07/10/2021
1. Giới thiệu
Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa (RTN) trong khi lượng nhựa tiêu thụ vẫn gia tăng và chưa có biện pháp giải quyết triệt để. Theo Báo cáo của Bộ TN&MT tại Chương trình Đối tác Hành động quốc gia về nhựa, khoảng 3,7 triệu tấn chất thải nhựa được tạo ra ở Việt Nam mỗi năm, con số dự kiến sẽ tăng 36% trong giai đoạn 2018 - 2030, trong đó chỉ có khoảng 10 đến 15% RTN của Việt Nam được thu gom để tái chế [1]. Báo cáo cũng cho thấy, lượng chất thải nhựa và túi ni lông cả nước chiếm khoảng 8 - 12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Nếu trung bình khoảng 10% lượng chất thải nhựa và túi ni lông không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa và túi ni lông thải bỏ xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm.
Trong đó, riêng TP. Hà Nội trung bình mỗi ngày phát sinh gần 6.000 tấn rác thải, trong đó, RTN chiếm khoảng 60 tấn/ngày. Đáng chú ý là việc phân loại, thu gom, xử lý RTN tại Việt Nam nói chung và TP. Hà Nội nói riêng còn hạn chế. Các chất thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy được tái chế với tỷ lệ thấp, phần lớn là chôn lấp hoặc đốt cùng với rác thải sinh hoạt. Một phần được thải trôi ra biển, đại dương, là nguyên nhân tiềm ẩn giết chết hàng nghìn loài cá và sinh vật biển.
Theo kết quả khảo sát hiện trạng chất thải nhựa tại Việt Nam do Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) thực hiện từ năm 2019 trong khuôn khổ Dự án “Đô thị giảm nhựa” cho thấy, số lượng túi ni lông và đồ nhựa sử dụng một lần thải hàng ngày của hộ gia đình tại các địa phương trung bình từ 60 - 120 túi ni lông mỗi tháng, chiếm 43%; số hộ thải từ 150 túi mỗi tháng trở lên, chiếm 32%; số hộ thải từ 60 - 120 chai nhựa và/hoặc hộp xốp mỗi tháng, chiếm 46% [8]. Số lượng hộ dân không bỏ rác đúng nơi quy định và phân loại rác tại nguồn chiếm 43%; có hơn 50% các hộ kinh doanh quy mô nhỏ thiếu hiểu biết về bản chất, tác động của RTN và tình trạng rò rỉ rác nhựa ra môi trường [8].
Trước thực trạng trên, nhiều giải pháp giảm thiểu RTN đã được triển khai, tuy nhiên thói quen tiêu dùng các sản phẩm nhựa của người dân vẫn còn phổ biến. Đến nay, chưa có các loại vật liệu khác để thay thế hoàn toàn vật liệu chế biến từ nhựa trong đời sống hàng ngày. Với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp, túi ni lông và các sản phẩm bằng nhựa hầu như có mặt ở mọi nơi. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, việc mua các sản phẩm mang về và đặt trên mạng ngày càng tăng, đồng nghĩa với việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần ngày càng trở nên phổ biến hơn. Chính vì vậy, nghiên cứu này được thực hiện nhằm mục tiêu đánh giá nhận thức và hành vi của người tiêu dùng liên quan đến phát sinh lượng RTN ở TP. Hà Nội từ đó đề xuất các giải pháp giảm thiểu hiệu quả.
2. Phương pháp nghiên cứu
Các phương pháp chính được sử dụng trong nghiên cứu, bao gồm: Phương pháp thu thập tài liệu thứ cấp và phương pháp điều tra xã hội học. Thời gian thực hiện từ tháng 3 - 6/2021.
Phương pháp xác định cỡ mẫu
Số người dân trong phiếu điều tra được tính theo công thức:
n=
(Theo Taro Yamane, 1973)
Trong đó:
𝑛: Cỡ mẫu điều tra.
