Banner trang chủ

Hà Nội: Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, các khu, cụm công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025

05/01/2022

    Ngày 27/12/2021, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đã ký ban hành Kế hoạch số 307/KH-UBND về việc tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, các khu, cụm công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025.

    Theo Kế hoạch, đến hết năm 2025, Hà Nội sẽ hoàn thành xử lý 100% chất thải nguy hại ở các làng nghề, các khu, cụm công nghiệp được xử lý; 100% cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đang hoạt động và xây dựng mới) có trạm xử lý nước thải; 100% làng nghề được công nhận trên địa bàn Hà Nội được đánh giá, phân loại theo quy định hiện hành; 100% làng nghề được công nhận của Hà Nội đáp ứng các điều kiện về BVMT.

Phát triển du lịch làng nghề gắn với BVMT tại làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội)

    Để đạt được mục tiêu này, UBND TP. Hà Nội xác định rõ 2 nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác quản lý; tăng cường công tác BVMT, ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm, suy thoái và nguồn gây ô nhiễm môi trường, kiểm tra, giám sát, từng bước ngăn ngừa ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, các khu, cụm công nghiệp.

    Về giải pháp thực hiện, UBND TP. Hà Nội yêu cầu tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý tài nguyên và BVMT ở các làng nghề, các khu, cụm công nghiệp. Trong đó, Sở TN&MT cần bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về lĩnh vực BVMT làng nghề trên địa bàn Thành phố phục vụ phân loại và quản lý. Xây dựng trình UBND Thành phố ban hành Quyết định phân cấp đánh giá, phân loại mức độ ô nhiễm tại làng nghề trên địa bàn. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện công tác rà soát, đánh giá, phân loại làng nghề trên địa bàn Thành phố theo các quy định hiện hành; Triển khai hiệu quả Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND ngày 24/10/2019 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành quy định về BVMT làng nghề trên địa bàn Thành phố; Đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng hệ thống quan trắc tự động khí thải, nước thải trên địa bàn để kiểm soát ô nhiễm môi trường, trong đó có khu vực làng nghề; Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa cơ quan quản lý môi trường với lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường trong thanh tra, kiểm tra, giám sát, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật BVMT ở các làng nghề, các khu, cụm công nghiệp, đơn vị xử lý chất thải nguy hại hoạt động trên địa bàn...

    Đối với các cụm công nghiệp tập trung, các cơ sở sản xuất nằm xen kẽ và ngoài các khu công nghiệp: Sở TN&MT TP. Hà Nội chủ trì giám sát, buộc các dự án, cơ sở có phát sinh khí thải, nước thải quy mô lớn phải lắp đặt các trạm quan trắc tự động theo quy định; truyền dẫn số liệu trực tiếp quan trắc về Sở để tổng hợp, cập nhật và xử lý số liệu; khuyến khích cơ sở lắp bảng điện tử công khai số liệu quan trắc tự động ngay tại cơ sở.

    Kế hoạch của UBND thành phố cũng yêu cầu Sở TN&MT tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án BVMT làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn nhằm cụ thể hóa các nội dung và nhiệm vụ của Kế hoạch 235/KH-UBND ngày 31/12/2015 của UBND Thành phố. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ: Công bố danh mục làng nghề bị ô nhiễm cần xử lý (giai đoạn 2020-2030); Đề xuất các dự án xử lý ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề trình UBND Thành phố phê duyệt và tổ chức thực hiện; Thí điểm một số mô hình cộng đồng bảo vệ môi trường tại làng nghề để triển khai nhân rộng…

    UBND thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã được giao chủ trì, theo dõi thực hiện các chỉ tiêu trên khẩn trương triển khai ngay các giải pháp để thực hiện bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu được giao. Đồng thời, tiến hành tự kiểm tra tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch này ở cơ quan, đơn vị. Việc tự kiểm tra phải có nội dung sát thực, có phân tích, đánh giá tình hình, báo cáo kết quả gửi các Sở, ngành liên quan tổng hợp báo cáo UBND thành phố, Thành ủy theo quy định.

Nam Việt

Ý kiến của bạn