04/05/2022
Quảng Nam là một trong những tỉnh có diện tích rừng tự nhiên lớn của Việt Nam, nằm ở trung tâm của khu vực trung Trường Sơn, là nơi giao thoa giữa hệ thực vật phía Bắc và phía Nam, nên rừng tự nhiên ở đây có tính đa dạng sinh học cao với nhiều hệ sinh thái đặc trưng. Tuy nhiên, trước tác động của biến đối khí hậu và con người, hệ sinh thái tự nhiên của Quảng Nam đang đứng trước nguy cơ bị phá vỡ. Cùng với đó, tình trạng khai thác rừng trái phép đã làm diện tích và chất lượng rừng bị suy giảm rõ rệt. Do đó, việc quản lý bền vững tài nguyên, nhằm giảm phát thải và suy thoái rừng là yêu cầu cấp thiết và quan trọng.
Tăng cường bảo vệ và nâng cao độ che phủ rừng
Trong những năm gần đây, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương các cấp, công tác phát triển rừng của tỉnh Quảng Nam đã đạt được nhiều kết quả quả quan trọng. Theo Báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, tính đến ngày 31/12/2021, tỉnh có 680.249,67 ha đất có rừng (bao gồm cả diện tích đất đã trồng chưa thành rừng), trong đó có 463.356,77 ha rừng tự nhiên và 216.829,94 ha rừng trồng. Đối với rừng tự nhiên, rừng gỗ (chiếm khoảng 450.890,13 ha); rừng tre nứa (4.617,75 ha); rừng hỗn giao (7.762,43 ha) và rừng cau dừa (86,46 ha).
Đối với diện tích rừng trồng, có 156.376,93 ha rừng trồng đã thành rừng và 60.513,01 ha đất đã trồng chưa thành rừng (diện tích này không tham gia tính độ che phủ rừng). Diện tích đất chưa có rừng khoảng 89.027,26 ha, bao gồm 57.125,12 ha diện tích khoanh nuôi tái sinh (có cây gỗ tái sinh) và 31.902,14 ha diện tích đất trống khác còn lại. Đến nay, độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 58,61%, trong đó độ che phủ rừng tự nhiên đạt 43,82%. Rừng trồng được chăm sóc theo đúng quy trình, đã bắt đầu khép tán và phát huy tác dụng phòng hộ, BVMT sinh thái, chống xói mòn và lưu trữ các bon.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vẫn còn nhiều bất cập. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép, nhất là đối với rừng tự nhiên vẫn diễn ra phức tạp. Những năm gần đây, cơ quan kiểm lâm tỉnh đã xác định một số địa bàn phá rừng phức tạp nằm giáp ranh giữa xã Phước Xuân (Phước Sơn) với xã Cà Dy (Nam Giang); khu vực giáp ranh xã Ba (Đông Giang) và xã Đại Hưng (Đại Lộc); giáp ranh huyện Đông Giang với Hòa Vang (TP. Đà Nẵng); rừng phòng hộ Phú Ninh địa bàn xã Tam Xuân 2, Tam Trà (Núi Thành). Do đời sống người dân ở các huyện này còn nhiều khó khăn, chủ yếu sản xuất nương rẫy, nhận thức về công tác bảo vệ rừng còn hạn chế. Nhu cầu gỗ làm nhà của người dân miền núi lớn nên dẫn đến một số vụ khai thác rừng trái phép. Giá gỗ nguyên liệu (cây keo) cao dẫn đến người dân lấn chiếm đất lâm nghiệp để trồng keo ngày càng gia tăng. Ngoài ra, nhiều dự án phát triển kinh tế như thủy điện, khai thác khoáng sản, dịch vụ du lịch... chưa chú trọng đến bảo vệ, phát triển rừng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, làm suy giảm chất lượng rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên.
Trước thực trạng trên, tỉnh đã tổ chức rà soát lại quỹ đất lâm nghiệp trên địa bàn, đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng, thuê đất thuê rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, các tổ chức cá nhân phát triển kinh tế lâm nghiệp, phát triển lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng. Hiện có 4 tổ chức thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh với diện tích 44,47ha và 2 đơn vị sự nghiệp của địa phương sửa dụng dịch vụ môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh với diện tích 10,9ha. Đồng thời, tỉnh cũng quy hoạch phát triển cây quế Trà My với diện tích 10.000 ha. Nhờ những mô hình này, người dân có công ăn việc làm, tạo sinh kế ổn định cho người dân đi đôi với công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Cùng với đó, mô hình trồng rừng gỗ lớn cũng được nhiều địa phương trong tỉnh triển khai, bước đầu mang lại lợi ích vừa giúp người dân phát triển kinh tế vừa góp phần BVMT, phục hồi đa dạng sinh thái, điều hòa nguồn nước. Điển hình như xã Quế Lâm (huyện Nông Sơn), địa phương có diện tích rừng sản xuất lớn với khoảng 1.200 ha, điều kiện tự nhiên thuận lợi, phù hợp với việc phát triển trồng rừng gỗ lớn. Thời gian qua, xã đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng gỗ lớn, mang lại hiệu quả về kinh tế cũng như môi trường. Còn tại huyện Hiệp Đức đã tích cực hỗ trợ nông dân liên kết phát triển mô hình trồng rừng gỗ lớn theo phương thức sản xuất hàng hóa tập trung. Năm 2021 toàn huyện trồng mới 1.100ha rừng gỗ lớn, lũy kế từ năm 2018 - 2021 đã trồng được gần 3.000 ha. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025 bình quân hằng năm huyện trồng mới 1.200 ha rừng gỗ lớn.
Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), đến nay Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Quảng Nam đã ký kết được 81 đơn vị sử dụng DVMTR, trong đó: 29 đơn vị sản xuất thủy điện, 9 đơn vị sản xuất nước sạch, 43 đơn vị nước công nghiệp. Quỹ đã hoàn thành việc lập 15 đề án chi trả DVMTR thuộc các lưu vực sản xuất thủy điện, nước sạch. Trên cơ sở rà soát của các đề án đã giúp các chủ rừng và UBND các xã được giao trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng xây dựng phương án, tổ chức lực lượng bảo vệ rừng đạt hiệu quả. Ngoài ra, Quỹ còn tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết cho mọi người tham gia công tác quản lý bảo vệ rừng, việc gắn kết việc chi trả với các chương trình phát triển sinh kế khác nhằm tạo thêm thu nhập bền vững cho các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng. Năm 2021, tổng diện tích rừng chi trả DVMTR theo kế hoạch là 282.948 ha. Hầu hết các đơn chủ rừng đã lập kế hoạch và tổ chức tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng trong lâm phận quản lý thực hiện chính sách chi trả DVMTR. Qua các đợt kiểm tra, 8 tháng đầu năm 2021 đã phát hiện nhiều vụ vi phạm lâm luật gồm: Phá rừng (9 vụ, diện tích thiệt hại là 4,18 ha), cháy rừng (4 vụ, diện tích thiệt hại là 9,45 ha)… Nhờ thực hiện chính sách chi trả DVMTR, đã cung cấp nguồn tài chính cho việc bảo vệ rừng. Đồng thời, mở ra cơ hội cho đồng bào miền núi của tỉnh Quảng Nam cải thiện đời sống, giúp cộng đồng bảo vệ rừng có trách nhiệm hơn.
Huyện Hiệp Đức (Quảng Nam) hỗ trợ nông dân phát triển Mô hình trồng rừng gỗ lớn góp phần BVMT, phục hồi đa dạng sinh thái
Giảm phát thải khí nhà kính, phục hồi tài nguyên rừng
Theo Kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các bon rừng (REDD+)” giai đoạn 2020 - 2030, tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu phấn đấu giữ nguyên diện tích rừng tự nhiên hiện có và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên thông qua việc tăng cường bảo tồn, bảo vệ rừng cũng như các biện pháp làm giàu rừng. Tăng độ che phủ rừng nói chung lên 61% vào năm 2025 thông qua các biện pháp bảo vệ và phát triển rừng. Tăng diện tích rừng sản xuất chứng chỉ quản lý rừng bền vững đến năm 2030 có ít nhất 15% diện tích rừng trồng có chứng chỉ FSC, trong đó rừng trồng cây gỗ lớn đạt 28.000 ha.
Đồng thời phục hồi 230.000 ha rừng, bao gồm 7.500 ha rừng đặc dụng, 190.000 ha rừng phòng hộ và 34.000ha rừng sản xuất. Giảm 14,17 triệu tấn CO2 từ rừng vào năm 2030, trung bình giảm khoảng 1,18 triệu tấn CO2 mỗi năm. Cải thiện và tăng cường quản trị rừng trong tỉnh, đặc biệt là thông qua các nỗ lực để giao và khoán 359.000 ha rừng, trong đó giao 61.000 ha rừng/đất rừng phù hợp cho các hộ, cộng đồng dân cư và giao 298.000 ha rừng cho các ban quản lý rừng...
Theo Sở NN&PTNT Quảng Nam, tỉnh đã phát triển mô hình nông - lâm nghiệp kết hợp lồng ghép vào REDD+ bởi thực tiễn cho thấy các vườn rừng nông - lâm kết hợp có khả năng hấp thụ các bon cao gấp 4 lần so với trồng thuần loài. Mục tiêu chính của REDD+ là quản lý và bảo tồn rừng hiệu quả, tăng trữ lượng các bon cho rừng. Tỉnh đã ưu tiên phục hồi các khu vực có nguy cơ mất rừng cao. Đó là các khu vực rừng phòng hộ Nam Giang, Nam Trà My, Phước Sơn, Đông Giang, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Quảng Nam, Vườn quốc gia Sông Thanh, Khu bảo tồn Sao la.