𝑁: Tổng số dân trong khu vực nghiên cứu.
e: Mức sai số chấp nhận (e nằm trong khoảng từ 0.005 đến 0.1; chọn e = 0.1 để phù hợp với số lượng phiếu điều tra và đưa lại kết quả chính xác về đối tượng nghiên cứu)
Theo thống kê TP. Hà Nội có 8.053.663 người. Áp dụng công thức trên với mẫu sai số cho phép là 0,1 thì số người điều tra tối thiểu phải là 100 người tương đương với 100 phiếu.
Nội dung phiếu phỏng vấn
Thông tin cá nhân: Họ tên, giới tính, địa chỉ, trình độ học vấn, nghề nghiệp, trình độ học vấn, thu nhập gia đình/tháng.
Câu 1 - 9: Đánh giá nhận thức của người dân về RTN.
Câu 10 - 18: Đánh giá thực trạng quản lý RTN tại hộ gia đình.
Câu 19 - 29: Sự sẵn lòng chi trả của hộ gia đình để cải thiện dịch vụ thu gom chất thải và tái chế chất thải nhựa.
Các bước thực hiện quá trình điều tra bằng online
Bước 1: Tham khảo tài liệu có liên quan đến đề tài nghiên cứu, lên dàn ý bảng hỏi; Bước 2: Chọn lọc câu hỏi và lập phiếu điều tra; Bước 3: Điều tra thử ngẫu nhiên 10 người và lấy ý kiến chuyên gia; Bước 4: Điều chỉnh và hoàn thiện phiếu điều tra; Bước 6: Gửi phiếu điều tra đến đối tượng cần điều tra; Bước 7: Thu thập lại kết quả điều tra; Tổng số phiếu điều tra online thu được là: 330 phiếu.
3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
3.1. Đặc điểm của đối tượng khảo sát
Kết quả khảo sát cho thấy, sự cân bằng về giới tính trong khảo sát người dân đang sinh sống tại TP. Hà Nội. Theo kết quả điều tra của 330 phiếu cho thấy tỷ lệ nữ giới (58,5%) cao hơn nam giới (41,5%) là 17%. Sự chênh lệch về tỷ lệ giới tính này là do nữ giới thường là nội trợ chính trong nhà nên việc thải bỏ các sản phẩm nhựa sẽ cao hơn nam giới. Đặc điểm về giới tính của 330 người tham gia phỏng vấn đáp ứng đủ tính đại diện cho kết quả nghiên cứu.
Thông thường, giáo dục được xem là một yếu tố quan trọng trong mô hình lối sống của con người, vì vậy trình độ học vấn của đối tượng cần được chia theo cấp độ nhằm làm căn cứ xác định mối tương quan giữa nhận thức người dân đến nguồn phát sinh RTN. Theo điều tra, đa số người dân tham gia phỏng vấn có trình độ học vấn từ Trung học phổ thông trở lên. Vấn đề việc làm cũng được coi là một trong những căn cứ quan trọng trong việc đánh giá khả năng nhận thức của người dân đến nguồn phát sinh RTN. Người dân tham gia phỏng vấn khá đa dạng về ngành nghề, trong đó, tỷ lệ người dân phỏng vấn cao nhất là học sinh, sinh viên, cán bộ, kinh doanh tự do, nông dân và nội trợ, hưu trí, các ngành nghề khác...
3.2. Nguồn gốc phát sinh RTN tại TP. Hà Nội
Các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa thường là bao bì, vật dụng hoặc các mặt hàng gia công đặt hàng từ các nhà máy xử lý nhựa. Sau khi được xử lý thành sản phẩm, các sản phẩm từ nhựa được mang đến những điểm tiêu thụ như chợ, siêu thị hoặc các địa điểm bản lẻ.
Hình 1. Nguồn gốc phát sinh RTN
Kết quả khảo sát (Hình 1) cho thấy, 35,9% người được phỏng vấn cho rằng RTN có nguồn gốc từ các bao bì sản phầm bằng nhựa, 31,1% từ các chai loại nước đóng chai, 22,9% phát sinh từ các chợ và siêu thị. Còn lại 10,3% ý kiến cho rằng RTN đến từ rác thải sinh hoạt (RTSH) hàng ngày. Đa số những bao bì và chai nhựa hiện nay vẫn làm bằng nhựa vì sự tiện lợi của chúng. Cho nên việc giảm thiểu RTN vô cùng khó khăn. Đặc biệt, tại TP. Hà Nội có sự trao đổi hàng hóa và mua bán liên tục với khối lượng lớn.
Hình 2. Hiện trạng phát sinh của rác thải sinh hoạt theo đầu người
Do lượng Nguồn phát sinh RTN chủ yếu từ RTSH , nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát về khối lượng phát sinh RTSH theo đầu người trên ngày cho thấy, lượng RTSH mỗi ngày của những người được khảo sát phần lớn nhỏ hơn 0,5 kg, chiếm 72,2%; tiếp theo là lượng rác từ 0,5 - 1kg, chiếm 20,8%; lượng từ 1- 2kg, chiếm 7%. Như vậy, có thể ước lượng được tổng lượng RTSH phát sinh mỗi ngày của 330 người là khoảng 188 kg - 200kg/ngày. Tính trung bình mỗi người trên địa bàn TP Hà Nội sẽ thải RTSH từ 0,5 - 0,6kg. Các thành phần trong RTSH có RTN chủ yếu là chai lọ nhựa sử dụng một lần, hộp xốp và các loại vỏ bọc thực phẩm khác.
Ngoài ra, tỷ lệ phát sinh khối lượng RTN còn phụ thuộc vào đặc điểm nghề nghiệp của các đối tượng như Hình 3.
Hình 3. Tỷ lệ phát sinh RTN theo nghề nghiệp
Nhìn chung tỷ lệ phát sinh RTN đều có mối liên hệ với đặc điểm nghề nghiệp của các hộ gia đình. Theo Hình 3 cho thấy, nhóm có tỷ lệ phát sinh cao nhất là nhóm học sinh, sinh viên. Nhóm đối tượng này thường có xu hướng sử dụng RTN nhiều hơn các nhóm đối tượng khác, do đa số học sinh/sinh viên muốn tiết kiện thời gian và ăn uống xong có thể vứt đi luôn. Bên cạnh đó, sản phẩm nhựa là sản phẩm rất rẻ và tiện lợi rất phù hợp đối với đối tượng này. Tham khảo thêm số liệu của nghiên cứu “Đánh giá phát sinh RTN tại một số trường học trên địa bàn quận Cầu Giấy và Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội” cho thấy, chất thải nhựa phát sinh của các học sinh sinh viên hầu hết là vỉ chai nhựa, ống hút, cốc nhựa... Chất thải nhựa chiếm 3,72% tổng lượng chất thải rắn, hệ số phát sinh chất thải nhựa là 17g/sinh viên/ngày.
. Hiện trạng, khối lượng, thành phần phát sinh và hình thức xử lý RTN tại TP. Hà Nội
Khối lượng phát sinh rác thải theo thành phần
Tỷ lệ thành phần các loại RTN trong RTSH được thể hiện như Hình 4 sau đây:
Hình 4. Tỷ lệ các thành phần rác thải sinh hoạt
Qua khảo sát cho thấy, phần lớn RTSH tại hộ gia đình là thức ăn thừa chiếm 51,1%. Tiếp theo đó là nhựa và ni lông chiến 30,8%, giấy và bìa carton, chiếm 12,4% và cuối cùng là kim loại cùng thủy tinh, cao su và đồ da chiếm tỷ lệ thấp nhất 5,7%. Điều này cho thấy người dân vẫn thường xuyên sử dụng nhựa và chưa có ý thức hạn chế sản phẩm nhựa tiêu thụ. Trong đó, túi ni lông là sản phẩm phổ biến, được sử dụng nhiều nhất. Theo điều tra, ước tính trung bình 1 ngày mỗi hộ gia đình thải ra từ 20 - 40 chiếc túi ni lông các loại, đặc biệt phát sinh nhiều nhất tại các hộ gia đình làm nghề kinh doanh.
