Banner trang chủ

Ðiện Biên xây dựng cơ chế, chính sách liên kết vùng bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu

03/07/2015

   Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới nằm ở phía Tây Bắc của tổ quốc, với tổng diện tích tự nhiên là 9.563km2 (chiếm 2,8% diện tích tự nhiên của cả nước), dân số trung bình khoảng 504.502 người (chiếm 0,6% dân số cả nước). Những năm gần đây do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) nên lượng mưa thay đổi, lưu lượng nước tăng vào mùa mưa và suy giảm vào mùa khô, gây trượt lở đất, sụt lún, xói mòn, hoang hóa đất, gia tăng lũ quét, hạn hán làm thiệt hại tới đời sống kinh tế của địa phương.

Tác động của BĐKH dẫn đến nguy cơ đất bị bỏ hoang, không trồng cấy trong nhiều tháng mùa khô ở Điện Biên

   1. Tác động của BĐKH đến môi trường tự nhiên và kinh tế

   Tài nguyên đất

   Theo kịch bản BĐKH tỉnh Điện Biên, nhiệt độ trung bình tỉnh tăng từ 0,3 - 0,5oC kết hợp với lượng mưa giảm vào mùa khô (giảm 2,8%) nên làm gia tăng diện tích vùng đất có nguy cơ hoang mạc hóa, làm mất khả năng canh tác. Thêm vào đó, lượng mưa vào mùa mưa gia tăng khoảng 12,1% vào năm cuối của thế kỷ XXI, gây lũ quét và trượt lở đất, gây mất đất, suy giảm chất lượng đất.

   Hiện nay, tỷ trọng nông nghiệp vẫn chiếm vai trò chủ yếu trong phát triển kinh tế của tỉnh. Trồng trọt, chăn nuôi là ngành nghề chính trong nông nghiệp, trong đó bao gồm các hoạt động canh tác lúa nước, lúa nương, hoa màu phục vụ cho nhu cầu sống của người dân trong tỉnh và một phần cung cấp ra các thị trường ngoài tỉnh. Do nhu cầu khai thác đất để trồng các loại cây lương thực, rau, quả là cao, nên nhiều hộ dân đã bón phân hóa học không rõ nguồn gốc gây suy giảm chất lượng và gia tăng ô nhiễm đất.

   Ngoài các áp lực trên, sự gia tăng dân số tự nhiên và cơ học hàng năm trên địa bàn tỉnh tại một số vùng cũng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro gây suy thoái môi trường đất. Đó là sự mở rộng quỹ đất để phát triển nông nghiệp như phát nương rẫy. Hoạt động này đã làm suy giảm đáng kể thảm thực vật rừng. Từ đó gây rửa trôi, xói mòn đất và suy thoái đất khá nghiêm trọng tại một số vùng trong tỉnh.

   BĐKH làm cho lượng mưa tăng ở nơi này nhưng lại giảm ở nơi khác, tăng lượng mưa vào mùa mưa nhưng giảm trong mùa khô; hiện tượng mưa cực ít đều có thể xảy ra nhiều hơn. Vì vậy, dưới tác động của BĐKH, khí hậu ở các vùng mưa ít vào mùa khô có thể trở nên khắc nghiệt, hạn hán có thể xảy ra nhiều hơn và cường độ mạnh hơn.Như vậy, nguy cơ đất bị bỏ hoang, không trồng cấy trong nhiều tháng mùa khô, dẫn đến đất bị thoái hóa và hiện tượng hoang mạc hóa có thể diễn ra với nguy cơ cao hơn trong tương lai. Điều này còn gây ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp, gây thiệt hại lớn về sản lượng và chất lượng nông sản.

   Tài nguyên nước

   Tài nguyên nước của Điện Biên khá phong phú và có tiềm năng phát triển thủy điện vừa và nhỏ. Hệ thống sông Mê Công trên địa bàn tỉnh có diện tích lưu vực là 1.650 km2 với các nhánh sông chính là sông Nậm Rốm, Nậm Núa.

   Quy hoạch, xây dựng các công trình thủy điện chịu chi phối mạnh từ lưu lượng nước của các lưu vực sông (LVS). Tại các huyện Mường Chà, Mường Nhé, Điện Biên là nơi có số lượng công trình thủy điện được quy hoạch cao nhất toàn tỉnh.Theo Kịch bản BĐKH của tỉnh Điện Biên, lượng mưa trung bình năm sẽ tăng khoảng 0,9% nhưng tăng chủ yếu trong mùa mưa, trong khi mùa khôcó xu hướng giảm dần. Lượng mưa suy giảm này sẽ ảnh hưởng đến lưu lượng nước của các LVS trên địa bàn.

