, với 51 loài quý hiếm, một số loài có giá trị bảo tồn cao như vượn đen tuyền, niệc cổ hung, niệc nâu… Ngoài ra, một số loài quý hiếm mới chỉ được xác định qua tài liệu và thông tin từ người dân địa phương như beo lửa, sói lửa, báo hoa mai... Riêng loài vượn đen tuyền, hiện chỉ còn khoảng 20 - 30 cá thể, chủ yếu phân bố ở các khu vực Hua Khoa, Hua Sâng, Huổi Lát, Tà Xùa. Hiện Ban quản lý KBTTN Mường La đang nghiên cứu, tìm hiểu các loài thực vật là thức ăn chủ yếu của loài vượn đen tuyền để đảm bảo nguồn thức ăn cho loài vượn quý, hiếm này.

     Những năm qua, hệ sinh thái KBTTN Mường La bị xâm hại nghiêm trọng. Theo thống kê của Chi cục kiểm lâm tỉnh Sơn La, chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2014, đã có hơn 49 ha rừng phòng hộ bị thiệt hại, nguyên nhân là do KBTTN nằm trong khu vực có 4 dân tộc cùng chung sống, là đồng bào Mông, Thái, La Ha và Kháng. Đời sống người dân còn nhiều khó khăn, sống phụ thuộc vào rừng, nên tình trạng săn bắn các loài động, thực vật, khai thác gỗ trái phép diễn ra phổ biến. Trước thực trạng rừng bị xâm lấn nghiêm trọng, tác động tới cảnh quan, sinh cảnh các loài hoang dã,  Ban Quản lý KBTTN đã phối hợp với Đội kiểm lâm huyện Mường La tăng cường công tác tuần tra rừng, phát hiện các điểm nóng về khai thác lâm sản, phá rừng làm nương. Từ năm 2017 đến nay, đã phát hiện 3 vụ phá rừng tại bản Pá Han, Pá Múa (xã Hua Trai); thu giữ 0,73 m3 gỗ xẻ pơ mu (nhóm IIA) tại bản Phiêng Ái (xã Ngọc Chiến). Cùng với đó, để nâng cao nhận thức bảo vệ rừng cho cộng đồng, các kiểm lâm viên thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân về bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm. Đến nay đã tổ chức được 31 hội nghị tuyên truyền tại các bản; ký cam kết Bảo vệ rừng cho 100% đồng bào dân tộc trong các bản, phổ biến danh mục quản lý thực vật, động vật quý, hiếm; nghiêm cấm săn, bắt, nuôi nhốt; hướng dẫn người dân quy trình đốt nương an toàn… Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, công tác kiểm tra, kiểm soát và ngăn chặn các hành vi xâm hại đến KBTTN gặp nhiều khó khăn, do diện tích rừng thuộc KBTTN rộng, địa hình dốc, chia cắt. Cơ sở hạ tầng phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng như hệ thống đường tuần tra bảo vệ rừng; hệ thống đường băng cản lửa; mốc ranh giới phân định giữa khu rừng đặc dụng trên bản đồ và thực địa chưa được đầu tư xây dựng; hệ thống biển báo, bảng quy ước, biển cảnh báo, máy GPS, máy tính còn thiếu… Trong khi, chính quyền các xã chưa chủ động phối hợp với BQL để triển khai các biện pháp bảo vệ rừng, đặc biệt là tại các khu vực trọng điểm, giáp ranh với huyện Mù Căng Chải, nên tình trạng khai thác lâm sản và săn bắt động vật hoang dã trái phép vẫn còn xảy ra.

     Thời gian tới, để tăng cường công tác bảo tồn loài động, thực vật quý hiếm và phát triển bền vững rừng, BQL KBTTN sẽ tiến hành cắm mốc ranh giới giữa các phân khu với bên ngoài và xây dựng trạm bảo vệ rừng tại các xã. Đồng thời, tích cực triển khai các chương trình bảo tồn, phát triển bền vững rừng Mường La, gồm: Chương trình bảo vệ rừng; quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng; phục hồi sinh thái; phát triển du lịch sinh thái; tuyên truyền giáo dục và BVMT; phát triển kinh tế vùng đệm.


Kiểm lâm huyện Mường La tuần tra bảo vệ rừng

 

     Để thực hiện các chương trình trên, BQL cũng đề ra một số giải pháp như: Tập trung khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh và trồng mới rừng nhằm nâng cao diện tích đất có rừng, độ che phủ, chất lượng rừng và tính ĐDSH. Đối với những diện tích rừng nằm trong phân khu phục hồi sinh thái khó quản lý, gần dân cư thì lập hồ sơ giao khoán để gắn quyền lợi, trách nhiệm của người dân với rừng; xây dựng các bảng biểu, nội quy bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH ở nhà văn hóa bản, trường học trong bản, các hộ gia đình; khuyến khích người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng; hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đệm để nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, giảm tác động tiêu cực của con người vào KBTTN.

     Quy hoạch dân cư, tạo quỹ đất sản xuất và phát triển những cây con phù hợp với điều kiện tự nhiên của KBTTN để người dân thoát nghèo bền vững; phát triển các dịch vụ sinh thái rừng và tăng cường áp dụng cơ chế chi trả dịch vụ sinh thái rừng, đảm bảo lợi ích cho người sử dụng, cũng như người cung cấp dịch vụ sinh thái; kết hợp hài hòa giữa bảo tồn với khai thác, sử dụng hợp lý ĐDSH và xóa đói giảm nghèo.

     Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, thường xuyên cập nhật tình hình bảo vệ rừng; tăng cường áp dụng công nghệ sinh học trong tạo, nhân giống, nhằm bảo tồn và phát triển các loài động, thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.

     Cùng với đó, tích cực huy động nguồn vốn viện trợ của các tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân trong nước để thực hiện thêm nhiều dự án bảo tồn động, thực vật quý hiếm đe dọa tuyệt chủng, đào tạo chuyên gia bảo tồn, cứu hộ động vật hoang dã… Đồng thời, tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo tồn thiên nhiên, ĐDSH và phát triển bền vững.

 

Nguyễn Minh Hạnh

Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Đinh Thị Quỳnh Anh

Trường Cao đẳng Sơn La

 

 

 

 

Ý kiến của bạn