07/12/2021
Hiện nay, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ đô thị hóa cao, số lượng xe gắn máy cũng như xe ô tô tăng nhanh. Đây là những phương tiện giao thông phổ biến có tính linh hoạt cao, người dân thường xuyên sử dụng để đi lại. Tuy nhiên, nhiều người dân không có thói quen bảo dưỡng xe thường xuyên, cũng như chưa chú ý đến việc giữ gìn xe để đảm bảo yêu cầu an toàn kỹ thuật và BVMT, do đó, các vấn đề về ô nhiễm môi trường không khí từ các phương tiện giao thông ngày càng nghiêm trọng.
Tác động của việc sử dụng xe máy đối với môi trường và sức khỏe
Theo thống kê của Dự án xây dựng chiến lược An toàn giao thông với xe máy do Quỹ hội nhập Nhật Bản - ASEAN (JAIF) tài trợ, tính đến hết năm 2018, toàn quốc có 58.170.000 xe mô tô, xe gắn máy. Tại Hà Nội, tính đến quý 1/2019, Hà Nội quản lý 6.649.596 phương tiện; trong đó có 5.761.436 xe máy. Đặc biệt, số lượng xe máy đã sử dụng trên 10 năm chiếm 52% và sẽ làm gia tăng mức phát thải chất độc hại vào không khí nếu các xe cũ không được bảo dưỡng theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất. Theo số liệu phương tiện được Phòng Cảnh sát Giao thông thống kê, xe máy đang chiếm đến 86% lượng phương tiện giao thông đang lưu hành ở Hà Nội. Dự tính, với tốc độ tăng trưởng xe máy 7,66%/năm như hiện nay thì đến năm 2025, Hà Nội sẽ có 7,3 triệu xe máy; đến năm 2030 sẽ có 7,7 triệu xe máy. Tại TP. Hồ Chí Minh, theo số liệu của Sở Giao thông Vận tải (GTVT), tính đến tháng 9/2020, số lượng xe máy là 7.408.124 chiếc. Trong đó, số lượng xe đã sử dụng trên 10 năm chiếm tới gần 68% tổng lượng xe đang lưu hành. Tuy nhiên, do TP. Hồ Chí Minh là trung tâm của vùng và cả nước, dẫn đến việc thu hút lượng lớn người dân ngoại tỉnh đến sinh sống và làm việc, kèm theo đó là lượng xe máy đăng ký biển số ngoại tỉnh với số lượng không nhỏ đến và lưu thông trên địa bàn thành phố. Viện Chiến lược phát triển GTVT đã tiến hành khảo sát, tính toán và dự báo số lượng xe máy thực tế đang lưu hành trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh dao động trong khoảng từ 6,43 - 6,96 triệu chiếc đã bao gồm các xe nội tỉnh (biển số đăng ký tại thành phố) và các xe ngoại tỉnh. Về cơ cấu các loại phương tiện, tại TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ xe máy chiếm khoảng 93,1% số lượng phương tiện, tốc độ tăng trưởng ở mức 6,7%/năm.
Kiểm tra khí thải xe máy miễn phí cho người dân tại TP. Hồ Chí Minh
Có thể thấy, mức độ và cường độ phát thải các chất ÔNKK từ hoạt động của các phương tiện tham gia giao thông gia tăng theo thời gian và ngày càng vượt quá giới hạn cho phép. Các chất này bao gồm: Các hạt bụi lơ lửng, khí ô-xít các-bon (CO), hi-đrô các-bon (HC), các dạng ô-xít ni-tơ (NOx) và các chất khác. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do: Số lượng các phương tiện giao thông cá nhân lớn và đang tăng lên nhanh chóng; các hoạt động kiểm tra bảo dưỡng đối với xe máy chưa được thực hiện phù hợp; và tắc nghẽn giao thông ngày càng phổ biến ở các thành phố lớn. Tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, xe mô tô, xe gắn máy chiếm đến 95% về số lượng, mặc dù chỉ tiêu thụ 56% xăng nhưng lại thải ra tới 94% lượng HC; 87% CO; 57% NOx... trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới. Các chất ô nhiễm này gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng môi trường không khí đô thị và là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân. Đặc biệt, theo các nghiên cứu gần đây của Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (INEST), thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội cho thấy, tại Hà Nội, khí thải xăng và dầu diesel từ giao thông đóng góp khoảng 46% lượng bụi siêu mịn PM0 và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs) từ xe máy chiếm hơn 90% vào tổng mức VOC trong hoạt động giao thông của Hà Nội.
