16/04/2021
Thời gian qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa tăng nhanh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, nhu cầu vật chất và sử dụng tài nguyên ngày càng lớn kéo theo sự gia tăng về khối lượng chất thải rắn nói chung và CTR sinh hoạt (CTRSH) nói riêng. Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn lực nên một số cấp chính quyền trong tỉnh chưa quan tâm đúng mức cho công tác quản lý CTRSH trên địa bàn; hạ tầng thu gom, lưu giữ, tập kết, trung chuyển, vận chuyển và xử lý CTRSH chưa đáp ứng với tình hình thực tế; việc phân loại CTRSH tại nguồn mới chỉ dừng lại ở mức thí điểm; CTRSH vẫn chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp hoặc bằng các lò đốt cỡ nhỏ không đáp ứng các yêu cầu về BVMT... Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý chất thải rắn hiện nay, tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý, trong đó chú trọng công tác phân loại CTRSH tại nguồn, tận dụng các thành phần có ích trong chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu sản xuất, hạn chế tối đa việc phát sinh chất thải thứ cấp cần xử lý, ngày 5/4/2021, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn trên địa bàn.
(Ảnh minh họa)
Theo đó, UBND tỉnh Thái Nguyên giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai các quy định về quản lý chất thải rắn theo quy định của Luật BVMT 2020 (Luật số 72/2020/QH14) và phân công cụ thể trách nhiệm tổ chức thực hiện đến từng sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã. Xây dựng kế hoạch thu gom, phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn toàn tỉnh đảm bảo hoàn thành việc phân loại CTRSH tại nguồn trước 31/12/2024 theo yêu cầu của Luật BVMT 2020. Cùng với đó, tổ chức hướng dẫn kỹ thuật thu gom, phân loại CTRSH tại nguồn; cải tạo, nâng cấp và xử lý ô nhiễm môi trường tại các bãi chôn lấp CTRSH không hợp vệ sinh đảm bảo yêu cầu BVMT sau khi Bộ TNMT ban hành hướng dẫn cụ thể... Chủ trì tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác quản lý chất thải rắn trên phạm vi toàn tỉnh và chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện và các sở, ban, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ về quản lý chất thải trong Đề án tăng cường quản lý nhà nước về BVMT trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025. Đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý chất thải rắn để quản lý các phương tiện, tuyến đường, thời gian vận chuyển chất thải nguy hại, CTRSH theo quy định của Luật BVMT.
UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện rà soát quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng, tỉnh đã được phê duyệt; đề xuất phương án quy hoạch khu xử lý CTRSH tập trung quy mô cấp tỉnh hướng tới việc xử lý CTRSH liên huyện nhằm thu hút các dự án xử lý rác thải có công suất lớn, công nghệ hiện đại có thu hồi tài nguyên, năng lượng từ CTRSH vào đầu tư tại tỉnh. Bổ sung phương án quy hoạch các điểm xử lý chất thải rắn xây dựng, chất thải bồn cầu để tích hợp vào Quy hoạch tỉnhThái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Ngoài ra, chỉ thị UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề phân loại, thu gom, tập kết, trung chuyển, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn; bố trí đủ kinh phí hàng năm của địa phương để hỗ trợ, thực hiện việc quản lý, đảm bảo phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH phát sinh trên địa bàn theo đúng quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường. Lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu; trường hợp không thể lựa chọn qua hình thức đấu thầu thì thực hiện theo hình thức đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị này và gửi về Sở TN&MT trước ngày 15/12 hàng năm để tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh và Bộ TN&MT.
Mai Hương