04/05/2022
Thời gian qua, việc hỗ trợ đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất là một trong những yếu tố giúp các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Nghệ An nâng cao được hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường và hướng đến sản xuất sạch hơn (SXSH).
Hiện nay, tỉnh Nghệ An có khoảng 24.000 DN đăng ký thành lập, trong đó, có khoảng 13.800 DN đang hoạt động. Các DN trên địa bàn tỉnh đang đóng góp khoảng 60 - 62% tổng thu ngân sách, tạo việc làm cho 221.000 người lao động. Trong khi đó, theo quy hoạch, trên địa bàn Nghệ An có 10 khu công nghiệp (KCN) trong đó có 8/10 KCN đang xây dựng và hoạt động, với tổng cộng 130 DN, tỷ lệ lấp đầy trung bình các KCN đã hoạt động khoảng 41,9%. Bên cạnh KCN, toàn tỉnh còn có 53 (cụm công nghiệp) CCN với tổng diện tích 1.273,06 ha. Tuy nhiên, đến nay cũng mới chỉ có 23 CCN đã đi vào hoạt động. Tại các CCN này đã thu hút 253 dự án đầu tư chủ yếu trên các lĩnh vực chế biến khoáng sản, lâm sản, may dệt kim, gia công cơ khí, tái chế kim loại, tái chế và sản xuất sản phẩm nhựa, sản xuất bao bì.
Thực tế cho thấy, dù đã có một hệ thống các KCN, CCN phủ khắp trên địa bàn, tuy nhiên, hiện nay chỉ mới có 4/8 KCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung với tổng công suất xử lý theo thiết kế là 11.950 m3/ngày/đêm. Trong số 23 CCN hoạt động cũng chỉ mới có 10 CCN đã đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung, trong đó chỉ có 8 CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung đi vào hoạt động. Theo quy hoạch tất cả các KCN phải có khu vực phân loại và trung chuyển chất thải rắn. Tuy nhiên trên thực tế hầu như các KCN không triển khai hạng mục này. Điều này đã khiến cho công tác quản lý chất thải rắn ở các KCN gặp không ít khó khăn. Hiện nay các cơ sở trong KCN đang tự ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng để thu gom và xử lý.
Số liệu tổng hợp trong năm 2021 cho thấy, việc thu gom chất thải nguy hại trong hoạt động sản xuất công nghiệp và dịch vụ đạt khoảng 2.950,3 tấn. Ngoài những bất cập về hệ thống xử lý nước thải, hiện tại vẫn còn 10 CCN đã đi vào hoạt động hoặc mở rộng nhưng chưa có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của cấp có thẩm quyền; 13/23 CCN chưa xây dựng hệ thống thu gom mước mưa chảy tràn. Đó là chưa kể đến việc cơ bản các cụm công nghiệp chưa hoàn thiện hoặc chưa xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Từ thực trạng môi trường trong công nghiệp cho thấy, tác động tổng hợp các chất thải ra môi trường là rất lớn và ngày càng nghiêm trọng. Các loại chất thải không chỉ ảnh hưởng tới môi trường sản xuất kinh doanh của các DN mà còn ảnh hưởng tới môi trường và đời sống nhân dân. Do vậy, các DN trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã quan tâm đầu tư việc áp dụng và duy trì SXSH trong công nghiệp. Đơn cử như giải pháp “Đầu tư cải tạo hồ điều hòa và hệ thống hút ép bùn trong nước thải để tuần hoàn tái sử dụng nước và nguyên liệu” của Nhà máy sản xuất gạch Granite Trung Đô.
Nhà máy sản xuất gạch Granit Trung Đô trực thuộc Công ty xây dựng Trung Đô với công suất 3.500.000 m2 gạch/năm và sử dụng nguyên liệu trên 505 tấn/ ngày. Vì vậy, vấn đề lớn mà Nhà máy gặp phải là tiêu thụ một lượng điện năng rất lớn, gây ô nhiễm đến môi trường xung quanh qua khí thải, bụi thải, nước thải và chất thải rắn. Trước thực trạng đó, Công ty đã triển khai áp dụng các giải pháp SXSH, với việc “Đầu tư cải tạo hồ điều hoà và hệ thống hút ép bùn trong nước thải để tuần hoàn tái sử dụng nước và nguyên liệu”. Do trong quá trình sản xuất, một lượng lớn của sản phẩm bị rơi vãi, bụi, gạch vỡ… sẽ rửa trôi theo nước. Chi phí thực hiện cho giải pháp này là hơn 7 tỷ đồng, lợi ích thu được mỗi năm là 2.182 triệu và thời gian hoàn vốn là 3,3 năm. Theo tính toán, với giải pháp này, lượng chất thải rắn được thu hồi và tái sử dụng là 14, 84 tấn/ngày tương đương với 1.958 triệu đồng/năm, còn lượng nguyên liệu thu từ bụi thải là 1,458 tấn/ngày tương đương với 192 triệu/năm và lượng nguyên liệu thu được từ nước thải là 14, 93 tấn/ngày tương đương với 1. 971 triệu/năm. Vì vậy, việc áp dụng SXSH trong công nghiệp tại nhà máy Granit Trung Đô sẽ giải quyết triệt để nước thải và nguyên liệu phần thải lỏng, góp phần tăng cường hiệu suất sử dụng tài nguyên, mang lại lợi ích kinh tế cao và giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo sự phát triển bền vững cho Nhà máy. Hay giải pháp lắp đặt hệ thống thu hồi và xử lý bụi đã quản lý được chất thải gây ô nhiễm môi trường như nước, khí thải, chất thải rắn, tiếng ồn theo tiêu chuẩn của Nhà nước quy định của Công ty TNHH sản xuất và thương mại dịch vụ Kim Anh (ngành nghề chính là sản xuất thép)… Theo đó, hầu hết các DN khi áp dụng SXSH đều giảm được từ 20 - 30% lượng chất thải. Kết quả này tác động tích cực đến lợi ích kinh tế của DN, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nâng cao tính hiệu quả, bền vững trong sản xuất, kinh doanh…
Với những hiệu quả thiết thực đã cho thấy lợi ích từ việc áp dụng SXSH trong công nghiệp là rất lớn. Trước hết tiết kiệm chi phí thông qua giảm lãng phí năng lượng và nguyên liệu; Nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nhiên liệu, nguyên liệu, vật liệu; Giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người và phát triển bền vững. Bên cạnh đó còn giúp cải thiện hiệu quả hoạt động của công ty; Chất lượng và độ đồng đều của sản phẩm tốt hơn; Thu hồi một lượng nguyên liệu bị hao phí trong quá trình sản xuất; Có khả năng cải thiện môi trường làm việc, hình ảnh của công ty và tạo được các cơ hội thị trường mới.
