13/11/2017
Cúc Phương là Vườn quốc gia (VQG) đầu tiên được thành lập ở Việt Nam. Năm 1962, dựa trên những giá trị độc đáo về lịch sử địa chất, cảnh quan và ý nghĩa khoa học của thực, động vật ở Cúc Phương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72 - TTg về xây dựng bảo vệ, quản lý VQG Cúc Phương trở thành cơ sở nghiên cứu khoa học về động thực vật và lâm học nhiệt đới. Theo đó, nhiệm vụ của VQG là bảo tồn nguyên vẹn tài nguyên rừng, hệ sinh thái vùng núi đá vôi và các nguồn gen động, thực vật hoang dã. Để thực hiện mục tiêu trên, Ban quản lý (BQL) VQG Cúc Phương đã triển khai một số công trình nghiên cứu, bảo tồn có giá trị, phát hiện bổ sung nhiều loài động, thực vật mới cho Cúc Phương và Việt Nam.
Các loài linh trưởng quý, hiếm được chăm sóc, bảo vệ tại VQG Cúc Phương |
Theo kết quả điều tra về các loài thực vật đã thống kê được, VQG có 2.234 loài thuộc 931 chi, 231 họ của 7 bộ, trong đó có 118 loài quý hiếm. Các nhà khoa học đã phát hiện thêm 12 loài thực vật mới, trong đó có một chi và loài lan rất hiếm vietorchis aurea. Loài này chỉ phân bố tại một vùng hẹp của Cúc Phương. Về hệ động vật, VQG có 661 loài động vật có xương sống, thuộc 376 giống, 120 họ và 35 bộ (chiếm 32,9% so với cả nước), trong đó lớp thú có 136 loài, lớp chim có 336 loài, lớp bò sát 76 loài, lớp lưỡng cư 46 loài và lớp cá 66 loài. Trong tổng số các loài động vật, có 64 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam (2007) và 33 loài trong Danh lục đỏ của IUCN. Đặc biệt, VQG có 3 loài đặc hữu mới phát hiện là sóc bụng đỏ đuôi hoe, cá niết Cúc Phương và thằn lằn tai Cúc Phương. Động vật không xương sống có 1.899 loài, thuộc 169 họ, 33 bộ 6 lớp và 3 ngành. Trong đó lớp côn trùng có số lượng lớn, bao gồm: Bộ cánh cứng 454 loài, bộ cánh vẩy 378 loài, bộ cánh màng 314 loài.
Để bảo tồn nguồn gen các loài thực vật, từ năm 1985, VQG Cúc Phương đã xây dựng Vườn cây thực vật, với diện tích 167 ha. Đến nay, Vườn cây thực vật đã trồng và sưu tập được 811 loài cây quý hiếm phục vụ lưu giữ và bảo tồn nguồn gen. Trong đó có 210 loài cây gỗ Cúc Phương, 85 loài cây gỗ ở các vùng khác của Việt Nam, 5 loài nhập nội, 25 loài cây thuộc họ ráy của Cúc Phương, 20 loài cây ăn quả, 15 loài tre trúc, 15 loài cau dừa, 296 loài cây thuốc và 140 loài lan. Hiện nhiều loài cây đang sinh trưởng và phát triển tốt, nhiều loài đã ra hoa, quả. Đây là một trong 3 vườn thực vật đầu tiên của Việt Nam được ghi trong danh lục Vườn thực vật quốc tế. Trong tương lai, Vườn sẽ là cơ sở cung cấp giống cho các chương trình trồng cây rừng bản địa của Việt Nam. Trong những năm qua, thực hiện công tác nghiên cứu bảo tồn loài cây quý, hiếm, các nhà khoa học của Vườn đã nghiên cứu, điều tra thành phần và phân bố các loài lan ở VQG Cúc Phương. Đây là đề tài đi tiên phong trong công tác bảo tồn chuyển vị nguồn gen của các loài lan quý, hiếm của Cúc Phương. Kết quả sau 5 năm nghiên cứu, đề tài đã xây dựng được một bộ sưu tập lan có hơn 140 loài hiện đang được lưu giữ, chăm sóc bảo tồn tại VQG Cúc Phương. Ngoài ra, để bảo vệ nhiều loài gỗ quý, hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng như tuế, đinh hương… các nhà khoa học đã tiến hành sưu tập loài cây này về trồng tại Vườn, hiện sinh trưởng và phát triển tốt, trong đó có 6 loài tuế đã ra hoa, quả phục vụ cho việc nhân giống bảo tồn nguồn gen.
