27/12/2021
1. Khái quát về tiêu chí, chỉ số
Để đánh giá thực trạng hay chính sách, nhà quản lý thường phải sử dụng công cụ như các tiêu chí, chỉ số. Tài liệu hướng dẫn của FAO đã phân tích mối quan hệ logic giữa mục tiêu – nguyên tắc – tiêu chí – chỉ số - dữ liệu.
Hình 1. Sơ đồ mối liên hệ giữa tiêu chí, chỉ số, mục tiêu và dữ liệu (Nguồn: NRET (2012)
Tiêu chí và chỉ số cần được hiểu trong một khung liên kết để trở thành bộ công cụ đánh giá. Chỉ số (Indicator) là biến số đo lường việc thực hiện các tiêu chí. Biến số này đại diện cho tập hợp nhiều phần tử dữ liệu với các mối quan hệ được thiết lập nhất định, dưới dạng định tính hoặc định lượng. Sự thay đổi của một chỉ số không thể hiện tình trạng thực hiện mục tiêu đang tốt hay không. Để nhận định cụ thể, các chỉ số này cần được đối chiếu với các tiêu chuẩn (có thể khác nhau tùy khu vực và tùy thời điểm).
Theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về Chỉ thị môi trường, chỉ số (index) là một tập hợp tổng hợp hoặc có trọng số của các thông số (parameters) hoặc chỉ thị (indicator). Chỉ thị là một thông số hoặc một giá trị bắt nguồn từ thông số, nhằm mục tiêu mô tả, cung cấp thông tin về trạng thái của một hiện tượng/môi trường/khu vực. Thông số được hiểu là giá trị được đo đạc (measured) hoặc quan sát (observed).
Chỉ thị môi trường cũng được UNEP định nghĩa, được hiểu là “nhằm tập hợp các thông tin môi trường chi tiết thành các xu hướng dễ hiểu và các biện pháp giúp theo dõi trạng thái của môi trường” (UNEP, 2006).
Ở Việt Nam, Chỉ thị môi trường đã được đề cập trong một số văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo Thông tư 09/2009/TT-BTNMT: “Chỉ thị môi trường là thông số cơ bản phản ánh các yếu tố đặc trưng của môi trường phục vụ mục đích đánh giá, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường, lập báo cáo hiện trạng môi trường”. Thông tư số 43/2015/TT-BTNMT, Chỉ thị môi trường bao gồm 1 hoặc nhiều chỉ thị thứ cấp, trong đó Chỉ thị môi trường thứ cấp là một hay một nhóm các thông số môi trường cơ bản, liên quan trực tiếp đến mỗi Chỉ thị môi trường.
Luật Thống kê năm 2015 chỉ đề cập đến “chỉ tiêu thống kê”. Tuy nhiên, trên thực tế, ở nước ta “chỉ thị” cũng được hiểu là “chỉ tiêu”. Theo Luật Thống kê năm 2015, “chỉ tiêu thống kê phản ánh đặc điểm về quy mô, tốc độ phát triển, cơ cấu, trình độ phổ biến, quan hệ tỷ lệ của bộ phận hoặc toàn bộ hiện tượng kinh tế - xã hội trong điều kiện không gian và thời gian cụ thể. Chỉ tiêu thống kê gồm tên chỉ tiêu và trị số của chỉ tiêu”.
Để đánh giá mức độ bền vững của hệ sinh thái rừng, các chỉ số sẽ liên tục đo lường việc thực hiện các tiêu chí và giúp các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách đánh giá xem liệu quản lý rừng có đang hướng tới bền vững hay không. Một chỉ số là biến số bất kỳ hay thành phần nào đó của hệ sinh thái rừng, hệ thống quản lý rừng có liên quan. Tất cả các chỉ số này được dùng để nhận định thuộc tính bền vững của rừng đang mức độ nào. Các chỉ số cần cô đọng, ngắn gọn, được chọn để đại diện, đặc trưng hay tóm tắt các khía cạnh quan trọng về một thực trạng môi trường, các xu hướng thay đổi của môi trường hoặc những vấn đề xã hội liên quan.
