05/05/2021
Thách thức về phát triển nuôi trồng thủy sản tại Cà Mau
Cà Mau là tỉnh duy nhất của Việt Nam giáp cả Biển Đông và Biển Tây với tổng chiều dài bờ biển khoảng 254 km; có hệ thống sông ngòi, kênh rạch phong phú dài trên 7.000 km và diện tích nước mặt lớn.Với hai hệ sinh thái đặc trưng mặn, ngọt với diện tích tự nhiên 5.329 km2 và khoảng 1.000 km2 là đất rừng, tạo điều kiện thuận lợi để Cà Mau phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) đa dạng và phong phú, diện tích NTTS của tỉnh lớn nhất cả nước, chiếm 27,9% diện tích NTTS cả nước và chiếm 39% diện tích NTTS vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Những năm qua NTTS đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, năng suất và sản lượng NTTS không ngừng tăng lên, trong đó NTTS dưới tán rừng đước là mô hình khác biệt của nghề NTTS ở Cà Mau so với các tỉnh khác. Đây là mô hình gắn liền với khu vực rừng ngập mặn, các vùng ven biển hình thành loại hình nuôi rừng - thủy sản kết hợp. Loại hình NTTS này được xem là NTTS sinh thái vì quy trình nuôi hoàn toàn dựa vào tự nhiên. Mặc dù loại hình sản xuất này có năng suất không cao nhưng luôn ổn định và rất ít xảy ra dịch bệnh.NTTS sinh thái là một loại hình nuôi đáp ứng được 2 mục tiêu vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ được môi trường sinh thái để hướng tới một nghề nuôi bền vững thích ứng với tình hình BĐKH như hiện nay.
Xác định được lợi ích thiết thực mà loại hình NTTS sinh thái mang lại, trong những năm qua, tỉnh Cà Mau đã chú trọng phát triển loại hình NTTS sinh thái nhằm để tận dụng tiềm năng và lợi thế vốn có của địa phương để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm thủy sản. Tuy nhiên, trong thời gian qua nghề NTTS của tỉnh còn bộc lộ những hạn chế, khó khăn, thiếu bền vững như: Chưa có quy hoạch, sản xuất thiếu tập trung, thiếu kinh phí đầu tư hệ thống cấp thoát nước, tập quán sản xuất nhỏ lẻ và manh mún, chất lượng nước trong NTTS suy giảm, chưa kiểm soát chất lượng nước trong bối cảnh nuôi phân tán, tình hình dịch bệnh thủy sản ngày càng diễn biến khó lường, tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang diễn ra với tần suất cao… làm cho tình hình sản xuất của người dân ngày càng gặp khó khăn hơn. Đây là những thách thức mà nghề NTTS sinh thái của tỉnh phải đối mặt trong thời gian tới. Xuất phát từ những đòi hỏi khách quan, thực tiển trong sản xuất, việc thực hiện đề tài: “Các thách thức kỹ thuật sinh thái để phát triển bền vững mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng đước” là một việc làm cần thiết và cấp bách, nhằm xây dựng được các điều kiện, quy hoạch, phương án bố trí sản xuất hợp lý dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và chủ trương của tỉnh để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên mặt nước và định hướng phát triển NTTS tỉnh Cà Mau theo hướng hiệu quả, bền vững của công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong NTTS trên địa bàn tỉnh Cà Mau và thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản trong thời gian tới.
Nghiên cứu chủ yếu sử dụng phương pháp hệ thống mềm (Soft system Methodology) của Checkland,1999 [1] để phân tích kỹ thuật sinh thái trong hoạt động nuôi thủy sản dưới tán rừng ở Cà Mau. Các dữ liệu ban đầu được thu thập thông qua phỏng vấn chuyên gia lâm nghiệp và người dân địa phương có nuôi thủy sản dưới tán rừng ở Cà Mau. Các cuộc phỏng vấn được tiến hành với 2 hình thức bao gồm thảo luận nhóm và phỏng vấn trực tiếp, trong đó thảo luận nhóm dành cho người dân với nhóm từ 5 - 10 người, thời gian thảo luận tối đa 1 giờ, phỏng vấn trực tiếp đối với chuyên gia trong thời gian tối đa 2 giờ. Nội dung phỏng vấn xoay quanh các vấn đề về cách thức tổ chức nuôi thủy sản dưới tán rừng, các kỹ thuật nuôi thủy sản của người dân, các thách thức về môi trường trong quá trình nuôi. Nghiên cứu cũng sử dụng các dữ liệu từ các kết quả thực tế của địa phương để so sánh đối chiếu các vấn đề phân tích từ đó đưa ra các nhận định rõ ràng, chính xác hơn về các thách thức hiện nay đối với hoạt động nuôi thủy sản dưới tán rừng.