Lợi ích của kiểm soát khí thải từ xe mô tô, xe gắn máy
Cải thiện chất lượng không khí
Việc kiểm tra và bảo dưỡng xe máy định kỳ góp phần cải thiện khí thải và từ đó giảm ÔNKK, đặc biệt là khu vực thành thị. Theo Báo cáo tổng kết “Nghiên cứu, đánh giá thực trạng phát thải của xe máy đang lưu hành hướng tới kiểm soát khí thải góp phần cải thiện chất lượng môi trường không khí tại TP. Hồ Chí Minh” của Sở GTVT, kết quả kiểm tra khí thải trước và sau bảo dưỡng cho 1.607 xe máy tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy nồng độ CO và HC lần lượt giảm trung bình là 2,98% và 1.006 ppm.
Nồng độ CO và HC trung bình khí thải 1.607 xe máy tại TP. Hồ Chí Minh
Tuổi xe |
Trước bảo dưỡng |
Sau bảo dưỡng |
||
CO (%) |
HC (ppm) |
CO (%) |
HC (ppm) |
|
Từ 10 năm trở lên |
6,30 |
2.331,6 |
3,42 |
1.073,46 |
Từ 7-10 năm |
5,40 |
1.984,75 |
2,69 |
877,59 |
Từ 5-7 năm |
3,90 |
2.040,08 |
1,59 |
938,96 |
Trung bình |
5,74 |
2.206,03 |
2,98 |
1.006,8 |
Nguồn: Viện Khoa học và Công nghệ GTVT
Tiết kiệm chi phí, giảm lượng xăng tiêu thụ
Cũng theo Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, năm 2019, nếu người sử dụng xe thực hiện chế độ bảo dưỡng định kỳ theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất thì có thể kiểm soát tốt lượng khí thải, giảm mức tiêu hao xăng của xe (7%). Theo đó, giả thiết có 100% số xe hoạt động thường xuyên, mỗi năm bình quân đi 4,622 km/năm với mức độ tiêu thụ nhiên liệu trung bình khoảng 0,0236 lít xăng/km18, một năm mỗi xe sẽ tiêu tốn 109.08 lít/năm xăng, thì Việt Nam sẽ tiết kiệm được lượng nhiên liệu cho 55,138,589 xe máy trong một năm là 421,016,210 lít xăng (tương đương 421,106.21 m3 xăng).
Tăng cường thu hút đầu tư thương mại và du lịch, tạo ra cơ hội việc làm
Với việc lượng khí thải độc hại ra môi trường đô thị giảm, một môi trường sạch và tốt cho sức khỏe chắc chắn sẽ tăng tính hấp dẫn về du lịch, đầu tư, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời tạo thêm nhiều việc làm cho ngành dịch vụ kiểm tra và bảo dưỡng xe. Một ví dụ cho tác động của ÔNKK đối với du lịch nội địa tại Trung Quốc là kết quả phân tích dữ liệu từ 274 thành phố trong giai đoạn 2009 - 2012 đã kết luận rằng, ÔNKK làm giảm đáng kể lượng khách quốc tế tới du lịch nội địa của quốc gia này. Theo đó, tăng thêm 0,1 mg/m3 PM10 sẽ làm giảm 0,45 điểm phần trăm tỷ lệ phần nguồn thu cho du lịch địa phương từ khách du lịch quốc tế đóng góp vào tổng sản phẩm quốc nội.
Chương trình thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy
Nhằm góp phần cải thiện chất lượng không khí tại các thành phố lớn thông qua việc kiểm soát mức độ phát thải chất gây ÔNKK của xe mô tô, xe gắn máy, Chương trình “Xe sạch - Trời xanh” sẽ được thực hiện tại 3 thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng trong thời gian từ tháng 4/2020 - 6/2022. Kiểm tra khí thải xe máy sẽ được tiến hành ở chế độ không tải và xác định các thông số CO, HC bởi các thợ chuyên nghiệp. Việc hỗ trợ chuyển đổi xe máy cũ sẽ được thí điểm tại Hà Nội. Hoạt động chính của chương trình là tổ chức kiểm tra khí thải miễn phí cho khoảng 18.000 xe gắn máy tại 3 thành phố cùng với các hoạt động truyền thông, khảo sát ý kiến chủ phương tiện và ưu đãi sửa chữa bảo dưỡng cho phương tiện tại các cửa hàng đại lý ủy quyền thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM). Mục tiêu chương trình nhằm đánh giá thực trạng và nghiên cứu ảnh hưởng của phát thải xe máy đặc biệt là biệt là xe máy cũ đến chất lượng không khí, cung cấp cơ sở khoa học cho quá trình xây dựng, thực thi các chính sách và biện pháp về giao thông bền vững; Thúc đẩy trách nhiệm mở rộng của các nhà sản xuất đối với xe mô tô, xe gắn máy (Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR); Luật BVMT năm 2020 (Điều 54 và 55)); Nâng cao nhận thức và tạo thành thói quen thực hiện kiểm tra khí thải thường xuyên và giúp người dân có xe máy cũ chủ động thực hiện đổi xe trong thời gian triển khai Chương trình.
Khi tham gia Chương trình, chủ phương tiện sẽ được hỗ trợ các khoản chi phí như: Bảo dưỡng nhằm kiểm soát khí thải xe máy: khoảng 110.000 đồng/xe/năm cho phần bảo dưỡng nhằm cải thiện chất lượng khí thải của xe máy. Phần thay dầu, lọc gió, bugi… khoảng 220.000 đồng/lần và thời gian sử dụng bình quân là 2 năm, chi phí này chỉ phụ thuộc vào thời giá tại thời điểm thực tế của từng cơ sở bảo dưỡng chứ không phụ thuộc vào tuổi của xe hoặc thời gian bảo hành. Kiểm định hàng năm: ước tính 35.000 đồng/xe/năm phí kiểm định.
Phạm vi, thời gian và địa điểm thực hiện Chương trình
Địa bàn |
TP. Hồ Chí Minh |
Hà Nội |
Đà Nẵng |
Số xe được đo kiểm khí thải |
10.000 |
5.000 |
3.000 |
Thời gian |
4 - 10/2020 |
9/2021 - 6/2022 |
12/2021-6/2022 |
Địa điểm |
Tại các đại lý chính thức của các hãng thuộc Hiệp hội các |
Đến nay, Chương trình Xe sạch - Trời xanh tại TP. Hồ Chí Minh đã được thực hiện trong năm 2020 với 10.628 xe máy được đo kiểm. Qua kết quả kiểm tra khí thải trước bảo dưỡng cho 10.682 xe máy cho thấy, trong 2.740 xe từ 10 năm trở lên, có 1.077 xe không đạt TCVN khí thải mức 1, chiếm 39,31%; 1.169 xe không đạt TCVN khí thải mức 2, chiếm 42,66%. Kiểm tra 2.570 xe từ 7 đến 10 năm, có 424 xe không đạt TCVN khí thải mức 1, chiếm 16,5%; 536 xe không đạt TCVN khí thải mức 2, chiếm 20,86%. Kiểm tra 2.088 xe từ 5 đến 7 năm, có 267 xe không đạt TCVN khí thải mức 1, chiếm 12,79%; có 429 xe không đạt TCVN khí thải mức 2, chiếm 20,55%. Kiểm tra 3.284 xe dưới 5 năm, có 84 xe không đạt TCVN khí thải mức 1, chiếm 2,56%; có 284 xe không đạt TCVN khí thải mức 2, chiếm 8,65%. Về kiểm tra khí thải sau bảo dưỡng cho thấy, 1.607 xe máy trên 5 năm không đạt tiêu chuẩn TCVN 6438-2018 mức 1, 2 trước bảo dưỡng. Trong đó, kiểm tra 989 xe từ 10 năm trở lên, có 292 xe không đạt TCVN khí thải mức 1 chiếm 29,52%, có 367 xe không đạt TCVN khí thải mức 2 chiếm 37,11%. Kiểm tra 391 xe từ 7 đến 10 năm có 82 xe không đạt TCVN khí thải mức 1 chiếm 20,97%, có 117 xe không đạt TCVN khí thải mức 2 chiếm 29,92%. Kiểm tra 227 xe từ 5 đến 7 năm, có 28 xe không đạt TCVN khí thải mức 1 chiếm 12,33%, có 63 xe không đạt TCVN khí thải mức 2 chiếm 27,75%.
Tại Hà Nội, ngày 22/7/2021, UBND TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch về triển khai thực hiện đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn Thành phố. Đây là cơ sở để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí cho Thủ đô Hà Nội. Theo đó, số lượng được đo kiểm dự kiến 3.000 - 5.000 xe mô tô, xe gắn máy của các hãng: Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio, SYM... Người dân Thủ đô được kiểm tra khí thải xe máy miễn phí khi chủ động mang xe đến trạm kiểm định ở các quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông và được các chuyên gia của các hãng tư vấn về tình trạng xe và các giải pháp khác, nhằm bảo đảm an toàn giao thông và hạn chế phát thải gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe. Các phương tiện vẫn tiếp tục được lưu hành trên địa bàn Thành phố sau khi được kiểm tra và tư vấn. Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam sẽ hỗ trợ một phần chi phí bảo dưỡng và phụ tùng thay thế cho xe không đạt tiêu chuẩn khí thải. Đối với Đà Nẵng, UBND TP đang xây dựng đề án thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố.
Nguyễn Văn Thắng
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2021)