Banner trang chủ

Thực trạng môi trường và đề xuất một số giải pháp giảm thiểu ô nhiễm tại các làng nghề trên địa bàn huyện Thường Tín, Hà Nội

02/11/2021

    Việc phát triển làng nghề góp phần rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và của đất nước nói chung, tuy nhiên, việc không xử lý hiệu quả và triệt để chất thải, nước thải quá trình hoạt động, sản xuất của làng nghề đã dẫn đến ô nhiễm môi trường (ÔNMT), ảnh hưởng tới môi trường sống và sức khỏe của người dân. Được mệnh danh là vùng đất trăm nghề của Hà Nội, huyện Thường Tín đã và đang phát huy tốt thế mạnh phát triển làng nghề, thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương, tuy nhiên cũng kéo theo những nguy cơ ÔNMT đất, nước, không khí. Do vậy, việc nghiên cứu, phân tích thực trạng ÔNMT tại các làng nghề ở huyện Thường Tín, từ đó, đưa ra một số kiến nghị nhằm tăng cường hiệu quả của công tác BVMT cho các làng nghề là cần thiết trong thời gian tới.

Thực trạng môi trường tại các làng nghề huyện Thường Tín

    Huyện Thường Tín nằm ở phía Nam TP. Hà Nội, cách trung tâm TP khoảng 20 km. Tại huyện hiện có 1 làng nghề tiêu biểu cấp TP là làng nghề sơn mài Hạ Thái, 48 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống và 82 làng có nghề. Toàn huyện hiện có 30 nghệ nhân được công nhận, trong đó có 2 nghệ nhân nhân dân, 4 nghệ nhân ưu tú và 24 nghệ nhân Hà Nội; 2 hiệp hội (Sơn mài, Thêu); 12 hội, trong đó có 1 cấp huyện (Hội thêu Thường Tín), 5 hội cấp xã (Hội sơn mài Hạ Thái - Duyên Thái; hội làng nghề truyền thống lược sừng Thụy Ứng - xã Hòa Bình, hội làng nghề điêu khắc Nhân Hiền - xã Hiền Giang, hội làng nghề điêu khắc, hội làng nghề mộc dân dụng Định Quán - xã Tiền Phong, hội làng nghề chăn, ga, gối, đêm Trát Cầu - xã Tiền Phong) và 6 hội do UBND xã thành lập [1].

    Các làng nghề ở Thường Tín đã tạo ra nhiều sản phẩm mỹ nghệ độc đáo, trở thành hàng hóa có giá trị nghệ thuật, kinh tế cao được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Hàng năm, các làng nghề đóng góp rất lớn vào sự phát triển và ổn định của kinh tế địa phương như tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động nông thôn với mức thu nhập ổ định, phát huy và bảo tồn được những giá trị văn hóa dân tộc thông qua các việc bảo tồn và duy trì sự phát triển của các làng nghề nói chung và các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ nói riêng. Tuy nhiên, kinh tế làng nghề phát triển mạnh mẽ cũng gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người dân, môi trường nông thôn và gây nhiều bức xúc trong dư luận.

    Tình hình ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn huyện trong những năm gần đây có nhiều điểm phức tạp, gây bức xúc dư luận trong khu vực làng nghề, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân. Theo Báo cáo thực trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề trên địa bàn huyện Thường Tín năm 2020 của UBND huyện Thường Tín, với số lượng hơn 1.000 doanh nghiệp, 16.000 cơ sở sản xuất, hàng trăm doanh nghiệp và số lao động tham gia làm nghề khoảng 40.000 lao động đang tham gia sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với các sản phảm chủ yếu như sơn mài, đồ mộc, điêu khắc..., mức độ ô nhiễm về không khí, tiếng ồn và nước ở các làng nghề đang ngày càng gia tăng.