2. Nguyên tắc xây dựng và lựa chọn Bộ chỉ số đánh giá mức độ tác động của các dự án đầu tư phát triển đến hệ sinh thái rừng
2.1. Nguyên tắc xây dựng
Về cơ bản, nguyên tắc để xây dựng các tiêu chí sàng lọc và bộ chỉ số cần dựa trên chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, mục tiêu của nhà quản lý về công tác bảo vệ và phát triển rừng, nhằm kiểm soát các dự án tác động tiêu cực đến hệ sinh thái rừng ở mức độ cao. Tuy nhiên, một số nguyên tắc chung cần được đảm bảo như sau: (1) Đảm bảo căn cứ khoa học, hợp logic; (2) Phù hợp với quy định pháp luật và thực trạng ở Việt Nam; (3) Các tiêu chí, chỉ số phản ánh được những nội dung cơ bản và các khía cạnh đặc trưng của các tác động tiêu cực từ dự án tới hệ sinh thái rừng; (4) Đảm bảo tính khả thi thực hiện, bao gồm sự khả thi trong thu thập thông tin dữ liệu, tính toán và được đồng thuận của các bên liên quan; (5) Có ý nghĩa quản lý, nhằm phục vụ công tác thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM đối với các dự án có sử dụng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng; (6) Có thể thay đổi và cập nhật được để phù hợp với thực tế.
2.2. Nguyên tắc lựa chọn các tiêu chí, chỉ số
Có tính khả thi để triển khai thực hiện: Các tiêu chí, chỉ số phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành. Phù hợp với định hướng, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt theo tinh thần Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Mang tính đại diện, nổi cộm, đặc trưng; đặc biệt chú trọng các chỉ số liên quan tới các tác động đến khu vực nhạy cảm môi trường rừng ở mức độ cao.
Có căn cứ để xác định được ngưỡng từng chỉ số và có thể tính toán được.
Thể hiện được tính đúng đắn, tương thích và phù hợp với mục tiêu đã thống nhất.
Có ý nghĩa thực tiễn đối với nhà quản lý, các bên liên quan và cộng đồng.
Kịp thời (cung cấp những cảnh báo sớm và các vấn đề tiềm năng).
3. Khung logic xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ tác động của các dự án đầu tư phát triển đến hệ sinh thái rừng
Theo hướng dẫn xây dựng các chỉ số tổng hợp của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), các chỉ thị đánh giá thường được xây dựng theo chủ đề hoặc vấn đề trong một khung logic bao gồm chủ đề, các vấn đề và các chỉ thị. Các tiêu chí được phát triển từ các chủ đề, các chỉ thị được rà soát và liệt kê nhằm phản ánh hết các khía cạnh của tiêu chí.
Để xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ tác động của các dự án đầu tư phát triển đến hệ sinh thái rừng, việc xây dựng khung logic (khung lý thuyết) là rất quan trọng. Khung logic phải thể hiện được mối liên hệ giữa chỉ số tổng hợp (composite index) với các chỉ số thành phần (sub-index) và các chỉ thị (indicators). Bên cạnh đó, khung logic cũng cần được xây dựng dựa trên mục tiêu và cách tiếp cận mà bộ chỉ số cần hướng tới.
Đánh giá mức độ tác động của các dự án đầu tư phát triển đến hệ sinh thái rừng, nhóm nghiên cứu sử dụng mô hình P-S-R (áp lực - hiện trạng - đáp ứng), trên cơ sở rút gọn mô hình D-P-S-I-R (động lực - áp lực - hiện trạng - tác động - đáp ứng) nhằm xây dựng khung logic cho bộ chỉ số. Việc rút gọn này vẫn thể hiện được đầy đủ các yếu tố của mô hình ban đầu và đã được nhiều tổ chức áp dụng, bởi trên thực tế khi áp dụng mô hình D-P-S-I-R khó có thể phân biệt rạch ròi giữa áp lực, hiện trạng và tác động.
Mô hình P-S-R thường được sử dụng cho các đánh giá về môi trường và đánh giá đa dạng sinh học ở trên thế giới, vì nó đạt được hiệu quả trong việc đánh giá một cách toàn diện. Mô hình này có thể xác định, phân tích và đánh giá các chuỗi quan hệ nguyên nhân - kết quả: nguyên nhân gây ra các tác động đến hệ sinh thái rừng, hậu quả của chúng và các biện pháp giảm thiểu cần thiết. Mô hình này giúp cho việc đánh giá được tổng thể, toàn diện hơn, vì nó khá hữu ích trong việc khái quát hóa các phần khác nhau trong chuỗi nguyên nhân, tác động/hậu quả và các phản ứng/đáp ứng.
