10/09/2024
Có thể thấy, tình trạng ô nhiễm nhựa ở Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, tạo ra những thách thức lớn về quản lý môi trường và yêu cầu sự hợp tác và nỗ lực từ mọi tầng lớp trong xã hội để đối mặt và giải quyết vấn đề này. Điều đáng chú ý, để giảm thiểu rác thải nhựa, việc tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức là nền tảng quan trọng. Những hành động nhỏ như hạn chế sử dụng túi ni lông, sử dụng chai và lọ thủy tinh thay vì nhựa, ưu tiên mua sản phẩm đóng hộp giấy thay vì hộp nhựa… sẽ đóng góp tích cực vào cuộc chiến chống rác thải nhựa.
Theo số liệu khảo sát hiện trạng rác thải phát sinh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế trong những năm gần đây của Sở TN&MT, bình quân hơn 675 tấn rác thải ra mỗi ngày; trong đó rác thải nhựa và kim loại chiếm từ 8 - 18%. Con số này chính là hồi chuông cảnh báo khi môi trường sống - mẹ thiên nhiên, đang “kêu cứu” bởi rác thải nhựa đang bủa vây. Trong khi đó, đáng lo ngại hơn khi cơ sở hạ tầng thu gom, xử lý rác thải ở địa phương còn hạn chế, người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác hằng ngày, chủ yếu được thu gom cùng với các loại chất thải rắn sinh hoạt sau đó được chôn lấp hoặc đốt.
Thông điệp cần lan tỏa
Trước thực trạng đó, Thừa Thiên - Huế đã triển khai nhiều hoạt động, phong trào nhằm ngăn chặn không để rác thải nhựa phát sinh, bảo đảm môi trường sống trong lành, an toàn bền vững. Trong đó, TP. Huế đang phấn đấu trở thành một điểm đến di sản hội tụ đầy đủ các yếu tố “xanh, sạch, đẹp”. Vì vậy, Huế đang nỗ lực thực hiện nhiều hoạt động thiết thực trong cộng đồng, phấn đấu đến hết năm 2024 TP. Huế giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường. Để trở thành một đô thị giảm nhựa kiểu mẫu thì các mô hình về giảm thiểu rác thải nhựa, truyền thông nâng cao nhận thức trong cộng đồng luôn là chìa khóa quan trọng.
Đặc biệt, năm 2024, Trung tâm Truyền thông TN&MT phối hợp với chính quyền địa phương đã triển khai thí điểm mô hình “Xã giảm nhựa - xanh tương lai” tại TP. Huế nhằm giảm thiểu rác thải nhựa tại hộ gia đình, khu dân cư hướng tới bảo vệ TN&MT biển. Các hoạt động trong mô hình gồm: Tuyên truyền, vận động người dân tham gia phân loại, thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt, hoạt động trong nông nghiệp cũng như thay đổi các thói quen, hành vi trong sinh hoạt, sản xuất ảnh hưởng tới môi trường.
Người dân tham gia dọn vệ sinh môi trường tại TP. Huế
Cái hay của “Xã giảm nhựa - xanh tương lai” không chỉ dừng lại ở một thời điểm mà đã trở thành một nếp sống đẹp, đã hình thành ý thức đẹp, thói quen tốt của người dân, là hoạt động thường xuyên tại mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn. Bên cạnh đó, phong trào chống RTN tại TP. Huế đã được lan tỏa, nhân rộng ở các cấp, các ngành từ thành phố đến từng cơ sở. Việc sử dụng bình đựng nước thủy tinh thay thế chai nhựa dùng một lần trong phòng làm việc, tại các cuộc họp, hay khuyến khích, hỗ trợ khách hàng dùng túi sinh học, túi giấy dùng nhiều lần thay thế túi ni lông tại các siêu thị, trung tâm thương mại là một trong những minh chứng điển hình. Trong đó, phải kể đến các cấp hội phụ nữ đã triển khai nhiều mô hình, như “Phụ nữ sống xanh, đi chợ không túi ni lông”, “Gia đình 5 không 3 sạch”, “Phân loại và xử lý rác thải bằng phương pháp vi sinh bản địa (IMO) và “Tiết kiệm và tận dụng”, “Biến rác thành tiền” để gây quỹ hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn từ nguồn phế liệu, RTN tái chế... đã đem lại hiệu quả và được đánh giá cao.
Có thể nói, mô hình “Xã giảm nhựa - xanh tương lai” giúp nâng cao nhận thức của người dân về tác động của rác thải nhựa và truyền thông thay đổi hành vi hướng tới từ chối, tiết giảm, tái sử dụng, tái chế rác thải và sống xanh; cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp… Việc tham gia vào mô hình này sẽ giúp TP. Huế huy động thêm nguồn lực triển khai các hoạt động cải thiện hệ thống quản lý chất thải rắn và giảm thiểu rác thải nhựa cũng như có cơ hội được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các đô thị khác trong và ngoài nước. Qua đó, hình ảnh của TP. Huế nói riêng và Thừa Thiên - Huế nói chung sẽ được củng cố trong mắt du khách và bạn bè quốc tế, góp phần cải thiện điều kiện sống và làm việc của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hồng Nhung