    Một số làng nghề có hoạt động sản xuất kinh doanh có nguồn thải ảnh hưởng lớn không chỉ đến đến môi trường và sức khỏe của người dân. Điển hình như tại làng nghề truyền thống Thụy Ứng, xã Hòa Bình chủ yếu chế biến xương, sừng, da, nước thải được xả thải trực tiếp từ các xưởng chế biến ra môi trường, gây ô nhiễm làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân ở khu vực phía Nam Hà Nội. Mùn sừng trong quá trình sản xuất lược sừng gây ô nhiễm không khí. Mùn sừng khi dính nước mưa, nếu không được quét dọn ngay sẽ bốc mùi hôi, rất khó chịu. Đặc biệt, với những hộ có xưởng sản xuất không có mái che thì lượng mùn sừng phát tán vào không khí rất lớn. Ngoài sản xuất lược, đồ mỹ nghệ từ sừng, làng Thụy Ứng còn có nghề chế biến da trâu, bò. Để giữ da được lâu, không bị thối, các chủ sản xuất phải ướp muối cho da. Nước thải từ công đoạn ướp này xả ra cống, ra đất sẽ làm cây cối chết và gây ô nhiễm nguồn nước.

    Còn tại làng nghề Trát Cầu, xã Tiền Phong gần 1000 hộ dân làm nghề và hơn 60 doanh nghiệp sản xuất chăn, ga, gối, đệm mạnh ai nấy làm, thiếu ý thức BVMT. Nhiều hộ sản xuất thường có thói quen vứt, đốt rác thải, nguyên liệu thừa bừa bãi làm ô nhiễm không khínghiêm trọng làm ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe không chỉ của những người dân trực tiếp làng nghề và còn của những người dân sinh sống trong khu vực và các xã lân cận.

    Hầu hết các hộ gia đình và cơ sở sản xuất kinh doanh chủ yếu ở các làng nghề Thụy Ứng (xã Hòa Bình); tiện gỗ Nhịn khê (xã Nhị Khê); điêu khắc Nhân Hiền (xã Hiền Giang)... đều nằm xen kẽ trong các khu dân cư, gây nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường do rác và nước thải và cháy nổ từ hoạt động sản xuất.

Công đoạn mài sừng ở làng nghề Thụy Ứng, xã Hòa Bình gây ô nhiễm bụi do lượng mùn phát tán vào không khí

Các giải pháp BVMT làng nghề của chính quyền địa phương

    Trước thực trạng trên, huyện Thường Tín đã tập trung triển khai nhiều giải pháp hiệu quả thu gom rác thải và xử lý phần lớn nước thải từ các làng nghề. Vì vậy, môi trường nông thôn dần được cải thiện, kinh tế làng nghề phát triển đem lại thu nhập ngày càng cao cho người dân. Để tăng cường công tác BVMT làng nghề, trong những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Thường Tín đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Ủy, Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể  ban hành các văn bản, chính sách liên quan đến BVMT làng nghề như: Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/HU ngày 8/3/2019 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường trên địa bàn huyện Thường Tín giai đoạn 2019-2020 và những năm tiếp theo (2020-2025); UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 212/KH-UBND ngày 18/09/2017 về BVMT, xử lý ÔNMT làng nghề trên địa bàn huyện đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 99/KH-UBND ngày 10/04/2019 thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/HU ngày 8/3/2019 của Huyện ủy; Kế hoạch số 38/KH-UBND ngày 6/2/2020 của UBND huyện Thường Tín về tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ giải pháp phấn đấu đạt chuẩn tiêu chí môi trường góp phần hoành thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới…

    Thực hiện các chính sách trên, UBND huyện đã tổ chức quy hoạch, xây dựng 5 cụm công nghiệp (CCN) làng nghề, gồm: CCN làng nghề bông len, chăn, ga, gối, đệm Tiền Phong; sơn mài Duyên Thái; mộc Vạn Điểm; mây tre đan Ninh Sở; mộc, cơ khí Văn Tự. Đến nay, huyện đã hỗ trợ di dời trên 400 cơ sở sản xuất kinh doanh gây ÔNMT trong khu dân cư các làng nghề đến thuê đất để hoạt động sản xuất kinh doanh tại các CCN tập trung.

