Banner trang chủ

Yên Bái ban hành Đề án tăng cường công tác bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng môi trường giai đoạn 2021 - 2025

19/10/2021

    Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các Sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương và nhân dân trên địa bàn tỉnh, công tác BVMT trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường sống trên địa bàn tỉnh hiện nay còn tương đối tốt; công tác kiểm soát nguồn ô nhiễm, quản lý chất thải nguy hại và chất thải rắn thông thường; khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường; cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển rừng thường xuyên được quan tâm, thực hiện; năng lực quản lý nhà nước về BVMT ngày càng được nâng cao, hạ tầng kỹ thuật phục vụ BVMT từng bước được quan tâm đầu tư; đường dây nóng về BVMT hoạt động ngày càng hiệu quả. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về BVMT trên địa bàn tỉnh từ cấp tỉnh đến cấp huyện cơ bản hoàn thiện và đi vào hoạt động ổn định. Nhận thức về BVMT của các Sở, ngành, địa phương và của nhân dân trong tỉnh đã được nâng lên đáng kể. Những thành tựu trên đã góp phần quan trọng đối với kiểm soát và hạn chế ô nhiễm, đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng bền vững.

    Trên cơ sở Luật BVMT cũng như các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về BVMT theo điều kiện cụ thể của tỉnh làm cơ sở để triển khai thực hiện có hiệu quả; thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Chương trình hành động trong lĩnh vực môi trường. Tỉnh cũng đã kịp thời ban hành các kế hoạch và chương trình hành động thực hiện cụ thể, thiết thực gắn với điều kiện thực tế của địa phương. Tuy nhiên, công tác BVMT của tỉnh vẫn còn hạn chế như: chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung cho đô thị từ loại IV trở lên (thị xã Nghĩa Lộ và TP. Yên Bái); vẫn còn cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh nước thải, nhất là các cơ sở có lượng nước thải phát sinh tương đối lớn (từ 50 m3/ngày trở lên); chưa có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, đến nay vẫn chưa có khu/cụm công nghiệp nào trên địa bàn tỉnh có hệ thống xử lý nước thải tập trung; vẫn còn cơ sở y tế chưa có hệ thống xử lý nước thải hoặc các hệ thống đã xuống cấp, hư hỏng, ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý; vẫn còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý, cải tạo đúng theo tiến độ; hầu hết chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đều chưa được phân loại tại nguồn; tỷ lệ CTRSH được xử lý đáp ứng yêu cầu về BVMT còn thấp; trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có các trạm quan trắc tự động chất lượng môi trường không khí; ngân sách sự nghiệp BVMT còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được các nhiệm vụ, chương trình, dự án về BVMT của các Sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương; số lượng cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về BVMT nhìn chung vẫn còn thiếu và yếu, đặc biệt là ở cấp huyện và cấp xã...

    Nhằm giải quyết tình trạng trên, ngày 7/10/2021, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Đề án là tăng cường công tác BVMT và nâng cao chất lượng môi trường giai đoạn 2021 - 2025.

    Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm tăng cường công tác BVMT và nâng cao chất lượng môi trường sống trên địa bàn tỉnh thông qua các chỉ số về môi trường góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh một cách bền vững theo hướng phát triển “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”; BVMT sinh thái, thiết thực nâng cao chất lượng sống và chỉ số hạnh phúc cho nhân dân là giá trị cốt lõi; không ngừng nâng cao tỷ lệ hài lòng của người dân về môi trường sống, từ đó nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân. Trên cơ sở kết quả đánh giá thực trạng công tác BVMT chất lượng môi trường sống trên địa bàn tỉnh để đề ra các nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, bài bản, có tính thực tiễn nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Đề án đã đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025.

    Đề án đặt ra 20 mục tiêu đến năm 2025. Trong đó, tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 90%; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn đô thị: 93,4%; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn nông thôn: trên 51,2%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để: 100%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn: 50%; tỷ lệ xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng: 100%... Đặc biệt, không để xảy ra sự cố về môi trường do chất thải gây ra.

    Nhóm giải pháp để thực hiện Đề án bao gồm: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BVMT; Đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất cho công tác BVMT; Tăng cường bảo vệ và kiểm soát môi trường; Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về BVMT; Tăng cường nguồn lực xã hội hóa cho công tác BVMT; Đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống.

    Tổng kinh phí thực hiện Đề án là 1.441.118 triệu đồng, trong đó: Nguồn vốn ngân sách Trung ương: 154.844 triệu đồng; Nguồn vốn ngân sách tỉnh: 836.274 triệu đồng (nguồn vốn đầu tư phát triển 197.104 triệu đồng; nguồn vốn sự nghiệp môi trường: 601.170 triệu đồng; nguồn vốn sự nghiệp khác: 38.000 triệu đồng); Nguồn Quỹ BVMT: 76.900 triệu đồng; Các nguồn khác: 373.100 triệu đồng.

    UBND tỉnh Yên Bái giao Sở TN&MT: Chủ trì, tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu các Văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh có sự điều chỉnh, bổ sung, thay đổi hoặc có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ sung Đề án cho phù hợp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BVMT của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh; Thực hiện quan trắc, giám sát chất lượng môi trường định kỳ hằng năm trên địa bàn tỉnh; Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tăng cường năng lực quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030; Chủ trì, tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện tốt phong trào Chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh; Tăng cường công tác quản lý CTNH trên địa bàn tỉnh; tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý CTNH trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 2555/QĐ-UBND ngày 5/10/2016; Chủ trì, phối hợp với các ngành và địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch quản lý chất lượng không khí trên địa bàn tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 3422/QĐ-UBND ngày 25/12/2017 của UBND tỉnh Yên Bái và Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về việc thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, hướng dẫn, đôn đốc, yêu cầu các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thực hiện xử lý triệt để đảm bảo hoàn thành theo đúng tiến độ đặt ra; hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở thuộc đối tượng phải lắp đặt thiết bị quan trắc môi trường tự động phải hoàn thành việc đầu tư lắp đặt và truyền số liệu về Sở TN&MT đảm bảo đúng thời gian quy định.

Vũ Hồng

Ý kiến của bạn