30/06/2021
Việt Nam đã có sự tăng trưởng kinh tế mạnh trong thời gian qua, trong đó có sự đóng góp của khu vực sản xuất và chế biến. Chính phủ đã mở ra các khu công nghiệp (KCN) với hạ tầng thiết yếu như các tiện ích, giao thông và khu xử lý chất thải để tạo ra các ngành công nghiệp mới. Tính đến tháng 9/2020, Việt Nam đã có 369 KCN với tổng diện tích 113,3 nghìn ha, thu hút khoảng 10.055 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 200 tỷ USD và khoảng 9.845 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký là 2,34 triệu tỷ đồng, tạo việc làm cho 3,83 triệu lao động trực tiếp.
Quá trình công nghiệp hóa và phát triển các KCN với tốc độ nhanh đang đặt ra những thách thức về môi trường (nước, đất, không khí, tiếng ồn...), sử dụng tài nguyên (năng lượng, nước và nguyên vật liệu). Tuy nhiên, việc thực hiện giảm chất thải và khí thải ở quy mô doanh nghiệp (DN) và tái chế, tái sử dụng sản phẩm phụ giữa các DN luôn chậm hơn quá trình mở rộng và phát triển các KCN. Với số lượng lớn các KCN, việc chuyển đổi thành KCN sinh thái tại Việt Nam là cần thiết nhằm đạt được hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội ở quy mô KCN.
Trên thế giới, mô hình KCN sinh thái hướng tới phát triển bền vững đã được triển khai từ những năm 1990. Tại Đan Mạch, KCN Kalundborg là điển hình trong phát triển KCN sinh thái khép kín với 20 mạng lưới cộng sinh công nghiệp nội khu và hệ thống đô thị địa phương. Các mô hình cộng sinh đều bắt đầu từ trao đổi sản phẩm độc lập dần phát triển thành một mạng lưới phức tạp của các tương tác cộng sinh. Yếu tố quan trọng tạo nên thành công là sự hợp tác và kết nối truyền thông tốt giữa các thành viên của KCN, sự tin cậy và hỗ trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp trong KCN. Mô hình KCN sinh thái tại Kalundborg thực hiện từ năm 1982 - 1997 đã giúp tiết kiệm 19.000 tấn dầu, 30.000 tấn than, 600.000 m3 nước và 130.000 tấn CO2. Năm 2001, các DN trong KCN đã tiết kiệm 160 triệu USD khi tham gia mạng lưới cộng sinh.
Tại Việt Nam, Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững” do Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện năm 2015 - 2019 nhằm thí điểm chuyển đổi 4 KCN sang mô hình KCN sinh thái gồm: Khánh Phú, Gián Khẩu (Ninh Bình); Hòa Khánh (Đà Nẵng) và Trà Nóc 1&2 (Cần Thơ). Một trong những hoạt động chính của Dự án là hỗ trợ các DN trong khu công nghiệp nâng cao nhận thức và thực hiện các giải pháp hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn, nghiên cứu và hỗ trợ thực hiện các mạng lưới cộng sinh công nghiệp giữa các DN nhằm góp phần phổ biến phương thức sản xuất sạch hơn, phát thải ít các bon, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, các chất gây ô nhiễm nước, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng nước, tái sử dụng chất thải tại các KCN thí điểm chuyển đổi.
KCN Trà Nóc 1&2 có vị trí tại quận Ô Môn và Bình Thủy, TP. Cần Thơ, gồm 2 khu: Trà Nóc 1 (thành lập năm 1995) và Trà Nóc 2 (thành lập năm 1998) do Công ty TNHH MTV Xây dựng hạ tầng KCN Cần Thơ làm chủ đầu tư. Đây là hai KCN đầu tiên của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hiện KCN đã lấp đầy đạt 100% với tổng số 190 dự án của 107 DN. Tổng diện tích đất công nghiệp, đất cho thuê là 213.41 ha, vốn đăng ký 1.143.437 triệu USD, vốn thực hiện 741.568 triệu USD, chiếm 64,85% vốn đăng ký. KCN Trà Nóc 1&2 là KCN đa ngành, tập trung vào các nhóm ngành chế biến thủy hải sản, may mặc, phân bón, hóa chất và thức ăn gia súc.
