Banner trang chủ

Lượng giá thiệt hại về môi trường đối với sự cố hóa chất độc trong sản xuất phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật

01/11/2021

    Sự cố hóa chất độc trong sản xuất phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) (gọi tắt là sự cố) tác động đến các thành phần môi trường, hệ sinh thái, gây ra các thiệt hại về môi trường. Bài viết trình bày nội dung về lượng giá thiệt hại về môi trường do sự cố, trong đó tập trung vào nhận dạng các thiệt hại về môi trường do sự cố và đề xuất các phương pháp lượng giá các thiệt hại về môi trường.

1. Giới thiệu chung về sự cố hóa chất độc trong sản xuất phân bón và hóa chất bảo vệ thực vật

    Do đặc thù của hoạt động sản xuất phân bón, hóa chất BVTV sử dụng các nguyên liệu, sản phẩm trung gian là các hóa chất độc hại hoặc chất thải phát sinh từ quá trình sản xuất có chứa thành phần hóa chất độc hại, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các sự cố ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Các sự cố chia làm 2 nhóm chính là sự cố về cháy, nổ và sự cố tràn, rò rỉ.

Sự cố về cháy, nổ

    Các nguyên liệu, sản phẩm trung gian sử dụng trong sản xuất phân bón, hóa chất BVTV khác nhau đáng kể về tính dễ bắt lửa và nguy cơ xảy ra sự cố cháy, nổ. Các sự cố chủ yếu gồm:

    Cháy, nổ amoniac (NH3 - chủ yếu xảy ra ở các nhà máy, phân xưởng sản xuất amoniac, các phân xưởng sản xuất phân bón như phân ure, phân amoni nitrat, phân DAP);

    Cháy, nổ amoni nitrat (NH4NO3 -  chủ yếu xảy ra ở phân xưởng sản xuất amoni nitrat, hay quá trình vận chuyển, lưu trữ);

    Cháy, nổ phospho vàng (P4 - chủ yếu xảy ra ở các nhà máy, phân xưởng sản xuất phospho vàng, sản xuất phân lân (supe phosphat) và các kho lưu trữ, bảo quản, quá trình vận chuyển);

    Cháy, nổ nguyên liệu, hóa chất BVTV (chủ yếu là các sự cố cháy, nổ các nguyên liệu, hóa chất BVTV thành phẩm dạng chất lỏng (nhũ dầu) trong quá trình gia công, đóng gói và kho bảo quản, lưu trữ).

Sự cố tràn, rò rỉ

    Tràn, rò rỉ NH3: Nguy cơ rò rỉ từ hệ thống cấp liệu; rò rỉ khí tổng hợp tại các khu vực nén khí CO/tách/tổng hợp khí gas; rò rỉ từ bình/bồn chứa…

    Tràn, rò rỉ chất thải Gyps: Chất thải Gyps (phế thải trong sản xuất phân lân) chủ yếu phát sinh từ các khu vực lưu trữ bã thải của nhà máy, phân xưởng sản xuất axit phosphoric (H3PO4) và phân lân. Các nguyên nhân xảy ra sự cố là do điều kiện thời tiết (bão, lũ) và do quá trình vận hành đập (sự cố do lỗi thiết kế, xây dựng đập).

    Tràn rò, rỉ các nguyên liệu, hóa chất BVTV: Các sự cố chủ yếu liên quan trong quá trình gia công, sang chiết, phối trộn, đóng gói, vận chuyển, lưu trữ làm phát tán các hoạt chất BVTV (quinalphos, dimethoate, profenofos...) ra ngoài môi trường.

