Banner trang chủ

Lễ ký kết, triển khai các hoạt động của hai dự án đồng hành cùng Thành phố Đà Nẵng triển khai Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”

04/06/2021

     Ngày 4/6/2021 đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản Ghi nhớ hợp tác giữa Sở TN&MT  Đà Nẵng, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR), Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) về việc triển khai thực hiện các hoạt động của Dự án “Chung tay Hành động Bảo vệ Nguồn nước” và Dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương”, đồng hành cùng Thành phố Đà Nẵng triển khai Đề án “Xây dựng Đà Nẵng  - Thành phố môi trường”.

     Phát biểu tại buổi Lễ, ông Robert Layng, Giám đốc Phòng Năng lượng và Môi trường, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) chia sẻ, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, USAID Việt Nam đang thực hiện nhiều chương trình nhằm cải thiện chất lượng môi trường sống cho người dân, hướng đến “một Việt Nam cởi mở, thịnh vượng,  an toàn, giải quyết các thách thức phát triển một cách hiệu quả và bao trùm”. Theo ông, muốn đẩy mạnh phát triển kinh tế, cần có sự cân bằng giữa BVMT để đảm bảo tăng trưởng trong ngắn hạn không gắn liền với suy thoái môi trường trong dài hạn. BVMT được xem là yếu tố then chốt, giúp cân bằng giữa sự thịnh vượng, chất lượng cuộc sống với phát triển kinh tế xanh bền vững của Việt Nam.” Trên cơ sở đó, Sở TN&MT Đà Nẵng, USAID, CECR và GreenHub tổ chức Lễ ký kết và triển khai các hoạt động của các dự án nêu trên, nhằm thúc đẩy tính chủ động địa phương; nâng cao năng lực của các tổ chức, cá nhân cấp địa phương; trao quyền cho cộng đồng địa phương để thúc đẩy các hành động chung nhằm giảm ô nhiễm rác thải nhựa, bảo vệ nguồn nước, tăng cường sức khỏe tại quận Hải Châu, quận Cẩm Lệ, huyện Hòa Vang, quận Thanh Khê, Thành phố Đà Nẵng, hướng tới nhân rộng mô hình ra toàn Thành phố và cả nước.

     Tại Lễ ký kết, bà Đinh Thu Hằng, Giám đốc CECR cho biết, ô nhiễm nước là vấn đề nghiêm trọng, có tác động trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế. Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới, năm 2019, nếu không có hành động ngay lập tức, ô nhiễm nước ở Việt Nam có thể gây thiệt hại kinh tế lên tới 3.5% GDP. Với tài trợ của USAID, CECR và Mạng lưới Bảo tồn Nguồn nước Việt Nam sẽ phối hợp với Sở TN&MT Đà Nẵng triển khai Dự án “Chung tay Hành động Bảo vệ Nguồn nước”, huy động sự tham gia cũng như nguồn lực từ chính quyền địa phương, khu vực tư nhân, các trường đại học và cộng đồng triển khai các giải pháp sáng tạo, tích hợp để ngăn ngừa các nguồn ô nhiễm nước từ nước thải, rác thải, nhằm bảo vệ chất lượng các nguồn nước mặt tại Thành phố Đà Nẵng.

     Trao đổi về Dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương”, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Phó Giám đốc Trung tâm GreenHub nêu lên các phương thức tiếp cận mới của Dự án là: Nâng cao năng lực của địa phương; huy động sự tham gia của các bên; địa phương làm chủ; đồng xây dựng một nền tảng số cộng đồng. Đây là một dự án kịp thời để chung tay xây dựng Kế hoạch Hành động giảm thiểu rác thải nhựa cấp thành phố và thực hiện các hành động giảm thiểu rác nhựa cụ thể ở 2 quận Hải Châu, Cẩm Lệ, là tiền đề để nhân rộng trên quy mô toàn Thành phố và toàn quốc.

     Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng đánh giá cao sự hỗ trợ của USAID và các tổ chức đã đồng hành cùng Kế hoạch Hành động của Thành phố Đà Nẵng hướng đến trở thành Thành phố Môi trường, đồng thời khẳng định cam kết của Đà Nẵng về sự tham gia của người dân hướng tới mục tiêu này. Ông nhấn mạnh, Lễ ký kết trực tuyến các dự án còn là sự kiện có ý nghĩa rất đặc biệt, nằm trong chuỗi các hoạt động để hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 5/6 với chủ đề “Phục hồi Hệ sinh thái”; là ngày để nhắc nhở, thúc đẩy mỗi người dân chung tay tham gia vào các hoạt động cụ thể, có ý nghĩa thiết thực cho chính môi trường sống của chúng ta. Đối với Thành phố Đà Nẵng, hoạt động bảo tồn nguồn nước, quản lý rác thải nhựa, thực hiện phân loại rác tại nguồn,  được  xác định là tiêu chí rất quan trọng để hướng tới mục tiêu trở thành Thành phố môi trường và sẽ là hoạt động xuyên suốt trong công tác BVMT của Thành phố trong thời gian tới.