Với tổng lượng phát thải hàng năm là 49.657,6 tấn/năm, gồm nhiều chất thải có tiềm năng tái sử dụng như phế phẩm từ chế biến thủy sản (tôm, cá), giấy (vỏ hộp đựng thức ăn, túi ni lông, thùng giấy...), tro trấu, các loại rác hữu cơ (thức ăn, rau quả thừa) nhưng đến nay việc tái sử dụng chất thải hầu hết là tự phát. Với tổng lượng nước thải trong KCN phát sinh trung bình 9.035 m3/ngày, đêm, đã có hai nhà máy xử lý nước thải được lần lượt xây dựng, với công suất đạt 12,000 m3 ngày, đêm nhưng kết quả quan trắc nước mặt tại KCN Trà Nóc 1&2 vẫn có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ. Nguyên nhân là do KCN nằm sát khu dân cư nên những vấn đề ô nhiễm nguồn nước mặt đã phần nào ảnh hưởng đến đời sống người dân sống xung quanh. Hầu hết DN chưa thực hiện các giải pháp hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất và giảm thiểu sử dụng tài nguyên, giảm khí thải và chất thải. Những đặc điểm này đã dẫn đến khá nhiều những điểm bất lợi về môi trường, đây cũng là một trong những lý do để KCN được lựa chọn tham gia mô hình thí điểm chuyển đổi từ mô hình KCN truyền thống sang KCN sinh thái.
Thực hiện các giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP)
Đây là giải pháp áp dụng liên tục một chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào quá trình sản xuất, các sản phẩm và dịch vụ để tăng hiệu suất và giảm rủi ro cho con người, môi trường. Đồng thời, cũng là một trong những tiêu chí để được công nhận KCN sinh thái đã được quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ.
Để chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái, Dự án đã hỗ trợ 32 DN tại KCN Trà Nóc 1&2 tham gia Chương trình đánh giá về RECP. Thông qua Chương trình này, các DN được đào tạo, tập huấn về phương pháp thực hiện RECP, hỗ trợ đánh giá tại DN nhằm phát hiện các giải pháp về RECP. Qua việc đánh giá tại DN, Dự án đã hướng dẫn và giúp các DN thực hiện trên 350 giải pháp sản xuất sạch hơn. Giải pháp tập trung vào các nhóm sau:
Quản lý nội vi: Là giải pháp đơn giản nhất trong các giải pháp sản xuất sạch hơn. Đây là các giải pháp không cần đầu tư có thể thực hiện được ngay sau khi xác định.
Kiểm soát quá trình: Nhằm đảm bảo các điều kiện quá trình tối ưu đối với việc tiêu thụ tài nguyên, sản xuất và phát sinh chất thải. Các thông số quá trình như nhiệt độ, thời gian, áp suất, pH, tốc độ sản xuất... phải được liên tục theo dõi và duy trì ở mức tối ưu nhất có thể.
Thay đổi nguyên liệu đầu vào: Là giải pháp để thay thế nguyên liệu hiện có với nguyên liệu thân thiện với môi trường hơn, mang lại hiệu quả cao hơn. Thường có mối quan hệ trực tiếp với số lương và chất lượng của sản phẩm.
Thay thế thiết bị: Nhằm cải tiến các thiết bị hiện có để giảm thiểu vật liệu bị lãng phí. Giải pháp bao gồm điều chỉnh tốc độ của động cơ, tối ưu hóa kích thước của bể chứa, cách nhiệt bề mặt nóng và lạnh, hoặc để cải thiện thiết kế phần quan trọng của thiết bị.
Thay đổi công nghệ: Dùng quy trình mới nên sẽ thay thế thiết bị cũ để sử dụng thiết bị hiện đại và hiệu quả hơn. Đây là giải pháp cần đầu tư lớn do đó DN thường xem xét cẩn thận trước khi quyết định đầu tư. Tuy nhiên, do khả năng tiết kiệm lớn và cải tiến chất lượng cao khi thay đổi công nghệ nên lợi nhuận thu được khá lớn và hoàn trả vốn đầu tư trong thời gian rất ngắn.
Tái sử dụng hoặc tái chế tại chỗ: Là giải pháp thu gom chất thải và tái sử dụng nó trong cùng một hoặc bộ phận khác của quá trình sản xuất.