Phương pháp hệ thống mềm được áp dụng qua 7 bước với 3 kết quả (Hình 1).Trong quá trình mô hình hóa, các dữ liệu phỏng vấn từ các bên liên quan được đưa vào mô hình (Bước 1 và 2) để xác định tình hình hiện tại (Kết quả 1). Kết quả từ thực tại ở Bước 2 được chuyển qua quá trình hệ thống hóa để tạo định nghĩa về những thay đổi mong muốn Bước 3. Định nghĩa được tạo ra theo cách tiếp cận PQR (Checkland và Scholes, 1999) [2], trong đó P là “phải làm gì”, Q là “cách thực hiện” và R là “tại sao phải làm”. Kế đó, áp dụng CATWOETe để phân tích hoàn cảnh, trong đó C=Khách hàng (Customer), A= Người hành động (Actor), T=Chuyển đổi (Transformation), W=Thế giới quan (Weltanschauung hoặc World-view), O=Chủ sở hữu (Owner), E=Các ràng buộc môi trường (Environmental constraints)và Te=Các kỹ thuật (Technology).Từ đó hệ thống khái niệm được hình thành (Kết quả 2) ở Bước 4. Kết quả 1 (thế giới thực) và Kết quả 2 (hệ thống hóa) được đối chiếu thông qua Bước 5, các kết quả đối chiếu được hệ thống hóa để làm cơ sở cho việc xác định những thay đổi khả thi ở Bước 6, từ đó tạo ra các hành động để cải thiện hoàn cảnh vấn đề (Kết quả 3) ở Bước 7 (Dale Couprie và công sự, 2007) [3].
Trên cơ sở mô hình Checkand 1999, các nhóm đại diện lĩnh vực lâm nghiệp và người dân địa phương được mời tham gia phỏng vấn, các câu hỏi xoay quanh các nội dung: (1) Các loại hình nuôi thủy sản; (2) Kỹ thuật nuôi thủy sản; (3) Kỹ thuật hệ thống cấp thoát nước; (5) Kỹ thuật kiểm soát nguồn nước; (6) Kỹ thuật xử lý sự cố trong quá trình nuôi.
Hình 1. Mô hình Phương pháp hệ thống mềm của Checkand (1999) Nguồn [1]
Kỹ thuật sinh thái và giải pháp để phát triển bền vững mô hình nuôi thủy sản
Qua số liệu tổng hợp từ điều tra chuyên gia và người dân cho thấy nghề nuôi tôm ở Cà Mau đã xuất hiện và phát triển trong thời gian khá lâu, trong đó hoạt động nuôi tôm dưới tán rừng đã và đang được chú trọng phát triển, hầu hết người dân đều có kinh nghiệm và các kỹ năng nuôi tôm, tuy nhiên nguy cơ mất cân bằng trong phát triển bền vững nghề nuôi tôm dưới táng rừng đước đang phải đối mặt với các thách thức đầy rủi ro. Hiện trạng hoạt động nuôi dưới tán rừng đước tại Cà Mau được khái quát tại Hình 2. Các thách thức trong hoạt động nuôi tôm dưới tán rừng đước hiện nay là:
Kiểm soát chất lượng nước: Nguồn nước cấp vào hệ thống nuôi tôm dưới tán rừng đước được lầy từ các kênh dẫn từ biển vào, từ các kênh này sẽ có các nhánh kênh dẫn nước vào các khu vực bên trong. Nước được đưa vào vùng nuôi tôm và được xả thảitheothời vụ nuôi. Hiện tại thời vụ thả giống giữa các vùng nuôi không cùng thời điểm, nên việc lấy nước vào và xả nước ra ở các vùng nuôiluôn không giống nhau, thời điểm lấy nước vào của vùng nuôinày cũng có thể là thời điểm xả thải của vùng nuôi khác vì thế chất lượng nước ở các khu nuôi luôn bị tác động từ nguồn xả thải xung quanh, các chất thải từ vùng nuôi cũng sẽ làm giảm chất lượng nước của khu vực. Mặt khác vùng nuôi thủy sản dưới tán rừng đước hiện nay ở Cà Mau chưa được quy hoạch nên các khu nuôicòn phân tán, diện tích không đồng điều gây khó khăn cho việc kiểm soát chất lượng nước của khu vực. Từ kết quả thu thập thông tin cho thấydiện tích nuôi dao động rất lớn từ dưới 1ha cho đến 16ha, nhu cầu sử dụng nước của các vùng nuôi chênh lệch lớn từ đó gây ra sự mất cân bằng nguồn nước và gây áp lực lên chất lượng nước ở các kênh.
