Banner trang chủ

Phong trào Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa: Những kết quả bước đầu sau hơn 1 năm triển khai thực hiện

06/12/2021

    Tuyên Quang là địa bàn có nhiều dân tộc thiểu số, mặc dù ý thức BVMT của một số ít người dân còn hạn chế, nhưng với sự vào cuộc tích cực của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các tổ chức, đoàn thể, người dân Tuyên Quang đã dần ý thức được tác hại của việc sử dụng nhựa một lần đối với môi trường và sức khỏe. Trên địa bàn tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, huy động sự tham gia của cả cộng đồng cùng chung tay chống rác thải nhựa (RTN).

    Nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực

    Ngày 6/3/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang ban hành Kế hoạch số 375-KH/TU về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2020, trong đó xác định Phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải (XLRT), chống RTN” là 1 trong hai nhiệm vụ đột phá. Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 27/5/2020, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP. Tuyên Quang tổ chức phát động Phong trào “Tuyên Quang chung tay XLRT, chống RTN” và xây dựng điểm của tỉnh về mô hình tự quản thu gom, XLRT tại xã Kim Phú, TP. Tuyên Quang. Ngay sau đó, 7/7 huyện, thành phố, 138/138 xã, phường, thị trấn đồng loạt tổ chức phát động Phong trào; 1.733/1.733 khu dân cư (KDC) ký cam kết BVMT; phối hợp xây dựng được 28 mô hình điểm cấp huyện về XLRT, chống RTN, 1.203 mô hình tự quản thu gom, XLRT, chống RTN... góp phần tạo chuyển biến tích cực, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về tác hại của việc ô nhiễm môi trường do RTN, từ đó thay đổi thói quen không vứt rác thải bừa bãi ra môi trường. Ngoài ra, tại các buổi phát động của các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã phối hợp với chính quyền, ngành chức năng phát trên 60 nghìn tờ rơi, tài liệu tuyên truyền; trên 9 nghìn túi vải thân thiện với môi trường; 655 mũ, 350 găng tay, tặng 61 thùng rác, 12 xe thu gom, vận chuyển rác, 219 chiếc làn, 7.000 xô đựng rác, 28 thùng đựng rác di động, 17 bộ cốc thủy tinh, 22 bình đựng nước thủy tinh, 95 chai đựng nước thủy tinh; trồng 174 tuyến đường hoa; xây dựng 25 cột điện thắp sáng, gắn 20 biển tuyên truyền BVMT…


Đồng chí Nguyễn Hưng Vượng (giữa), Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy,

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang tặng Bằng khen cho các tập thể có mô hình tiêu biểu thực hiện Phong trào

    Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang Đỗ Minh Tân chia sẻ, triển khai Phong trào “Tuyên Quang chung tay XLRT, chống RTN”, đơn vị xác định đây là việc làm cụ thể nhằm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội theo phương châm “Hướng mạnh về cơ sở”, vì vậy, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn MTTQ các cấp chủ trì, phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên tích cực hưởng ứng thực hiện Phong trào; hiệp thương thống nhất, phân công nhiệm vụ, việc làm cụ thể cho từng tổ chức chính trị - xã hội; xây dựng, nhân rộng các mô hình tổ, nhóm tự quản thu gom, XLRT, chống RTN ở tất cả các KDC; tuyên truyền, vận động nhân dân, hộ gia đình ký cam kết tự giác thu gom, XLRT, chống RTN, gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh”. Đồng thời, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã xây dựng hướng dẫn mẫu Quy chế hoạt động làm căn cứ để các xã, phường, thị trấn hướng dẫn KDC xây dựng, ban hành Quy chế hoạt động của mô hình tự quản tại thôn, tổ dân phố, đảm bảo phù hợp với thực tiễn, từng bước đi vào nền nếp, hiệu quả.

    Nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân, hộ gia đình trong việc phân loại rác thải, giữ gìn vệ sinh, BVMT ngay tại nơi sinh sống, bằng nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt, thông qua các buổi sinh hoạt đoàn thể, họp nhân dân, hệ thống truyền thanh cơ sở, lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo, trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội như Zalo, Facebook... MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và mọi tầng lớp nhân dân về tác hại của rác thải nói chung, RTN nói riêng trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt… Từ đó, giúp người dân hiểu được ý nghĩa thiết thực của Phong trào và tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện, tiêu biểu như: Các cấp bộ Đoàn duy trì “Ngày Chủ nhật xanh”, “Ngày Thứ bảy tình nguyện”; tổ chức Chương trình “Đổi RTN lấy cây xanh, đồ dùng học tập”; “Ngôi nhà xanh”, “Ngôi nhà kế hoạch nhỏ” tại các trường Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh; xây dựng công trình thanh niên làm “Gạch sinh thái”; phối hợp thực hiện các gian hàng gồm những mặt hàng thủ công từ mây, tre, vải... thành những vật dụng hữu ích trong cuộc sống, thân thiện với môi trường; tổ chức Cuộc thi viết, video “Tìm hiểu pháp luật về BVMT và ô nhiễm nhựa”; thi vẽ tranh theo chủ đề “Chúng em với môi trường và nguồn nước sạch”... Hội Phụ nữ với hoạt động thu gom phế liệu, RTN để bán gây quỹ ủng hộ trường mầm non, mua con giống và chăn ấm tặng cho hộ nghèo; thu gom RTN làm gạch sinh thái, tái chế thành chậu trồng hoa, cây cảnh, trang trí các tuyến đường hoa... MTTQ phường Minh Xuân, TP. Tuyên Quang tổ chức Hội thi tìm hiểu về môi trường, phát động nhân dân thu gom chai, lọ nhựa đổi lấy cây xanh... Tính đến nay, MTTQ các cấp trong toàn tỉnh đã chủ trì, hiệp thương, phối hợp với các tổ chức thành viên xây dựng được 1.254 mô hình tổ tự quản về XLRT, chống RTN ở KDC, trong đó chia thành 1.794 nhóm tự quản. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cũng vận động đoàn viên, hội viên, thành viên các tổ, nhóm tự quản và nhân dân đóng góp xây dựng được 4.533 bể, hố ủ rác hữu cơ; 2.886 lò, hố đốt rác tại hộ gia đình, KDC, qua đó phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong công BVMT và thực hiện Phong trào “Tuyên Quang chung tay XLRT, chống RTN”.

    Hiệu quả từ các mô hình tự quản ở khu dân cư và bài học kinh nghiệm

    Thực tiễn triển khai Phong trào đã có nhiều mô hình tự quản trong KDC với những cách làm hay, sáng tạo, đi đầu là Uỷ ban MTTQ phường An Tường. Nhận thức được tầm quan trọng trong công tác BVMT và khẳng định rõ vai trò chủ trì của Mặt trận trong việc hiệp thương thống nhất, phối hợp xây dựng, nhân rộng các mô hình tổ, nhóm tự quản về BVMT ở các KDC, hưởng ứng Phong trào “Tuyên Quang chung tay XLRT, chống RTN, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ phường An Tường đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân, các hộ gia đình ký cam kết tự giác thu gom, phân loại rác thải ngay tại gia đình, mỗi hộ có 1 xô đựng rác hữu cơ và 1 xô đựng rác vô cơ; hạn chế sử dụng túi ni lông, các sản phẩm bằng nhựa dùng một lần trong sản xuất, sinh hoạt, giảm thiểu tối đa lượng RTN ra môi trường. Đối với những gia đình có diện tích đất rộng, MTTQ  phường An Tường phối hợp với Hợp tác xã Vận tải và Dịch vụ môi trường Thanh Bình hướng dẫn các hộ gia đình đào hố kỹ thuật xử lý rác hữu cơ ngay trong khuôn viên vườn của gia đình, vừa giảm thiểu rác thải, vừa kết hợp làm phân bón cho cây trồng. Kết quả, đã vận động được 10 hộ gia đình tại các tổ dân phố 7, 8, 12, 18 tự giác xây bể ủ rác hữu cơ với kinh phí từ 2 triệu đồng/1 bể, xóa bỏ các điểm tập kết rác tự phát, chỉnh trang đường phố sạch, đẹp.

    Cùng với đó, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ phường An Tường chỉ đạo, hướng dẫn các Ban công tác Mặt trận ở KDC trong toàn phường chủ trì hiệp thương, phối hợp thực hiện Phong trào gắn với việc “Hoc tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”… Tính đến nay, 100% các KDC trên địa bàn phường đều tổ chức phát động hưởng ứng Phong trào; 3.572/3.572 hộ gia đình ký cam kết BVMT; xây dựng được 19 mô hình tự quản về phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý RTN, hoạt động với 85 nhóm và trên 247 thành viên. Các thành viên trong tổ, nhóm tự quản rất tích cực tuyên truyền, vận động người dân ở KDC tham gia phân loại rác thải ngay tại gia đình, khuyến khích việc xây bể xử lý rác thải hữu cơ; phát trên 3.000 tờ rơi tuyên truyền, tài liệu hướng dẫn về phân loại rác thải, chống RTN; 250 túi vải thân thiện với môi trường tới các KDC, hộ gia đình. Ngoài ra, MTTQ  phường An Tường còn huy động nguồn xã hội hóa từ các đảng viên tổ đảng 213 trên địa bàn ủng hộ 45.900.000 đồng để hỗ trợ kinh phí, cấp phát 1.364 xô đựng rác cho 682 hộ gia đình tại 6 tổ dân phố, kèm theo tờ rơi tuyên truyền, hướng dẫn cách thức phân loại rác thải.