Đối với các DN tham gia Dự án, việc thực hiên các giải pháp RECP đã giúp tiết kiệm cho DN gần 47 tỷ đồng/năm, đồng thời cũng đã giúp giảm tiêu thụ năng lượng điện (13.255.095 kwh); nước (365.326 m3/năm); hóa chất và chất thải (666 tấn/năm); giảm 12 Kt khí CO2eq/năm. Các DN vừa và nhỏ cũng đã tự huy động 57 tỷ đồng để thực hiện các giải pháp RECP.
Thực hiện cộng sinh công nghiệp
Cộng sinh công nghiệp trong KCN là hoat động hợp tác giữa các DN trong cùng KCN hoặc với các DN trong các KCN khác nhằm tối ưu hóa việc sử dụng các yếu tố đầu vào như nguyên vật liệu, nước, năng lượng, chất thải, phế liệu... trong quá trình sản xuất kinh doanh. Thông qua hợp tác, các DN hình thành mạng lưới trao đổi các yếu tố phục vụ sản xuất, sử dụng hạ tầng chung và dịch vụ phục vụ sản xuất, cải thiện quy trình công nghệ và hiệu quả hoạt động kinh doanh. Thực hiện cộng sinh công nghiệp là một tiêu chí được công nhận là KCN sinh thái đã được quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP.
Nhằm hỗ trợ chuyển đổi sang KCN sinh thái, Dự án đã nghiên cứu và phát hiện 18 giải pháp cộng sinh giữa các DN, trong đó 7 giải pháp được nghiên cứu khả thi về kinh tế và kỹ thuật để đề xuất các DN triển khai thực hiện. Các giải pháp tập trung vào các nhóm cộng sinh sau: (i) Tái sử dụng nước thải sau xử lý: tận dụng nước thải trong công tác phòng cháy chữa cháy hoặc thu hồi nước thải để tái sử dụng trong KCN; (ii) Chia sẻ dịch vụ: chia sẻ dịch vụ đào tạo năng cao năng lực cho công nhân tại các DN hoặc cung cấp dịch vụ vận hành lò hơi; (iii) Chia sẻ cơ sở hạ tầng: chia sẻ các kho lạnh giữa các công ty có cùng nhu cầu; (iv) Tái sử dụng chất thải: tái sử dụng sắt thép, giấy vụn; (v) Chia sẻ năng lượng: hợp tác sử dụng chung lò hơi giữa các công ty. Mô hình đề xuất kết nối cộng sinh giữa các công ty tại KCN Trà Nóc, trình bày ở Hình 1.
Hình 1. Mô hình đề xuất các kết nối cộng sinh tại KCN Trà Nóc 1&2 (Báo cáo Bộ KH&ĐT, 2019)
Tiềm năng chuyển đổi
Mặc dù còn tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo để thực hiện mạng lưới cộng sinh đã được đề xuất, kết quả bước đầu của việc chuyển đổi sang KCN sinh thái tại KCN Trà Nóc 1&2 đã đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường, huy động được nguồn lực lớn từ khu vực kinh tế tư nhân. Kết quả này cũng cho thấy tiềm năng của việc thực hiện chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái của các KCN tại Việt Nam.
Một số khó khăn cho quá trình chuyển đổi sang KCN sinh thái
Thứ nhất, nhận thức và kỹ năng để thưc hiện các giải pháp hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn: Thưc hiện các giải pháp RECP là công cụ hữu hiệu để hỗ trợ sự phát triển của KCN sinh thái và cải thiện khả năng cạnh tranh của các DN. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các DN vừa và nhỏ tại Việt Nam đều thiếu các nhà quản lý chuyên nghiệp hoặc nhân viên kỹ thuật trong áp dụng các giải pháp này. Nhận thức về việc phải áp dụng liên tục các giải pháp RECP trong quá trình sản xuất cũng cần phải được các nhà quản lý DN nâng cao hơn nữa. Một số DN không sẵn sàng chia sẻ thông tin và dữ liệu về nguyên liệu, năng lượng, hóa chất, lượng nước tiêu thụ và chất thải phát sinh từ quá trình sản xuất. Đây là những dữ liệu thông tin cần thiết để xác định cơ sở cho việc thực hiện RECP. Bên cạnh đó, tư tưởng ngại thay đổi là khá phổ biến ở hầu hết các DN. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức về lợi ích RECP trong phát triển ngành công nghiệp sinh thái cho các nhà quản lý DN và các cán bộ kỹ thuật tại các DN.