Xử lý chất lượng nước đầu vào và đầu ra trong khu vực nuôi: Hiện tại người dân chỉ nuôi theo kinh nghiệm nên việc kiểm soát chất lượng nước vào và ra khu nuôi được thực hiện theo nhận định cá nhân của người nuôi, người nuôi chưa có kiểm soát chất lượng nước trong suốt quá trình nuôi mà phần lớn người nuôi thủy sản chỉ kiểm soát độ mặt thông qua thiết bị đo cầm tay. Định kỳ mỗi tháng người nuôi tiến hành lấy nước vào khu nuôi và xả nước thải ra các tuyến kênh theo con nước (khi nước lớn thì dẫn nước vào khu nuôi, khi nước ròng thì xả nước ra), lượng nước sẽ tùy thuộc vào thời điểm của vụ nuôi. Điều này dẫn đến rũi ro rất lớn cho vật nuôi, vì chất lượng nước chưa được kiếm soát đồng nghĩa với việc nguy cơ dịch bệnh, hao hụt vật nuôi rất cao. Theo ghi nhận từ kết quả thu thập thông tin cho thấy thời gian khoảng 2 năm trở lại đây tình hình dịch bệnh ở vật nuôi diễn ra ngày càng phổ biến và nghiêm trọng hơn, tỷ lệ hao cũng từ đó cũng tăng lên, nhiều khu nuôi ở Ngọc Hiển tỷ lệ hao hụt lên đến 80 – 90% gây thiệt hại lớn cho người nuôi.
Duy trì năng suất thủy sản: Nuôi thủy sản dưới tán rừng là hình thức nuôi tự nhiên, dựa vào tự nhiên nên chất lượng vật nuôi khá tốt, tuy nhiên dịch bệnh, ô nhiễm nguồn nước ngày càng ảnh hưởng đến năng suất thủy sản. Để duy trì năng suất thủy sản nuôi ổn định thì đòi hỏi người nông dân cần có những biện pháp kỹ thuật sinh thái phù hợp để xử lý tốt nguồn nước, hạn chế dịch bệnh và các yếu tố nguy cơ khác để giảm tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi, từ đó cải thiện năng suất thủy sản.
Đầu tư hệ thống cấp và thoát nước: Hệ thống cấp thoát nước trong khu vực nuôi thủy sản dưới tán rừng là các cống bê tông kiên cố, qua thu thập thông tin cho thấy mỗi khu nuôi điều có trang bị cống thu nước, cống lấy nước theo nguyên lý tự chảy, dựa vào triều cường để dẫn nước vào khu nuôi hoặc xả thải nước từ khu nuôi ra ngoài. Do chưa trang bị cống thoát nước riêng nên việc xả thải nước ra kênh cũng trên cùng 1 cống, điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc kiểm soát nước của khu nuôi vì diện tích khu nuôi lớn nên các vị trí sâu bên trong cách xa cống cấp thoát nước sẽ bị tù đọng, quá trình xáo trộn dòng rất kém, nguồn thải tích tụ dần và gây ô nhiễm nguồn nước. Trước thực trạng trên đòi hỏi người nông dân cần có sự đầu tư thêm cống thoát nước riêng để quá trình lưu thông nước được tốt hơn qua đó góp phần cải thiện chất lượng nước khu nuôi.