     Có thể nói, Lễ ký kết đã đánh dấu bước tiến mới, cam kết mạnh mẽ của Sở TN&MT Đà Nẵng, phối hợp cùng CECR, GreenHub thực hiện các hoạt động nâng cáo chất lượng nguồn nước, thúc đẩy tính chủ động của địa phương, kết nối và sử dụng thông tin để giải quyết các thách thức trong vấn đề liên quan đến rác thải nhựa, tác động của rác thải nhựa đến sức khỏe cộng đồng.

Gia Linh

Thông tin các dự án

      • Dự án Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước: Dự án do CECR và các thành viên Mạng lưới Bảo tồn nước Việt Nam (VIWACON) thực hiện tại Hà Nội và Đà Nẵng, nhằm thúc đẩy chia sẻ trách nhiệm, hành vi và thực hành giữa các tổ chức phi Chính phủ địa phương, CBO, hiệp hội, doanh nghiệp, Chính phủ, cộng đồng và người dân, góp phần giảm thiểu nước ô nhiễm ở cấp cộng đồng, cấp tỉnh và cấp quốc gia. Tại Đà Nẵng, CECR và các thành viên VIWACON sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở TNMT Đà Nẵng/Chi cục BVMT Đà Nẵng, UBND quận Thanh Khê, UBND huyện Hòa Vang, Ban điều phối lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn tại Quảng Nam và Đà Nẵngcùng các tổ chức địa phương khác để thực hiện 5 hợp phần bao gồm: Ngăn ngừa ô nhiễm nước tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, dưới sự phối hợp giữa Chi cục BVMT Đà Nẵng, CECR, Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang; Xây dựng mô hình khu dân cư phát triển bền vững,phối hợp giữa Phòng TN&MT quận Thanh Khê và huyện Hòa Vang, Chi cục BVMT Đà Nẵng, CECR, C&E; Thúc đẩy các sáng kiến sử dụng nước thông minh giữa Chi cục BVMT Đà Nẵng, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, CECR, Viện Khoa học & Công nghệ Môi trường; Tăng cường quản lý tài nguyên nước lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và hợp tác triển khai Đề án Thành phố Môi trường giai đoạn 2021- 2030 giữa Sở TN&MT Đà Nẵng, CECR, CEWAREC, Sở TN&MT Quảng Nam; Kết nối mạng lưới cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức khoa học, tổ chức phi Chính phủ, tổ chức xã hội trong bảo vệ tài nguyên nước giữa Sở TN&MT Đà Nẵng,CECR, các tổ chức xã hội, chính trị khác tại Đà Nẵng.

     • Dự án Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương: Mục tiêu nhằm giảm ô nhiễm rác thải nhựa thông qua các hành động tập thể từ Trung ương tới địa phương, huy động sự tham gia của các bên liên quan, cộng đồng và cá nhân, tập trung vào: Kiến thức về sức khỏe môi trường; Giải pháp dựa trên thông tin, dữ liệu; Vận động chính sách; Các sáng kiến kinh doanh và sự tham gia của doanh nghiệp; Truyền thông (truyền thống và hiện đại). Dự án triển khai từ tháng 8/2020 đến tháng 7/2023 tại 4 địa bàn: Hà Nội, Hạ Long (Quảng Ninh), Đà Nẵng và Hội An (Quảng Nam).

     Dự án xây dựng, thúc đẩy và gắn kết các mạng lưới, cộng đồng, cá nhân tại 4 địa bàn, trong đó có Thành phố Đà Nẵng với các nhóm hoạt động chính: Hỗ trợ xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động Giảm thiểu rác thải nhựa cấp quận; Hỗ trợ xây dựng và thực hiện chính sách liên quan đến quản lý rác thải nhựa cấp Thành phố; Tài liệu hóa, chia sẻ thông tin và truyền thông kết nối thông qua nền tảng số; Kết nối, trao đổi bài học kinh nghiệm giữa các địa phương trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa.

     Dự án sẽ được triển khai trên địa bàn quận Cẩm Lệ và quận Hải Châu, phối hợp cùng Sở TN&MT Thành phố Đà Nẵng và các cơ quan/đơn vị liên quan tại địa phương. Kết quả dự kiến: 2 Kế hoạch hành động cấp quận; 10,000 người dân tham gia vào các hoạt động của Dự án; Tổ công tác có ít nhất 25 thành viên tổ chức/cá nhân được nâng cao năng lực; Huy động nguồn lực địa phương (con người, vật lực, tài chính) từ khu vực nhà nước và khu vực tư nhân để giải quyết các vấn đề ô nhiễm nhựa; Tài trợ ít nhất 20 sáng kiến nhỏ/hành động về giảm thiểu rác thải nhựa cấp cộng đồng; Chính sách liên quan đến quản lý rác thải nhựa Thành phố; 3 hội thảo/đối thoại thường niên giữa các thành viên mạng lưới và các đối tác chính tại địa phương về quản lý rác nhựa; Nền tảng số có sự đóng góp của cộng đồng, nhằm nâng cao hiểu biết về sức khỏe môi trường, giám sát ô nhiễm nhựa và liên kết các giải pháp số tại Đà Nẵng.

 

Ý kiến của bạn