08/06/2021
Theo thống kê trên cổng thông tin điện tử của Bộ TN&MT, hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 270 doanh nghiệp đã được cấp phép đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Chỉ tính riêng trong năm 2020, các doanh nghiệp này đã nhập khẩu khoảng 186.000 container phế liệu, trong đó chủ yếu là các loại phế liệu như nhựa, giấy và sắt thép. Việc quản lý nhập khẩu phế liệu, đặc biệt là trừ lùi giấy phép đối với từng loại phế liệu của mỗi đơn vị được cấp phép là thách thức rất lớn đối với ngành Hải quan trong điều kiện các nước xung quanh siết chặt việc nhập khẩu phế liệu, rác thải.
Trở lại thời điểm năm 2018, Trung Quốc (nước đang nhập khẩu phế liệu nhiều nhất thế giới) đã thực hiện một loạt các biên pháp thắt chặt trong nhập khẩu phế liệu. Theo đó, 32 loại chất thải rắn bị cấm nhập khẩu song song với việc cắt giảm nhập khẩu phế liệu là kim loại, nhựa và giấy. Chính sách này của Trung Quốc đã tác động lớn đến chuỗi cung ứng phế liệu trên toàn thế giới và gây ra nguy cơ biến Việt Nam thành đích đến mới của hoạt động xuất khẩu phế liệu và rác thải. Nếu không kịp thời ngăn chặn hoặc quản lý tốt thì rất có thể Việt Nam sẽ hứng chịu hậu quả nặng nề về môi trường khi hàng triệu tấn phế liệu, rác thải ngoài kiểm soát được vận chuyển về các cảng của Việt Nam.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 17/9/2018 về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Hải quan đã gấp rút triển khai hàng loạt các biện pháp trong quản lý nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu phế liệu, rác thải vào Việt Nam, trong đó có việc đưa vào ứng dụng hệ thống quản lý theo dõi phế liệu nhập khẩu toàn quốc (eSCRAP). Đây là một trong những công cụ hữu hiệu nhằm chặn đứng nguy cơ nhập khẩu phế liệu ồ ạt vào Việt Nam.
Hệ thống quản lý theo dõi phế liệu nhập khẩu toàn quốc (eSCRAP) do Tổng cục Hải quan triển khai
Hệ thống quản lý phế liệu nhập khẩu toàn quốc được biết đến là phần mềm có tốc độ xây dựng nhanh nhất trong lịch sử phát triển phần mềm ứng dụng của Hải quan Việt Nam với thời gian xây dựng và triển khai chỉ với 23 tiếng đồng hồ. Mặc dù thời gian xây dựng gấp rút, nhưng hệ thống này vẫn bao gồm đầy đủ các chức năng, công cụ quản lý của một hệ thống hoàn chỉnh từ cấp quyền người dùng, cập nhật thông tin, trừ lùi giấy phép cho tới báo cáo thống kê…Đây là hệ thống thông tin dùng chung cho cùng lúc nhiều bên liên quan như Hải quan, đơn vị kinh doanh cảng, hãng tàu và doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu... Mỗi cơ quan, đơn vị được cấp mã truy cập vào hệ thống phần mềm để cập nhật và theo dõi thông tin. Cơ quan Hải quan thực hiện quản lý trừ lùi giấy phép cho từng lô hàng đăng ký ký quỹ để hạ bãi container xuống bãi cảng cũng như đăng ký trừ lùi theo từng tờ khai nhập khẩu trong khi đơn vị kinh doanh cảng sử dụng để xác nhận từng container cho phép hạ bãi còn các hãng tàu thì theo dõi để biết điều kiện cho phép hạ bãi đối với các container dự kiến tới cảng. Đặc biệt, với hệ thống này, từng đơn vị được cấp phép nhập khẩu có thể theo dõi được số lượng được cấp phép, số lượng đã sử dụng để nhập khẩu và số lượng còn lại được phép nhập khẩu. Với các thông tin cụ thể, chi tiết tới từng lần hạ bãi, từng lô hàng nhập khẩu, hệ thống này đã giúp cho công tác quản lý phế liệu nhập khẩu trở nên minh bạch, chặt chẽ và hiệu quả, giải tỏa được áp lực ngay tại thời điểm khó khăn nhất.
Hệ thống quản lý phế liệu toàn quốc được Tổng cục Hải quan triển khai tới từng chi cục Hải quan trên cả nước. Các đơn vị kinh doanh cảng, hãng tàu và doanh sẽ được Chi cục Hải quan nơi phát sinh thủ tục bàn giao mã truy cập hệ thống và hướng dẫn cài đặt chương trình phần mềm. Ưu điểm của hệ thống là cài đặt đơn giản, tốc độ xử lý nhanh, chính xác và dễ sử dụng, góp phần vào việc ổn định tình hình quản lý phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam. Hiện tại 100% các lô hàng phế liệu nhập khẩu đều được khai báo giấy phép, trừ lùi trên hệ thống này.
Ngoài hệ thống quản lý phế liệu toàn quốc, ngành Hải quan cũng triển khai nhiều hệ thống phần mềm và chính sách đi kèm trong lĩnh vực này như yêu cầu chuẩn hóa khai báo thông tin lược khai hàng hóa (Manifest) đối với hàng hóa là phế liệu; hiệu chỉnh hệ thống một cửa quốc gia đối với phương tiện vận tải xuất nhập cảnh để phối hợp kiểm soát liên ngành trong lĩnh vực này.
Việc đưa vào ứng dụng hệ thống quản lý phế liệu toàn quốc trong điều kiện khẩn cấp nhưng hữu hiệu như vậy đã thể hiện khả năng ứng phó và bề dày kinh nghiệm trong quản lý và ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý của Hải quan Việt Nam và chứng minh khả năng của Hải quan Việt Nam trong việc triển khai thực thi các chính sách quản lý nhà nước một cách hiệu quả, kịp thời. Hiện tại ngành Hải quan đang triển khai xây dựng mô hình hải quan thông minh và chuyển đổi số. Trong tương lai, Hải quan Việt Nam sẽ có hệ thống công nghệ thông tin không chỉ đáp ứng khung kiến trúc Chính phủ điện tử mà sẽ còn nằm trong dẫn đầu của khu vực Đông Nam Á cũng như ngang tầm với các quốc gia phát triển trên thế giới.
Vương Tuấn Nam
Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2021)