Banner trang chủ

Đề xuất xây dựng điểm thu gom rác ngầm tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

23/12/2021

    TP. Đà Lạt được biết đến như thành phố vạn hoa, thành phố du lịch, với dân số 191.803 người. Theo số liệu tổng hợp của Công ty CP dịch vụ đô thị Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng tổng khối lượng rác sinh hoạt được thu gom năm 2020 là 99.000 tấn, trung bình khoảng 271 tấn /ngày.

    Hiện nay, công tác quét nhặt rác triển khai trên 180 tuyến đường, khu vực và 4 xã vùng ven với chiều dài trên 209,7km; Thực hiện thu gom rác cho trên 100 đường hẻm. Ngoài ra, để đảm bảo đường phố sạch đẹp (đặc biệt là một số khu vực trung tâm), Công ty CP dịch vụ đô thị Đà Lạt tổ chức một đội ngũ công nhân duy trì thường xuyên việc quét, thu gom rác do người dân bỏ ra ban ngày. Tổng cộng tuyến đường thực hiện duy trì thường xuyên hiện nay trên 50 tuyến. Trên các tuyến đường thu gom đặt các thùng rác có dung tích 660 lít, mỗi điểm đặt từ 2 - 3 thùng, tùy thuộc vào lượng rác phát sinh.

Xe đẩy thu gom rác tại TP. Đà Lạt

    Đối với công tác vận chuyển: Toàn bộ rác thải sinh hoạt được thu gom bằng các xe ép rác chuyên dùng với trọng tải là 5-10 tấn. Tổng số xe ép rác hiện nay đang sử dụng là 14 xe. Vấn đề tồn tại trong công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của TP. Đà Lạt là các điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt đặt tại vỉa hè của các tuyến phố, một số tuyến phố nhỏ hẹp, nên không có vỉa vè, các thùng rác phải đặt xuống lòng đường, do đó, chiếm dụng lòng đường vỉa hè, gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị, yêu cầu đặt ra là phải tìm ra giải pháp để có thể hạn chế được những nhược điểm này. Trong khi đó, nhược điểm của điểm tập kết rác thải sinh hoạt hiện nay là thùng chứa rác đặt trên vỉa hè hoặc đường phố; Chiếm dụng lòng đường vỉa hè; Mùi rác phát tán ra xung quanh; Nước rỉ rác không được thu gom chảy ra đường gây mùi hôi; Mất mỹ quan đường phố; Lượng rác thu gom không được nhiều; Ảnh hưởng tới môi trường và cảnh quan cũng như hình ảnh của thành phố du lịch.

    Từ thực trạng trên, đặc biệt, trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng mô hình thu gom, phân loại rác tại nguồn phù hợp với đặc điểm từng vùng miền và tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt và hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy” địa điểm thực hiện dự án tại TP. Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng, Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường - Tổng cục Môi trường đã nghiên cứu đề xuất mô hình điểm thu gom rác ngầm cho TP. Đà Lạt, mục đích nhằm đáp ứng được yêu cầu về hạn chế những nhược điểm của các điểm thu gom rác hiện tại.

    Mô hình ngầm hóa thiết bị lưu trữ này là giải pháp hiệu quả cho đô thị tương lai do thùng rác bán ngầm là hệ thống thùng chứa rác ngầm với sức chứa lớn dưới lòng đất. Đây là giải pháp thu gom rác thải tiên tiến, vừa gọn gàng, sạch sẽ, đồng thời vừa giảm diện tích chứa rác trên mặt đất và hiện đã được áp dụng rộng rãi tại các nước trên thế giới.

    Với đô thị Đà Lạt - điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước cần có giải pháp thu gom rác làm đẹp hè phố, tạo cảnh quan môi trường và sự thông thoáng, sạch, đẹp cho các tuyến phố là thực sự cần thiết. Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường đã khảo sát nghiên cứu địa điểm để thiết kế xây dựng thí điểm điểm thu gom rác ngầm. Nhiệm vụ khảo sát là tìm vị trí phù hợp đại diện cho khu dân cư, có khả năng thu gom được rác thải sinh hoạt hàng ngày, thay thế được điểm thu gom hiện tại, đảm bảo tính bền vững (địa điểm thoát nước mưa tốt, xe thu gom ra vào thuận tiện, ít ảnh hưởng đến các công trình khác). Sau khi khảo sát, Trung tâm đã lựa chọn địa điểm tại khu vực cạnh vườn hoa đường Phan Đình Phùng, thuộc phường 2 TP. Đà Lạt, chiều dài đoạn vỉa hè 5 m; chiều rộng từ mép đường đến mép vườn hoa là 2,5 m.

Khảo sát vị trí xây dựng điểm thu gom rác ngầm

    Với yêu cầu, thiết kế điểm thu gom rác ngầm có thể đặt được 4 thùng rác 660 lít; các thùng chứa rác nằm dưới mặt đất; miệng thu rác nằm trên mặt đất, miệng thu rác phải kín đảm bảo nước mưa không lọt được vào miệng thu rác, không phát tán mùi ra bên ngoài. Do đó, hệ thống được thực hiện bằng cơ chế nâng hạ thủy lực, hệ thống thủy lực sẽ nâng hạ toàn bộ các thùng chứa rác khi xe thu gom rác đến thu rác. Ban ngày khi tiếp nhận rác thì toàn bộ 4 thùng chứa rác sẽ nằm dưới mặt đất, trên mặt đất chỉ có các cửa tiếp nhận rác được thiết kế phù hợp tinh gọn và đẹp đồng thời đảm bảo dễ bỏ rác vào thùng.

Mặt bằng điểm tập kết rác ngầm

Mặt cắt A-A điểm thu gom rác ngầm

Mặt cắt 1-1 điểm thu gom rác ngầm

    Vào cuối ngày, xe thu gom rác sẽ đến thu gom, sau đó, hệ thống thủy lực sẽ nâng các thùng chứa rác lên ngang bằng với mặt đất, công nhân thu gom rác dễ dàng kéo thùng rác ra và đưa vào xe chở rác. Sau khi bỏ rác vào xe thu gom rác, công nhân vận hành lại để vị trí thùng chứa rác vào vị trí cũ và hạ thùng rác xuống bên dưới mặt đất. Ưu điểm chung của điểm thu gom rác ngầm: Tăng khả năng lưu trữ rác thải và giảm chi phí thu gom; Giảm số lần, số ngày và nhân công thu gom rác; Độ bền cao, bền vững theo thời gian; Dễ dàng lắp đặt và sử dụng; Được dùng vào việc phân loại rác tại nguồn với các trụ vớt rác có màu sắc khác nhau; Dễ sử dụng, có độ thẩm mỹ cao, hệ thống thùng rác được đặt âm dưới mặt đất, đảm bảo mỹ quan đô thị. Thùng rác bán ngầm được thiết kế lắp đặt kín giảm thiểu tối đa vấn đề về mùi rác thải, hạn chế ruồi muỗi và ký sinh trùng; Dễ dàng và an toàn cho người sử dụng, đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi và người khuyết tật, độ an toàn cáo; Có thể lắp đặt được ở những nơi không bằng phẳng. không bị ảnh hưởng bởi ngập nước. Các thiết bị thu rác được đặt bên dưới mặt đất có độ bền cao, mùi hôi từ rác không phát tán ra môi trường xung quanh, hạn chế côn trùng gây bệnh phát triển.

    Có thể thấy, việc triển khai xây dựng điểm thu gom rác ngầm đem lại nhiều lợi ích về mặt cảnh quan môi trường, kinh tế cũng như xã hội, đồng thời nâng cao ý thức của người dân về phân loại rác tại nguồn. Do đó, mô hình này cần được xem xét triển khai và nhân rộng.

Vũ Ngọc Tĩnh, Phạm Tiến Nhất, Vũ Ngọc Quang

Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường, Tổng cục Môi trường

Ý kiến của bạn