08/04/2021
Đó là chủ đề của Hội thảo do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng (VSTA), Tổ chức Quốc tế về ứng dụng và tiếp thu công nghệ sinh học (CNSH) trong nông nghiệp (ISAAA) cùng phối hợp tổ chức vào ngày 7/4/2021 tại Hà Nội. Hội thảo là diễn đàn để các đại biểu chia sẻ thông tin về tình hình ứng dụng cây trồng CNSH trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam; thảo luận về các tác động kinh tế, xã hội và môi trường từ việc trồng cây ngô CNSH (ngô chuyển gen hay còn gọi là ngô biến đổi gen) từ năm 2014 sau khi được cấp phép canh tác tại Việt Nam.
Phát biểu tại khai mạc Hội thảo, ông Trần Xuân Định, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam chia sẻ, trong những thập niên đầu của thế kỷ 21, ở lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta chứng kiến sự bứt phá của khoa học, đặc biệt là CNSH với những phát minh của công nghệ di truyền, công nghệ gene, công nghệ vi sinh… Nhiều giống cây trồng được tạo ra bằng CNSH đã có mặt ở Việt Nam, giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập nhờ việc tăng năng suất và giảm thiểu chi phí thuốc bảo vệ thực vật.
CNSH ứng dụng trong nông nghiệp được xem là một trong các thành tựu khoa học nổi bật của thế kỷ trước, cho tới nay vẫn đang được minh chứng tính ưu việt bởi số liệu ứng dụng ngày một tăng trên toàn cầu cũng như những tác động kinh tế, xã hội và môi trường tích cực mà công nghệ mang lại cho nông dân, người tiêu dùng cũng như cộng đồng. Theo Báo cáo của Tổ chức ISAAA, với việc có thêm 3 quốc gia châu Phi, số lượng các quốc gia canh tác cây trồng CNSH đã tăng lên 29 vào năm 2019. Trong đó, 5 quốc gia dẫn đầu với diện tích cây trồng CNSH lớn nhất là Mỹ, Brazil, Argentina, Canađa, Ấn Độ. Ước tính, khoảng 1,95 tỷ người, tương đương với 26% dân số thế giới được hưởng lợi từ CNSH vào năm 2019.
Toàn cảnh Hội thảo
Tại Việt Nam, cây trồng CNSH chính thức được cấp phép canh tác thương mại từ những năm 2014 - 2015 trên cây ngô. Ngô cũng là một trong các cây trồng chính trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp và Việt Nam là một trong những quốc gia canh tác ngô nhiều nhất trên thế giới. Việc đưa giống cây trồng CNSH thời điểm đó được xem là công cụ quan trọng góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất, gia tăng giá trị, giúp nông dân trồng ngô có thêm lợi nhuận, từ đó củng cố năng lực của Việt Nam trong việc đảm bảo nguồn cung cho chuỗi thực phẩm và thức ăn chăn nuôi trong nước. Từ năm 2014 đến nay, tổng diện tích canh tác ngô CNSH khoảng 92.000 ha, chiếm khoảng 10% tổng diện tích trồng ngô cả nước. Đặc biệt, tỷ lệ tăng trưởng hai con số về mặt diện tích trong các năm gần đây cho thấy mức độ chấp nhận của nông dân đối với công nghệ này đang tăng. Cụ thể, vào năm 2015, tỷ lệ ứng dụng còn khiêm tốn khoảng 3.500 ha, chiếm chưa tới 1% tổng diện tích, nhưng đến nay, diện tích ứng dụng đã tăng hơn 26 lần. Chỉ so sánh riêng giai đoạn 2018 - 2019, tỷ lệ tăng trưởng là 86%.
TS. Rhodora R. Aldemita, Giám đốc khu vực Đông Nam Á kiêm Giám đốc Trung tâm Kiến thức toàn cầu về CNSH của ISAAA cho biết thêm, năm 2019, tổng cộng có 190,4 triệu ha cây trồng CNSH được canh tác, góp phần quan trọng vào giải quyết các vấn đề về an ninh lương thực, tính bền vững, giảm thiểu biến đổi khí hậu. Việt Nam là một trong 3 nước có tốc độ tăng trưởng diện tích trồng cây CNSH đạt đến 2 con số cùng với Philippin, Colombia.
Phân tích về các tác động của cây trồng CNSH ở phạm vi toàn cầu, TS. Graham Brookes, Viện PG Economic đã dẫn chứng các số liệu trong nghiên cứu gần nhất phát hành năm 2020: “Tính đến năm 2018, tổng thu nhập gia tăng dành cho nông dân canh tác cây trồng CNSH là 19 tỷ USD. Nông dân, đặc biệt là những nông hộ có quy mô sản xuất nhỏ tại các nước đang phát triển, thu được lợi ích rõ ràng hơn từ cây trồng CNSH”. Về những đánh giá khác nhau đối với cây trồng CNSH, TS. Graham Brookes cho rằng, đó là do thông tin được truyền tải không đúng.
Nhận định về tương lai ứng dụng CNSH trong nông nghiệp, ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, theo Quyết định số 429/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 về việc phê duyệt Đề án phát triển CNSH ngành nông nghiệp đến năm 2023, một trong các mục tiêu tới năm 2030 đó là Việt Nam có thể làm chủ được một số CNSH thế hệ mới, tạo ra sản phẩm quy mô nông nghiệp ứng dụng thực tiễn sản xuất, phát triển số lượng doanh nghiệp CNSH trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng thêm tối thiểu 30% so với giai đoạn 2021 - 2025. Điều này cũng cho thấy phát triển và ứng dụng CNSH trong nông nghiệp là định hướng phát triển chung cho việc bắt kịp xu hướng của Việt Nam cùng các nước trên thế giới trong ứng dụng các giống cây trồng thế hệ mới với các tính trạng cải tiến bằng khoa học, hướng tới phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, hiện đại. Thời gian tới, Hội Nông dân Việt Nam, Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng và Tổ chức quốc tế về tiếp thu ứng dụng CNSH trong nông nghiệp tiếp tục thảo luận và phối hợp xây dựng các hoạt động tiếp theo nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân về tiềm năng, lợi ích cây trồng CNSH cũng như giải quyết khó khăn trong nghiên cứu ứng dụng cây trồng công nghệ sinh học vào thực tiễn tại địa phương.
Thu Hằng