24/01/2022
Chuyển đổi số là sự tích hợp công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một tổ chức, tận dụng công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình hoạt động và cung cấp giá trị mới để đạt mục tiêu, cũng như tăng tốc hoạt động của tổ chức. Tại Việt Nam, khái niệm “Chuyển đổi số” thường được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình tổ chức truyền thống sang tổ chức số bằng cách áp dụng công nghệ mới như: dữ liệu lớn (big data), mạng Internet vạn vật (IoT) điện toán đám mây (cloud computing)… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa của tổ chức. Đây là quá trình lâu dài, đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề phát triển bền vững, đồng thời giúp cải thiện năng suất lao động, cũng như tăng cường khả năng kết nối.
Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, ngày 3/6/2020, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu: Phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả hiệu lực của hoạt động; Phát triển kinh tế số nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; Phát triển xã hội số thu hẹp khoảng cách số. Trên cơ sở đó, ngày 10/3/2021, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 417/QĐ-BTNMT phê duyệt Chương trình chuyển đổi số TN&MT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, cũng với 3 mục tiêu như Chương trình chuyển đổi số quốc gia nhưng chi tiết hơn và liên quan đến các lĩnh vực hoạt động của Bộ. Đặc biệt, Luật BVMT năm 2020 chính thức có hiệu lực áp dụng từ ngày 1/1/2022 đã góp phần tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai hệ thống thông tin (HTTT) môi trường và cơ sở dữ liệu (CSDL) môi trường các cấp, tăng cường kết nối, chia sẻ và liên thông giữa các hệ thống, đặc biệt giữa cấp Trung ương với địa phương, giữa các Bộ/ngành với Bộ TN&MT. Theo đó, Luật BVMT năm 2020 đã điều chỉnh và bổ sung những quy định còn thiếu, đồng thời giao trách nhiệm cho Chính phủ và Bộ TN&MT quy định chi tiết, hướng dẫn triển khai đối với một số nội dung về thông tin môi trường (Điều 114), HTTT và CSDL môi trường (Điều 115), dịch vụ công trực tuyến về môi trường (Điều 116). Trên cơ sở quy định của Luật, tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 10/1/2022, quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT năm 2020 đã dành 4 điều quy định về thông tin môi trường (Điều 99, 100, 101, 102); 5 điều quy định HTTT, CSDL môi trường (Điều 103, 104, 105, 106, 107). Từ các căn cứ pháp lý mang tính quy định chung trong Luật và Nghị định, tại Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT của Bộ TN&MT, ngày 10/1/2022, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BVMT năm 2020 đã đưa ra các quy định, hướng dẫn kỹ thuật về xây dựng, quản lý và vận hành, khai thác các HTTT, CSDL môi trường các cấp. Trong đó, Thông tư có 3 điều về yêu cầu chung của hệ thống thông tin, CSDL môi trường; các chức năng cơ bản và yêu cầu kỹ thuật đối với HTTT môi trường. Tiếp đến là các quy định kỹ thuật đối với CSDL môi trường các cấp bao gồm: Yêu cầu về kết nối, chia sẻ, liên thông giữa các CSDL môi trường quốc gia, Bộ, ngành và cấp tỉnh; Bảo đảm sự toàn vẹn và tính pháp lý của thông tin, dữ liệu môi trường trong CSDL môi trường các cấp. Thông tư cũng đã quy định cụ thể về cấu trúc thông tin cơ bản của CSDL môi trường quốc gia và cấp tỉnh, danh mục dùng chung và dữ liệu chia sẻ mặc định của CSDL môi trường các cấp. Có thể nói, lần đầu tiên, Luật BVMT năm 2020 và các văn bản dưới Luật đã quy định khá cụ thể và chi tiết các nội dung, yêu cầu, hướng dẫn kỹ thuật về HTTT, CSDL môi trường. Đây là những căn cứ pháp lý rất quan trọng để triển khai xây dựng và quản lý thống nhất HTTT, CSDL về môi trường từ cấp quốc gia đến cấp Bộ/ngành và địa phương, tạo điều kiện đưa mọi hoạt động trong đó có các dịch vụ dữ liệu mới như cung cấp, công khai thông tin dữ liệu lên môi trường số đã và đang tiếp tục được đẩy mạnh trong hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước trực thuộc Bộ TN&MT.
Căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành trong ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số, HTTT, CSDL môi trường cũng như hiện trạng, nhu cầu ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý môi trường, ngày 6/12/2021, Tổng cục Môi trường đã ban hành Quyết định số 1045/QĐ-TCMT về việc Chương trình chuyển đổi số của Tổng cục Môi trường giai đoạn 2021 - 2025. Chương trình chuyển đổi số này nhằm ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ về kỹ thuật số của cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 vào công tác quản lý, điều hành và tác nghiệp của Tổng cục với mục đích đáp ứng tình hình và yêu cầu BVMT trong giai đoạn mới.