   Bên cạnh đó, việc xây dựng các công trình hồ chứa, trạm bơm, đập dâng lớn nhỏ để khai thác, sử dụng và điều tiết nguồn nước ở các lưu vực diễn ra mạnh mẽ với tốc độ tăng dân đã làm biến đổi mạnh mẽ số lượng, chế độ phân bố và chất lượng nước ở các lưu vực nói riêng và trên toàn tỉnh Điện Biên nói chung. Ngoài ra, trong các tháng mùa khô, dòng chảycó xu hướng giảm do tình trạng cạn kiệt nước sông. Trong mùa khô, nhiều chi lưu và các nhánh sông nhỏ dòng chảy và trữ lượng nước giảm mạnh. Điều này khiến cho sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc tưới tiêu. Trong mùa mưa, chế độ và cường độ mưa đều tăng và tập trung vào một đến hai tháng dẫn đến thời gian tập trung nước trong sông nhanh hơn, số lượng lũ nhiều hơn. Điện Biên có nhiều vùng đất được quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, cánh đồng Mường Thanh, lòng chảo Điện Biên sẽ gia tăng nguy cơ ngập úng trên diện rộng. Cảnh báo ở khu vực huyện Mường Nhé, phía bắc thị xã Mường Lay và huyện Mường Ẳng là nơi tập trung mưa với lượng mưa hàng năm lớn trên 2.000mm.

   Tác động đến ngành lâm nghiệp

   Cùng với những thay đổi về thời tiết, đặc biệt là sự suy giảm lượng mưa trong mùa khô sẽ làm gia tăng các rủi ro về cháy rừng. Do thời tiết khô hanh, nắng nóng kéo dài, trong giai đoạn 2011-2015, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 55 vụ cháy rừng, với diện tích thiệt hại không có khả năng phục hồi là 32,44 ha, trong đó: Rừng tự nhiên (45 vụ), diện tích thiệt hại (30,82 ha); rừng trồng (10 vụ), diện tích thiệt hại (1,62 ha).

   Tác động đến ngành công nghiệp

   Theo định hướng, sản xuất công nghiệp sẽ dần chiếm tỷ trọng chính trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Ngành sản xuất công nghiệp sẽ tập trung chủ yếu vào khai thác và chế biến nông lâm sản, sản xuất xi măng, khai thác khoáng sản, khai thác đá xây dựng. trước tác động của BĐKH, ngành sản xuất công nghiệp sẽ bị ảnh hưởng đến các vùng nguyên liệu là đầu vào cho các cơ sở chế biến nông lâm sản, bởi chất lượng và năng suất cây trồng (cả nông nghiệp và lâm nghiệp) sẽ bị suy giảm.

   Bên cạnh đó, BĐKH còn làm ảnh hưởng đến các khu khai thác tài nguyên khoáng sản.Các khu vực khai thác và chế biến khoáng sản thường tập trung tại các khu vực hiểm trở dễ bị tác động bất lợi từ các hiện tượng cực đoan của thời tiết. Do đó, khi gia tăng các hiện tượng cực đoan của thời tiết do BĐKH, sản xuất của các cơ sở này sẽ bị tác động lớn như vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm bị đình trệ do các tuyến đường vận chuyển bị sạt lở, tăng rủi ro nguy hiểm trong khai thác (sập đá, trượt lở đất) và rủi ro cho các công trình xử lý môi trường (chủ yếu là xử lý chất thải của các cơ sở khai thác và chế biến quặng).

   2. Thực trạng liên kết vùng trong sử dụng tài nguyên, BVMT, ứng phó với BĐKH và phát triển kinh tế - xã hội

   Điện Biên là một tỉnh miền núi nhưng tỉnh luôn quan tâm tới những chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tỉnh cũng đã đề cao vai trò của việc liên kết với các tỉnh lân cận để phát huy thế mạnh của tỉnh. Phần lớn các lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, quản lý tài nguyên và BVMT, phòng tránh, thích ứng với thiên tai và BĐKH đã triển khai liên kết có hiệu quả. Cụ thể, tỉnh đã xây dựng đề án “Xây dựng và triển khai các kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH” trong đó đề cập tới xây dựng các giải pháp ứng phó và lồng ghép thông tin BĐKH vào kế hoạch phát triển, đồng thời xây dựng các giải pháp liên kết vùng ứng phó cho các nhóm ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh. Các cấp, các ngành, địa phương đã theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, khí hậu, thủy văn, làm tốt công tác dự báo, cảnh báo sớm, từ đó kịp thời ứng phó, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả nhằm bảo vệ, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản của nhà nước, nhân dân khi có lũ, bão, thiên tai xảy ra.