    Mô hình tổ tự quản BVMT tại các huyện Chiêm Hóa, Yên Sơn, Hàm Yên, Na Hang... cũng có nhiều đổi mới trong hoạt động phòng, chống RTN nói riêng, BVMT nói chung. Điển hình như xã Trung Hòa (huyện Chiêm Hóa), Ủy ban MTTQ xã đã thành lập được 10 tổ tự quản ở 10 KDC với hàng trăm thành viên tham gia, Trưởng ban Công tác Mặt trận là Tổ trưởng, Phó ban Công tác Mặt trận là Tổ phó; trưởng các chi hội đoàn thể và các hộ gia đình của KDC là thành viên của Tổ tự quản. Hàng tháng, các tổ tự quản tổ chức ra quân tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, nhà văn hóa thôn, nhằm góp phần nâng cao nhận thức của người dân về công tác vệ sinh môi trường. Tại một số địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, công tác tuyên truyền, vận động cũng có những đổi mới theo cách truyền đạt đơn giản, dễ hiểu, hướng dẫn trực tiếp để bà con làm theo. Nhiều địa bàn đã tổ chức các hoạt động liên hoan văn nghệ quần chúng, gắn các hoạt động tuyên truyền chống RTN vào những câu chuyện đời sống một cách linh hoạt, dễ hiểu.

  Cán bộ MTTQ xã Hùng Mỹ (huyện Chiêm Hoá) hướng dẫn người dân phân loại rác thải

    Như vậy, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid -19 bùng phát và diễn biến phức tạp, nhưng dưới sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp của chính quyền, thống nhất trong hành động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là sự đồng lòng, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, Phong trào “Tuyên Quang chung tay XLRT, chống RTN” bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ; các mô hình tự quản có quy chế hoạt động và từng bước đi vào nền nếp; nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân về BVMT từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, việc xây dựng mô hình tự quản thực hiện Phong trào chưa thật sự rộng khắp ở các KDC trong tỉnh; hoạt động của mô hình tự quản có nơi còn hình thức; ý thức trong việc sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần của một bộ phận người dân chưa cao. Mặt khác, một số cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, chế biến lâm sản chưa chấp hành nghiêm quy định về BVMT; kinh phí hỗ trợ điều kiện hoạt động mô hình tự quản còn khó khăn; việc xây dựng lò đốt rác thải tại hộ gia đình chưa phải là giải pháp phù hợp với thực tế; công tác quản lý nhà nước trong XLRT và chống RTN chưa đồng bộ; vùng nông thôn, xa trung tâm chưa có đơn vị đến thu gom rác thải, chưa có nơi tập kết rác thải tập trung…

    Từ thực tế hoạt động của các mô hình tự quản ở KDC, một số kinh nghiệm được rút ra, đó là: Tổ chức thực hiện Phong trào phải đặt dưới sự lãnh đạo thường xuyên, cụ thể của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo, quản lý và phối hợp chặt chẽ của chính quyền; phát huy được vai trò chủ trì hiệp thương, phối hợp của MTTQ với các các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động, phân công trách nhiệm của từng tổ chức thành viên phụ trách nội dung cụ thể. Đặc biệt, phải sát thực tế, coi trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân, động viên nhân dân tích cực hưởng ứng, tự giác tham gia thực hiện. Bên cạnh đó, phải có sự vào cuộc đồng bộ, chặt chẽ của chính quyền các cấp, tổ chức, doanh nghiệp trong công tác quản lý, hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các mô hình tự quản và người dân trong việc phân loại, thu gom, XLRT tại nguồn, đảm bảo theo đúng quy trình, quy định về BVMT; công tác tuyên truyền, vận động phải thực hiện thường xuyên, sâu rộng, có trọng tâm, trọng điểm, đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, cụ thể hóa các nội dung của Phong trào bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp với thực tế của từng địa phương, KDC và chức năng, nhiệm vụ của mỗi tổ chức. Đồng thời, hoạt động của các mô hình tự quản phải được đưa vào hương ước, quy ước, có quy chế và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự chịu trách nhiệm; quy mô tổ chức, phạm vi và lĩnh vực hoạt động của mô hình tự quản linh hoạt, tùy thuộc vào điều kiện, tình hình thực tế ở từng KDC, phát huy tính chủ động, sáng tạo ở cơ sở. Cán bộ, đảng viên, công chức ở các cơ quan, đơn vị, đoàn viên, hội viên ở các tổ chức phải gương mẫu thực hiện tại nơi cư trú và công sở làm việc; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra thực hiện để đưa hoạt động của các mô hình tổ, nhóm tự quản đi vào nền nếp, hiệu quả; kịp thời khen thưởng, biểu dương những mô hình tiêu biểu, những tập thể, cá nhân tích cực trong thực hiện Phong trào, để nhân rộng, lan tỏa sâu rộng trong nhân dân.

    Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, các cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức thành viên sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của RTN, túi ni lông đối với môi trường và sức khỏe con người; quán triệt, phổ biến, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên, hội viên, nhân dân trong thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BVTM, XLRT, chống RTN. Bên cạnh đó, MTTQ các cấp tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục phát huy vai trò chủ trì, phối hợp thống nhất phân công nhiệm vụ cho các tổ chức thành viên, nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình tự quản ở KDC, nhằm thực hiện hiệu quả Phong trào “Tuyên Quang chung tay XLRT, chống RTN” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”.

Hoàng Quang Quân

MTTQ tỉnh Tuyên Quang

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2021)

 

Ý kiến của bạn