Banner trang chủ

Xử lý chất thải y tế: Ngày càng nan giải

21/10/2014

     Mỗi ngày, trên toàn tỉnh phát sinh khoảng 1,9 tấn rác thải y tế từ các bệnh viện và các cơ sở y tế; trong đó, lượng chất thải rắn y tế nguy hại chiếm khoảng 15%, còn lại là rác thải sinh hoạt. Thêm vào đó, lượng nước thải từ các bệnh viện, mỗi ngày thải ra môi trường từ 4.976 - 6.197 m3 nước bẩn. Tuy nhiên, việc xử lý chất thải tại các bệnh viện, cơ sở y tế hiện nay, chủ yếu vẫn đang còn mang tính thủ công là chôn lấp…

     Theo báo cáo của Sở Y tế Nghệ An, toàn tỉnh có tổng số 38 bệnh viện, trong đó có 12 bệnh viện tuyến tỉnh, 17 bệnh viện tuyến huyện, 9 bệnh viện tư nhân, 6 trung tâm y tế có giường bệnh. Ngoài ra, còn có 3 bệnh viện ngành Quân đội; 365 cơ sở hành nghề y tư nhân trên địa bàn. Có thể nói, với số lượng các bệnh viện, cơ sở y tế đang ngày càng tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong việc thăm khám sức khỏe một các dễ dàng.

     Tuy nhiên, hàng ngày, tại các bệnh viện đang thải ra môi trường một lượng rác thải rất lớn, trong đó có rác thải y tế nguy hại, chất thải lỏng từ các nhà vệ sinh, phòng bệnh trong bệnh viện chưa được xử lý triệt để. Hầu hết chất thải tại các bệnh viện hiện nay đang được xử lý thủ công là chôn lấp hoặc cho vào bể lắng tập trung xử lý bằng hóa chất Cloromin B rồi tự thấm rút vào lòng đất.

     Trong những năm gần đây, trước tình hình rác thải tại các bệnh viện phát sinh ngày càng nhiều, gây ô nhiễm môi trường, ngành y tế tỉnh nhà đã phối hợp với các tổ chức, chương trình, dự án đầu tư hệ thống xử lý rác thải y tế nguy hại bằng lò đốt tại các bệnh viện, xây dựng các hệ thống xử lý chất thải lỏng.

 

Công nhân thu gom nước thải tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương

 

     Tuy nhiên, việc trang bị các lò đốt, xử lý rác thải y tế hiện nay chưa đồng bộ, 9 bệnh viện được trang bị lò đốt 1 buồng từ năm 2005 (BVĐK các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương, Tân Kỳ, Quỳ Châu, Quế Phong, Thanh Chương, Nam Đàn) đến nay đã hư hỏng phần nhiều; những bệnh viện được trang bị lò đốt 2 buồng theo công nghệ Nhật Bản từ năm 2010 (BVĐK thành phố Vinh, TX Cửa Lò, các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Quỳ Hợp, Anh Sơn, Tương Dương, Kỳ Sơn) đang hoạt động nhưng thường xuyên phát sinh hỏng hóc.

     Ngoài ra, một số bệnh viện hiện nay chưa có hệ thống xử lý rác thải (BVĐK khu vực Tây Bắc đóng tại thị xã Thái Hòa và Bệnh viện Đa khoa Tây Nam đóng tại huyện Con Cuông) vẫn tiếp tục hoạt động. Tại 480 trạm y tế cấp xã cũng xử lý rác thải bằng phương pháp đốt thủ công hoặc chôn lấp.

     Riêng việc xử lý chất thải lỏng, mới đây, một số bệnh viện đã được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải lỏng theo công nghệ mới, như: BVĐK Hưng Nguyên, BVĐK Nam Đàn, BVĐK Thanh Chương... Theo đó, toàn bộ nước thải trong bệnh viện được hệ thống đường dẫn thu gom tập trung về một nơi và tiến hành xử lý theo quy trình khép kín, đảm bảo vệ sinh môi trường.

     Bác sỹ Trần Ngọc Hạnh - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành chia sẻ: Bệnh viện chúng tôi được trang bị lò đốt xử lý rác thải y tế đã lâu, đến nay, lò thường xuyên hư hỏng. Hàng năm, lò đốt ngốn rất nhiều tiền sửa chữa nhưng hoạt động không mấy hiệu quả. Chúng tôi đã đề nghị nhiều lần mà chưa được thay thế. Ở đây, mỗi khi lò đốt hư hỏng, chưa sửa chữa kịp thời thì chỉ còn cách là mang rác đi chôn.