Hội thảo trực tuyến Lấy ý kiến góp ý về việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong quản lý môi trường tại Tổng cục Môi trường giai đoạn 2021 - 2025, tại 118 điểm cầu, ngày 23/12/2021
Sự cần thiết phải đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số tại Tổng cục Môi trường
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Tổng cục Môi trường đã rất quan tâm và chú trọng đến việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong các hoạt động chỉ đạo, điều hành và tác nghiệp nhằm tạo động lực cho sự phát triển, tăng cường năng lực quản lý, nâng cao hiệu quả điều hành của Tổng cục Môi trường. Đặc biệt là việc cung cấp thông tin phục vụ tuyên truyền các đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật Nhà nước về lĩnh vực môi trường, về các hoạt động của Tổng cục Môi trường, cũng như tình hình lĩnh vực môi trường của các Bộ/ngành, địa phương trong quá trình thực hiện chính sách môi trường. Cùng với đó, các CSDL được duy trì, cập nhật dữ liệu hàng năm và tiếp tục được nâng cấp, xây dựng như: CSDL tư liệu môi trường, quan trắc môi trường, phục vụ công tác thanh tra môi trường, đa dạng sinh học quốc gia, quản lý chất thải rắn, môi trường quốc gia, nguồn thải… Các CSDL được xây dựng đã được giới thiệu, phổ biến rộng rãi đến các đơn vị trong Tổng cục Môi trường, cơ bản đã phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước tại Tổng cục. Ngoài ra, Tổng cục Môi trường đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bao gồm: 9 dịch vụ công mức độ 2, 22 dịch vụ công mức độ 3 và 7 dịch vụ công mức độ 4. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại bộ phận một cửa nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp làm việc với cơ quan quản lý nhà nước; tạo điều kiện cung cấp thông tin, khai thác CSDL chuyên ngành của các cơ quan thuộc lĩnh vực môi trường.
Mặc dù hạ tầng CNTT của Tổng cục Môi trường đã được đầu tư nhiều, nhưng phân tán, manh mún và đã hết khấu hao từ lâu nên chưa phát huy hiệu quả, sức mạnh tổng thể phục vụ đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo điều hành của Tổng cục. Các phần mềm thương mại có bản quyền được trang bị tại các đơn vị trong Tổng cục về cơ bản vẫn đáp ứng được các yêu cầu, tuy nhiên, trong thời gian tới cần phải có sự đầu tư nâng cấp, cập nhật phiên bản mới. Dữ liệu môi trường chưa thực sự được khai thác sử dụng rộng rãi giữa các đơn vị. Nguyên nhân của những hạn chế trên đến từ nhận thức về chuyển đổi số của cán bộ, công chức, viên chức và các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chưa đầy đủ; nguồn lực dành cho đầu tư ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử và thực hiện chuyển đổi số chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong Tổng cục chưa thật sự chặt chẽ…
Từ thực trạng trên cho thấy, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số tại Tổng cục Môi trường hiện nay là rất cần thiết, với mục tiêu chung là: Hoàn thiện Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số trong lĩnh vực môi trường; Đưa nguồn tài nguyên số về môi trường đóng vai trò quan trọng để phát triển kinh tế số của đất nước; Phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số trong lĩnh vực môi trường. Một số mục tiêu cụ thể, bao gồm: Hoàn thiện cơ bản hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật về môi trường bắt kịp thay đổi nhanh chóng của công nghệ, bảo đảm phát triển, vận hành Chính phủ điện tử ngành, đáp ứng yêu cầu tiến trình chuyển đổi số. 100% hồ sơ được tạo, lưu giữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và chuyên môn của Tổng cục hoàn toàn dựa trên phân tích, xử lý dữ liệu; 80% hoạt động thanh tra, kiểm tra của Tổng cục được thực hiện thông qua môi trường số và HTTT của cơ quan quản lý; 100% báo cáo tổng hợp, báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê của Tổng cục được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng, kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với HTTT báo cáo của Bộ TN&MT và Chính phủ; 100% văn bản trao đổi giữa Tổng cục Môi trường với các cơ quan nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dụng (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật); 100% dịch vụ công trực tuyến cung cấp ở mức độ 4, được xác thực một lần, cung cấp trên nhiều nền tảng thiết bị, tối ưu hoá, mang lại sự thuận tiện cho người dùng. Cùng với đó, 70% dịch vụ hành chính công phát sinh hồ sơ trực tuyến; tích hợp các dịch vụ công trực tuyến với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính; Duy trì 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). Nhất là, bảo đảm an toàn thông tin mạng theo mô hình 4 lớp của Bộ, 100% máy chủ, máy trạm của Tổng cục được triển khai giải pháp phòng chống mã độc; hoàn thành xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin... Chương trình chuyển đổi số của Tổng cục Môi trường giai đoạn 2021 - 2025 cũng đặt ra mục tiêu, 100% người làm việc trong Tổng cục được tham gia tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng số, trong đó 30% được tham gia tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu.