2. Thiệt hại về môi trường đối với sự cố hóa chất độc trong sản xuất phân bón và hóa chất BVTV

    Sự phát thải các hóa chất độc từ sự cố làm ô nhiễm môi trường, suy giảm khả năng cung cấp của hàng hóa môi trường và các dịch vụ hệ sinh thái, gây thiệt hại về môi trường. Thiệt hại về môi trường (D) do sự cố trong bao gồm thiệt hại trực tiếp (DTT) và thiệt hại gián tiếp (DGT). Thiệt hại về môi trường trực tiếp (DTT) các thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường (đất, nước, không khí, hệ sinh thái) do chính tác động của sự cố gây ra. Các thiệt hại về môi trường trực tiếp được tính toán dựa trên:

    Chi phí xử lý, làm sạch môi trường (DXL): Khi sự cố xảy ra, phát tán các hóa chất độc ra ngoài môi trường, tác động đến các thành phần môi trường (đất, nước, không khí), gây ô nhiễm, suy thoái môi trường. Do đó, cần tiến hành các biện pháp xử lý, nhằm ngăn chặn, hạn chế sự phát tán, lan rộng và loại bỏ các hóa chất này trong môi trường. Chi phí xử lý, làm sạch môi trường phản ánh các giá trị thiệt hại trực tiếp mà sự cố tác động lên các thành phần môi trường. Tùy thuộc vào quy mô, mức độ ô nhiễm môi trường, sẽ tiến hành áp dụng công nghệ, kỹ thuật, biện pháp khác nhau để xử lý, làm sạch môi trường… Theo nghiên cứu của ARIA (2006), ước tính chi phí làm sạch, phục hồi môi trường nước sông Rhine sau sự cố nổ kho thuốc BVTV của Công ty Sandoz, Thụy Sĩ (1986) gồm các chi phí: Làm sạch cho môi trường; phân tích nước, trầm tích; phân tích nước uống; quan trắc; theo dõi bảng nước, với tổng chi phí thiệt hại 14.300.000 France.

     Chi phí thiệt hại về suy giảm đa dạng sinh học (DĐDSH): Các hóa chất độc phát sinh từ sự cố tác động đến hệ sinh thái làm suy giảm số lượng, thành phần, sự phong phú của các loài động, thực vật, suy giảm đa dạng sinh học (ĐDSH). Theo nghiên cứu của Jones và cộng sự (2018), đã ước tính tác động của các chất ô nhiễm có gốc nitơ (NH3; NO2) đến sự phong phú, đa dạng của các loài thực vật, chi phí thiệt hại về ĐDSH được ước tính do gia tăng phát thải NH3 là 414 Euro/tấn và NO2 là 103 Euro/tấn.

    Bên cạnh đó, thiệt hại về môi trường gián tiếp (DGT) bao gồm các thiệt hại mà đối tượng, thành phần tiếp nhận khác (sức khỏe con người, tài sản, cây trồng, du lịch, giá trị bất động sản...) phải gánh chịu do môi trường bị ô nhiễm, suy thoái; chức năng, tính hữu ích của môi trường bị suy giảm gây ra bởi sự cố. Các thiệt hại gián tiếp được tính toán dựa trên:

    Chi phí thiệt hại về sức khỏe (DSK): Phơi nhiễm, tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm bởi các hóa chất độc hại phát sinh từ các sự cố sẽ dẫn đến các bệnh liên quan khi lượng hóa chất vượt ngưỡng giới hạn đối với sức khỏe. Tùy vào đặc thù của từng hóa chất độc, nồng độ hóa chất, con đường tiếp xúc, thời gian phơi nhiễm, quá trình chuyển hóa thành các chất khác trong cơ thể gây ra các bệnh lý khác nhau, ảnh hưởng này có thể dẫn tới những hậu quả làm phát sinh chi phí về sức khỏe. Các chi phí mà cá nhân bị ảnh hưởng phải chịu như chi phí y tế, chi phí chăm sóc sức khỏe, chi phí cơ hội do nghỉ việc, năng suất lao động giảm trong những ngày ốm... Các khoản chi phí này có thể được sử dụng làm cơ sở ước tính thiệt hại về sức khỏe do sự suy giảm chất lượng môi trường gây ra bởi sự cố.

    Chi phí thiệt hại về ô nhiễm nguồn cung cấp nước sạch (DNS): Nguồn nước ngầm, nước mặt tại các sông, hồ bị ô nhiễm sau sự cố trong sản xuất phân bón, hóa chất BVTV làm ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nước sạch cho cộng đồng người dân và tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn nước cho mục đích sản xuất (ví dụ như các nhà máy cung cấp nước sạch, nhà máy sản xuất bia, nước giải khát...).