Bộ chỉ số đánh giá mức độ tác động của các dự án đầu tư phát triển đến hệ sinh thái rừng chính là đánh giá được các giá trị mất đi của hệ sinh thái rừng sau khi bị tác động bởi các yếu tố khác nhau từ việc triển khai dự án và đưa ra các giải pháp giảm thiểu phù hợp, chi tiết được mô tả theo hình sau:
Hình 2. Mô hình P-S-R
Bộ chỉ số đánh giá mức độ tác động của các dự án đầu tư phát triển đến hệ sinh thái rừng bao gồm 3 chỉ số thành phần (nhóm chỉ số): (1) chỉ số về áp lực lên hệ sinh thái rừng; (2) chỉ số về hiện trạng hệ sinh thái rừng; (3) chỉ số về đáp ứng trước các áp lực lên hệ sinh thái rừng (các biện pháp giảm thiểu). Bộ Chỉ số đánh giá mức độ tác động của các dự án đầu tư phát triển đến hệ sinh thái rừng chính là tổng hợp của các giá trị biểu thị các áp lực lên hệ sinh thái rừng, các giá trị mất đi của hệ sinh thái rừng và các đáp ứng đối với các áp lực lên hệ sinh thái rừng. Ngoài ra, việc đánh giá tác động xã hội liên quan cũng cần được xem xét lựa chọn, bởi đó có thể trở thành những tác động tiềm ẩn, gián tiếp tới hệ sinh thái rừng.
Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đã rà soát và đối chiếu với các quy định pháp luật, đặc biệt Luật Lâm nghiệp, Luật BVMT, Luật Đa dạng sinh học, Luật Đầu tư… và các văn bản hướng dẫn khác, để đề xuất ra các chỉ số và tiêu chí đánh giá phù hợp, có căn cứ. Một số chỉ số cần thiết phải có, mang tính đại diện, đặc trưng nhưng không có đủ căn cứ pháp lý để xác định được ngưỡng đánh giá, nhóm nghiên cứu dựa trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát thực tế và xin ý kiến chuyên gia lĩnh vực đó.
Do đó, Bộ chỉ số đánh giá mức độ tác động của các dự án đầu tư phát triển đến hệ sinh thái rừng có thể được sử dụng là một phần căn cứ hỗ trợ cho cơ quan quản lý môi trường trong quá trình thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM.
4. Quy trình xây dựng Bộ chỉ số đánh giá mức độ tác động của các dự án đầu tư phát triển đến hệ sinh thái rừng
Trên cơ sở quy trình chung cho xây dựng các bộ chỉ số, quy trình xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ tác động của các dự án đầu tư phát triển đến hệ sinh thái rừng được thực hiện như sau:
- Xác định mục tiêu xây dựng bộ chỉ số;
- Phân định phạm vi đánh giá;
- Xác định các vấn đề trọng tâm dựa trên phân tích mối tương quan giữa các tác động của các dự án đầu tư phát triển đến hệ sinh thái rừng và biện pháp giảm thiểu;
- Thiết kế và lựa chọn các chỉ số đối với từng nhóm tiêu chí;
- Xác định các tiêu chí đánh giá đối với từng chỉ số, từng vấn đề trọng tâm;
- Xây dựng phương pháp tính toán cho bộ chỉ số;
- Đánh giá tính khả thi của việc triển khai bộ chỉ số bao gồm: sự sẵn có và chất lượng của hệ thống dữ liệu, thông tin; chi phí thực hiện tính toán các chỉ số mới; sự đồng thuận của các bên liên quan;
- Tham vấn chuyên gia, các đối tượng mục tiêu và các bên liên quan về bộ chỉ số;
- Báo cáo và diễn giải bộ chỉ số;
- Duy trì và điều chỉnh bộ chỉ số.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
ThS. Phan Thị Kim Oanh, ThS. Vũ Đăng Tiếp
Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và môi trường
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2021)