Banner trang chủ

Nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh

30/07/2021

     Từ năm 2018 đến nay, Hội Liên hiệp phụ nữ (HLHPN) tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo, hướng dẫn hội viên phụ nữ triển khai nhiều mô hình mới, cách làm hay, góp phần BVMT, nổi bật là mô hình “Sinh kế” tại huyện Lương Tài, “Đường cây dược liệu” tại huyện Gia Bình, với việc thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn và xử lý rác hữu cơ bằng công nghệ vi sinh vật bản địa (IMO) thành phân vi sinh để bón cho cây trồng. Họ không chỉ biến rác thành tiền, thành tài nguyên… mà còn mở ra hướng giải quyết cho bài toán về xử ý ô nhiễm môi trường, để rác không còn là nỗi ám ảnh, là vấn nạn của địa phương.

     “Sinh kế” bằng chế phẩm từ rác

     Nhằm thực hiện Đề án tổng thể BVMT tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2019 - 2025, cùng với việc triển khai Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” (Không đói nghèo, không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không vi phạm chính sách dân số, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; sạch nhà, sạch ngõ, sạch đồng), đầu năm 2020, HLHPN thị trấn Thứa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai mô hình “Sinh kế”, thông qua việc thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn và ủ rác thải hữu cơ với chế phẩm vi sinh IMO thành phân để bón cho cây trồng, góp phần tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ cùng toàn thể người dân trên địa bàn hình thành thói quen phân loại rác thải ngay tại hộ gia đình, từ đó giảm thiểu tối đa lượng rác thải ra môi trường, đồng thời tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.

     Mô hình đầu tiên ra mắt tại thôn Phượng Trì từ tháng 2/2020, với việc thành lập Tổ “Sinh kế” gồm 15 thành viên là hội viên phụ nữ. Sau khi lựa chọn đơn vị làm điểm, HLHPN thị trấn Thứa đã cử Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Phương Trì đi học tập kinh nghiệm xử lý rác thải hữu cơ thành phân vi sinh tại Thành phố Hà Nội rồi về truyền đạt cho các chị em trong Tổ; đồng thời, tích cực tuyên truyền, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt phụ nữ, trên hệ thống loa truyền thanh thôn về sự cần thiết, ý nghĩa của mô hình, từ đó vận động hội viên và người dân tích cực làm theo. Quy trình xử lý rác theo mô hình “Sinh kế” rất đơn giản, các hộ gia đình sẽ được phát 2 chiếc xô nhựa để phân loại rác thải tại nguồn, một chiếc đựng các loại rác hữu cơ như gốc và lá rau, củ, cơm, thức ăn thừa…; chiếc còn lại được dùng để chứa các loại rác vô cơ như túi ni lông, nhựa… Khoảng 4h30 chiều hàng ngày, Tổ “Sinh kế” sẽ đến từng hộ thu gom. Đối với rác hữu cơ sẽ được tận dụng, trộn với chế phẩm vi sinh IMO theo tỷ lệ nhất định để tạo thành phân bón cho cây trồng. Các loại rác vô cơ thì được thu gom để bán phế liệu, gây quỹ hoạt động của Tổ, hoặc bán lấy tiền mua gạo ủng hộ người nghèo…

Những luống rau xanh bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm của Tổ phụ nữ “Sinh kế” thôn Phượng Trì (thị trấn Thứa, huyện Lương Tài)

     Đến nay, sau hơn một năm triển khai, mô hình “Sinh kế” đã đạt được nhiều kết quả khả quan, thu hút gần 90% hộ gia đình trong thôn tự giác thực hiện thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, nhiều hộ còn học hỏi và tự ủ phân vi sinh tại nhà để chăm bón cho rau màu, cây trồng trong vườn. Nếu như trước đây, trung bình mỗi ngày, thôn Phượng Trì phải thu gom hai xe rác không được phân loại, thì nay lượng rác thải phát sinh đã giảm đáng kể, người dân cũng không còn vứt, đổ rác bừa bãi ở rìa đường, ven bờ kênh mương, tạo cảnh quan môi trường trong lành. Có được kết quả này là nhờ sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc kịp thời của HLHPN thị trấn Thứa cũng như sự quyết tâm, đồng lòng của hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Phương Trì.

     Đặc biệt, quá trình hoạt động, nhận thấy chế phẩm vi sinh không chỉ thân thiện với môi trường, giúp cây trồng hấp thụ được sinh chất kích thích để tăng trưởng, đồng thời, có khả năng ức chế và tiêu diệt các loại vi khuẩn, mầm bệnh có hại, trong khi nhiều diện tích đất của thôn bị bỏ hoang, Chi hội Phụ nữ thôn Phượng Trì đã đề xuất với cấp ủy Chi bộ xây dựng mô hình “Trồng rau sạch” ngay tại thôn. Ban đầu, diện tích trồng rau chủ yếu phục vụ nhu cầu của chị em phụ nữ tham gia mô hình. Về sau, do chất lượng tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm mà các loại rau, củ, quả của Tổ được tiêu thụ nhanh, Chi hội đã nhân rộng mô hình lên hơn 1.000 m2, đáp ứng nhu cầu sử dụng rau sạch, an toàn của đa số người dân trong thôn. Nhờ vậy mà mỗi chị em trong Tổ “Sinh kế” cũng có nguồn thu nhập từ 2 - 2,5 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, Tổ còn trích một phần quỹ để tặng quà cho những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Ý nghĩa hơn khi mô hình rau sạch của chị em phụ nữ thôn Phượng Trì đã được đông đảo người dân trong thôn ủng hộ và nhân rộng tại các hộ gia đình.