Nhằm tăng cường công tác bảo vệ động vật, năm 2013, VQG Cúc Phương đã hợp tác với Hội động vật Frankfurt (CHLB Đức) triển khai dự án bảo tồn các loài thú linh trưởng quý hiếm của Việt Nam. Hiện VQG đang bảo tồn 153 cá thể của 15 loài và phân loài linh trưởng quý hiếm, trong đó có 6 loài (voọc mông trắng, voọc Hà Tĩnh, voọc đen tuyền, voọc Lào, voọc Cát Bà và voọc chà vá chân xám) sinh sản, nuôi dưỡng thành công trong điều kiện nuôi nhốt. Thực hiện Chương trình bảo tồn rùa, VQG là nơi đầu tiên cho sinh sản thành công 11 loài rùa cạn và rùa nước ngọt Việt Nam. VQG đang cứu hộ và chăm sóc 20 loài với trên 600 cá thể rùa nước ngọt. Chương trình này sẽ góp phần bảo tồn các loài rùa đang có nguy cơ bị tuyệt chủng cao trước nạn buôn bán trái phép. Hàng năm, Chương trình tiến hành thả hàng trăm cá thể rùa về tự nhiên sau khi được cứu hộ và chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, VQG Cúc Phương còn nhân giống nguồn gen để phục hồi loài hươu sao, nai và các loài như nhím, gà lôi trắng, gà rừng… Qua đó, cung cấp nguồn giống cho cộng đồng dân cư để phát triển kinh tế, mở ra hướng đi mới phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng.
Bên cạnh các kết quả đạt được, trong thời gian qua, công tác bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen tại VQG Cúc Phương còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Nguyên nhân là do chưa có đề án/kế hoạch để cụ thể hóa các văn bản pháp luật về công tác bảo tồn nguồn gen động, thực vật, còn một tỷ lệ lớn người dân địa phương sống dựa vào rừng nên việc các loài bị đe dọa tuyệt chủng tiếp tục gia tăng. Nguồn vốn cấp cho công tác bảo tồn nguồn gen hạn chế, thời gian nghiên cứu đề tài cho các đối tượng là động, thực vật hoang dã ngắn, chưa biết hết được đặc tính sinh trưởng của chúng nên hiệu quả chưa cao.
Để tăng cường công tác bảo tồn nguồn gen, trong thời gian tới, BQL VQG Cúc Phương tiếp tục nâng cao chương trình đào tạo đội ngũ cán bộ nhân viên làm công tác bảo tồn, để có khả năng giám sát đa dạng sinh học nói chung và các loài nguy cấp nói riêng. Đồng thời, ưu tiên nguồn lực đầu tư nâng cấp VQG và xây dựng Trung tâm sưu tập nguồn gen động, thực vật đang có nguy cơ bị đe dọa hoặc tuyệt chủng để đảm bảo công tác bảo tồn, lưu giữ nguồn gen. Ngoài ra, tăng cường điều tra cơ bản về khu hệ động, thực vật, trên cơ sở đó xây dựng định hướng bảo vệ, bảo tồn và phát triển cho phù hợp; Tiến hành nghiên cứu về quần thể một số loài có nguy cơ bị tuyệt chủng, phạm vi phân bố, số lượng để đề xuất phương án bảo vệ tốt nhất. Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác và phối hợp nghiên cứu bảo tồn nguồn gen với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để xác định mục tiêu bảo tồn loài, nhóm loài động, thực vật.
Nguyễn Mạnh Cường
Ban quản lý Vườn quốc gia Cúc Phương
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2017