24/02/2023
Ngày 24/2/2023, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Liên minh châu Âu (EU) phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) tổ chức Hội thảo kỹ thuật về sản xuất và thương mại nông sản không gây mất rừng. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án ‘Quản lý cảnh quan bền vững, toàn diện thông qua cách tiếp cận địa bàn phát triển bền vững không gây mất rừng tại Lâm Đồng và Đăk Nông - gọi tắt là Dự án iLandscape ” do EU tài trợ.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo cho biết, xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong thời gian tới sẽ chịu không ít tác động bởi quy định mới của EU về các sản phẩm không phá rừng. Trong đó, cà phê là mặt hàng chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất của ngành nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trưởng châu Âu. Tây Nguyên, là khu vực sản xuất nông nghiệp có tầm quan trọng trong Chiến lược phát triển ngành nông nghiệp của Việt Nam không chỉ được biết đến là thủ phủ của cà phê, nơi đây còn phát triển mạnh các sản phẩm nông nghiệp khác như cao su, hồ tiêu, cây ăn trái. Hội thảo này nhằm chia sẻ các quy định của EU cũng như kinh nghiệm của các doanh nghiệp quốc tế về phát triển các ngành hàng, sản phẩm nông sản không gây mất rừng, nhằm phát triển các ngành hàng nông sản của Việt Nam đáp ứng các quy định của EU.
Tại Hội thảo, ông Jose Arturo Santos, chuyên gia kỹ thuật của UNDP đã trình bày về bối cảnh mới liên quan đến sản xuất và thương mại không gây mất rừng. Theo Báo cáo, mức độ phá rừng trên toàn cầu đáng báo động, làm trầm trọng thêm tình trạng suy giảm đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu (BĐKH). Từ năm 1990 đến nay, thế giới đã mất hơn 420 triệu ha rừng (tương đương với diện tích đất liền của Đông Nam Á). Trong khi đó, hệ thống nông nghiệp của thế giới càng mở rộng diện tích để sản xuất lương thực đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trên toàn cầu (ước tính thị trường thực phẩm toàn cầu sẽ tăng gấp đôi trong 50 năm tới). Báo cáo cũng nhận định khoảng 80% nạn phá rừng toàn cầu là do mở rộng và quản lý kém đất nông nghiệp để sản xuất các mặt hàng như gia súc, gỗ, dầu cọ, đậu nành, ca cao và cà phê…. Để ngăn chặn tình trạng trên, nhiều khung chính sách quốc tế đã được ban hành như: Năm 2019, tại COP lần thứ 15, REDD+ là giải pháp khí hậu ưu việt dựa vào rừng, nhằm giám sát rừng, chống suy thoái rừng. Vào năm 2014, Tuyên bố của New York về rừng (NYDF) được thông qua với sự tham gia của các quốc gia, khu vực, công ty nhằm ngăn chặn nạn phá rừng. UNDP chủ trì nền tảng toàn cầu này. Vào năm 2015, Tuyên bố Amsterdam (ADP) được công bố trong bối cảnh Thỏa thuận Khí hậu Paris và được xây dựng dựa trên các cam kết của NYDF… Năm 2021, tại COP26, các bên ký kết Tuyên bố Glasgow về sử dụng đất và rừng cam kết “ngăn chặn và đảo ngược” tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030 (141 quốc gia đăng ký tham gia, chiếm 90% diện tích rừng toàn cầu). Vào tháng 9/2022, các dự luật của châu Âu đã được thông qua để cấm nhập khẩu các mặt hàng liên quan đến nạn phá rừng. Các công ty nhập khẩu sẽ được yêu cầu xác minh xem các sản phẩm bán trên thị trường EU có được sản xuất tại các khu vực bị phá rừng hay không, bao gồm cả rừng nhiệt đới Amazon. Cũng trong năm 2022, Bộ Ngoại giao (Mỹ ) đã yêu cầu các bên liên quan đóng góp ý kiến về phương án chống nạn phá rừng quốc tế liên quan đến các mặt hàng.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Chia sẻ về những quy định mới của EU về các sản phẩm không phá rừng, ông Jesus Lavina, Phó ban Hợp tác Phát triển, Phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết Quy định của EU, dự kiến có hiệu lực vào tháng 5,6/2023. Theo đó, không có bất cứ hàng hóa và sản phẩm nào trong phạm vi của Quy định được phép đưa vào thị trường châu Âu nếu các sản phẩm này được sản xuất trên đất bị chặt phá rừng hay suy thoái rừng sau ngày 31/12/2020.
Với những nỗ lực hướng tới nền kinh tế bền vững hơn, tại Hội thảo, Bà Karina Barrera, trợ lý cấp cao của Bộ trưởng Bộ Môi trường, Nước và Chuyển đổi Sinh thái, phụ trách BĐKH của Ecuador đã chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện chính sách phát triển sản phẩm cà phê thân thiện hơn với rừng và khí hậu, giải quyết hiệu quả nạn phá rừng ở nước này.
Ngoài ra, tại Hội thảo, ông Patrick Haverman, phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đã trình bày về cách tiếp cận địa bàn phát triển bền vững không gây mất rừng, dự án UNDP đang triển khai thí điểm tại Lâm Đồng và Đăk Nông. Dự án nhằm tiếp nối những nỗ lực góp phần cải thiện môi trường và xã hội bền vững, sự bền vững của các chuỗi sản xuất thức ăn và chuỗi cung cấp tại Tây Nguyên, Việt Nam. Mục đích của Dự án là: Tăng cường sự tham gia tích cực của các bên liên quan trong quy hoạch và giám sát sử dụng đất; xác định và phát triển các thực hành nông nghiệp thân thiện với môi trường; cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và thúc đẩy liên kết đa bên giữa chính phủ, nông dân, và các công ty đa quốc gia để tận dụng vai trò và phương tiện của họ; hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn và mô hình hàng hóa bền vững và không phá rừng, đáp ứng các quy định toàn cầu mới.
Dịp này, ông Patrick Haverman cũng cam kết, với các quy định và bối cảnh quốc tế gần đây về sản xuất và thương mại bền vững và chuỗi cung ứng không gây mất rừng, UNDP sẵn sàng làm việc với các đối tác chính phủ và khối tư nhân để tạo một môi trường thuận lợi cho chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp không gây mất rừng và hỗ trợ các mô hình thương mại và sản xuất không gây mất rừng.
Tại phiên thảo luận, ông Mario Cerutti, Giám đốc Quan hệ Thể chế và Bền vững của Lavazza sẽ thảo luận về vai trò của các công ty tư nhân trong việc hợp tác với chính phủ và các nhà sản xuất địa phương để giảm thiểu biến đổi khí hậu và loại bỏ nạn phá rừng. Bà Katrien Delaet, Chủ tịch và Cổ đông sáng lập của Silva Cacao đã phân tích về những thách thức và cơ hội của việc xác định hướng sản xuất bền vững không gây mất rừng. Đây là những kinh nghiệm để Việt Nam xây dựng lộ trình phát triển các ngành hàng nông sản nhằm đáp ứng các quy định của EU trong thời gian tới.
Châu Loan