Banner trang chủ

Thực trạng môi trường làng nghề Bến Tre và đề xuất một số giải pháp giảm thiểu ô nhiễm

19/11/2020

 

    Bến Tre là xứ sở của những hàng dừa xanh bạt ngàn, thiên nhiên cảnh quan hữu tình, không khí trong lành với nhiều đặc sản miệt vườn. Việc phát triển làng nghề truyền thống ở nơi đây không chỉ đem lại lợi nhuận kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, mà còn bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc được truyền từ đời này sang đời khác. Tuy nhiên, số hộ sản xuất và cơ sở  sản xuất trong làng nghề ngày một tăng trong khi các công trình hạ tầng về hệ thống thoát nước, xử lý chất thải chưa được đầu tư, xây dựng, điều này gây ra áp lực lên môi trường ở các làng nghề. Trước thực trạng trên, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Địa lý nhân văn - Viện Hàn lâm Khoa học và xã hội Việt Nam đã thực hiện nghiên cứu, khảo sát về thực trạng BVMT, các phương thức ứng xử cũng như phân tích các yếu tố tác động về môi trường, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong BVMT ở làng nghề Bến Tre.  

 

                      Hoạt động của các cơ sở đốt than gáo dừa ở xã Thạnh Phú Đông (huyện Giồng Trôm, Bến Tre) gây ô nhiễm môi trường,                                            ảnh hưởng đến sức khỏe người dân

 

Thực trạng môi trường làng nghề Bến Tre

    Bến Tre là một trong những địa phương có nhiều làng nghề truyền thống nhất khu vực phía Nam. Hiện tỉnh đã ban hành quyết định công nhận 54 làng nghề, trong đó có 20 làng nghề truyền thống. Lĩnh vực nông nghiệp có 36 làng nghề và 18 làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Tỉnh Bến Tre hiện có 7 nhóm nghề với 63 ngành nghề nông thôn, chiếm số lượng nhiều nhất là nhóm kinh doanh sinh vật cảnh và sản xuất cây giống với trên 7.200 cơ sở, xếp thứ hai là nhóm ngành chế biến bảo quản nông lâm thủy sản 6.030 cơ sở và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có tỷ lệ thấp nhất với 305 cơ sở. Những năm gần đây, sự phát triển của các làng nghề truyền thống ở Bến Tre đã giúp cho nông dân thu về hàng trăm tỷ đồng mỗi năm (chiếm khoảng 26% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh) và thu hút trên 20.000 lao động nhàn rỗi ở nông thôn. Các ngành nghề truyền thống được duy trì, phát triển hiện nay ở Bến Tre là những ngành nghề tận dụng được thời gian lao động nhàn rỗi, không phải đầu tư nhiều cho chi phí sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Các làng nghề đã đi vào sản xuất ổn định và đang trên đà phát triển như: Làng nghề sản xuất chỉ xơ dừa An Thạnh (Khánh Thạnh Tân), bánh tráng (Mỹ Lồng), bánh phồng (Sơn Đốc), dệt chiếu (An Hiệp), đan lát - sản xuất rượu (Phú Lễ, cá khô (An Thủy, Bình Thắng), sản xuất kìm kéo (Mỹ Thạnh), cây giống hoa kiểng (Vĩnh Thành, Sơn Định, Vĩnh Hòa)…

    Các làng nghề đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người lao động của địa phương nói riêng và tỉnh Bến Tre nói chung. Tuy nhiên, do các làng nghề hoạt động chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, công nghệ sản xuất lạc hậu, chưa có hệ thống thu gom và xử lý chất thải, nên tình trạng ô nhiễm kéo dài, đặc biệt ở những làng nghề phát sinh nhiều chất thải. Đơn cử, như tại làng nghề đốt than gáo dừa ở xã Thạnh Phú Đông (huyện Giồng Trôm, Bến Tre). Hiện toàn xã Thạnh Phú Đông có khoảng 15 cơ sở sản xuất than thiêu kết từ gáo dừa, với khoảng 230 lò hoạt động. Từ nhiều năm nay, người dân ở đây phải sống trong cảnh ô nhiễm nặng nề do hàng trăm lò than đốt gáo dừa hoạt động ngày, đêm. Người dân đã nhiều lần kiến nghị, phản ánh vấn đề này với chính quyền địa phương. Năm 2019, Sở TN&MT Bến Tre đã tiến hành kiểm tra về công tác BVMT đối với các cơ sở, kết quả cho thấy, lượng khói, bụi từ các cơ sở thải ra chứa lượng CO2 vượt ngưỡng cho phép gấp 3 lần so với quy chuẩn cho phép. Lực lượng chức năng đã buộc các cơ sở hoạt động đốt than phải ký cam kết khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm, nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được khắc phục triệt để. Mới đây, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành quyết định buộc các cơ sở hoạt động đốt than hoàn thiện hệ thống xử lý khói, bụi trong hai năm tới. Đến năm 2021, nếu các cơ sở tiếp tục gây ô nhiễm môi trường thì phải ngừng hoạt động.

