Banner trang chủ

Định hướng nhân rộng các mô hình phân loại, giảm thiểu rác sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Phú Yên

09/06/2021

    Để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường do rác thải sinh hoạt (RTSH) gây ra, cần phải tiến hành đồng bộ và hiệu quả công tác phân loại tại nguồn, tái sử dụng/tái chế, vận chuyển và xử lý, trong đó hoạt động phân loại và tái sử dụng/tái chế có ý nghĩa rất lớn trong việc tài nguyên hóa rác thải góp phần giảm thiểu tối đa lượng RTSH thải vào môi trường. Nhằm từng bước cải thiện chất lượng vệ sinh môi trường do ô nhiễm RTSH gây ra, trong thời gian qua Sở TN&M đã tăng cường xây dựng, hướng dẫn và khuyến khích thực hiện nhiều mô hình về phân loại, giảm thiểu RTSH trong cộng đồng.

Đánh giá hiệu quả các mô hình phân loại, giảm thiểu RTSH đang triển khai trên địa bàn tỉnh Phú Yên   

    RTSH nếu được phân loại tốt sẽ là tài nguyên hữu ích. Tuy nhiên, với hạ tầng phục vụ cho công tác thu gom rác còn chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế (rác được xử lý bằng phương đốt, chôn lấp, chưa có nhà máy xử lý), thì việc triển khai phân loại RTSH tại nguồn là bài toán nan giải cho tỉnh Phú Yên. Khâu quan trọng nhất trong việc phân loại RTSH là gắn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân với RTSH của mình và hưởng lợi từ việc phân loại này, tức là quản lý RTSH phải gắn chặt với lợi ích của cộng đồng. Nếu trách nhiệm phân loại, xử lý RTSH chủ yếu do Nhà nước thực hiện theo như hiện nay, cộng với điều kiện hạ tầng còn hạn chế, việc sử dụng hiệu quả RTSH sau phân loại là khó thực hiện. Khi đó, việc phân loại RTSH chỉ mang tính trình diễn, hình thức và không bền vững. Nhằm tìm kiếm các giải pháp giảm thiểu tối đa lượng RTSH, từ năm 2019, Sở TN&MT đã thực hiện thí điểm nhiều mô hình về phân loại, giảm thiểu RTSH mang tính cộng đồng và một số mô hình đã thành công.

Mô hình sản xuất nước rửa chén sinh học tại xã Bình Ngọc, thành phố Tuy Hòa

    Mô hình trường học phân loại, giảm thiểu RTSH: Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh là trường đầu tiên trong tỉnh tiến hành phân loại, giảm thiểu rác đạt hiệu quả cao từ năm 2019. Toàn bộ lượng RTSH bao gồm khu nội trú, căng tin và học đường được phân thành 3 loại: Rác tái chế (chai nhựa, vỏ lon…) được bán phế liệu gây quỹ đoàn thanh niên; rác thải hữu cơ (lá cây, hoạt động nấu ăn, thức ăn thừa,...) được ủ phân compost (ủ bằng lốp xe, ủ bằng ống nhựa, ủ dạng đống) dùng chăm sóc vườn thực vật; rác còn lại được chuyển giao cho Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Phú Yên. Bên cạnh đó, để hình thành thói quen trong mỗi giáo viên và học sinh, nhà trường đã thành lập Câu lạc bộ Nội trú xanh nhằm giám sát thực hành phân loại và tái chế, tái sử dụng rác, nhờ vậy đã góp phần thay đổi nhận thức rác là thứ không hữu ích. Để nhân rộng mô hình này cần nghiên cứu cải tiến về thiết bị ủ phân compost theo hướng gọn và thẩm mỹ để phù hợp với các trường có diện tích nhỏ.

    Mô hình cơ sở khách sạn phân loại, tái chế rác thành nước tẩy rửa sinh học: Triển khai từ năm 2019, cho đến nay khách sạn Kaya là cơ sở lưu trú đạt chuẩn 4 sao đầu tiên trong tỉnh thực hành thành công phân loại, xử lý rác hữu cơ thực vật thành nước tẩy rửa sinh học. Toàn bộ nước tẩy rửa bằng hóa chất của khách sạn được thay thế bằng nước tẩy rửa sinh học ủ từ vỏ các loại cam, bưởi, chanh và cánh hoa, bã sau khi ủ được dùng làm phân bón cho cây xanh trong khuôn viên. Điều này đã góp phần tiết kiệm chi phí đáng kể cho khách sạn, tăng thiện cảm đối với khách hàng. Để hoàn thiện và nhân rộng, mô hình cần kết hợp thêm các giải pháp hạn chế sử dụng đồ nhựa khó phân hủy dùng 1 lần, cải tiến thiết bị ủ phân compost theo hướng gọn và thẩm mỹ.

    Mô hình khu dân cư phân loại, tái chế rác thành phân compost: Tại thôn Nam Giang, xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh là khu dân cư đầu tiên trong tỉnh triển khai thành công việc phân loại, xử lý rác hữu cơ thành phân compost từ giữa năm 2020, với quy mô 40 hộ gia đình tham gia và do Hội Người Cao tuổi xã trực tiếp theo dõi. Mỗi hộ được hỗ trợ 1 thùng nhựa 160 lít có nhiều lỗ thông hơi để thực hiện ủ theo phương pháp thiếu khí. Đây là kỹ thuật ủ được phát triển tại Malaixia và đang áp dụng phổ biến ở Việt Nam. Các hộ dân tham gia rất nhiệt tình, chủ động. Kết quả là thu được nguồn phân hữu cơ để bón cho rau màu, điều quan trọng là đã thay đổi thói quen và nhận thức về phân loại RTSH. Tuy nhiên, để hoàn thiện và nhân rộng, mô hình cần kết hợp thêm các giải pháp hạn chế sử dụng đồ nhựa khó phân hủy dùng 1 lần, cải tiến thiết bị ủ phân compost theo hướng tiện dụng và thẩm mỹ hơn.

     Mô hình Câu lạc bộ tự quản về môi trường tái chế rác thành nước rửa chén sinh học: Từ cuối năm 2020, Câu lạc bộ “Tái chế chất thải hữu cơ thực vật thành nước tẩy rửa sinh học” do Hội Phụ nữ xã Bình Ngọc, TP. Tuy Hòa quản lý được hình thành và trở thành Câu lạc bộ tự quản đầu tiên trong tỉnh hoạt động hiệu quả, ổn định. Được Sở TN&MT chuyển giao kết quả nghiên cứu kỹ thuật sản xuất nước rửa chén sinh học từ vỏ trái cây, hoa tươi của Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung, Câu lạc bộ đã tạo ra sản phẩm có chất lượng với giá cạnh tranh (20.000 đồng/lít), bã sau khi ủ được tận dụng làm phân bón cho vườn rau (xã Bình Ngọc có hoạt động trồng rau truyền thống và được công nhận là làng nghề). Hiện nay, với sản lượng bán ra bình quân 700-800 lít/tháng, các thành viên của Câu lạc bộ bước đầu có thu nhập tạo tính bền vững cho mô hình, góp phần duy trì các hoạt động tuyên truyền theo quy chế hoạt động. Tuy nhiên, nếu sản phẩm nước rửa chén sinh học phát triển theo hướng thương mại hóa thì sẽ khó nhân rộng, để mô hình thành công cần tập trung định hướng sản phẩm phát triển dựa vào cộng đồng (đáp ứng nhu cầu của cộng đồng, được bù đắp chi phí bởi cộng đồng).

    Bên cạnh các mô hình phát triển bởi Sở TN&MT, mô hình phân loại, giảm thiểu rác ở chợ nông thôn được một số hộ gia đình có nhu cầu tận dụng nguồn rác thải hữu cơ để chăn nuôi (nuôi nai, nuôi trùng quế, nuôi sâu canxi) thực hiện. Mô hình tiêu biểu nhất để xem xét nhân rộng trong cộng đồng là mô hình nuôi trùng quế và sâu canxi do đoàn viên Phan Xuân Danh ở xã An Phú, TP. Tuy Hòa thực hiện từ năm 2018. Để đảm bảo nguồn thức ăn, mô hình đã chủ động hướng dẫn, vận động các tiểu thương ở chợ An Phú thuộc TP. Tuy Hòa và chợ An Chấn thuộc huyện Tuy An phân loại rác, góp phần giảm đáng kể lượng rác phải phải thải bỏ, xử lý tại 2 chợ này. Tuy nhiên, để mô hình này được nhân rộng cần có sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương và sự chủ động tham gia của tổ chức/cá nhân.

Đề xuất các mô hình phân loại, giảm thiểu RTSH phù hợp với điều kiện tỉnh Phú Yên và giải pháp nhân rộng

    Hiệu ứng từ hiệu quả thiết thực của các mô hình đã triển khai, kết hợp với sự cải tiến thành công thùng ủ phân compost được thực hiện bởi Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung đầu năm 2021 (đang áp dụng tại trường và 17 hộ dân thuộc thôn Phú Ân, xã Hòa An, huyện Phú Hòa), là cơ sở thực tiễn và hình mẫu cho việc nhân rộng hoạt động phân loại, giảm thiểu RTSH. Trong thời gian tới, tỉnh Phú Yên cần chú trọng thực hiện các mô hình sau đây:

Thứ nhất, mô hình trường học thân thiện môi trường: Các trường học tập trung vào phân loại rác thải thành 3 loại gồm: rác tái chế (hay còn gọi là rác phế liệu) để gây quỹ cho Đoàn/Đội; rác hữu cơ, có thể áp dụng các phương pháp xử lý đã thành công trong và ngoài tỉnh tùy thuộc vào diện tích của trường học; rác còn lại chuyển giao cho đơn vị có chức năng. Bênh cạnh đó, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giám sát để dần hình thành thói quen trong mỗi giáo viên, học sinh. Hiện nay, Sở TN&MT đang phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo khảo sát, lựa chọn 1 số trường ở TP. Tuy Hòa để triển khai.

Thứ hai, mô hình cơ sở dịch vụ du lịch thân thiện môi trường: Trước hết tập trung triển khai tại các cơ sở lưu trú, nhà hàng lớn. Lượng rác phát sinh lớn nhất là rác hữu cơ thực vật, do vậy có thể xử lý theo phương pháp ủ phân compost hoặc nước tẩy rửa sinh học. Tăng cường thu gom rác phế liệu, trong đó chú trọng tạo điều kiện, hướng dẫn khách hàng cùng thực hiện công việc này. Định hướng thói quen sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần cho khách hàng, chỉ cung cấp khi khách hàng có yêu cầu.

Thứ ba, mô hình khu dân cư thân thiện môi trường:Ttập trung thu gom, xử lý tối đa lượng rác hữu cơ bằng thùng ủ cải tiến. Thùng ủ có hiệu quả và thẩm mỹ có ý nghĩa rất quan trọng trong nỗ lực thay đổi nhận thức lâu nay của cộng đồng cho rằng rác là thứ không vệ sinh và mất mỹ quan. Bên cạnh đó, khuyến khích phát triển phong trào sử dụng sản phẩm thay thế đồ nhựa dùng 1 lần trở thành thói quen hàng ngày. Đầu năm 2021, Sở TN&MT phối hợp với Tỉnh đoàn triển khai tại thôn An Niên, xã Hòa An, huyện Phú Hòa, đang tiếp tục phối hợp với Hội Người Cao tuổi tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Nông dân tỉnh tổ chức thực hiện tại một số khu dân cư.

Thứ tư, mô hình cộng đồng sản xuất nước rửa chén sinh hoạt tự quản: Để sản phẩm nước rửa chén phát triển mạnh mẽ, cần ưu tiên hỗ trợ thực hiện ở những nơi có tính sinh hoạt cộng đồng, điển hình là các cơ sở thờ tự, đặc biệt ở các chùa. Hoạt động sản xuất, thỏa thuận giá để bù đắp chi phí dựa trên nguyên tắc tự nguyện, không mang tính chất kinh doanh lợi nhuận. Dự kiến năm 2021, Sở TN&MT phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh triển khai thí điểm tại 1 điểm chùa ở xã Hòa Thành, thị xã Đông Hòa và 1 điểm chùa ở xã Xuân Lộc, thị xã Sông Cầu.

    Qua đánh giá các mô hình đã thực hiện thành công và điều kiện thức tế tại địa phương, một số giải pháp cần được quan tâm triển khai là:

Một là, công tác truyền thông không chỉ dừng lại ở việc thông tin sự kiện, cần chú trọng đến thông tin, hướng dẫn cách thực hiện. Kinh nghiệm từ những năm qua cho thấy, một số tổ chức, cá nhân trong cộng đồng đã biết và tự nghiên cứu thực hành hiệu quả giải pháp phân loại, giảm thiểu RTSH thông qua kênh truyền thông.

Hai là, chính quyền phải làm tốt vai trò hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân chủ động thực hành giải pháp phân loại, giảm thiểu RTSH.

Ba là, cộng đồng đóng vai trò quan trọng, quyết định sự thành công của việc thực hiện mô hình nên trong quá trình thực hiện cần đảm bảo sự hài hòa giữa trách nhiệm gắn với hưởng lợi của cộng đồng

Bốn là, nâng cao vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Hội, Đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động; cần có sự phối hợp chặc chẽ giữa các lực lượng này. Phát huy vai trò của những người có uy tín ở các cấp ủy, các chi hội tại khu phố/thôn, các tổ chức tự quản trong tiên phong thực hiện và tuyên truyền, vận động.

Huỳnh Huy Việt

Chi cục BVMT Phú Yên

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2021)

Ý kiến của bạn