06/02/2017
Bao đời nay, voi đã đi vào tâm thức của đồng bào các dân tộc ở Đắc Lắc nói chung, huyện Buôn Đôn nói riêng. Voi gắn bó với con người, được săn bắt về từ đại ngàn hùng vĩ bởi những Gru (dũng sĩ săn voi), được thuần dưỡng và xem như những người bạn lớn của đồng bào M’Nông, Ê Đê, Gia Rai... Tuy nhiên, trong 8 năm (2009 - 2016) đã có ít nhất 23 cá thể voi rừng bị chết, chiếm khoảng 25% so với con số ước tính tổng đàn, gần 75% trong số voi chết là voi con dưới một tuổi.
Bảo tồn voi không chỉ là cứu một loài động vật nguy cấp quý hiếm, mà còn bảo tồn nét văn hóa riêng chỉ có ở Tây Nguyên |
Thực trạng khai thác, bảo tồn văn hóa du lịch Buôn Đôn
Khu du lịch văn hóa - sinh thái Buôn Ðôn có tổng diện tích gần 1.600 ha do Công ty Cao su Đắc Lắc quản lý và khai thác, gồm các tổ hợp du lịch làng du lịch - văn hóa, khu động vật hoang dã, khu giải trí hồ Đắc Min, khu lưu trú sinh thái, khu dã ngoại rừng, khu sản xuất và du lịch nông nghiệp...
Các dịch vụ du lịch Buôn Đôn gắn chặt với đời sống, sinh hoạt của cư dân như dịch vụ lưu trú, ẩm thực tại nhà dân; các ngành nghề truyền thống như dệt, đan lát, tạc tượng, điêu khắc, nấu rượu cần, dịch vụ du lịch voi và hoạt động giao lưu văn hóa: (cồng chiêng, lễ hội...). Ngoài ra, cư dân trong làng cũng nhận quản lý bảo vệ các khu rừng cảnh quan và canh tác trên diện tích ruộng, rẫy...
Du lịch phát triển đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống của cư dân bản địa. Tuy nhiên, du lịch Buôn Đôn nói riêng và du lịch Tây Nguyên nói chung cũng đang phải đối mặt với những khó khăn. Gần đây, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện các vụ sát hại voi để lấy ngà và lông đuôi, đàn voi Tây Nguyên đang bị suy giảm nghiêm trọng đến nỗi nhiều người lo ngại chỉ chưa đầy 20 năm nữa đàn voi Tây Nguyên sẽ biến mất, khách du lịch Tây Nguyên thay vì được cưỡi voi sẽ chỉ còn nhìn thấy chúng trong các viện bảo tàng hay phòng trưng bày…
Trước đây, ở Buôn Đôn có rất nhiều nghệ nhân đã săn và thuần dưỡng được voi rừng thì nay cả buôn không còn con voi nào, một phần do voi nhà đã già yếu và mất đi, phần vì nuôi voi tốn kém, bảo vệ khó khăn, nhà nào còn voi cũng chọn giải pháp bán cho các khu du lịch...
Khu du lịch văn hóa sinh thái Buôn Đôn sở hữu số lượng voi nhà lớn nhất ở Tây Nguyên (7 con) nhưng điều dễ dàng nhận thấy là đàn voi này đều trơ trọi lông đuôi, có những chú voi bị cụt đuôi do bị chặt đứt, ngà bị cưa… Chỉ trong một thời gian ngắn đã có gần chục con voi ở Tây Nguyên bị chết. Đàn voi nhà của Đắc Lắc từ 502 con năm 1980 đến nay chỉ còn 48 con. Con voi nhỏ nhất là 15 tuổi, con già nhất đã 68 tuổi, trong khi đó độ tuổi sinh sản của voi chỉ khoảng 15 - 30 tuổi, do đó nếu không có những biện pháp kịp thời để bảo vệ và phát triển đàn voi nhà thì nguy cơ tuyệt chủng là hiện hữu. Với voi ở ngoài tự nhiên, hiện tại vẫn chưa có một thống kê chính xác, ước lượng của các khu bảo tồn hoặc Vườn quốc gia có voi gửi về Ban chỉ đạo quốc gia về Bảo tồn voi Việt Nam là vào khoảng 120 con, trong đó tập trung nhiều nhất ở Vườn Quốc gia Yok Đôn với khoảng 70 con.
Hàng năm, tỉnh Đắc Lắc sử dụng voi vào các lễ hội, các chương trình văn hóa du lịch nhằm quảng bá thu hút khách. Tuy nhiên, việc đầu tư bảo tồn voi nhà lại chưa được quan tâm đúng mức. Khai thác tận thu giá trị kinh tế, voi bị bóc lột sức lao động quá mức khiến chúng nhanh chóng lão hóa. Voi là một biểu tượng bất biến trong tâm thức của người dân Tây Nguyên, bảo tồn voi nay không chỉ là cứu một loài động vật nguy cấp quý hiếm, sắp bị tuyệt chủng mà còn là vấn đề bảo tồn nét văn hóa rất riêng, chỉ có ở Tây Nguyên.
Ở Vườn quốc gia Yok Đôn, tình trạng xâm hại tài nguyên thiên nhiên vẫn diễn ra dai dẳng, chủ yếu là khai thác gỗ và lâm sản, săn bắt trái phép. Tại đây, hệ thực vật khá phong phú, đa dạng với nhiều chủng loại gỗ quý hiếm như gõ, căm xe, cà chít, bằng lăng... nhưng nay đã bị phá nát, gần như vùng trắng.