 

Rác thải sinh hoạt tập trung tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nam Đàn

 

     Hiện tại, huyện Yên Thành chưa có bãi rác tập trung nên phải thuê máy múc đào hố chôn rác trên đồi, dần dần, diện tích đất chôn rác cũng hết. Thật sự chúng tôi rất nóng ruột với tình trạng này, nhưng không biết làm thế nào cả. Việc xử lý chất thải lỏng tại Bệnh viện nay đã được tổ chức Liên AID Singapor tài trợ, xây dựng một hệ thống xử lý hiện đại, đã giải quyết vấn đề tồn đọng bao nhiêu năm nay.

     Bác sỹ Đặng Mạnh Bình - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Hưng Nguyên băn khoăn: Hàng năm, việc xử lý rác thải y tế của Bệnh viện tiêu tốn hơn 150 triệu đồng. Ban đầu, chúng tôi cứ nghĩ là sau khi đốt, rác sẽ tan hết thành tro, nhưng thực tế, sau khi dùng điện và dầu diezen đốt 4 - 6 tiếng đồng hồ, rác y tế nguy hại chỉ tan một ít, số còn lại là chai lọ thủy tinh nên phải tiếp tục mang đi chôn. Riêng rác thải sinh hoạt, lâu nay, chúng tôi thu gom tập trung lại, phơi khô rồi đốt. Bệnh viện cũng đang liên hệ với Công ty Môi trường đô thị Vinh để họ thu gom, nhưng họ chưa chấp nhận.

     Theo ghi nhận của chúng tôi, rác thải y tế nguy hại được xử lý bằng công nghệ lò đốt (điện năng + dầu diezen + vôi bột) tại các bệnh viện hiện nay chưa thể tan biến rác hoàn toàn. Vì vậy, sau khi đốt liên tục nhiều giờ đồng hồ, những chai lọ thủy tinh chỉ biến dạng đi một phần, nên bệnh viện phải thu gom số này đưa đi chôn lấp.

     Trao đổi với chúng tôi về thực trạng xử lý rác thải y tế, ông Bùi Đình Long - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết: Vấn đề xử lý rác thải y tế đang hết sức nan giải. Tại bệnh viện tuyến tỉnh, chỉ duy nhất Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An có lò đốt được Bộ Y tế cấp hơn 10 năm nay, công suất từ 400 - 500 kg/ngày, đêm nhưng cũng đã xuống cấp, vận hành ì ạch.

     Hiện nay, Sở Y tế đang cùng các ngành khác tham mưu UBND tỉnh phê duyệt đề án xây dựng hệ thống xử lý rác thải rắn y tế trên toàn địa bàn. Đề án chia làm 2 lộ trình: Giai đoạn 2013 - 2015, tỉnh cấp 12 lò đốt chất thải rắn cho 12 đơn vị chưa có lò đốt hoặc các đơn vị đã có mà hư hỏng: Giai đoạn 2015 trở về sau, tỉnh sẽ xây dựng lò đốt chất thải rắn tập trung. Tuy nhiên, vấn đề thực hiện đề án triển khai dự án xây dựng đang phải chờ đợi vì chưa có kinh phí.

     Hiện nay, một số bệnh viện đa khoa trên địa bàn thành phố Vinh đang chọn giải pháp xử lý rác thải y tế nguy hại bằng cách, hợp đồng trực tiếp với Công ty TNHH Môi trường xanh ở tỉnh Hải Dương. Hàng tuần, khi lượng rác thải được thu gom tập trung đủ khối lượng, Công ty TNHH Môi trường xanh sẽ điều xe ôtô vào vận chuyển rác đem về xử lý.

     Trong những năm gần đây, số lượng các bệnh viện công lập, tư nhân đang ngày càng tăng lên, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Thế nhưng, cùng với đó là lượng rác thải y tế cũng ngày càng nhiều thêm, trong khi đó, hệ thống xử lý rác thải tại các cơ sở y tế hiện nay chưa đồng bộ, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống.

 

P.Linh

Ý kiến của bạn