Banner trang chủ

Ứng phó với một số vấn đề sức khỏe môi trường trong bão lụt

16/12/2020

     Một số vấn đề sức khỏe môi trường trong bão lụt

     Theo Global Climate Risk Index 2020 thì Việt Nam là 1 trong 6 quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng lớn nhất bởi biến đổi khí hậu (BĐKH), giao động thời tiết, thiên tai thảm họa và các hiện tượng thời tiết cực đoan trong giai đoạn 1999 - 2018. BĐKH dự báo sẽ tiếp tục làm gia tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của thiên tai thảm họa và các hiện tượng thời tiết cực đoan tại Việt Nam, đặc biệt là bão, lũ, lụt. Thiên tai không những gây ra những tổn thất về tài sản, tính mạng, sức khỏe cho những vùng trực tiếp chịu tác động mà còn gây ra nhiều thiệt hại cho môi trường tự nhiên, môi trường sống của nhân dân và môi trường sản xuất. Thiên tai thảm họa gây ra nhiều tác động khác nhau lên các dịch vụ sức khỏe môi trường như cấp nước, thu gom xử lý rác thải, sản xuất chế biến thực phẩm, kiểm soát véc tơ truyền bệnh và vệ sinh hộ gia đình..., đe dọa sức khỏe của hàng trăm triệu người trên thế giới mỗi năm. Thực tế trong thiên tai thảm họa thì số người cần được cung cấp nước sạch và vệ sinh trong và sau thảm họa thường lớn hơn số người bị tử vong, chấn thương hay cần chăm sóc y tế. Bão lụt có thể gây tác động trên diện rộng, ảnh hưởng tới hàng triệu người và nước sạch - yếu tố thiết yếu đảm bảo cho sự sống có thể bị đe dọa nghiêm trọng. Đảm bảo có đủ nước sạch cho công tác chữa trị các nạn nhân, cho mục đích ăn uống và sinh hoạt của cộng đồng, hỗ trợ công tác cứu hộ và giúp vực lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ vừa bị làm gián đoạn trong và sau thảm họa là một nhiệm vụ quan trọng nhưng cũng đầy thách thức.

     Bão, lũ lụt có tác động lớn đến dịch vụ cấp nước ăn uống cho người dân như làm hư hại nhà máy, các công trình cấp nước, làm vỡ đường ống nước, làm ô nhiễm nước ăn uống, sinh hoạt và làm gián đoạn dịch vụ cấp nước do mất điện. Do đó, người dân không tiếp cận được với nước sạch để cho ăn uống và sinh hoạt. Việc có đủ nước sạch là rất quan trọng giúp cho hoạt động cứu chữa nạn nhân, duy trì các hoạt động tìm kiếm cứu hộ cứu nạn cũng như đảm bảo nhu cầu nước sạch và vệ sinh cho cộng đồng sở tại và ở nơi sơ tán. Trong tình huống thảm họa, ví dụ đợt lũ lịch sử xảy ra tại nhiều tỉnh miền Trung tháng 10 vừa qua, người dân vẫn cần đảm bảo duy trì tối thiểu 15 lít nước sạch/người/ngày cho mục đích ăn uống và sinh hoạt để dự phòng bệnh tật. Do đó, khi người dân bị cô lập, không tiếp cận được với nước sạch thì việc cứu trợ hóa chất và hướng dẫn bà con cách xử lý nước lũ thành nước sạch để dùng tạm là rất cần thiết.

     Những gián đoạn trong hệ thống cấp nước sạch và vệ sinh có thể gia tăng tính dễ bị tổn thương của cộng đồng. Thiếu nước sạch và các công trình vệ sinh có thể ảnh hưởng tới sức khỏe và thậm chí tới tính mạng của người dân. Những hư hỏng trong hệ thống thu gom xử lý nước thải và rác thải có thể làm ô nhiễm các nguồn nước, suy thoái môi trường, tạo điệu kiện cho các véc tơ truyền bệnh phát triển, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng. Thiếu nước sạch và các công trình vệ sinh sẽ gia tăng tỉ lệ mới mắc các bệnh lây lan qua nước ăn uống. Tình trạng này còn trở nên trầm trọng hơn tại các nơi sơ tán, nơi thường tập trung đông người và thiếu nước sạch cũng như các công trình vệ sinh. Trong bão lụt, khi các dịch vụ cấp nước và vệ sinh bị gián đoạn, người dân thường phải tự tìm đến các nguồn nước khác và các nguồn nước này thường là không đảm bảo vệ sinh. Như vậy, một trong những hoạt động ưu tiên của cán bộ sức khỏe môi trường, y tế, các tổ chức cứu trợ nhân đạo là cung cấp nước sạch cho người dân (nước đóng chai hoặc nước đã qua xử lý) hoặc hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp xử lý nước ăn uống đơn giản, cung cấp các thiết bị vệ sinh tại chỗ cho cộng đồng và hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường.

     Các nhà máy nước, hệ thống thu gom và xử lý rác thải có thể gặp khó khăn trong thảm họa do cơ sở hạ tầng bị phá hỏng. Cùng lúc các nhà máy phải đáp ứng nhu cầu nước sạch và vệ sinh của người dân trong tình huống khẩn cấp, khôi phục lại các hoạt động và chuẩn bị để ứng phó với các thảm họa trong tương lai sẽ là những thách thức mà ngành cấp nước và vệ sinh phải đối mặt. Ngoài ra, việc chuyên chở hàng triệu lít nước và thiết bị xử lý nước tới các khu vực bị tác động bởi thảm họa thường cũng rất tốn kém và đây cũng chỉ là các giải pháp mang tính chất tạm thời. Tại Việt Nam, thông thường cách tiếp cận là huy động tối đa nguồn lực tại chỗ. Cán bộ y tế thường hướng dẫn người dân dùng ngay nguồn nước có sẵn tại địa phương, áp dụng một số biện pháp xử lý nước thông thường để người dân có thể sử dụng. Sau bão lụt, thì hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh nhà cửa, vệ sinh môi trường.

     Chủ động đảm bảo nước sạch trong và sau bão lụt

     Trong bão, lũ, lụt, thiếu nước sạch cho ăn uống và sinh hoạt khi bốn bề ngập nước là một vấn đề sức khỏe môi trường rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người dân. Việc cứu trợ nước đóng chai, nước bình cũng hạn chế do việc di chuyển bằng thuyền, cano… trong lũ lụt gặp khó khăn và nhiều nơi người dân bị nước lũ cô lập. Trong trường hợp người dân không dự trữ được nước sạch hoặc nước mưa để dùng khi lũ lụt thì phải xử lý thật tốt nước ngập lụt để dùng cho ăn uống và sinh hoạt tạm thời trong thảm hoạ trước khi dịch vụ cấp nước sạch hoạt động trở lại sau lũ lụt. Việc xử lý nước lũ cũng tương đối đơn giản và có thể thực hiện bằng cách sau theo hướng dẫn của Bộ Y tế: Dùng 1 gam (khoảng 1 thìa con, thìa cà phê) phèn tán nhỏ, hòa vào 1 bát nước rồi đổ dần vào thùng/xô nhựa đựng 20 lít nước lũ, khuấy đều để làm trong nước. Đợi khoảng 30 phút cho cặn lắng xuống đáy thùng và gạn lấy nước trong ở phía trên. Sau đó dùng 1 viên Aquatabs cho vào 20 lít nước trong vừa đánh phèn xong và chờ 30 phút để cho viên Aquatabs này tan ra hết để khử khuẩn. Nếu không có viên Aquataps thì dùng 1 viên Cloramin B 250mg để khử khuẩn cho 25 lít nước. Chỉ đơn giản vậy là người dân đang bị cô lập trong lũ lụt đã có 1 thùng 20 - 25 lít nước tương đối sạch đã khử khuẩn để dùng tạm cho ăn uống (cần đun sôi), rửa rau, rửa bát đĩa, đánh răng, rửa mặt và vệ sinh cá nhân. Tuy nhiên, cần lưu ý, đây chỉ là giải pháp tạm thời trong lũ lụt, khi người dân không tiếp cận được với nước máy hay các nguồn nước sạch khác.

     Sau bão lụt, các nhà máy và công trình cấp nước sạch cần nhanh chóng khôi phục hoạt động để cấp nước sạch tới người dân. Tại các hộ gia đình nơi chưa tiếp cận được với nước máy thì cần thực hiện vệ sinh khử khuẩn nguồn nước tại hộ gia đình. Nhiều gia đình ở nông thôn vẫn sử dụng nước giếng và khi giếng bị nước lụt ngấm vào hoặc bị ngập lụt thì các hộ cần thực hiện vệ sinh giếng nước. Bộ Y tế cũng đã xây dựng sổ tay hướng dẫn chi tiết các biện pháp xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa bão lụt. Cán bộ y tế và các đoàn cứu trợ cần cung cấp hóa chất và hướng dẫn người dân làm vệ sinh và khử khuẩn giếng nước với các bước đơn giản sau:

  • Múc cạn và vét hết bùn dưới giếng, dùng nước giếng dội lên thành giếng nhiều lần cho trôi hết chất bẩn, đất cát, lá cây… bám trên thành giếng và sàn giếng.
  • Sử dụng phèn chua với liều lượng 50g/1m3 nước để làm trong nước giếng ngập lụt. Nếu nước rất đục thì dùng tối đa 100g/1m3 nước. Hòa tan hết lượng phèn cần thiết vào một gàu nước rồi tưới đều xuống giếng nước. Dùng gàu kéo lên xuống khoảng 10 lần. Khi cho phèn chua vào nước đục, phèn tan ra tạo các ion dương. Các ion này kết hợp với các chất keo bẩn trong nước (là các ion âm, nhẹ và không tự lắng xuống được) để tạo thành các phức hợp không tích điện, dính vào nhau, trọng lượng đủ nặng và lắng xuống. Chờ khoảng 30 phút đến 1 giờ cho cặn lắng hết thì tiến hành khử trùng.
  • Sau khi giếng nước đã được đánh phèn làm trong thì tiến hành khử trùng giếng nước. Tuỳ vào thể tích giếng nước bao nhiêu m3 mà dùng lượng Cloramin phù hợp, với liều lượng như sau: 10g Cloramin B 25%/m3, hoặc Clorua vôi 20% (13g/m3), hoặc Clorua vôi 70% (4g/m3). Mỗi thìa canh tương đương khoảng 10g, còn 1 thìa cà phê nhỏ tương đương khoảng 1g Cloramin. Như vậy nếu dùng Cloramin B 25% và giếng nước chứa khoảng 5m3 nước thì cần 50g hóa chất, tương đương 5 thìa canh. Hòa tan lượng hóa chất nói trên vào 1 gàu nước và tưới đều lên giếng. Thả gàu cho chìm sâu đến nửa cột nước rồi kéo lên xuống nhẹ nhàng khoảng 10 lần. Dùng nước giếng này dội lên thành giếng để khử trùng, để khoảng 30 phút là có thể dùng được.