Quản lý cân bằng hệ sinh thái thủy sản và duy trì thu nhập nông hộ: Việc cân bằng hệ sinh thái thủy sản là một thách thức đối với những người nông dân theo lối nuôi tự phát, vì quá trình nuôi người nông dân không có bắt cứ kỹ thuật nào để kiểm soát chất lượng nước cũng như kiểm soát dòng vật chất trong khu nuôi, vấn đề dịch bệnh đối với vật nuôi cũng không thể tránh khỏi, quá trình tái nhiễm bệnh của vật nuôi cũng diễn ra thường xuyên hơn, từ đó làm giảm chất lượng vật nuôi, ảnh hưởng đến năng suất giảm thu nhập của người nông dân.
Hình 2. Hiện trạng của hoạt động nuôi dưới tán rừng đước tại Cà Mau
Với những thách thức hiện tại đối với loại hình nuôi thủy sản dưới tán rừng đước, cần được phân tích sâu để xác định các bên tham gia, trong đó cần xác định hành động cần thực hiện để giải quyết các thách thức hướng đến phát triển bền vững loại hình nuôi thủy sản dưới tán rừng đước. Phân tích CATWOETe cho kết quả như tại Bảng 1 và chuyển biến hoạt động nuôi thủy sản dưới tán rừng đước tại Cà Mau theo phân tích CATWOETe được khái quát tại Hình 3.
Bảng 1. Phân tích CATWOETe của hoạt động nuôi thủy sản dưới tán rừng ở Cà Mau
|
Hoạt động nuôi thủy sản dưới tán rừng đước bền vững |
---|---|
C – Khách hàng |
Ban quản lý rừng: Rừng được bảo vệ tốt, đảm bảo tỷ rừng: tôm theo quy định, công tác quản lý rừng được thực hiện tốt. Người nông dân: Được hưởng lợi nhờ vào việc nuôi tôm dưới tán rừng, duy trì sinh kế, cải thiện chất lượng vật nuôi, cải thiện thu nhập. Nhà khoa học: Có nhiều cơ hội để nghiên cứu các giống vật nuôi, các khía cạnh khác nhau về tài nguyên môi trường mang lại hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường tự nhiên. |
A – Người hành động |
Người nông dân: Khai thác hiệu quả tài nguyên dưới tán rừng vào nuôi thủy sản, sử dụng hợp lý tài nguyên nước phục vụ trong sản xuất, kiểm soát tốt chất lượng nước khu nuôi, duy trì năng suất thủy sản Kiểm lâm: Xây dựng hành lang pháp lý phù hợp trong khai thác hiệu quả tài nguyên dưới tán rừng. Rút ngắn thời gian và đơn giản hóa thủ tục trong giải quyết các kiến nghị của người nông dân. |
T – Chuyển đổi |
Công tác quản lý: Thực hiện quy hoạch vùng nuôi thủy sản dưới tán rừng, làm cơ sở cho quản lý các nguồn tài nguyên môi trường hợp lý, xây dựng khung pháp chế để kiểm soát hiệu quả tài nguyên môi trường. Thủ tục giải quyết các kiến nghị của người nông dân trong bảo vệ rừng được thực hiện thông thoáng, giải quyết kịp thời. Kỹ thuật nuôi thủy sản dưới tán rừng: Đầu tư hệ thống cấp thoát nước, kiểm soát chất lượng nước khu nuôi, nâng cao năng suất và chất lượng thủy sản. Nâng cao giá trị sản phẩm nuôi bằng hình thức nuôi tự nhiên, tạo thương hiệu sinh thái đối với loại hình nuôi dưới tán rừng. Nhận thức của người nông dân trong bảo vệ rừng: Nhận thức được tầm quan trọng của rừng, ra sức bảo vệ rừng và có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ rừng như bảo vệ lợi ích kinh tế của họ, khai thác tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên nước, ra sức bảo vệ tài nguyên rừng góp phần duy trì sinh kế, tạo thu nhập bền vững cho người nông dân. Phát triển kinh tế - xã hội: Quản lý, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên môi trường sẽ góp phần quan trọng vào việc duy trì thu nhập cho người nông dân, tạo thương hiệu thủy sản sinh thái có giá trị kinh tế cao trong khu vực. |