    Trong tổng số 11 CCN đang hoạt động trên địa  bàn huyện, có 8 cụm đã có hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung, 1 cụm đã được thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải và 2 cụm có lượng nước thải nhỏ dưới 50m3 đều có hệ thống thu gom nước thải chung; có 846/846 cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động trong các CCN đã lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường; kế hoạch và đề án BVMT, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận. Có thể nói, việc thành lập các CCN làng nghề tại huyện Thường Tín đã đi vào hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho lao động địa phương và từng bước giải quyết được tình trạng ÔNMT tại các làng nghề.

    Để tăng cường công tác thu gom, xử lý rác thải tại các làng nghề, UBND huyện đã xây dựng các địa điểm tập kết, trung chuyển rác, chất thải tại các xã, thị trấn, các bãi chứa, xử lý chất thải, hệ thống cống rãnh tiêu thoát nước tại các làng nghề. Đồng thời, chỉ đạo các xã có làng nghề lập phương án BVMT làng nghề; tổ chức cho các cơ sở sản xuất kinh doanh ký thực hiện cam kết, kế hoạch BVMT. Ngoài ra, tổ chức thực hiện kịp thời công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trong ngày tại các làng nghề  (hiện nay đạt tỷ lệ thu gom rác thải trên 98%).

    Kinh phí cho công tác BVMT và xử lý chất thải tại các CCN làng nghề hiện nay do các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện thu phí từ các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh vận hành. Kinh phí cho công tác BVMT tại các làng nghề một phần do huyện hỗ trợ với các hoạt động như: thanh kiểm tra, quan trắc đánh giá hiện trạng môi trường làng nghề, hỗ trợ phương tiện thu gom, đầu tư điểm xử ý chất thải; một phần do thu phí đóng góp từ các hộ sản xuất kinh doanh để chi trả cho các đội vệ sinh thu gom, chuyển chất thải ra điểm tập kết xử lý.

Những khó khăn, hạn chế trong BVMT làng nghề và nguyên nhân

    Có thể thấy, công tác BVMT tại các làng nghề trên dịa bàn huyện Thường Tín được các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn tích cực thực hiện. Nhờ đó, tình hình ô nhiễm môi trường tại các làng nghề cơ bản được giải quyết, khắc phục. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác BVMT làng nghề vẫn còn những khó khăn, thách thức như: Quy định pháp luật về BVMT đối với các làng nghề còn thiếu, bất cập, tính khả thi không cao, nhất là các quy định về quản lý, xử lý, đình chỉ hoạt dộng, cưỡng chế đối với các trường hợp hộ gia đình làm nghề tại nơi sinh sống từ nhiều thê hệ có hoạt động sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm, ảnh hưởng môi trường. Công tác xử lý nước thải, rác thải sản xuất của một số làng nghề trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn, kết quả đạt được chưa cao. Việc di dời một số cơ sở sản xuất kinh doanh trong làng nghề vào CCN còn gặp nhiều khó khăn… Nguyên nhân là do, công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về BVMT chưa sâu rộng; nhận thức của một bộ phận nhân dân về vai trò và lợi ích của công tác BVMT tại một số làng nghề còn hạn chế; việc chấp hành chủ chương, chính sách pháp luật về BVMT tại một số hộ sản xuất làng nghề chưa nghiêm; cán bộ được phân công làm công tác BVMT ở cấp xã còn kiêm nhiệm, không chuyên trách...