     Ứng phó với một số vấn đề sức khỏe môi trường khác

     Trong và sau lũ là điều kiện để bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh đường ruột, các bệnh ngoài da, các bệnh về mắt và các bệnh phụ khoa… do đó cần chú trọng đảm bảo duy trì các hành vi vệ sinh. Ngoài đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý nước để dùng tạm cho mục đích ăn uống và sinh hoạt thì các hộ gia đình cũng cần chuẩn bị xà phòng để tắm giặt, rửa tay, cũng như lưu ý vấn đề xử lý rác thải, phân và xác gia súc, gia cầm chết… Trong khi bão lụt đang hoành hoành, gió mạnh, nước lụt dâng cao, ngập tràn khắp nơi cuốn trôi chất thải từ các cống rãnh, nhà tiêu, hố rác, bãi rác, chuồng gia súc, gia cầm, xác súc vật, cây cối gãy đổ... Những chất thải này làm ô nhiễm nghiêm trọng nước và môi trường sinh sống ở các khu dân cư. Khi nước bắt đầu rút thì tiến hành thu gom rác thải, xác động vật và tiến hành vệ sinh môi trường để dự phòng dịch bệnh lây lan. Sau khi nước rút, cần nhanh chóng vệ sinh nhà cửa, thu dọn rác trong phạm vi từng hộ gia đình, gạt hết bùn đất trên sân, trên nền nhà, dùng nước sạch xối rửa nền nhà, sân trước, sân sau. Thu gom mọi loại rác thải trong nhà, trên sân, trong vườn nhà, để gọn vào một nơi, sau đó đưa đến nơi tập trung theo quy định của thôn, xóm. Xác súc vật để riêng, các loại rác thải khác để riêng từng loại theo quy định chung. Dọn dẹp sắp xếp đồ đạc trong nhà, lau rửa sạch sẽ bàn, ghế, giường, tủ bị bùn đất bám bẩn do nước lũ. Làm trong và khử trùng nước giếng, nước ăn uống theo hướng dẫn.

     Sau các trận bão, lụt, ở những vùng bị úng, ngập thường phát sinh nhiều loại dịch bệnh, trong số đó phổ biến nhất là các loại bệnh đường ruột, tiêu chảy cấp. Để phòng chống bệnh sau lụt, lũ cần thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, bảo vệ nguồn ước và dùng nước sạch. Khi gia đình có người bị bệnh phải nhanh chóng báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để tiến hành điều trị và xử lý kịp thời. Ngoài ra cũng cần chú ý phòng bệnh cho gia súc, gia cầm. Để tăng cường năng lực ứng phó, các địa phương cũng cần hướng dẫn các gia đình chủ động chuẩn bị hóa chất xử lý nước (mỗi gia đình chuẩn bị khoảng 200g phèn chua, 1 vỉ 10 viên Aquatabs hoặc 5 viên Cloramin B 250mg để làm sạch và khử khuẩn nước). Ngoài ra, nếu gia đình nào có giếng nước thì chuẩn bị thêm khoảng 50g Cloramin B bột 25% hoặc 40g Clorua vôi để khử trùng giếng nước. Trong điều kiện bình thường, tỉ lệ người dân ở một số địa phương được tiếp cận với nước sạch, điều kiện vệ sinh và rửa tay với xà phòng còn khá thấp nên đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường và ứng phó với các vấn đề sức khỏe môi trường khác trong tình huống thảm họa là một thách thức lớn của các ban, ngành liên quan cần được tiếp tục ưu tiên đầu tư nguồn lực trong thời gian tới.

PGS. Trần Thị Tuyết Hạnh

Trường Đại học Y tế công cộng, Bộ Y tế

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2020)

 

     Tài liệu tham khảo

  1. Eckstein D, Künzel V, Schäfer L, Winges M. Global Climate Risk Index 2020, Who Su ers Most from Extreme Weather Events? Weather-Related Loss Events in 2018 and 1999 to 2018. Bonn, Germany: Germanwatch; 2020.
  2. Nguyễn Huy Nga và cộng sự, 2014. Sổ tay Hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa bão lụt, Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế, Hà Nội.

 

Ý kiến của bạn