06/10/2021
Những năm gần đây, Hội An đón khoảng 1.5 triệu lượt khách du lịch. Riêng đảo Cù Lao Chàm, ngay trước đại dịch Covid, năm 2019 vẫn đón khoảng 424.000 khách đến với đảo. Việc phát triển nhanh chóng nhưng nặng tính tự phát của du lịch, cùng với hoạt động của các công trình xây dựng, dự án bất động sản đã và đang phá vỡ cảnh quan môi trường, suy giảm sức khỏe của hệ sinh thái, thảm cỏ biển và nhiều sinh cảnh tự nhiên khác.
Bên cạnh đó, vấn đề quản lý rác thải cũng gặp những khó khăn, trung bình mỗi ngày có 0.19 kg rác/người dân địa phương và 0.6 kg rác/khách du lịch thải ra. Theo thống kê năm 2020, đảo Cù Lao Chàm với dân số 2,429 người, cùng với gần 3.000 khách du lịch mỗi ngày, đã thải ra khoảng 5 tấn rác. Thành phố (TP) đứng trước sức ép hết diện tích chôn lấp rác hợp vệ sinh, môi trường không khí và nguồn nước tại bãi rác Cẩm Hà bị ô nhiễm, làm ảnh hưởng môi trường sống đối với khu vực dân cư lân cận. Kết quả kiểm toán rác thải cụ thể thành phần rác vô cơ tại 2 xã Cẩm Thanh và Tân Hiệp (Cù Lao Chàm) vào tháng 6/2020 cho thấy, thành phần chủ yếu là túi ni-lông (ni-lông trắng và ni-lông màu, 53%) và các loại bao bì (một lớp và nhiều lớp, 32%).
Đặt mục tiêu xây dựng Hội An thành một “Điểm đến xanh” vào năm 2023, đặc biệt đảo Cù Lao Chàm là “đảo không rác thải” năm 2025, Hội An đã áp dụng nhiều giải pháp nhằm quản lý rác thải một cách bền vững. Hội An xác định vấn đề phát triển dựa trên ba yếu tố là phát triển kinh tế du lịch, giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa và đề cao công tác BVMT. Nhận thức được vấn đề và tầm quan trọng đó, từ năm 2009, TP đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch liên quan và đã thực hiện tốt nhiều nội dung. Năm 2019, nhận thấy tình trạng cấp bách của vấn đề môi trường và rác thải, Thành ủy Hội An đã ban hành nhiều chỉ thị nhằm hướng dẫn và phát động giảm thiểu rác thải, hạn chế sử dụng túi ni-lông, thực hiện tốt phân loại rác tại nguồn như Chỉ thị số 37-CT/TU về việc tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân nâng cao ý thức và giảm thiểu sử dụng túi ni-lông nhằm góp phần BVMT; Chỉ thị số 15-CT/TU về tăng cường kiểm soát, giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni-lông khó phân hủy; tiếp tục thực hiện chủ trương phân loại rác tại nguồn để BVMT TP (Chỉ thị số 15-CT/TU). Trên tinh thần đó, ngày 9/3/2020, UBND TP. Hội An cũng đã ban hành Chương trình hành động số 613/CTHĐ –UBND triển khai thực hiện các chỉ thị này.
Việc triển khai mô hình phân loại rác tại nguồn sớm từ năm 2012 đã tạo thuận lợi cho TP. Hội An khi áp dụng các giải pháp mới trong quản lý và giảm thiểu rác thải. Nhờ các chính sách sáng tạo như “Đảo Cù Lao Chàm nói không với túi ni-lông” hay “Xách giỏ đi chợ, phong cách của người nội trợ”, lượng rác thải nhựa trên đầu người của Cù Lao Chàm giảm còn thấp hơn 4 lần so với Hạ Long.
Cùng với mô hình phân loại rác tại nguồn, nhiều mô hình, sáng kiến cũng được ra đời tại Hội An như mô hình văn phòng, hội thảo, hội nghị, họp cơ quan không dùng chai nước uống bằng nhựa sử dụng một lần; sản xuất ống hút tre, cỏ, giấy, sậy, hộp, đĩa đựng thức ăn bằng bã mía; nhóm TP sinh thái, xây dựng sách trắng về rác thải TP. Hội An. Sự tham gia đông đảo của doanh nghiệp trong các giải pháp hướng đến không rác thải cũng là một điểm nhấn độc đáo của TP. Hội An.