Kết luận và đề xuất một số giải pháp

    Sự phát triển mạnh mẽ của các làng nghề thủ công với mệnh danh là “mảnh đất trăm nghề” đã mang lại công ăn việc làm cho người dân huyện Thường Tín và góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình nói riêng và kinh tế địa phương nói chung. Tuy nhiên, quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ gia đình và doanh nghiệp đã ảnh hưởng ngày càng lớn tới môi trường sống của khu vực nông thôn, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân làm nghề, người dân sinh sống trên địa bàn huyện và môi trường sống của người dân. Để khắc phục tình trạng trên, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp tích cực để chủ động xử lý và khắc phục các sự cố về môi trường do hoạt động sản xuất ở các làng nghề gây ra. Sau đây là một số kiến nghị về một số giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác BVMT tại các làng nghề trên địa bàn huyện như sau:

    Một là, nâng cao vai trò của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong BVMT làng nghề, chú trọng chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp BVMT gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội;tăng cường công tác kiểm tra, xử lý và có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với những hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh thiếu ý thức và có hành vi gây ÔNMT; đầu tư, kêu gọi sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp để hoàn thiện việc xây dựng hệ thống xử lý rác thải (nước thải, chất thải rắn, khói, bụi…) tại các làng nghề, đặc biệt là ở một số làng nghề có nguồn thải lớn và gây ÔNMT nghiêm trọng như làng nghề xương, sừng Thụy Ứng xã Hòa Bình, làng nghề tiện xã Nhị Khê. Bên cạnh đó, do nhu cầu thực tế tại các địa phương trong huyện, cần bổ nhiệm mỗi xã, thị trấn một cán bộ chuyên trách làm công tác môi trường nhằm tăng hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về môi trường tại cấp xã - là cấp chính quyền trực tiếp quản lý, giải quyết các vấn đề về môi trường tại các làng nghề.

    Hai là, thường xuyên tổ chức công tác tuyên truyền và nâng cao ý thức BVMT, phổ biến các chính sách về BVMT nói chung và môi trường làng nghề nói riêng cho các cán bộ chuyên trách ở các đơn vị phường xã, thị trấn và người dân. Đặc biệt, phân tích rõ những ảnh hưởng và hệ lụy đối với môi trường và sức khỏe của người dân do chất thải, nước thải từ hoạt động sản xuất của các làng nghề gây ra; phổ biến kỹ thuật, cách thức, phương án nhằm hạn chế và giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực đối với môi trường.  

    Ba là, khuyến khích, hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện các giải pháp kỹ thuật và công nghệ theo hướng BVMT: (1) thay đổi, áp dụng các công nghệ, biện pháp kỹ thuật nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường; (2) xây dựng các phương án xử lý chất thải, nước thải đạt quy chuẩn kĩ thuật môi trường.

    Bốn là, những cơ sở sản xuất, kinh doanh trong làng nghề nếu gây ÔNMT nghiêm trọng thì phải có những biện pháp cưỡng chế, bắt buộc di rời vào CCN làng nghề tập trung. Việc di dời vào các CCN tập trung sẽ giúp các cơ sở và doanh nghiệp này được xử dụng các biện pháp và công trình xử lý chất thải, nước thải đã được đầu tư, xây dựng.

Bùi Thị Cẩm Tú

Viện Địa lý  nhân văn - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2021)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. UBND huyện Thường Tín (2020), Báo cáo Kết quả 06 tháng đầu năm và kế hoạch, giải pháp thực hiện 06 tháng cuối năm về phát triển ngành nghề nông thôn năm 2020

2. UBND huyện Thường Tín (2020), Báo cáo Thực trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề trên địa bàn huyện Thường Tín

3. Ngô Quang Huy (2021), Giải pháp nhằm bảo vệ môi trường tại các làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội, Tạp chí Giáo dục và xã hội, Tháng 1/2021

4. Châu Loan (2014), Mô hình tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề sản xuất bún, Tạp chí Môi trường, Số 7/2014

5. Lê Kim Nguyệt (2014), Pháp luật về kiểm soát môi trường do hoạt động làng nghề gây ra ở Việt Nam, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Số 12/2014

6. Đỗ Thị Dinh (2017), Giải pháp kinh tế và quản lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các làng nghề ngoại thành Hà Nội, Luận án tiến sĩ Kinh tế Phát triển.

Ý kiến của bạn