Thời gian tới, nhằm tiếp tục duy trì và mở rộng hơn nữa các hoạt động SXSH, BVMT trong sản xuất và tiêu dùng, hướng đến sản xuất và tiêu dùng bền vững, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 09/KH-UBND, ngày 8/1/2021 về việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2030. Với mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh xây dựng, áp dụng 4 - 5 mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững; phổ biến, nhân rộng các mô hình về SXSH, các mô hình về sản xuất và tiêu dùng bền vững; có từ 70% - 80% các khu, cụm công nghiệp, làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững; phấn đấu 70% các siêu thị, trung tâm thương mại phân phối, sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế dần cho sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy; xây dựng, thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng bền vững; khuyến khích phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường, được dán nhãn sinh thái tại các siêu thị, trung tâm thương mại; khuyến khích lồng ghép nội dung về sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chương trình đào tạo, giảng dạy ngoại khóa tại các cấp đào tạo.
Đặc biệt, để triển khai thực hiện Điều 53 về BVMT đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) quy định tại Điều 54 và Điều 55 Luật BVMT năm 2020, tỉnh chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn, phổ biến Luật BVMT năm 2020 cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm trong KCN, CCN, làng nghề; tập trung huy động mọi nguồn lực tài chính để đầu tư cơ sở hạ tầng BVMT đối với khu công nghiệp, cụm công nghiệp, bệnh viện, bãi rác, làng nghề được khuyến khích phát triển đảm bảo về môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát hoạt động BVMT của các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân về việc chấp hành pháp luật BMVT và chấn chỉnh, xử phạt nghiêm minh những hành vi vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề xuất với người có thẩm quyền xử phạt; thực hiện kịp thời, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực cho BVMT; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải tiên tiến, thân thiện với môi trường; xây dựng, nhân rộng các mô hình về sản xuất sản phẩm sạch; hình thành và phát triển ngành công nghiệp môi trường, tạo thị trường, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển dịch vụ môi trường.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ có hướng dẫn các hoạt động liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững; hỗ trợ nhân rộng các mô hình, giải pháp SXSH, các mô hình thân thiện môi trường, tái chế chất thải; xây dựng mô hình KCN, CCN, làng nghề sinh thái, kinh tế tuần hoàn tài nguyên, nhiên liệu trong sản xuất và tiêu dùng... Ngoài ra, các DN cần phải tiếp tục bám sát với những quy định trong Luật BVMT năm 2020, các giải pháp SXSH, tổ chức đào tạo nâng cao nhận thức về SXSH cho công nhân, hướng dẫn công nhân có ý thức cao trong sản xuất, chú trọng tới chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên vật liệu, đảm bảo sự phát triển bền vững trước những thách thức và hội nhập nền kinh tế toàn cầu./.
Sản xuất sạch hơn (SXSH) được biết đến là một cách tiếp cận làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại nguồn thông qua việc sử dụng nguyên vật liệu có hiệu quả. Áp dụng SXSH trong công nghiệp không chỉ giúp cho các doanh nghiệp (DN) cắt giảm chi phí sản xuất mà còn đóng góp vào việc cải thiện môi trường, hoàn thiện quy trình sản xuất, qua đó giảm bớt chi phí xử lý môi trường.
SXSH trong công nghiệp chính là hoạt động nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên liệu, năng lượng và làm giảm việc tiêu thụ nguyên liệu và năng lượng cho một đơn vị sản phẩm, loại bỏ tối đa các vật liệu độc hại, giảm độc tính của các dòng thải và chất thải trước khi chúng ra khỏi quá trình sản xuất. SXSH làm giảm các ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường trong suốt chu kỳ sống của sản phẩm, từ khâu khai thác nguyên liệu thô đến khâu thải bỏ cuối cùng thông qua việc thiết kế sản phẩm hợp lý, SXSH sẽ làm giảm mức phát sinh chất thải, tiêu thụ nguyên vật liệu, năng lượng và nước, tiết kiệm chi phí sản xuất cho DN. Do vậy, việc áp dụng và duy trì SXSH trong công nghiệp là yếu tố cần thiết trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung.
Nguyễn Thị Thuỳ Dung
Trường Đại học Kinh tế Nghệ An
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2022)