W – Thế giới quan |
Tài nguyên môi trường được sử dụng hợp lý, bảo vệ hệ sinh thái khu vực. Kinh tế Cà Mau có nhiều cơ hội đầu tư phát triển tốt hơn, thu hút các tiềm lực kinh tế cùng phát triển. |
O – Chủ sở hữu |
Chính quyền: Tài nguyên được quản lý tốt, quy hoạch lại các vùng nuôi thủy sản dưới tán rừng, quản lý tốt nghề nuôi thủy sản dưới tán rừng. Ban quản lý rừng: Quản lý tốt tài nguyên rừng, khai thác hợp lý tài nguyên rừng, ngăn chặn phá rừng. Người nông dân: Áp dụng các kỹ thuật vào nuôi thủy sản theo hướng phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả các tài nguyên. Góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình. |
E – Các ràng buộc môi trường |
Chất thải: Ảnh hưởng đến chất lượng nước, vật nuôi, ảnh hưởng đến năng suất nuôi thủy sản. Ảnh hưởng cảnh quan khu vực giảm thu hút của các điểm du lịch. Biến đổi khí hậu: Khô hạn, hạn mặn ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi. Gây tranh chấp giữa các đối tượng thụ hưởng tài nguyên. |
Te – Các kỹ thuật |
Hệ thống cấp thoát nước: Cải thiện hệ thống cấp thoát nước, bố trí thêm cống thoát nước giúp lưu thông nước hiệu quả,giải pháp luân chuyển nước trong vùng nuôi, cải thiện chất lượng nước trong khu nuôi. Kiểm soát chất lượng nước: Kiểm soát tốt vật rụng,kiểm soát chất lượng nước của khu nuôi định kỳ, giám sát các thông số ô nhiễm, các giải pháp xử lý nước thải khu nuôi góp phần nâng cao chất lượng nước của khu vực. Con giống: Xem xét con giống phù hợp với đặc thù của khu vực, lựa chọn con giống thuần chủng để hạn chế dịch bệnh, kiểm soát tốt dịch bệnh, tránh bùng phát dịch và lây lan qua lại giữa các khu nuôi. Tỉ lệ rừng/tôm: Chọn mô hình nuôi với tỉ lệ rừng/tôm phù hợp đạt hiệu quả kinh tế cao mà vẩn đảm bảo môi trường tốt cho cây rừng phát triển. Đánh giá mô hình để nhân rộng. |
Hình 3. Chuyển biến hoạt động nuôi thủy sản dưới tán rừng đước tại Cà Mau theo phân tích CATWOETe
Giải quyết những thách thức của loại hình nuôi thủy sản dưới tán rừng đước là bước quan trọng cho mục tiêu phát triển bền vững.Việc giải quyết thách thức cần được đánh giá dựa trên cơ sở điều kiện thực tại và sự tham gia của các bên liên quan. Trong đó các bên liên quan được chia làm 3 nhóm chính: (1) người dân, (2) chính quyền địa phương, (3) nhóm tư vấn (Viện nghiên cứu, trường đại học, chuyên gia).
Kiểm soát chất lượng nước:
Với người nông dân: Ứng dụng kỹ thuật có kiểm soát chất lượng nước (CLN) trong quá trình nuôi; Sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả tài nguyên nước; Tham gia các lớp tập huấn kiểm soát CLN, nâng cao nhận thức, kiến thức sử dụng tiết kiệm tài nguyên.
Đối với chính quyền: Lập quy hoạch vùng nuôi thủy sản dưới tán rừng; Khuyến khích người nông dân ứng dụng kỹ thuật mới vào nuôi thủy sản dưới tán rừng; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong khai thác và sử dụng tài nguyên môi trường;Tập huấn kỹ thuật kiểm soát CLN cho người nông dân.
Nhà tư vấn: Đưa ra các luận chứng khoa học để quy hoạch vùng nuôi có hiệu quả; Nghiên cứu kỹ thuật mới phù hợp nuôi thủy sản dưới tán rừng; Nghiên cứugiống vật nuôi phù hợp với môi trường dưới tán rừng đước.