    Các nhà máy cung cấp nước sạch và cơ sở sản xuất liên quan khác (nhà máy sản xuất bia, nước giải khát) phải bỏ chi phí để đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp quy trình xử lý; chi phí mua sắm nguyên liệu, hóa chất; chi phí quan trắc, giám sát chất lượng nước đầu vào và đầu ra hoặc chi phí kết nối với nguồn nước không bị ô nhiễm ở khu vực khác...) để đảm bảo chất  lượng nước đầu vào và đầu ra. Theo nghiên cứu của Rinaudo và cộng sự (2003) ước tính, các nhà máy nước ở lưu vực sông Rhine tại Pháp đã đầu tư số tiền 26,4 triệu Euro để xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường nước do nitrat và hóa chất BVTV. Cộng đồng người dân cũng phải bỏ chi phí để mua nước đóng chai, nước lọc, nước tinh khiết... để thay thế nguồn nước bị ô nhiễm gây ra bởi sự cố. Theo nghiên cứu của Dupont và Jahan (2012) ước tính rằng, các hộ gia đình Canađa đã chi gần 600 USD (2010) mỗi năm cho các sản phẩm thay thế nước máy (mua nước đóng chai và các thiết bị lọ/lọc nước máy), để giảm các nguy cơ về sức khỏe liên quan do nguồn nước bị ô nhiễm hóa chất BVTV.

    Chi phí thiệt hại về du lịch (DDL): Sự có mặt của các hóa chất độc trong môi trường nước (như nitơ, phospho, kim loại nặng...) tác động bởi sự cố trong sản xuất phân bón, hóa chất BVTV dẫn đến ô nhiễm nguồn nước, từ đó giảm hoạt động vui chơi, giải trí khác như chèo thuyền, câu cá... Từ đó giảm doanh thu từ hoạt động du lịch do giảm số lượng khách đến thăm quan, doanh thu từ các hoạt động câu cá giải trí, doanh thu từ các nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống. Ví dụ, địa điểm du lịch Ashalim đã bị đóng cửa vào tháng 6/2017 sau sự cố hồ chứa chất thải Gyps của Công ty phân bón phosphat Rotem, Israel bị sập, nhằm bảo vệ khách du lịch và người leo núi tại điểm du lịch này (Sue Surkes, 2020).

    Chi phí thiệt hại về nông nghiệp (DNN): Chất lượng môi trường bị ô nhiễm, suy thoái do tác động của sự cố trong sản xuất phân bón, hóa chất BVTV tác động làm giảm sự phát triển của các loài động, thực vật (bao gồm trên cạn, dưới nước), giảm năng suất, sản lượng thu hoạch, từ đó gây thiệt hại về suy giảm năng suất cây trồng và giảm doanh thu từ hoạt động nuôi, trồng, đánh, bắt, thủy, hải sản.

Chi phí thiệt hại về suy giảm năng suất cây trồng (DNSCT): Môi trường đất axit/chua đất do dư thừa nitơ lắng đọng, ô nhiễm kim loại nặng hoặc bị ô nhiễm bởi sự cố mặt của hóa chất BVTV do sự cố phát thải trong sản xuất phân bón, hóa chất BVTV làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thực vật, giảm năng suất cây trồng. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng hoạt chất BVTV lân hữu cơ dimethoate có tác dụng bất lợi đối với sự phát triển của thực vật gây ức chế sắc tố quang hợp và hiệu quả quang hợp ở đậu tương và bông, tương (Jena và cộng sự, 2012).

