Banner trang chủ

Zero waste - Giải pháp hữu hiệu hướng tới sự phát triển bền vững

03/04/2020

     "Zero waste" (Không rác thải) được xem là giải pháp đem lại tương lai bền vững, với những hành động thực tế để tái thiết cách sử dụng tài nguyên và nhiên liệu trong xã hội. Trong đó, việc áp dụng phương thức tiên tiến giúp giảm lượng rác thải, tiến tới tái chế 100% được đề cao. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, những cộng đồng "Zero waste" đang dần hình thành. Tại Việt Nam, chiến dịch “Zero Waste” ở Hội An (Quảng Nam) cũng mở đường cho một cuộc sống thân thiện với môi trường.

     Theo Liên minh Không rác thải quốc tế ZWIA, “Zero waste”là triết lý sống khuyến khích sự bảo toàn các tài nguyên thông qua việc sản xuất, tiêu dùng, tái sử dụng và phục hồi tất cả các sản phẩm, bao bì, chất liệu nhằm giảm thiểu lượng rác thải gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.Hay nói một cách đơn giản, lối sống không rác thải tạo ra các ‘vòng tuần hoàn’ vật chất tương tự như trong tự nhiên, không có lãng phí. Trên thực tiễn, lối sống không rác thải là thực hành nói không với sản phẩm nhựa, tận dụng các loại rác thải như một loại tài nguyên và hạn chế tối đa rác thải ra môi trường. Có thể nói “Zero waste” là cách tiếp cận hiệu quả và toàn diện nhất về chi phí quản lý chất thải và ngày càng trở thành một giải pháp quan trọng cho cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa gia tăng trên toàn cầu.

     Kinh nghiệm của của Philipinvới mô hình “Zero waste”

     Nhận thấy lợi ích to lớn của“Zero waste”, nhiều thành phố (TP) trên thế giới đã xây dựng mô hình không rác thải. Trong đó, Philipin là một trong những nơi khởi phát phong trào không rác thải tại châu Á. Tổ chức GAIA (Liên minh toàn cầu về lựa chọn thay thế lò đốt) khu vực châu Á- Thái Bình Dương, đồng thời là thành viên mạng lưới Zero waste toàn cầu đã giới thiệu sáng kiến này đến 16 TP thuộc khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Tại Philipin, GAIA hỗ trợ chính quyền TP San Fernando xây dựng nơi đây thành TP không rác thải đầu tiên tại khu vực. San Fernando chỉ có dân số khoảng 300.000 người, nhưng là một TP công nghiệp nên mỗi ngày có đến gần 1 triệu người từ các vùng lân cận di chuyển đến đây làm việc, học tập. Sáng kiến về một TP không rác thải được tiếp nhận từ năm 2014, nhưng đến năm 2015, chương trình mới chính thức được khởi động với lệnh cấm túi ni lông.

 

Mô hình trường học Zero waste tại San Fernando

 

     Với mục tiêu giảm được 80% lượng rác thải ra hàng ngày, chính quyền TP đã thực hiện nhiều chương trình giáo dục, tuyên truyền người dân phân loại rác tại nhà. Tại mỗi cấp xã, phường, TP cho xây dựng các khu xử lý chất thải rắn (MRF). Rác sau khi được phân loại tại nhà sẽ được thu gom về MRF, tại đây sẽ có nhân viên phân loại một lần nữa, rác hữu cơ sẽ được chuyển đến khu làm phân compost, rác tái chế sẽ được gom lại bán cho các cơ sở thu mua tái chế, chất thải rắn được chuyển đến bãi chôn lấp. Hiện nay, có hơn 120 MRF trên toàn TP, hầu hết các cơ sở này đều được vận hành bởi chính cộng đồng dân cư tại đó. Mỗi hộ gia đình sẽ phải trả 316 Peso/tháng (tương đương 135 nghìn đồng), trong đó 40% số tiền này sẽ được chi trả cho những người thu gom, 60% đầu tư vào MRF và xử lý chất thải rắn. Sau hơn 3 năm thực hiện,TP đã giảm được 78% lượng chất thải rắn, tiết kiệm hơn một nửa kinh phí dành cho công tác xử lý rác thải so với trước đây. Năm 2017, TP chi gần 20 triệu Pesocho việc xử lý chất thải rắn (chuyển đến nơi chôn lấp), so sánh với các tiểu TP thuộc Manila, con số này thấp hơn rất nhiều như Navotas hơn 49 triệu Peso, Quezon hơn 778 triệu Peso.

     Để người dân tuân thủ nghiêm ngặt quy định, chính quyền TP ban hành một hệ thống kiểm soát qua vé phạt. Theo quy định, những gia đình để mặt sân trước nhà bẩn có thể bị phạt từ 300 Peso (130 nghìn đồng) - 1.000 Peso (gần 500 nghìn đồng), không phân loại rác thải tại nguồn có thể bị phạt từ 500 Peso – 1.000 Peso, thu gom rác thải chưa phân loại từ 1.000 - 3.000 Peso. Trong khi đó, các cơ sở kinh doanh có thể bị phạt từ 2.000 Peso (1 triệu đồng)  - 5.000 Peso (2 triệu rưỡi) với cùng một hành vi vi phạm.