   Đối với công tác bảo vệ rừng, năm 2014, tỉnh đã triển khai kế hoạch hành động “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng cácbon rừng (REDD+)”.Theo Kế hoạch hành động REDD+, tỉnh Điện Biên đã đặt ra các mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2011-2015 là: Tăng lượng các bon hàng năm đạt 40.641 tấn CO2/năm; nâng độ che phủ của rừng lên 45%; Thiết lập 6.555 ha rừng thuộc 2 xã thực hiện thí điểm là Mường Phăng và Mường Mươn đủ điều kiện thực hiện REED+; Bảo tồn các loài động, thực vật hiện có, ngăn chặn đà suy giảm đa dạng sinh học đối với 2 xã thí điểm REDD+. Đây là hoạt động mới nên để đạt được các mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, Sở NN&PTNT tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với JICA để thực hiện các hoạt động REDD+ tại hiện trường ở các xã thí điểm. Đồng thời, phấn đấu trong giai đoạn 2014 - 2016 sẽ triển khai việc giao đất, giao rừng đến từng hộ gia đình, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu rừng, nâng cấp hệ thống theo dõi diễn biến rừng của tỉnh hoàn thiện hơn.

   3. Giải pháp xây dựng cơ chế, chính sách liên kết vùng trong ứng phó với BĐKH

   Mặc dù, tỉnh Điện Biên đã đề ra những kế hoạch hành động trong ứng phó với thiên tai và BĐKH nhưng trong quá trình thực hiện liên kết với các địa phương khác thì tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn như thiếu cơ chế chính sách, chưa có sự chỉ đạo của cấp trên, nguồn đầu tư tài chính cho việc ứng phó và giảm thiểu thiên tai do BĐKH gây ra…. Để triển khai hiệu quả liên kết vùng, tỉnh đã đề ra một số giải pháp:

   Trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đã được duyệt cần xây dựng quy hoạch phát triển các ngành và lĩnh vực thống nhất đồng bộ theo quy hoạch tổng thể để triển khai thực hiện. Đầu tư các nguồn lực để các địa phương trong tỉnh chủ động thực hiện các mục tiêu quy hoạch. Bên cạnh đó, hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác liên kết phát triển vùng để đảm bảo phát huy nguồn lực xã hội.

   Trong đầu tư xây dựng hạ tầng, các công trình giáp ranh cần quy định việc thỏa thuận phối hợp giữa các tỉnh có liên quan để phát huy hiệu quả công trình được đầu tư. Các Bộ, ngành Trung ương cần có nghiên cứu, định hướng giúp đỡ tỉnh phát triển mối liên kết trên các lĩnh vực tiềm năng như: sản xuất nông lâm nghiệp - chế biến nông lâm sản; Quy hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đặc biệt là đường giao thông và thủy lợi; Thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch xuyên vùng.

   Đối với công tác ứng phó với BĐKH, phạm vi tác động của BĐKH không chỉ với một tỉnh mà là trên một vùng rộng lớn, tiềm lực và hoạt động ứng phó của một tỉnh rõ ràng là không đủ. Vì vậy, việc liên kết trong hoạt động, đặc biệt là liên kết vùng để thích ứng với BĐKH là xu hướng tất yếu phải được xem xét kỹ lưỡng, thấu đáo và tiến hành triển khai mạnh mẽ. Việc các tỉnh cùng nhau xem xét các thế mạnh của từng tỉnh trong giải quyết vấn đề BĐKH, từ đó tìm hướng áp dụng chung cho cả vùng là rất cần thiết.

   Ngoài ra, cần thực hiện các giải pháp: Sử dụng lợi thế riêng của từng tỉnh tạo thành tổng hợp nguồn lực cho việc tác động, tránh phân tán nguồn lực; Nhân rộng được những mô hình hiệu quả đã được thử nghiệm thành công ra toàn vùng; Bảo vệ và trồng rừng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cho phù hợp; Thay đổi việc sử dụng đất; Cần phối hợp các cấp, các ngành vào cuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về BĐKH, có chiến lược thích ứng, dự báo thiên tai ở từng địa phương và xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH; Cảnh báo sớm các ảnh hưởng của BĐKH tại địa phương đến người dân; Sử dụng kinh nghiệm tri thức bản địa, tận dụng lợi thế của địa phương; Tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào công tác ứng phó với BĐKH và BVMT. Ứng phó với BĐKH là nhiệm vụ của toàn xã hội. Tùy theo chức năng của địa phương sẽ đề xuất cơ chế để các tổ chức và hộ gia đình chủ động tham gia vào các hoạt động ứng phó với BĐKH và BVMT, đặc biệt là lĩnh vực thông tin, giáo dục và truyền thông; Xây dựng, vận hành và quản lý các công trình ứng phó với BĐKH; Thể chế hóa vai trò của quần chúng trong các dự án BVMT có ảnh hưởng sâu rộng tới dân cư; Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức giáo dục cộng đồng về vấn đề BĐKH, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

 

TS. Nguyễn Song Tùng

Viện Địa lý nhân văn

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi Trường số 6/2015)

Ý kiến của bạn