13/03/2019
Đều đặn vào mỗi buổi sáng sớm và chiều, hình ảnh người phụ nữ ngoài 80 tuổi, thân hình nhỏ bé, gầy gò, tay cầm chổi, xẻng đi quét dọn rác đã trở nên quen thuộc với mỗi người dân ở tổ 24, ngõ 35, đường Nguyễn An Ninh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội. Đó là cụ bà Đinh Thị Quý, hay còn gọi là “cụ Quý quét rác”, “cụ Quý đồng hồ”.
Cụ Quý thu gom phế liệu để bán lấy tiền giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn
Lần đầu tiên gặp tôi đã cảm nhận, cụ là người phụ nữ hiền lành, chất phác, ở cụ toát lên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam truyền thống. Nhưng khi được tiếp xúc trực tiếp và nghe cụ tâm sự, chia sẻ, tôi nhận ra đằng sau vẻ mộc mạc của cụ là cả một bầu nhiệt huyết với công việc dọn dẹp, làm đẹp khu phố. Cụ kể, vào thời điểm cách đây hơn 12 năm, do người dân vứt rác không theo quy định nên dọc ngõ 35, đường Nguyễn An Ninh lúc nào cũng ngập trong rác, mùi hôi thối bốc lên. Trước cảnh tượng đó, cụ bàn với mọi người trong tổ dân phố cùng dọn đống rác đi để mọi người không vứt bừa ở đấy nữa. Khi nghe ý tưởng của cụ, ai cũng cười và bảo với cụ rằng không làm được. Mặc dù, không được mọi người đồng lòng giúp sức nhưng cụ Quý vẫn quyết tâm thực hiện ý định của mình. Thời gian đầu, cụ phải bỏ tiền túi ra để thuê “đồng nát” chở đống rác ấy đi đổ ra bãi rác. Còn phần mình, cụ lấy chổi quét sạch rác vương vãi trên đường đi lối lại, thu thành đống rồi đợi xe rác qua thì bỏ vào. Sau vài ngày như vậy, đường phố đỡ rác hơn nhưng thói quen đổ rác bừa bãi của mọi người thì vẫn vậy. Để khắc phục tình trạng này, sau khi quét sạch đường phố vào buổi sáng, cụ kê ghế ngồi gần nơi mọi người hay vứt rác để “canh” bãi rác. Ai bỏ rác không đúng giờ quy định là cụ nhắc nhở. Khi đó, cụ Quý bị không ít người chê bai, dẻ bỉu là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, có người còn bảo bà là gàn dở, khùng điên khi tự vơ vào người công việc nặng nhọc, bẩn thỉu… Họ luôn cho rằng, đã mất tiền thuê công nhân vệ sinh môi trường làm rồi thì họ phải có trách nhiệm dọn dẹp. Nhưng rồi chứng kiến đường phố ngày càng sạch đẹp, thoáng mát, chẳng ai bảo ai, mọi người cùng nhau học theo cụ thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường.
Giờ đây ai ai ở khu phố cũng đều quý trọng và kính nể việc làm của cụ. Hàng ngày, đúng 5h30 sáng là cụ cầm chổi và mo hót để đi quét lá, rác trên các con đường. Buổi chiều, khoảng 3 - 4h, trước khi xe của công nhân môi trường đến thu rác, cụ sẽ cầm kẻng đi gõ khắp các ngóc ngách để nhắc mọi người đã đến giờ đổ rác. Cụ coi đó là công việc quen thuộc đã ăn vào nếp sống như “cơm ăn áo mặc” hàng ngày. Cụ bảo, trong suốt những năm tháng tự nguyện làm người lao công của khu phố, món quà quý nhất đối với cụ là lời động viên của tất cả mọi người. Mỗi lời động viên là động lực để cụ tiếp tục cống hiến cho cộng đồng, xã hội. Nhưng nay cụ Quý đã sang tuổi 80, ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, sức khỏe của cụ không còn như trước và khó có thể tiếp tục làm việc này mỗi ngày nữa. Việc sắp phải “nghỉ hưu” khiến cụ buồn. Nhắn nhủ đến mọi người, cụ Quý bày tỏ: “Tôi mong rằng mỗi một người dân hãy đối xử với con phố chung cũng như với căn nhà riêng của mình vậy. Đường ngõ sạch đẹp thì tôi mới có thể yên tâm “nghỉ hưu” được”.
Những đóng góp của cụ đã được UBND TP. Hà Nội ghi nhận
Không chỉ là “đại sứ môi trường”, cụ Quý còn năng động trong các hoạt động xã hội, tập thể, luôn quan tâm đến những người có hoàn cảnh khó khăn trong tổ dân phố. Để có tiền giúp đỡ mọi người, trong lúc đi thu gom rác, cụ nhặt nhạnh chai lọ, vỏ lon tích lại, đem bán rồi ủng hộ cho Quỹ Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ và giúp đỡ trẻ em khó khăn trong tổ dân phố.
Hơn 12 năm cần mẫn làm công việc của một người công nhân môi trường một cách tự nguyện và không công cho khu phố, cụ Quý đã góp phần thay đổi nhận thức thái độ của người dân, đưa phong trào BVMT của địa phương có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2017, cụ đã vinh dự được Chủ tịch UBND TP. Hà Nội tặng Bằng khen với danh hiệu “Người tốt, việc tốt”.
Phạm Bắc
Hội Nông dân Việt Nam
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2019)