     Chia sẻ về hiệu quả của mô hình “Sinh kế”, bà Phạm Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lương Tài cho biết, thời gian qua, Hội LHPN huyện đã phát động, triển khai nhiều mô hình thiết thực trong công tác BVMT, góp phần đưa huyện Lương Tài về đích nông thôn mới (NTM). Năm 2020, mô hình “Sinh kế” là một trong 3 mô hình (cùng với mô hình “Khu dân cư không rác thải” và mô hình “An toàn trong môi trường canh tác”) do Hội LHPN huyện chỉ đạo các cấp Hội triển khai, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo hội viên phụ nữ và các tầng lớp nhân dân, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, môi trường thôn, xóm ngày càng sạch đẹp. Tới đây, các mô hình sẽ tiếp tục được khuyến khích nhân rộng, góp phần chung tay BVMT trên địa bàn huyện, tỉnh. Đồng thời, Hội LHPN huyện sẽ hỗ trợ các mô hình sinh kế đăng ký nhãn hiệu sản phẩm (Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP).

     Ý tưởng “Đường cây dược liệu”

     Nếu như các địa phương khác chọn đường hoa làm điểm nhấn BVMT trong xây dựng NTM, thì phụ nữ thị trấn Gia Bình (huyện Gia Bình) lại có ý tưởng trồng “Đường cây dược liệu” tại tuyến đường nội đồng thôn Phú Ninh, chiều dài hơn 1 km. Mô hình này không chỉ làm đẹp cảnh quan môi trường mà còn giúp chị em phụ nữ có thêm thu nhập, được đông đảo người dân ủng hộ. Mục tiêu của mô hình là tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, nói không với thuốc bảo vệ thực vật. Vì thế, trong thời gian triển khai, hội viên Chi hội phụ nữ thôn Phú Ninh đã được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn làm phân vi sinh từ rác thải hữu cơ để tưới cho cây dược liệu (bạc hà, hương nhu).

     Những nguyên liệu sẵn có trong cuộc sống thường ngày như chuối, đường, cám gạo, sữa chua, nước sạch... được chị em tận dụng để tự xử lý rác hữu cơ thu gom từ các hộ gia đình và sản xuất ra chế phẩm vi sinh IMO bón cho cây dược liệu, vừa góp phần BVMT, vừa tạo ra sản phẩm nông nghiệp không sử dụng hóa chất. Đến nay, phụ nữ thị trấn Gia Bình đã trồng được 2.500 m2 cây bạc hà để làm trà thảo dược và đang tiếp tục mở rộng diện tích. Từ sản phẩm lá bạc hà thu hoạch được, Chi hội phụ nữ hướng dẫn hội viên cách chế biến ra sản phẩm tinh dầu tắm, gội đầu bạc hà... Hiện HLHPN thị trấn Gia Bình đang liên kết với một số công ty để cho ra mắt những sản phẩm mang thương hiệu riêng như trà bạc hà, bánh quế bạc hà, dầu gội đầu bạc hà... Không chỉ vậy, phụ nữ Gia Bình còn chủ trì Đề tài và chế biến thành công 2 sản phẩm: Bột rau muống đường phèn, trà bạc hà, được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và Bộ Công Thương chứng nhận sản phẩm an toàn, không nhiễm các chất độc hại. Sản phẩm được người tiêu dùng ủng hộ, kết nối tiêu thụ trong siêu thị của Liên minh Nông nghiệp tử tế. Thời gian tới, HLHPN thị trấn Gia Bình sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình “Đường cây dược liệu” ra 5 thôn, với chiều dài trên 6 km. Bên cạnh đó, Hội sẽ tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn hội viên phụ nữ trong thị trấn phân loại rác thải tại nhà và làm phân vi sinh để tưới rau, cây cảnh… nhằm giảm tối đa lượng rác thải ra môi trường.  

     Là một trong hai đơn vị tiên phong của cả nước ứng dụng công nghệ vi sinh IMO vào thực tiễn, Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh đã thể hiện vai trò “dân vận khéo” thông qua việc áp dụng hiệu quả vào các mô hình của địa phương. Sau hơn một năm triển khai thực hiện, các cấp Hội trong tỉnh đã tuyên truyền, vận động được hơn 45.300 hộ dân thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn và sử dụng chế phẩm IMO để xử lý rác hữu cơ thành phân vi sinh (đạt 22,3%); 357 mô hình kinh tế hộ, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ ứng dụng IMO trong sản xuất, chăn nuôi... Đặc biệt, việc có thêm những mô hình sáng tạo như “Sinh kế” hay “Khu dân cư không rác thải” của HLHPN huyện Lương Tài, “Đường cây dược liệu” của HLHPN thị trấn Gia Bình chính là sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo của các cấp Hội trong việc triển khai xây dựng và thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, tạo dấu ấn, bản sắc riêng của phụ nữ tỉnh Bắc Ninh.

Vũ Thị Thìn - Lê Thị Thu

Học viện Phụ nữ Việt Nam

(Nguồn:Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2021)

 

 

Ý kiến của bạn