Hình 5. Nguồn gốc phát sinh các loại rác nhựa
Qua khảo sát cho thấy, túi ni lông và bao bì đóng gói phát sinh nhiều nhất chiếm 69,8%, chai dầu gội đầu, sữa tắm, chiếm 62,5%. Tiếp theo là chai nhựa, bình nhựa, chiếm 58%; hộp đựng sữa chua, ống hút, chiếm 48,6%; đường ống nước, vỏ bọc dây điện, chiếm 43,2%; hộp xốp, cốc nhựa dùng 1 lần, chiếm 23,9%. Tất cả những sản phẩm nêu trên đều có nguồn gốc từ nhựa mà trong gia đình nào hầu như cũng có. Điều này có thể khẳng định, hầu hết các sản phẩm thiết yếu trên thị trường đều có nguồn gốc từ nhựa. Vì vậy, để có thể giảm lượng RTN cần phải có các giải pháp nghiên cứu và phát triển các sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường.
b. Hình thức xử lý RTN sau khi sử dụng tại các hộ gia đình
Hình 6. Tỷ lệ người chọn tái sử dụng
Hình 6 cho thấy, những người được phỏng vấn phần lớn đều chọn tái sử dụng RTN, tỷ lệ này chiếm 89,4%. Còn lại 10,6% số người không chọn tái sử dụng RTN. Phần lớn mọi người đều có ý thức tái sử dụng RTN và có nhận thức về tác hại của nó. Tuy nhiên, việc tái sử dụng RTN chỉ giúp làm chậm quá trình thải rác thải ra môi trường chứ không có ý nghĩa trong việc giảm thiểu rác thải. Vì thực tế mọi người vẫn phải sử dụng đồ dùng và vật liệu nhựa hàng ngày. Chính vì vậy, lượng RTN của TP. Hà Nội vẫn ở mức cao và chưa có xu hướng giảm nếu không có giải pháp thay thế.
3.4. Nhận thức của người tiêu dùng về RTN tại TP. Hà Nội
a. Khả năng nhận dạng RTN
Kết quả phỏng vấn cho thấy, hầu hết dân đều có hiểu biết RTN (chiếm 97,6%), còn một bộ phận nhỏ (2,4%) là không phân biệt được RTN với các loại rác thải khác. Số người được khảo sát nhận dạng RTN qua hình dáng chiếm 48,3% và qua màu sắc chiếm 36,9%. Còn lại nhận dạng qua cả màu sắc lần hình dáng là 0,9%. Những ý kiến riêng khác chiếm 13,9% với các đặc điểm nhân dạng liên quan đến kiến thức thực tế và cảm tính, chất liệu cấu tạo thành, cấu trúc, trực giác, đặc điểm khác, chạm, bao bì, tính chất…
b. Các hình thức tái sử dụng RTN
Kết quả phỏng vấn cho thấy, có 59,3% người được hỏi chọn tái sử dụng chất thải nhựa cho các mục đích khác; 34,3% giữ lại để bán đồng nát, chiếm 6,4%; số người còn lại chọn cả 2 hình thức trên và một số hình thức tái sử dụng khác. Điều này cho thấy, người dân trên địa bàn thủ đô Hà Nội đã có ý thức về việc tái sử dụng RTN. Có những người giữ lại để làm đồ vật sử dụng tiện lợi cho gia đình hoặc trang trí. Nhưng có người giữ lại để bán cho người thu mua như là một nguồn thu nhập nhỏ. Việc bán các sản phẩm nhựa cho các cơ sở thu mua phế liệu cũng góp phần tái chế rác thải. Nhưng lại gián tiếp làm ô nhiễm môi trường nước và không khí do việc tái chế tự phát, quy mô nhỏ tại các làng nghề, tiêu chuẩn quản lý chưa nghiêm ngặt.
c. Nhận biết tác hại của việc không tái sử dụng RTN
Phần lớn mọi người dân (97,3%) đều nhận biết được tác hại của RTN đối với môi trường, số người còn lại không quan tâm, chiếm tỷ lệ nhỏ (6,7%). Như vậy, có thể đánh giá công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương về tác hại của RTN đến môi trường đã có hiệu quả nhất định.