Tập huấn xử lý rác hữu cơ nhà bếp cho cộng đồng xã Cẩm Thanh
Tiếp nối Chỉ thị số 15-CT/TU của Thành ủy Hội An, sau nhiều lần tham vấn các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng, chính quyền Hội An đã xây dựng chi tiết Kế hoạch số 801/KH-UBND ngày 7/4/2021 về việc triển khai các giải pháp giảm thiểu việc sử dụng túi ni-lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần; nâng cao hiệu quả công tác giảm thiểu, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn để BVMT TP năm 2021. Nhằm hướng tới một “Điểm đến xanh” năm 2023, các mục tiêu đặt ra trong kế hoạch này rất ấn tượng như đến cuối năm 2021, 100% cơ quan, đơn vị trường học trên địa bàn TP không sử dụng sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần gồm: túi ni-lông, chai nhựa, ly nhựa, hộp xốp, ống hút, muỗng nhựa; Cam kết từ 30% trở lên các cửa hàng, các hộ tiểu thương trong chợ, siêu thị và các doanh nghiệp không sử dụng đồ nhựa sử dụng một lần; Giảm 3%-5% lượng rác thải ni-lông, ống hút, ly nhựa trong tổng lượng rác thải sinh hoạt của TP. Đặc biệt đặt mục tiêu 30% các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hộ gia đình xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn.
Nhận thức rằng du lịch hướng đến xanh, BVMT là xu hướng tất yếu của thế giới. Thời gian qua, Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam đã xây dựng một kế hoạch hành động của doanh nghiệp phấn đấu đưa Hội An trở thành một Điểm đến xanh, trong đó, thực hiện các hành động có tên gọi là 7T tương ứng với chương trình 7R – thực hành không rác. Thông qua việc áp dụng tiết giảm rác thải, tuần hoàn rác thải, doanh nghiệp Hội An không chỉ thay đổi nhận thức từ nhân viên đến du khách, mà còn dùng chính rác thải làm nguồn tài nguyên để kinh doanh. Bên cạnh đó, ngành du lịch Hội An đã đưa trải nghiệm tái chế rác thải đến với du khách khi du khách tham gia ăn uống hay đi tour du lịch. Trước kia, Hội An đã nương tựa vào văn hóa để làm du lịch và đã rất thành công. Sau đó, Hội An định hướng nương tựa vào ngành nông nghiệp để làm du lịch. Đến nay, các doanh nghiệp đã hiểu rằng phải nương tựa vào tự nhiên và đã đến lúc phải nương tựa vào tài nguyên rác để biến thành những sản phẩm du lịch có giá trị.
Trong năm 2019 - 2021, Hội An tiếp tục được chọn làm thí điểm mô hình Không rác thải do tổ chức GAIA tài trợ tại hai xã Cẩm Thanh và Tân Hiệp nhằm tìm kiếm một giải pháp quản lý bền vững. Mặc dù mô hình không rác thải còn rất mới ở Việt Nam và chưa có nhiều tỉnh, thành chấp nhận, thậm chí các cơ quan, tổ chức còn nghi ngại, nhưng lãnh đạo TP. Hội An đã luôn tin tưởng đây là hướng đi đúng đắn và phù hợp nhất cho Hội An. Hiện nay, TP. Hội An đang triển khai xây dựng giai đoạn 2 của Kế hoạch BVMT, từ đó mong muốn được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với các TP không rác trên thế giới để cùng hướng đến một địa cầu không rác thải.
Có thể thấy, mô hình "không rác thải" sẽ góp phần giảm thiểu đáng kể lượng chất thải rắn với các thực hành "không rác" như "từ chối - giảm thiểu - tái sử dụng", có thể chuyển hướng ít nhất 70% chất thải rắn (50% rác hữu cơ và 20% rác tái chế) khỏi bãi chôn lấp hoặc lò đốt. Đây là hướng đi đúng và bền vững, vốn đầu tư nhỏ nhưng mang lại lợi ích lớn từ việc xử lý rác hữu cơ thành phân vi sinh, thu gom triệt để rác tái chế, tạo nhiều việc làm và góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của mọi người, làm cho môi trường ngày một sạch, đẹp hơn. Với những nỗ lực từ chính quyền TP và nhiều bên liên quan, cùng sự đồng lòng và kinh nghiệm của người dân qua nhiều dự án thí điểm trước đó, Hội An rất có tiềm năng trở thành TP không rác thải đầu tiên của Việt Nam.
Lê Thị Trang
Liên minh Không rác Việt Nam (VZWA)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 9/2021)
Tài liệu tham khảo: