27/01/2021
Nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) đã phát triển thành công mô hình “sản xuất gạch nhẹ từ vật liệu thải” - Octoplastic. Dự án giành được Giải Nhì Cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa” do UNESCO tổ chức và được nhiều chuyên gia đánh giá tích cực về tính thực tiễn cũng như khả năng nhân rộng.
Giảm 500g nhựa mỗi viên gạch
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, hàng năm có khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển. Riêng ở Việt Nam, lượng rác nhựa ra đại dương từ 0,28 - 0,73 triệu tấn mỗi năm, đứng thứ 4 trên thế giới.
Loại nhựa polystyrene (nhựa PS) chiếm tỉ lệ lớn, thường dùng làm các hộp cơm, ly nhựa nhưng ít được chú ý trong những chương trình giải quyết vấn đề môi trường. Từ thực tế trên, 5 sinh viên khoa Kỹ thuật hóa học, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) đã lên ý tưởng biến rác thải nhựa thành vật liệu hữu dụng như gạch không nung, gạch nhẹ.
Quy trình làm gạch gồm ba công đoạn chính: Bước 1: Cắt các hộp, ly nhựa PS và nghiền thành hạt nhỏ; Bước 2: Cho ximăng vào cùng hạt đã nghiền để tạo hỗn hợp chất kết dính: Bước 3: Cho hỗn hợp vào khuôn, phơi khô trong vòng 24 giờ.
Nhóm sinh viên Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) với sản phẩm gạch từ rác thải nhựa
Qua nhiều lần thử nghiệm và thất bại (khoảng 30 lần trong thời gian dài), nhóm tìm đúng tỉ lệ “vàng”. Một viên gạch thành phẩm có thể tạo ra từ 500g nhựa PS, khoảng 50% khối lượng gạch, đồng nghĩa giảm từng ấy nhựa cho môi trường, đạt tiêu chuẩn mác bêtông M50 của Việt Nam (TCVN 1450:2009); khả năng cách nhiệt 90%; không bắt cháy ở điều kiện thường và khả năng cách âm đạt 60 - 70%.
Theo đánh giá của Ban Giám khảo Cuộc thi, gạch nhẹ, giá thành thấp so với thị trường, lại có cơ tính cao, chịu lực, cách âm, cách nhiệt tốt hơn.
Giải quyết vấn đề môi trường
Theo Nguyễn Lê Nguyên Phương - Thành viên nhóm nghiên cứu, tùy vào từng ứng dụng, gạch sẽ được định hình thành nhiều dạng khác nhau như vuông, tròn, lục giác. Tỉ lệ nhựa trộn trong gạch cũng thay đổi tương ứng. Thay vì mang những phế thải nhựa đi đốt hoặc chôn, làm gạch từ rác thải nhựa có thể giúp giải quyết vấn đề môi trường và đem lại giá trị kinh tế.
PGS.TS Lê Thị Kim Phụng - Khoa kỹ thuật hóa học Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), giảng viên hướng dẫn nhóm nghiên cứu chia sẻ, Dự án không đơn thuần tái chế nhựa mà còn cả tro bay, bùn thải. Nhóm nghiên cứu đã kết hợp nhựa với tro bay hoặc bùn thải thay cho xi măng, tạo thành một hỗn hợp chất kết dính hiệu quả. Tro bay, bùn thải và nhựa thải được kết hợp theo tỉ lệ thích hợp để cho hiệu quả cao nhất. Ngoài sản phẩm gạch nhẹ, nhóm nghiên cứu cũng đang xây dựng các tấm cách nhiệt, cách âm từ rác thải nhựa cho nhiều ứng dụng khác.
Theo PGS.TS, dự án hoàn toàn có thể được thương mại hóa nhưng trước hết cần chuẩn hóa nguồn nguyên liệu. Rác thải nhựa cần được thu gom, phân loại theo tiêu chuẩn để có nguồn đầu vào sạch cho quá trình làm gạch...
Hồng Cẩm