d. Lý do sử dụng sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa
Phỏng vấn cho thấy, phần lớn người dân nêu lý do lựa chọn sản phẩm nhựa, đặc biệt là các sản phẩm dùng một lần vì giá rẻ hơn rất nhiều so với các vật dụng làm bằng nguyên liệu khác. Cụ thể: có 72,5% người được phỏng vấn chọn sử dụng sản phẩm nhựa là vì tiện lợi; 22,1% sử dụng vì giá rẻ; 5,4% chọn cả hai ý kiến trên và có những lý do khác để chọn sử dụng sản phẩm nhựa vì sau sử dụng có thể bán cho các cơ sở thu gom tái chế… Khảo sát cũng cho thấy, tỷ lệ người được phỏng vấn thường xuyên sử dụng đồ nhựa dùng một lần (chiếm 59,2%); thi thoảng (chiếm 32%); hiếm khi (chiếm 7,9%) và còn lại là không sử dụng. Hầu hết, người dân muốn thay thế sản phẩm nhựa bằng các vật liệu thân thiện môi trường phục vụ đời sống, sinh hoạt hàng ngày.
3.4. Hành vi giảm thiểu RTN
Kết quả khảo sát về thói quen khi đi chợ, 70,3% người được phỏng vấn chọn mang giỏ hoặc túi đựng (túi vải, túi giấy, túi ni lông đã qua sử dụng) ở nhà đi chợ; 37,5% chọn không mang gì và 1,2% chọn những phương án khác. Như vậy, có thể thấy, hiện người dân bắt đầu thay đổi thói quen sử dụng RTN trong sinh hoạt hàng ngày, lựa chọn các sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường. Kết quả khảo sát cho thấy, số người chọn ưu tiên các sản phẩm có thể tái sử dụng hoặc tái chế (chiếm 85,8%) và không ưu tiên (14,2%). Điều này cho thấy, ý thức BVMT và hiểu biết về tác động môi trường của RTN của người dân đang chuyển biến tích cực.
Liên quan đến phương thức xử lý sản phẩm nhựa sau khi đã sử dụng, 52,6% người được khảo sát chọn hình thức tái sử dụng; 40,5% tỷ lệ người chọn hình thức thải bỏ và còn lại 6,9% chọn gom chung với các loại rác thải khác và đem đi đốt. Đối với việc lựa chọn các sản phẩm tái chế và tái sử dụng thì hầu hết những người khảo sát quan tâm. Tuy nhiên, sau khi sử dụng thì có khá nhiều người lựa chọn là thải bỏ chứ không muốn tái sử dụng lại; có 50,2% người được phỏng vấn lựa chọn phân loại rác thành 2 loại rác là rác hữu cơ và rác vô cơ; 20,5% tỷ lệ người chọn không phân loại; 19,6% tỷ lệ người chọn phân loại rác thành 3 loại là rác vô vơ, rác hữu cơ và rác tái chế; còn lại 8,8% chọn phân thành nhiều loại. Điều này cho thấy, ý thức của người dân về quản lý rác thải tại hộ gia đình đã nâng cao. Tuy nhiên, có rất nhiều nguyên nhân khác do cơ sở hạ tầng thu gom và xử lý chưa đồng bộ nên sau khi phân loại nên nhiều người dân dù ý thức phân loại rác cũng không thể thực hiện được. Ngoài ra, có nhiều lý do những người được khảo sát cho rằng, vì có phân loại rác thì khi thu gom vẫn bị gộp chung lại với nhau nên việc phân loại rác tại nguồn là vô ích. Đối với các hộ có phân loại rác tại nguồn, 52,8% lựa chọn bán các đồ dùng sau khi phân loại cho các đơn vị thu mua nhỏ lẻ, sau đó là phân loại để làm phân hữu cơ. Nhìn chung, người dân đã có ý thức phân loại rác, hiểu biết về tầm quan trọng của việc quản lý rác thải, góp phần BVMT.