     Hội An phấn đấu trở thành TP "Zero waste"

     Với dân số hơn 100 nghìn người cộng với sức ép gần 5 triệu lượt khách du lịch, xử lý rác thải ngày càng trở thành vấn đề nghiêm trọng tại TP. Hội An. Bình quân mỗi ngày, trên địa bàn TP có khoảng 100 tấn rác thải ra môi trường, gần 40% trong đó là chất thải rắn vô cơ. Nếu năm 2013, toàn TP phát sinh 24 nghìn tấn rác thải (66 tấn/ngày) thì năm 2018, lượng rác thải đã tăng lên 33 nghìn tấn (tương đương 92 tấn/ngày) và hiện tại đã xấp xỉkhoảng 100 nghìn tấn/ngày, hầu hết rác thải phát sinh từ hoạt động du lịch.

     Từ năm 2009, khi Cù Lao Chàm được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, TP. Hội An đã triển khai đồng thời Chương trình nói không với túi ni lông trên cơ sở sự đồng thuận của người dân. Đến nay, Cù Lao Chàm là nơi đầu tiên trên toàn quốc thực hiện thành công Chương trình “Nói không với túi ni lông”. Người dân đã hoàn toàn chủ động tìm vật liệu thay thế cho túi ni lông như lá chuối, lá bàng, hay vật liệu cây cỏ.

     Sau đảo Cù Lao Chàm, TP. Hội An đang tiến hành chiến dịch “Nói không với chai nhựa và các chất thải làm từ nhựa”. Năm 2017, TP. Hội An xây dựng kế hoạch hướng đến việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, trong đó, các cơ quan hành chính của TP chính là những đơn vị tiên phong trong “cuộc chiến” này. Tại các cuộc họp và phòng làm việc của cơ quan hành chính TP. Hội An như Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Hội Phụ nữ TP. Hội An, UBND TP. Hội An, Phòng TN&MT, Thành Đoàn TP. Hội An… đã không còn sự xuất hiện của chai nhựa mà thay vào đó là các bình đựng nước thủy tinh được sử dụng nhiều lần và giảm thiểu việc vứt bỏ các chai, lọ bằng nhựa ra môi trường.

 

       Các quán cà phê tại Hội An đã bắt đầu sử dụng ống hút tre thay cho ống hút nhựa

 

     Ngoài việc thực hiện “Công sở không rác thải nhựa”, UBND TP. Hội An còn triển khai thực hiện Chương trình Giảm thiểu sử dụng và phát thải túi ni lông tại các khu chợ, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp không sử dụng túi ni lông. Trong Chương trình này, TP. Hội An kêu gọi người nội trợ sử dụng giỏ nhựa, hộp nhựa đựng thức ăn… khi đi chợ để hạn chế sử dụng túi ni lông; Tổ chức ký cam kết đối với các tiểu thương về việc không cấp phát miễn phí túi ni lông cho khách hàng, sử dụng túi thân thiện với môi trường để thay thế túi ni lông; Đổi túi ni lông lấy túi sinh thái, giỏ nhựa tại các khu chợ trên địa bàn TP.

     Bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn tại Hội An đã dần thay thế việc sử dụng ống hút nhựa bằng các loại ống hút thân thiện với môi trường (tre, inox) như Chuchu cà phê, Mango cà phê, khách sạn Hội An Royal, khách sạn Anatara…; “Nói không với hộp xốp”, hoặc thay thế bằng sản phẩm làm từ bã mía như Quán ăn chay Đạm, Vegan Beets Hội An, Cocobana cà phê... Chuỗi nhà hàng Phố Trăng, Cánh đồng của Công ty Emic Hospitality là một trong số doanh nghiệp tiên phong vận động vì phong trào không rác thải như yêu cầu nhà cung ứng không sử dụng túi ni lông, không sử dụng ống hút, tận dụng thức ăn thừa làm phân compost. Một vài địa điểm trên TP. Hội An cũng thử nghiệm việc đặt các trạm đổ đầy (Refill station) (cửa hàng cà phê Hub and Coffee, quán chay Đạm) cung cấp nước uống miễn phí cho khách có mang theo bình nước, hạn chế mua chai nước lọc.

     Với những lợi thế riêng, cộng với nỗ lực, quyết tâm của tất cả mọi người dân trong TP trong việc giảm thiểu chất thải nhựa, hướng tới sự phát triển bền vững, Hội An sẽ thành công trên hành trình xây dựng TP không rác thải. Hội An sẽ là TP kiểu mẫu không chỉ trong cả nước, mà toàn khu vực về việc giảm thiểu chất thải nhựa và trở thành TP "Zero waste".

 

Trần Thị Thành

Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2020)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

         

 

 

 

 

 

 

 

 

                                           

Ý kiến của bạn