Trong khuôn khổ hoạt động REDD+, dự án Trường Sơn Xanh do Cơ quan hợp tác quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ đã xây dựng bản đồ rủi ro mất rừng cấp độ cao cho Quảng Nam với diện tích 46.687 ha, chủ yếu là rừng tự nhiên thuộc các huyện Phước Sơn, Nông Sơn, Bắc Trà My, Phú Ninh và Thăng Bình. Đây là vùng ưu tiên thực hiện các hoạt động REDD+, tạo ra các tín chỉ các-bon rừng. Ngoài ra, dự án hỗ trợ cải thiện sinh kế bền vững cho các cộng đồng dân tộc thiểu số thông qua phát triển chuỗi giá trị mây tre đan và cây dược liệu tại các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Núi Thành và Phước Sơn. Thông qua dự án, các địa phương đã trồng mới 100 ha mây, bảo vệ khai thác bền vững 50 ha mây dưới tán rừng tự nhiên hiện có; giúp giảm thiểu 7,49 triệu tấn CO2, hỗ trợ 24 cơ quan được nâng cao năng lực về cảnh quan bền vững; có 9.103 người hưởng lợi về sinh kế và 8.120 người được cải thiện thu nhập; đã có 35 triệu USD được huy động cho các hoạt động cảnh quan bền vững, cùng với 337 nghìn ha rừng được cải thiện về quản lý tài nguyên.
Nhằm bảo tồn và nâng cao trữ lượng các bon rừng, vừa qua Chính phủ đã đồng ý về chủ trương cho Quảng Nam lập Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các bon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng (REDD+), thời gian thí điểm 5 năm (2021 - 2025). Tỉnh Quảng Nam đang khẩn trương tiến hành làm các thủ tục liên quan. Sau khi hoàn tất các thủ tục để lập dự án sẽ tiến hành đấu thầu quốc tế và mời các doanh nghiệp nước ngoài tham gia. Đề án dự kiến xuất khẩu 5,2 triệu tín chỉ các bon rừng trong giai đoạn (2021-2025). Cụ thể, từ năm 2021 đến năm 2025, mỗi năm sẽ bán bình quân 0,8 triệu tấn CO2. Giá bán khoảng 5 USD/tấn CO2, khi đề án được thực hiện sẽ mang lại cho tỉnh Quảng Nam với nguồn thu từ 110 tỷ - 130 tỷ đồng/năm, cao hơn với nguồn thu DVMTR, bằng 2-2,5 lần đầu tư ngân sách hàng năm của Trung ương và địa phương vào lâm nghiệp. Như vậy, Quảng Nam là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện Đề án. Kinh phí thu được từ bán tín chỉ các bon rừng sẽ được tái sử dụng cho việc quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Nhà nước ban hành cơ chế để người dân địa phương trực tiếp tham gia tuần tra, bảo vệ, trồng rừng, bảo quản, lưu giữ carbon… Nhờ thu nhập tăng lên, người dân nơi đây đã dần từ bỏ thói quen xâm phạm rừng, tham gia ngày càng tích cực hơn vào công tác giữ gìn, bảo vệ hệ sinh thái rừng.
Trong thời gian tới, để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, tỉnh Quảng Nam sẽ thực hiện rà soát, hoàn thiện quy hoạch 3 loại rừng phòng hộ, đặc dụng và sản xuất trên địa bàn tỉnh theo hướng quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng bền vững có hiệu quả, giảm thiểu lượng phát thải các bon khi chuyển đổi rừng tự nhiên sang mục đích phát triển kinh tế - xã hội khác.
Xây dựng hệ thống tổ chức, quản lý, điều hành thực hiện giảm phát thải và tăng cường trữ lượng cac bon rừng. Nâng cao năng lực tiếp cận và triển khai các hoạt động của REDD+. Nâng cấp hệ thống theo dõi diễn biến rừng, xây dựng các biện pháp đảm bảo an toàn về môi trường và xã hội; xây dựng cơ chế quản lý tài chính và chia sẻ lợi ích từ REDD+.
Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển lâm nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp thuê đất phải cam kết và có trách nhiệm đào tạo nghề cho cộng đồng. Đồng thời, huy động nguồn lực tài chính từ các doanh nghiệp ngoài nhà nước để tổ chức trồng rừng, bảo vệ rừng, nâng cao chất lượng rừng. Khai thác nguồn tài chính chi trả từ chi trả dịch vụ môi trường rừng và chi trả dựa vào kết quả giảm phát thải các bon. Hỗ trợ cải thiện sinh kế cho người dân sống gần rừng để giảm các áp lực tiêu cực đến nguy cơ mất rừng và suy thoái rừng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Báo cáo kết quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng Quảng Nam năm 2021.
2. Báo cáo Hiện trạng rừng trên địa bàn Quảng Nam năm 2021.
3. Kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các-bon rừng (REDD+) tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2020 - 2030.
4. Công văn số 3479/VPCP-NN gửi cho Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Quảng Nam về chủ trương xây dựng và triển khai Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các bon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các bon rừng (REDD+) tại tỉnh Quảng Nam.
Phùng Thị Quỳnh Trang
Học viện Phụ nữ Việt Nam
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2022)