    Chi phí thiệt hại do giảm doanh thu từ hoạt động đánh, bắt thủy, hải sản (DĐBTS): Môi trường nước mặt bị ô nhiễm bởi sự cố làm thay đổi môi trường sống, suy giảm diện tích của các loài thực vật thủy sinh - đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các loài sinh vật dưới nước, giảm sản lượng của các loài này (đặc biệt là các loài cá và động vật có vỏ)..., từ đó giảm doanh thu từ hoạt động đánh, bắt thủy hải sản. Nghiên cứu của Zrelli R. El. và cộng sự (2020) đã ước tính thiệt hại sản lượng ngành đánh bắt thủy hải sản thương mại liên quan đến xả thải chất thải Gyps tại vịnh Gabes, Tunisia khoảng 60 triệu Euro trong năm 2014 và thiệt hại lũy kế giai đoạn 1990-2014 vượt quá 750 triệu Euro.

    Chi phí thiệt hại về giá trị bất động sản (DBĐS): Giá trị bất động sản là một biến phụ thuộc, nó có thể thay đổi do các yếu tố khác nhau như vị trí, diện tích xây dựng, dịch vụ... và yếu tố môi trường (ví dụ môi trường không khí trong lành, gần vị trí các hồ tự nhiên không ô nhiễm) cũng tác động đến giá bất động sản. Nghiên cứu của Walsh và cộng sự (2012) đã đánh giá tác động của gia tăng nồng độ một số chất ô nhiễm (nitơ, phospho) đối với giá trị bất động sản trong bán kính khoảng 1 km xung quanh các hồ ở Orange County, Florida. Theo nghiên cứu, đối với các khu đất ven hồ, tác động dao động từ dưới 1% giá bán đối với chất diệp lục đến 2,1% đối với hàm lượng dinh dưỡng. Sự thay đổi 17% trong tổng nồng độ nitơ dẫn đến tác động 1,8% đến giá trị ngôi nhà; đối với tổng lượng phospho, tác động là 1,3%.

Thiệt hại về môi trường do sự cố hóa chất độc trong sản xuất phân bón, hóa chất BVTV

3. Đề xuất các phương pháp lượng giá thiệt hại về môi trường đối với sự cố hóa chất độc trong sản xuất phân bón, hóa chất BVTV

    Lượng giá thiệt hại về môi trường là xác định một cách có căn cứ khoa học tổng thiệt hại quy ra bằng tiền các tổn thất, thiệt hại về môi trường. Việc lượng giá thiệt hại về môi trường là vấn đề không đơn giản. Hiện nay, chưa có nghiên cứu, tài liệu nào đề cập đến lượng giá thiệt hại về môi trường đối với một sự cố cụ thể trong lĩnh vực sản xuất phân bón, hóa chất BVTV và ước tính một cách đầy đủ, chính xác tổng thiệt hại về môi trường gây ra bởi sự cố trong lĩnh vực này.

    Trên cơ sở nhận diện thiệt hại về môi trường phát sinh do tác động của sự cố (đã nêu ở trên), nhóm tác giả đề xuất một số phương pháp lượng giá phù hợp có thể được áp dụng tại Việt Nam như:

   Phương pháp giá thị trường (Market Price Method - MP): Là phương pháp thường được sử dụng để ước lượng giá trị của các hàng hóa và dịch vụ do môi trường cung cấp được trao đổi, mua bán trên thị trường. Phương pháp MP có thể được sử dụng để lượng hóa một thiệt hại về môi trường đối với sự cố trong sản xuất phân bón, hóa chất BVTV như: Chi phí thiệt hại về xử lý, làm sạch môi trường sau sự cố; chi phí thiệt hại về du lịch (do giảm doanh thu từ hoạt động thăm quan, vui chơi, giải trí hoặc giảm doanh thu từ các nhà hàng khách sạn). Đây là phương pháp đơn giản, dễ tính toán, không tốn kém chi phí, thời gian trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp này là giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ dễ bị bóp méo, không phản ánh đúng giá trị và khó khăn trong việc tách biệt giữa tác động do sự cố với các nhân tố khác để tránh tính trùng. Ngoài ra, phương pháp này không đo được những tổn thất, thiệt hại không có giá thị trường.

   Phương pháp thay đổi năng suất (Productivity Change Method - PCM): được sử dụng để ước tính chi phí thiệt hại về nông nghiệp (như thiệt hại về suy giảm năng suất cây trồng; thiệt hại về suy giảm sản lượng nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản) do tác động của sự cố. Phương pháp PCM khá đơn giản vì sử dụng giá quan sát được trên thị trường, dựa vào mức sản lượng quan sát được để đo lường tổn thất trong sản xuất hoặc chi phí đầu vào gia tăng. Do dữ liệu dễ thu thập nên phương pháp này không tốn kém nhiều về chi phí thực hiện. Tuy nhiên, cần lưu ý phải tách biệt rõ ràng tác động của sự cố hóa chất độc với các nhân tố tác đông khác và tính đến sự biến động về năng suất theo thời gian.

    Phương pháp chi phí sức khỏe (Cost of Illness - COI): Thường được sử dụng để lượng giá chi phí bệnh tật của cộng đổng do ô nhiễm môi trường gây ra. Sư thay đổi về chất lượng mối trường do sự cố ảnh hưởng tới sức khỏe của con người; ảnh hưởng này có thể dẫn tới những hậu quả làm phát sinh chi phí. Phương pháp COI có thể được sử dụng để lượng giá thiệt hại về sức khỏe do ô nhiễm môi trường gây ra bởi sự cố trong sản xuất phân bón, hóa chất BVTV. Các chi phí mà cá nhân bị ảnh hưởng phải chịu như chi phí y tế, chi phí chăm sóc sức khỏe, chi phí cơ hội do nghỉ việc, năng suất lao động giảm trong những ngày ốm... Các khoản chi phí này có thể được sử dụng làm cơ sở ước tính tính toán thiệt hại về sức khỏe. Phương pháp COI có thể áp dụng đế lượng giá các tác động môi trường khi các bệnh thường là ngắn, tách biệt, và không có ảnh hưởng tiêu cực trong dài hạn. Tuy nhiên, phương pháp này cũng khó xử lý đối với các bệnh kinh niên khi giai đoạn bệnh kéo dài.

    Phương pháp chi phí du lịch (Travel Cost Method - TCM): Áp dụng để đánh giá giá trị giải trí của TN&MT và các hệ sinh thái. Thông qua việc ước lượng đường cầu du lịch cá nhân và đường cầu thị trường, có thể tính được phần phúc lợi của cá nhân và xã hội thu được khi tham gia thị trường du lịch tại điểm nghiên cứu. Phương pháp này có thể được sử dụng để đo lường thiệt hại về du lịch do tác động của sự cố. Hạn chế khi áp dụng phương pháp TCM là chỉ áp dụng ở địa điểm có lượng khách du lịch đến thăm quan, còn những địa điểm không có khách du lịch cần áp dụng phương pháp khác.

    Phương pháp giá trị hưởng thụ (Hedonic Pricing Method - HPM): Sử dụng để ước tính giá trị của môi trường ẩn trong giá thị trường của một số loại hàng hóa và dịch vụ thông thường (cụ thể ở đây là giá trị bất động sản). Phương pháp này có thể được sử dụng để ước tính chi phí thiệt hại về giá trị bất động sản do tác động của sự cố. Phương pháp HPM có thể đo lường các giá trị thiệt hại thông qua sự lựa chọn thực tế trên thị trường thực. Việc tìm kiếm thông tin về thị trường bất động sản là khả thi và hiệu quả vì những thông tin này biểu thị sát thực về giá trị. Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp này là việc bóc tách tác động môi trường do sự cố với các nhân tố khác ảnh hưởng đến giá trị bất động sản là khó khăn, phức tạp. Ngoài ra, các thông tin, dữ liệu thu thập phải đảm bảo tính đa dạng và tính liên tục theo theo gian.