Đầu tư hệ thống cấp, thoát nước:
Người nông dân: Đầu tư cống thoát nước, chọn vị trí cống thoát phù hợp từ đó kiểm soát tốt CLN; Chế độ vận hành nước trong vùng nuôi đảm bảo luân chuyển nước tốt, kiểm soát CLN.
Chính quyền: Xây dựng cơ chế thông thoáng tạo điều kiện cho người nuôi cải tạo hệ thống cấp thoát nước; Phân bố lại vùng cấp, thoát nước phù hợp khu vực; Quản lý các nguồn thải ra môi trường.
Nhà tư vấn: Nghiên cứu, đề xuất giải pháp tổng thể quản lý tài nguyên nước vùng nuôi thủy sản dưới tán rừng; Nghiên cứu giải pháp vận hành nước có kiểm soát CLN phù hợp với loại hình nuôi thủy sản dưới tán rừng.
Cân bằng hệ thống sinh thái thủy sản
Người nông dân: Tuân thủ tỉ lệ diện tích rừng: diện tích nuôi theo quy định; Thực hiện kiểm soát tốt chất lượng nước vùng nuôi.
Chính quyền: Tiếp tục phát huy giải pháp đồng quản lý rừng; Xây dựng cơ chế thông thoáng để phát triển nghề nuôi thủy sản dưới tán rừng, quản lý có hiệu quả tài nguyên rừng; Thường xuyên kiểm tra, giám sát nguồn thải.
Nhà tư vấn: Nghiên cứu giải pháp kỹ thuật sinh thái phát huy hiệu quả năng suất loại hình nuôi thủy sản, kết hợp giải pháp quản lý tốt môi trường.
Duy trì năng suất:
Người nông dân: Chọn con giống thuần, hạn chế dịch bệnh; Tuân thủ mật độ nuôi theo khuyến cáo, xử lý tốt mầm mệt; Kiểm soát chất lượng nước vùng nuôi.
Chính quyền: Tạo chuỗi liên kết giúp người nông dân tiêu thụ thủy sản, ổn định giá; Liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp tạo sự liên thông giữa nguồn cung và nguồn cầu ổn định; Tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức người nông dân.
Nhà tư vấn: Nghiên cứu các giống thủy sản có giá trị dinh dưỡng cao phù hợp thủy vực địa phương; Cung cấp các kiến thức khoa học trong kỹ thuật nuôi trồng thủy sản.
Kết luận
Sử dụng phương pháp phân tích hệ thống mềm trong phân tích loại hình nuôi thủy sản dưới tán rừng đước mang lại những lợi ích trong bảo vệ tài nguyên rừng, tạo sinh kế và duy trì sinh thái cho phát triển bền vững. Việc duy trì nuôi thủy sản dưới tán rừng là cần thiết, cần ứng dụng các kỹ thuật sinh thái để đảm bảo phát triển bền vững loại hình nuôi này. Sự tham gia của các nhà khoa học từ nhiều ngành, nhiều lĩnh vực là cần thiết.
Việc thu thập cơ sở dữ liệu lẫn phân tích cần được xây dựng một cách hệ thống với sự tham gia đa ngành lẫn liên ngành. Cơ sở dữ liệu càng đầy đủ thì mục tiêu phát triển bền vững loại hình nuôi thủy sản dưới tán rừng đước cũng như nhận thức của các bên liên quan càng hiệu quả [4].
Các kết quả phân tích bước đầu về loại hình nuôi thủy sản dưới tán rừng đước có những thách thức và sắp tới cần có những động thái cần thực hiện để phát triển bền vững loại hình nuôi này. Trong đó các hoạt động cần thực hiện liên quan tới người dân, chính quyền và cơ chế, chính sách.
Nguyễn Trần Nhẫn Tánh, Trần Ngọc Châu
Khoa Kỹ Thuật - Công nghệ - Môi trường, Trường Đại học An Giang
Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
Nguyễn Xuân Lan
Viện Môi trường và Tài Nguyên TP.HCM
Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật Tài nguyên - Môi trường An Giang
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2021)
Tài liệu tham khảo