Thứ hai, khó khăn trong thực hiện cộng sinh công nghiệp: Thực hiện cộng sinh công nghiệp là một trong những tiêu chí bắt buộc để được công nhận là KCN sinh thái. Vì vậy, tăng cường tái sử dụng các chất thải giữa các DN cần được khuyến khích thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn thiếu một chính sách toàn diện về quản lý chất thải trong đó quy định cụ thể về việc loại chất thải được phép tái sử dụng và hướng dẫn cụ thể cho việc tái sử dụng giữa các DN trong KCN. Điều 142 trong Luật BVMT năm 2020 đã quy định, khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, cần thiết phải tiếp tục xây dựng các tiêu chuẩn hoặc hướng dẫn kỹ thuật để hiện thực hóa các giải pháp tái sử dụng chất thải nhằm hỗ trợ thực hiện giải pháp cộng sinh công nghiệp.
Thứ ba, thiếu nguồn tài chính hỗ trợ các DN trong đổi mới công nghệ: Trong quá trình thực hiện Dự án, các rào cản về tài chính là một trong những khó khăn lớn nhất để chuyển đổi sang KCN sinh thái. Việc cải tiến các quy trình sản xuất ở nhiều DN thông qua thực hiện các giải pháp RECP và các khoản đầu tư nhỏ đã mang lại nhiều cơ hội với lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, vẫn có một số DN không để thực hiện được quá trình đó vì các khoản đầu tư cần thiết vượt quá khả năng của họ. Mặt khác, các khoản đầu tư tạo ra lợi ích môi trường thường không hấp dẫn về tài chính đối với các DN vừa và nhỏ. Việc hỗ trợ các khoản vay ưu đãi đối với các DN vừa và nhỏ là rất cần thiết đối với việc thực hiện mục tiêu tạo lợi ích về môi trường và hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang KCN sinh thái. Hiện không có nhiều nguồn tín dụng như vậy. Đồng thời, cơ chế tín dụng để thực hiện các ưu đãi để thực hiện các giải pháp cộng sinh công nghiệp cũng rất cần thiết. Cần thiết phải xây dựng các cơ chế về tài chính hiệu quả nhằm thu hút các nguồn tín dụng cho DN vừa và nhỏ thực hiện các giải pháp sản xuất sạch hơn và cộng sinh công nghiệp.
Thứ tư, nguồn nhân lực để áp dụng các công nghệ mới: Đổi mới công nghệ và áp dụng các công nghệ mới tiếp tục là chìa khóa trong quá trình chuyển đổi sang KCN sinh thái. Khi quá trình chuyển đổi thực hiện và các muc tiêu cao hơn được đặt ra, phải có sự đầu tư vào nguồn nhân lực để có thể thực hiện và áp dụng các công nghệ hiện đại. Vì vậy, cần thiết phải đào tạo một lực lượng lao động có kỹ năng để thực hiện công việc này.
Vương Thị Minh Hiếu
Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
ThS. Nguyễn Trâm Anh
Ban Hiệu quả tài nguyên công nghiệp, Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2021)
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2019). Báo cáo Tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển khu chế xuất, KCN, khu kinh tế ở Việt Nam.
2. UBND TP. Cần Thơ (2020). Báo cáo Quản lý môi trường các KCN trên địa bàn TP. Cần Thơ.
3. Jérôme Stucki 1, Alessandro Flammini, Dick van Beers, Tran Thanh Phuong, Nguyen Tram Anh, Tran Duy Dong, Vu Quoc Huy and Vuong Thi Minh Hieu. Eco-Industrial Park (EIP) Development in Viet Nam: Results and Key Insights from UNIDO’s EIP Project (2014-2019). Sustainability 2019, 11, 4667.
4. Chertow, Marian (2000). Industrial Symbiosis: Literature and Taxonomy. Annual Review of Energy Environment, 25, pp.313-337.
5. Chertow, M. R., W. Ashton, and J. C. Espinos. (2007). Industrial Symbiosis in Puerto Rico: Environmentally Related Agglomeration Economies. Regional Studies, 42(10), pp.1299-1312.
6. Lowe, E. A., S.R. Moran and D. B. Holmes (eds.) (1996). Fieldbook for the development of Eco-Industrial Parks. http://infohouse.p2ric.org/ref/10/09932.pdf.
7. http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=477.