Khi tiến hành tìm hiểu nhận thức về trách nhiệm thu gom và xử lý rác thải, 81,6% câu trả lời là tất cả mọi người đều có trách nhiệm đối với phân loại rác, quản lý rác thải và bảo vệ môi trường; 10% cho rằng trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước, còn lại số ít cho rằng trách nhiệm thuộc các cơ sở kinh doanh. Khi đề cập “Nếu chính quyền thu gom chất thải nhựa, cung cấp công nghệ tái chế chất thải nhựa đảm bảo chất lượng sản phẩm và BVMT, tổ chức các chương trình truyền thông hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần thì ông bà có sẵn lòng tham gia không?” có 96,4% người dân sẵn lòng tham gia các chương trình truyền thông hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Kết quả cho thấy, người dân ở Hà Nội có nhận thức cao về BVMT. Thêm vào đó, tỷ lệ người tiêu dùng sẵn lòng mua các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế cho việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần (chiếm 96,7%); số người dân còn lại không tiếp cận được các sản phẩm thay thế (chiếm 3,3%).
4. Kết luận và đề xuất một số giải pháp
Kết quả nghiên cứu cho thấy, hầu hết người dân Hà Nội đều nhận thức về những tác hại của RTN, tuy nhiên một số hộ gia đình vẫn dùng các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa vì tính tiện dụng, rẻ và chưa có các các vật liệu thay thế khác. Các hành vi góp phần giảm thiểu RTN tại TP. Hà Nội thông qua phỏng vấn ý kiến của 330 người dân trên địa bàn cho thấy, tỷ lệ người dân tự giác mang giỏ hoặc túi đựng ở nhà đi chợ chiếm tỷ lệ cao, góp phần giảm thiểu RTN, đây là hành vi thay đổi rất nhiều so với trước đây. Đó là, cơ sở quan trọng để tuyên truyền vận động người dân từng bước giảm thiểu và tiến tới không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần. Ngoài ra, người dân cũng có nhu cầu thay thế các sản phẩm làm từ nhựa từ bằng các vật liệu có thể tái chế và sẵn sàng sử dụng khi có sẵn trên thị trường. Từ kết quả khảo sát trên, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức và hành vi tiêu dùng nhằm giảm thiểu RTN như:
Thứ nhất, tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức về BVMT cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình theo hướng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng về phương thức quản lý, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải. Các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể cần tăng cường phổ biến cho người dân hiểu biết về các tác hại của RTN đối với môi trường và sức khỏe, cuộc sống của con người. Việc tuyên truyền thay đổi nhận thức về sử dụng túi ni lông và đồ nhựa dùng một lần phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài với các cách truyền tải thông tin dễ nhớ, dễ hiểu, dễ vẫn dụng và phổ biến với tất cả tầng lớp nhân dân, mọi lứa tuổi.
Thứ hai, TP cần tiếp tục vận động người dân thực hiện phong trào “nói không với RTN”, “giảm thiểu và tiến đến không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần” cho các hộ gia đình sinh sống tại khu đô thị tại Hà Nội. Theo đánh giá của địa phương và người dân cho thấy, các phương pháp truyền thông hiện nay như treo băng zôn, áp phích vẫn chưa thực sự hiệu quả. Chính vì vậy, UBND cấp phường, xã cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đoàn thể như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên để đưa ra kế hoạch phù hợp và tăng cường công tác giám sát trong việc thực hiện.
Thứ ba, TP cần thực hiện triển khai nhân rộng mô hình phân loại rác tại nguồn 3-R (Giảm thiểu “Reduce”; Tái chế “Recycle” và Tái sử dụng “Reuse”). Thực tế cho thấy, mô hình phân loại rác tại nguồn 3-R đã được Hà Nội triển khai hiệu quả trong thời gian qua tại phường Thành Công (Ba Đình), Láng Hạ (Đống Đa), Phan Chu Trinh (Hoàn Kiếm) và Nguyễn Du (Hai Bà Trưng), góp phần giảm tổng lượng rác thải trong cộng đồng thải ra môi trường, từ đó giảm tải cho các bãi xử lý rác thải, mà còn giúp tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác.
