Banner trang chủ

92% dân số thế giới sống trong không khí bị ô nhiễm

05/10/2016

     Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 27/9/2016 cho thấy, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương là hai khu vực bị ô nhiễm không khí nặng nhất trên thế giới.

     Kết quả này dựa trên dữ liệu vệ tinh, mô hình vận tải hàng không và màn hình trạm mặt đất, tại hơn 3.000 địa điểm ở cả nông thôn và thành thị. Năm 2012, ước tính có khoảng 6,5 triệu ca tử vong (chiếm 11,6% trường hợp tử vong trên toàn cầu) có nguyên nhân từ ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời.

 


Khu vực màu đỏ bị ô nhiễm không khí nặng nhất (Ảnh: WHO)

 

     Theo TS. Flavia Bustreo, Trợ lý Tổng Giám đốc WHO, ô nhiễm không khí tiếp tục đe dọa sức khỏe của bộ phận dễ bị tổn thương, nhất là phụ nữ, trẻ em và người lớn tuổi. Gần 90% ca tử vong liên quan tới ô nhiễm không khí xảy ra ở khu vực có thu nhập thấp và thu nhập trung bình.

     Mô hình kiểm định chất lượng không khí của WHO cũng cho thấy, 92% dân số thế giới đang sống ở những nơi chứa hạt vật chất có đường kính dưới 2,5 micromet (PM2,5) vượt quá giới hạn cho phép. Khuyến cáo của WHO về khối lượng hạt vật chất PM2,5 là 10mg/m3 không khí.

     Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí là do khí thải của các phương tiện giao thông, sản phẩm của nhiên liệu làm chất đốt ở các gia đình, khí thải từ nhà máy công nghiệp... Tuy nhiên, không phải tất cả ô nhiễm không khí đều có nguồn gốc từ hoạt động của con người mà những cơn bão bụi (ở khu vực gần sa mạc) cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng không khí.

     Để giải quyết các vấn đề ô nhiễm không khí, cần áp dụng các biện pháp phát triển giao thông bền vững ở các thành phố; tăng cường quản lý chất thải rắn; tích cực sử dụng nguồn năng lượng sạch từ thiên nhiên và đặc biệt, giảm thiểu khí thải công nghiệp.

 

An Vi

Ý kiến của bạn