Banner trang chủ

Báo động tình trạng gia tăng chất thải điện tử trên thế giới

26/12/2016

   Tình trạng chất thải điện tử (CTĐT) ngày càng gia tăng đang là vấn đề nan giải tại nhiều quốc gia trên thế giới. Việc thu gom, tái chế, xử lý CTĐT không đúng cách sẽ gây ra những hiểm họa cho môi trường và sức khỏe con người.

Tại Mỹ, hàng triệu tấn CTĐT bị thải ra hàng năm

   Trong CTĐT có nhiều hợp chất khác nhau, trong đó có các thành phần kim loại nặng, kim loại quý… Nếu được xử lý, tái chế phù hợp, có thể thu hồi những kim loại quý như đồng, sắt, silicon, niken, vàng, bạc. Tuy nhiên, trong CTĐT chứa nhiều thành phần gây ô nhiễm nghiêm trọng, có hại cho sức khỏe con người và môi trường. Tại các bãi rác, nước rỉ rác từ CTĐT chứa hóa chất độc hại có thể ngấm vào đất. Ngoài ra, trong quá trình đốt CTĐT cũng có thể thải ra các chất độc hại vào không khí và tồn đọng trong tro xỉ các kim loại nặng như chì, cadimin, thủy ngân, nhất là trong chất thải đem đốt chứa nhựa PVC sẽ phát thải các chất cực độc như furan và dioxin. Những độc tố này tích tụ và không bị phân hủy, tồn tại rất lâu trong môi trường, gây ra những tác hại cho môi trường và sức khỏe con người như thủy ngân có thể tích tụ trong chuỗi thức ăn, đặc biệt trong các mô mỡ của cá, sau đó được con người sử dụng làm thức ăn.

Tái chế CTĐT được thực hiện một cách thô sơ tại các bãi rác

   Vì vậy, tại các nước châu Âu, việc quản lý, tái chế CTĐT được triển khai nghiêm ngặt, giám sát chặt chẽ và thực hiện trong các nhà máy. Đặc biệt, các nước không tái chế nhựa từ CTĐT để tránh nguy cơ phát thải furan và dioxin ra môi trường. Một số quốc gia không tái chế CTĐT trong nước, mà xuất khẩu bất hợp pháp sang các quốc gia đang phát triển, làm cho các quốc gia này trở thành điểm tập kết rác thải điện tử. Theo kết quả thanh tra tại 18 cảng biển của châu Âu trong năm 2005, khoảng 47% lượng CTĐT được xuất khẩu là bất hợp pháp. Chỉ tính riêng ở Mỹ, trong năm 2009, đã có 2,37 triệu tấn CTĐT bị thải loại, trong đó, khoảng 50 - 80% CTĐT được thu gom và đem đến các bãi rác để tái chế, hoặc xuất khẩu sang các nước đang phát triển - nơi mà CTĐT có thể không được xử lý một cách phù hợp, gây nguy hại cho môi trường và sức khỏe của công nhân, người lao động.

   Mặc dù, việc xuất khẩu CTĐT sang nước khác là vi phạm quy định của Công ước Basel về kiểm soát, vận chuyển chất thải nguy hại xuyên biên giới và điều này bị cấm tại nhiều quốc gia, nhưng ở Mỹ lại được xem là hợp pháp, vì Mỹ chưa tham gia vào Công ước Basel. Phần lớn, loại rác thải điện tử được xuất khẩu sang những quốc gia đang phát triển dưới dạng đồ cũ để bán lại hoặc tái chế. Tại các nước như Trung Quốc, Nigêria, quy trình tái chế CTĐT tại các bãi rác được thực hiện rất thô sơ, đơn giản, chủ yếu làm bằng tay và do trẻ em thực hiện. Việc tái chế CTĐT được tiến hành trái phép, nhằm trích xuất kim loại có giá trị trong chất thải và sau đó, đốt các phần còn lại, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho môi trường và sức khỏe cộng đồngn

Hoàng Dương

(Theo Earth.Talk Magazine)

Nguồn: Bài đănng trên Tạp chí Môi trường số 11/2016

Ý kiến của bạn