22/04/2015
Hợp tác quốc tế về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (ĐDSH) luôn được Chính phủ Việt Nam coi là vấn đề quan trọng trong các đàm phán ngoại giao, đa phương và song phương với các nước trong và ngoài khu vực nhằm bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên và an ninh lãnh thổ, lãnh hải.
Xây dựng mạng lưới bảo tồn
Việt Nam có đường biên giới lục địa với Trung Quốc, Lào, Campuchia và trên biển với Trung Quốc, Philipin, Malaixia, Campuchia, Inđônêxia, Thái Lan, Brunei... Hiện tại, Việt Nam có đến gần 200 KBT thiên nhiên - ĐDSH, phân bố trên cả nước, trong đó có 30 vườn quốc gia, hơn 164 khu rừng đặc dụng, 9/16 KBT biển, 2 di sản thiên nhiên thế giới, 6 khu Ramsar, 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đây chính là cơ sở để thiết lập các KBT đa dạng sinh học xuyên biên giới với các quốc gia láng giềng trên đất liền và trên biển. Rất nhiều công ước quốc tế quy mô toàn cầu, khu vực đã được Việt Nam ký kết như Công ước Di sản, Công ước Ramsar, Công ước Đa dạng sinh học; Công ước Luật biển 1982...
Lào, Campuchia và Việt Nam có đặc điểm về địạ lý và khí hậu tương tự nhau. Dãy Trường Sơn dọc biên giới 3 nước có hệ sinh thái đa dạng, phức hợp nổi tiếng nhất ở khu vực Đông Dương. Đây là nơi ở của nhiều sinh vật hoang dã mang đặc thù địa phương và có sự ĐDSH cao, phản ánh qua hệ thực vật phong phú với gần 1.000 loài, trong đó, nhiều loài có giá trị kinh tế cao; song cũng có những loài đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
Hệ thống khu bảo tồn (KBT) trên biển - cơ sở pháp lý bảo vệ an ninh
chủ quyền quốc gia, giải quyết các vấn đề môi trường xuyên biên giới
Chính phủ Việt Nam ý thức rõ về vấn đề này và sẵn sàng hành động, thông qua việc thành lập một hệ thống các KBT với diện tích che phủ là 1 triệu héc ta. Lào cũng đã công bố 20, với diện tích che phủ 3,1 triệu héc ta, tương đương 13,2% diện tích nước này. Cả 3 nước đang hợp tác thiết lập mạng lưới bảo tồn xuyên biên giới đối các loài động vật như voi, bò, hổ... Cách tiếp cận này cũng làm giảm bớt chi phí và giúp cải thiện các hoạt động quản lý.
Cơ sở pháp lý bảo vệ chủ quyền, lãnh hải
Việt Nam là quốc gia ven biển và biển Việt Nam được xem như một trong những trung tâm ĐDSH của thế giới. Vùng biển Việt Nam có tính đa dạng sinh cảnh cao với hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình như hệ sinh thái vùng triều, rừng ngập mặn và hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái cửa sông ven biển... Trong đó, tính đa dạng thành phần loài rất phong phú, có nhiều nhóm có 1.000 loài như động vật thân mềm sống trong rừng ngập mặn (1.969 loài), cá rạn san hô (1.258 loài). Đây thực sự là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá.
Trong khi đó, Việt Nam có đường biên giới trên biển với nhiều quốc gia láng giềng, đây được xem là cơ sở để thiết lập các KBT biển xuyên biên giới, giúp cho công tác giám sát, bảo vệ lãnh hải và tài nguyên được an toàn hơn.
Theo quy hoạch hệ thống KBT biển Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2010, đến năm 2020, nước ta sẽ có 16 KBT biển. Tới thời điểm này, đã thành lập và hình thành được mạng lưới 9/16 khu, bao gồm, Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Vịnh Nha Trang, Núi Chúa, Hòn Cau, Côn Đảo, Phú Quốc. Mặc dù hệ thống KBT biển Việt Nam ra đời muộn hơn so với các KBT trên cạn nhưng có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế biển, cải thiện sinh kế của cộng đồng ngư dân các địa phương ven biển. Đồng thời, hệ thống này sẽ góp thêm cơ sở pháp lý bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia, giải quyết các vấn đề môi trường xuyên biên giới trong vùng biển Đông.
Hiện hệ thống cơ chế, chính sách cho vấn đề bảo tồn biển về cơ bản đã hình thành tương đối đồng bộ như: Luật Thủy sản, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Đa dạng sinh học, Chiến lược quản lý hệ thống rừng đặc dụng, KBT biển, KBT vùng nước nội địa Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030, Quy hoạch hệ thống KBT biển Việt Nam...
Theo Monre