    Phương pháp đánh giá phụ thuộc vào tình huống giả định (Contingent Valuation Method - CVM) và phương pháp mô hình lựa chọn (Choice Modeling - CM): Cả hai phương pháp này đo lường giá trị thiệt hại phi sử dụng, thông qua việc đo lường sự sẵn lòng chi trả của người dân (WTP) dựa vào tình huống, kịch bản (giả định) cụ thể hoặc các phương án, mô hình lựa chọn khác nhau. Phương pháp CVM hoặc CM có thể được sử dụng để ước tính chi phí thiệt hại về suy giảm ĐDSH do tác động của sự cố. Tuy nhiên, việc sử dụng phương pháp CVM và CM để đo lường các giá trị thiệt hại thông qua các tình huống giả định chứ không phải thực tế, do đó giá trị WTP sẽ có thể không phản ánh đúng tình hình thực tế. Để lượng giá đem lại các kết quả có độ chính xác cao, cần tiến hành khảo sát với qui mô đủ lớn, thu thập tương đối toàn diện các thông tin về kinh tế, tài nguyên, xã hội và giá trị bảo tồn của địa điểm chịu tác động, đòi hỏi về thời gian và chi phí thực hiện lớn.

    Phương pháp chuyển giao giá trị (Value Transferring Method - VTM): Là phương pháp sử dụng các giá trị, kết quả thực hiện từ khu vực đã nghiên cứu sang khu vực đang nghiên cứu. Phương pháp VTM có thể sử dụng để lượng giá các thiệt hại về môi trường do sự cố trong sản xuất phân bón, hóa chất BVTV trong trường hợp nguồn số liệu và các nghiên cứu về đánh giá môi trường tại địa điểm nghiên cứu bị hạn chế hoặc không có, khó điều tra hoặc việc tiến hành tính toán thiệt hại tốn kém chi phí, thời gian. Tuy nhiên, phương pháp VTM có thể không chính xác khi ước tính tổng giá trị thiệt hại từ các sự cố, địa điểm, điều kiện kinh tế xã hội có tính chất tương đương. ngoài ra, việc tìm được những nghiên cứu phù hợp cũng gặp phải khó khăn do không được công bố, hoặc chưa từng có những nghiên cứu lượng giá tương đồng được thực hiện.

ThS. Trần Bích Hồng, ThS. Hàn Trần Việt

Viện Khoa học môi trường

TS. Nguyễn Diệu Hằng, TS. Nguyễn Công Thành

Đại học Kinh tế quốc dân

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2021)

              TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. ARIA, 2006, The Rhine polluted by pesticides November 1st, 1986 Schweizerhalle Switzerland, No. 5187.
  2. Dechy N., Mouilleau Y. , 2004, “Damages of the Toulouse disaster, 21th september 2001”, 11th International Symposium on Loss Prevention and Safety Promotion in the Process Industry, May 2004, Praha, Czech Republic. pp.2353-2363. 
  3. Jena S., Acharya S., Mohapatra P. K., 2012, “Variation in effects of four OP insecticides on photosynthetic pigment fluorescence of Chlorella vulgaris Beij”, Ecotoxicology and environmental safety, Vol 80, pp 111-117
  4. Jones L., Milne A., Hall J., Mills G., Provins A. and Christie M. (2018). “Valuing Improvements in Biodiversity Due to Controls on Atmospheric Nitrogen Pollution”, Ecological Economics, Vol 152, pp 358-366
  5. Rinaudo D. J., Goerlach B., Loubier S., Interwies E., 2003, Economic assessment of groundwater protection, May 2003 BRGM/RC-52323-FR
  6. Walsh K. M., Howat I. M., Ahn Y., and Enderlin E. M., 2012, “Changes in the marine-terminating glaciers of central east Greenland, 2000-2010”, The Cryosphere, Vol 6, pp211-220.
  7. Zrelli R. El., Rabaoui L., Ruben R., Gallai N., Castet S., Grégoire M., 2020, “Economic impact of human-induced shrinkage of Posidonia oceanica meadows on coastal fisheries in the Gabes Gulf (Tunisia, Southern Mediterranean Sea)”, Marine Pollution Bulletin 155 (111124), Published on 01 Jun 2020.
  8. Sue Surkes, 2020, “Popular stream in south to reopen 3 years after deadly chemical spill”, The Times of Israel, see at https://www.timesofisrael.com/
Ý kiến của bạn