Thứ tư, nghiên cứu đề xuất các quy định luật pháp chính sách nhằm tăng biểu phí đối với các sản phẩm từ nhựa và từng bước áp dụng nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” và nâng cao vai trò, trách nhiệm xử lý RTN của nhà sản xuất cho các sản phẩm nhựa đã được quy định tại Luật BVMT năm 2020. Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong tái chế nhựa nhằm tối đa hóa vòng đời của sản phẩm nhựa, vừa đạt được lợi ích về kinh tế, tạo ra các giá trị mới cho xã hội và môi trường.
Thứ năm, mở rộng nghiên cứu phát triển các sản phẩm thay thế các sản phẩm nhựa, ví dụ như bao bì giấy hoặc các sản phẩm bao bì bằng thủy tinh, kim loại có thể tái sử dụng nhiều lần. Hiện nay, chưa có chính sách thuế phù hợp khiến giá thành sản phẩm thân thiện với môi trường cao nên không tạo động lực khuyến khích người tiêu dùng sử dụng. Vì vậy, cần ban hành một số chính sách ưu đãi về thuế, phí cũng như hỗ trợ, khuyến khích đối với các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm này.
Thứ sáu, tập trung phát động, vận động các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ... trên địa bàn TP cam kết giảm thiểu chất thải nhựa, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần hoặc thay thế bằng các sản phẩm thân thiện môi trường; không cung cấp miễn phí túi ni lông cho khách hàng hoặc chuyển từ sử dụng túi ni lông khó phân hủy sang các loại túi khác thân thiện với môi trường. Ngoài ra, cần nhân rộng các mô hình hiệu quả về tái chế chất thải, tục duy trì các hoạt động hưởng ứng phong trào chống RTN. Huy động, kêu gọi cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia phân loại rác tại nguồn, giảm sử dụng đồ nhựa dùng một lần... Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, nâng cao hiểu biết của người dân về lợi ích của việc phân loại rác tại nguồn, tái chế RTN, từ đó giúp họ có ý thức trách nhiệm trong BVMT.
Phạm Thị Mai Thảo*, Trịnh Thị Ngọc Liễu, Nguyễn Duy Khôi,
Phan Thị Thúy Ngân, Lại Thị Linh, Nguyễn Thị Duyên
Khoa Môi trường, Trường Đại học TN&MT Hà Nội
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 9/2021)
Tài liệu tham khảo
[1] Global plastic action partnership, link: https://globalplasticaction.org/countries/vietnam/
[2] Food and Agriculture Organization (FAO), 2019, Hội thảo rác thải nhựa. Khu vực công- tư cùng giải quyết thách thức.
[3] Nguyễn Luận, 2020. Báo động ô nhiễm rác thải nhựa trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.
[4] Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông, 2020. Chất thải nhựa trong trồng trọt: Hiện trạng phát sinh và các quy định pháp luật liên quan.
[5] Farhana Khana, Waqar Ahmed, Arsalan Najmia (2019), Understanding consumer’s behavior intentions towards dealing with the plastic waste: Perspective of a developing country, Resources, Conservation and Recycling, Vol 142, trang 49-58.
[6] Viện Nước Quốc tế Stockholm (SIWI) (2019), Phân tích quản lý rác thải nhựa từ - nguồn – tới – Biển tại lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn.
[7] David O. Olukanni, Anne O. Aipoh and Inibraniye H. Kalabo (2018), Recycling and Reuse Technology: Waste to Wealth Initiative in a Private Tertiary Institution, Nigeria, Recycling, Vol. 3(44).
[8] Trần Thu Hương (2019). Nghiên cứu khảo sát hiện trạng chất thải nhựa tại Việt Nam, World Wild Fund.
[9] Nguyen Phuc Thanh (2011). Assessment of plastic waste generation and its potential recycling of household solid waste in Can Tho City, Vietnam, Environmental Monitoring and Assessment, Vol 175(1-4), trang 23-35.