Vườn quốc gia Yok Đôn hiện được xếp vào loại A trong các khu bảo vệ có tầm quan trọng quốc tế về đa dạng sinh học (ĐDSH). Chính vì vậy, việc quản lý bảo vệ rừng ở Vườn quốc gia Yok Đôn có ý nghĩa đặc biệt không những cho việc bảo tồn ĐDSH mà còn bảo vệ rừng đầu nguồn cho hệ thống sông Mê Công, điều tiết lũ cho hệ thống sông ở đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, một số bất cập trong việc khai thác, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng cư dân bản địa như hoạt động biểu diễn giao lưu văn hóa cồng chiêng ở Buôn Đôn diễn ra một cách sơ sài, thiếu sự dàn dựng chu đáo, biểu diễn cho có, các nghệ nhân biểu diễn gần như không có chút xúc cảm nào. Cồng chiêng là một hiện tượng “văn hóa sống” nên việc mở hội diễn, liên hoan là để tạo điều kiện cho các đội cồng chiêng giao lưu và tuyên truyền về giá trị văn hóa cồng chiêng cho quần chúng địa phương cũng như du khách thập phương. Vì vậy, việc sử dụng cồng chiêng phải gắn liền với những ý nghĩa nêu trên, không nhằm mục đích phục vụ thương mại hóa đơn thuần. Đó là chưa kể đến việc một bộ phận giới trẻ trong cộng đồng các dân tộc thiểu số cư trú tại đây đang dần dần bị “Tây hóa” trong lối sống và sinh hoạt.
Một số đề xuất
Bảo tồn và phát huy giá trị của du lịch Buôn Đôn, phục vụ cho mục đích tìm hiểu nét đặc sắc của văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, nhu cầu thưởng ngoạn cảnh đẹp tự nhiên, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa - nghệ thuật, nhu cầu về tín ngưỡng của nhân dân, đồng thời gắn với khai thác để mang lại nguồn lợi kinh tế, tiếp tục đầu tư cho phát triển du lịch Buôn Đôn mà không gây tổn hại đến các giá trị của thế hệ mai sau.
Du khách đến với Tây Nguyên phần lớn vì muốn khám phá những bí ẩn của văn hóa, núi rừng cao nguyên. Để thu hút du khách, việc phát huy và bảo tồn bản sắc đặc trưng của vùng Tây Nguyên là yếu tố thiết yếu, trong đó có việc bảo tồn đàn voi cùng với các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số như văn hóa cồng chiêng và các giá trị về mặt sinh thái. Chính vì vậy, đòi hỏi cần có những biện pháp và chính sách kịp thời, hiệu quả.
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước có sự tham gia hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát và bảo tồn các tài nguyên du lịch của địa phương.
Tăng cường nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách để thực hiện công tác bảo tồn và phát triển bền vững du lịch,
Buôn Đôn là một huyện miền núi, nằm ở độ cao tương đối nên hệ thống cấp, thoát nước tại các khu du lịch cần được chú trọng, tránh trường hợp nước thải sinh hoạt gây ô nhiễm cho môi trường và các khu vực lân cận.
Tăng cường giáo dục ý thức trách nhiệm của người dân địa phương về bảo vệ các tài nguyên du lịch.
Việc nâng cao năng lực và chất lượng đội ngũ nhân viên hoạt động trong các khu du lịch cần được chú trọng đầu tư thỏa đáng; Thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn nhằm nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Đặc biệt, nên tạo điều kiện huy động lực lượng lao động là người địa phương tại các khu du lịch.
Cộng đồng dân cư có quyền tham gia và hưởng lợi ích hợp pháp từ hoạt động du lịch, có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch, bản sắc văn hóa địa phương để tạo sự hấp dẫn du lịch…
Du lịch là một ngành kinh tế có định hướng tài nguyên rõ rệt. Mục tiêu của phát triển du lịch nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao nhưng phải đảm bảo bảo tồn được các tài nguyên du lịch (tài nguyên tự nhiên và nhân văn). Đây là hai mặt không thể tách rời để đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Chính vì thế, phải vận dụng quan điểm này để đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo khai thác phát triển bền vững du lịch Buôn Đôn.
Trước nguy cơ tuyệt chủng của đàn voi rừng lớn nhất của Việt Nam, ngày 14/12/2016 tại Ðắc Lắc, tổ chức WWF-Việt Nam và Vườn Quốc gia Yok Ðôn đã cam kết Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tổn voi rừng Yok Ðôn giai đoạn 2016-2020. Với mục đích tập trung đẩy mạnh thực thi pháp luật, giảm thiểu mâu thuẫn giữa voi - người dựa trên hiểu biết về tập tính di chuyển theo mùa của voi và sinh kế thân thiện cho người dân. Trước khả năng voi bị săn bắn ở ngoài Vườn quốc gia, WWF- Việt Nam sẽ ứng dụng công nghệ thông tin vào việc kiểm tra, giám sát đàn voi thông qua triển khai công cụ theo dõi và báo cáo hiện trường (SMART) tại Yok Ðôn để thu thập dữ liệu, giám sát loài và quản lý những hoạt động có liên quan.
Xuân Thắng
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2016