Một số giải pháp thực hiện
Một là, chuyển đổi nhận thức; tương tác với người dân, doanh nghiệp trong phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số. Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg khẳng định: “Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số”. Theo đó, chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức, quán triệt, nâng cao nhận thức về phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, gắn với các chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị; là phương tiện để công khai, minh bạch hoạt động hành chính nhà nước phục vụ, làm hài lòng người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, đổi mới toàn diện phương thức hoạt động, xây dựng văn hóa làm việc phù hợp với quá trình phát triển Chính phủ số; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động của Tổng cục; Tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp trong vận hành Chính phủ điện tử, tiến trình chuyển đổi số.
Hai là, xây dựng cơ chế chính sách, cải cách hành chính: Xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về môi trường phục vụ chuyển đổi số; Gắn kết chặt chẽ giữa cải cách thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực môi trường với phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; Kiện toàn tổ chức, bộ máy, chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức các đơn vị chuyên trách về CNTT phù hợp với tiến trình, lộ trình chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; Rà soát các thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ trong Tổng cục Môi trường theo hướng ứng dụng triệt để công nghệ số, dữ liệu số.
Ba là, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ: Nghiên cứu, ứng dụng, phát triển các giải pháp công nghệ của cuộc CMCN 4.0 tạo nền tảng chuyển đổi số tại Tổng cục Môi trường; Phát triển, ứng dụng công nghệ tự động hóa, số hóa, mô hình hóa, trong thu nhận dữ liệu, điều tra, quan trắc, giám sát, dự báo, cảnh báo môi trường; các giải pháp công nghệ thông minh phục vụ quản trị, phân tích, xử lý, khai thác, cung cấp sử dụng dữ liệu môi trường; Thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao hiệu quả các công nghệ mới từ các đối tác tiên tiến để trong thu nhận, quản lý, phân tích xử lý dữ liệu tạo bứt phá trong phát triển Chính phủ số về môi trường.
Bốn là, hợp tác quốc tế trên cơ sở đẩy mạnh thăm quan, học tập học hỏi kinh nghiệm, công nghệ, mô hình triển khai; tổ chức các hội thảo, các diễn đàn quốc tế về trao đổi, chia sẻ về chuyển đổi số môi trường; Tổ chức hợp tác sâu, rộng với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ, các quốc gia trên thế giới trong việc tài trợ, đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao, thử nghiệm các giải pháp về chuyển đổi số môi trường.
Năm là, tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số, thu hút, phát triển nguồn nhân lực về công nghệ thông tin thông qua việc cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo, nâng cao trình độ, nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ lãnh đạo; Tham dự khóa đào tạo đội ngũ chuyên gia tạo nòng cốt, lan tỏa kiến thức, kỹ năng cho chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số ngành TN&MT; Tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số, kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu cho cán bộ, công chức, viên chức hàng năm để sẵn sàng chuyển đổi môi trường làm việc sang môi trường số.
Về cơ chế tài chính: Ưu tiên sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và huy động các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật để phát triển chuyển đổi số tại Tổng cục; tăng cường huy động các nguồn lực ngoài nhà nước và thuê dịch vụ CNTT; Bố trí đủ kinh phí chi thường xuyên để duy trì, vận hành các hệ thống thông tin, CSDL, phát triển hạ tầng phục vụ phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Đối với cơ chế thực thi và giám sát, đánh giá triển khai: Thủ trưởng các đơn vị trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo Tổng cục về kết quả chuyển đổi số tại đơn vị mình; Phát huy vai trò của đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin trong tổ chức thực hiện công tác chuyển đổi số.
Chuyển đổi số mở ra cơ hội cho tất cả tổ chức, cá nhân. Tổng cục Môi trường có thể tận dụng cơ hội này để Tổng cục và mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cùng vươn lên, khẳng định mình. Xác định các nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi số của Tổng cục Môi trường là nhiệm vụ ưu tiên thực hiện, hàng năm, Tổng cục cần tiến hành tổng kết đánh giá làm cơ sở để theo dõi, đôn đốc, xếp hạng về Chính phủ điện tử, Chính phủ số của các đơn vị. Bên cạnh đó, đẩy mạnh đo lường, giám sát tự động các hệ thống, dịch vụ trong chuyển đổi số; Tham gia xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của ngành TN&MT nhằm mục đích theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện chuyển đổi số hàng năm của ngành.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
ThS. Nguyễn Xuân Thủy, Phó Giám đốc
Trung tâm Thông tin và Dữ liệu môi trường
Tổng cục Môi trường
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2022)