    Khảo sát thực tế tại các làng nghề sản xuất bánh tráng, bánh phồng truyền thống, làm chỉ sơ dừa và kìm kéo trên địa bàn cũng cho thấy, mặc dù, hầu hết các cơ sở sản xuất trong làng nghề đã làm bản cam kết BVMT nhưng chưa thống kê được lượng chất thải phát sinh hàng ngày, không có biện pháp xử lý đối với các loại hóa chất nguy hại và chưa thu gom và xử lý nước thải. Qua quan sát môi trường xung quanh nhà xưởng cho thấy, hầu hết các phế phẩm, gỗ dừa dư thừa bị quăng bừa bãi xung quanh cơ sở; bụi gỗ bám đầy trên tường cũng như trên trần nhà xưởng, tiếng ồn, bụi, khói và hơi hóa chất trong nhà xưởng nồng nặc, gây cảm giác khó chịu; nước thải có màu vàng đục do chứa nhiều mùn cưa đọng trong ao tù hoặc thải thẳng trực tiếp ra kênh mương. 

    Ngoài ra, khi tìm hiểu về các hành vi BVMT của người dân trong làng nghề, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn người dân về phản ứng khi nhìn thấy người khác hoặc cơ sở sản xuất xả thải bừa bãi, kết quả thu được như sau: có 24,4% người trả lời không làm gì; 55,6% người trả lời nhắc nhở tại chỗ; 32,2% người trả lời nhắc nhở trong các cuộc họp; 8,3% báo chính quyền xử phạt khi nhìn thấy người khác hoặc cơ sở sản xuất xả thải bừa bãi. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, tại các làng nghề đa số người dân làng nghề có có ý thức BVMT như: Số hộ dân không vứt, xả, đổ rác, chất thải bừa bãi (72,2%); đổ rác sinh hoạt đúng nơi quy định (73,2%). Bên cạnh đó, vẫn còn một số hộ dân không đóng phí môi trường (3%); để vật liệu xây dựng bừa bãi và gây ồn ào sau 22h đêm (gần 23%)...

Kết luận và khuyến nghị

    Như vậy, kết quả khảo sát cho thấy, phần lớn người dân ở các làng nghề Bến Tre có hành vi tốt như “Không vứt, xả, đổ rác, chất thải bừa bãi”, “Tổ chức tổng vệ sinh chung vào các dịp lễ tết”, “Rác thải sinh hoạt được đổ đúng nơi quy định”... Tuy nhiên, do hạ tầng nông thôn và làng nghề hiện nay vẫn còn thiếu và yếu nên hệ thống cống, mương thoát nước tuy có được đầu tư xây dựng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều làng nghề trên địa bàn chưa đầu tư xây dựng khu thu gom rác thải, hệ thống nước thải tập trung. Chất thải sau sản xuất ở các làng nghề chủ yếu được các cơ sở sản xuất thu gom chung với rác thải sinh hoạt. Bên cạnh đó, nhiều làng nghề trước đây là thủ công truyền thống nhưng thực chất là các cơ sở sản xuất công nghiệp hình thành trong khu dân cư (“làng”), là một loại “làng nghề” trá hình, lấy danh nghĩa làng nghề để trốn tránh, không thực hiện các quy định về BVMT như làng nghề đốt than gáo dừa ở xã Thạnh Phú Đông. Các chế tài xử lý hành vi vi phạm BVMT làng nghề chưa cao nên hành vi ô nhiễm kéo dài. Ngoài ra, vai trò của Hội phụ nữ, đoàn Thanh niên trong công tác BVMT, chủ yếu mới dùng lại ở công tác tuyên truyền, vận động tham gia chứ chưa có biện pháp giám sát việc thực hiện.

    Có thể nói, vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn là một bài toán khó đặt ra đối với các làng nghề ở Bến Tre để làm sao vừa bảo tồn và phát triển được làng nghề, nâng cao đời sống cho nhân dân, gìn giữ truyền thống văn hóa địa phương mà vẫn giữ được môi trường làng nghề xanh, sạch, đẹp.

    Để nâng cao công tác BVMT làng nghề ở Bến Tre, cần tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện BVMT của các cá nhân và các cơ sở sản xuất làm nghề; Xây dựng, ban hành và cụ thể hóa các quy định pháp luật về BVMT… Nhân lực làm công tác BVMT nói chung đã được tăng cường ở các cấp, tuy nhiên vẫn còn hạn chế so với tình hình thực tiễn công tác BVMT hiện nay. Do vậy, cần tăng cường nhân lực làm công tác BVMT, đặc biệt là các xã có làng nghề. Đồng thời, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, trong quản lý BVMT làng nghề.

    Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT đến cộng đồng và cơ sở sản xuất, thúc đẩy sự quan tâm giám sát của cộng đồng đối với việc chấp hành pháp luật BVMT của các cơ sở sản xuất; thông qua các buổi tập huấn, tọa đàm, họp tổ nhân dân tự quản, qua hệ thống loa truyền thanh để phổ biến về sự cần thiết phải BVMT làng nghề, các quy định pháp luật và các quy định khác có liên quan đến BVMT; hướng dẫn và hỗ trợ người dân các biện pháp xử lý chất thải phát sinh, sử dụng hóa chất, xử lý vỏ, bao bì đựng hóa chất theo đúng quy trình...

 

Trần Ngọc Ngoạn

Viện Địa lí nhân văn - Viện Hàn lâm Khoa học và xã hội Việt Nam

Ý kiến của bạn